Trung Quốc: Bác sĩ nhắc việc cần làm để tránh hàng loạt bệnh khi giao mùa

Tịnh Tâm | 13-03-2023 - 14:42 PM

(Tổ Quốc) - Thời tiết giao mùa như hiện nay cũng là lúc các bệnh như cúm, sởi, tay chân miệng, thủy đậu, ban đỏ, norovirus "vào mùa", tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tăng cao.

Mùa xuân là thời điểm "chuyển tiếp", nối giữa mùa lạnh và mùa nóng, nhiệt độ thay đổi bất thường, ngoài bệnh cúm, một số bệnh truyền nhiễm cũng bước vào giai đoạn có tỷ lệ mắc cao. Đồng thời, các vi sinh vật gây bệnh như virus và vi khuẩn cũng bắt đầu hoạt động!

"Các bệnh truyền nhiễm phổ biến vào mùa xuân chủ yếu là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp. Các bệnh do virus bao gồm cúm, sởi, quai bị, thủy đậu...", bác sĩ Ji Shujuan, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Run Run Shaw trực thuộc Đại học Y khoa Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết. Ngoài ra, còn có các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, bao gồm viêm màng não, ban đỏ...

Ông nói rằng trong thời kỳ này, hầu hết các phòng khám đều gặp phải bệnh nhân cúm, chẳng hạn như cúm A, chiếm đại đa số. Nhưng một số ít bệnh nhân bị viêm phổi.

photo-1

Ảnh minh họa: NDTV

Người đàn ông cùng lúc mắc cúm A H1N1 và phế cầu khuẩn

Cách đây vài ngày,  một bệnh nhân ngoài 60 tuổi đến khám tại Khoa Truyền nhiễm, bác có biểu hiện ớn lạnh, sốt 3 ngày, kèm theo ho, khạc đờm, tiêu chảy, xét nghiệm máu các chỉ số viêm nhiễm tăng cao, chụp CT phổi cho thấy bội nhiễm. Do tình trạng nặng, suy hô hấp nên được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực.

"Các xét nghiệm cho thấy nguyên nhân là do cúm A H1N1 và Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn)". Từ trường hợp này, bác sĩ Ji Shujuan nhắc nhở mọi người nên chú ý đến các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao (trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh lý nền) và nhiễm khuẩn thứ cấp sau khi bị cúm, cần chú ý nếu sốt trở lại sau khi nhiệt độ cơ thể đã cải thiện thì nó có thể là do nhiễm trùng vi khuẩn thứ cấp.

Bé 5 tháng tuổi nhiễm norovirus, phát triển thành viêm phổi

Chen Guoqing, Phó trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), gần đây cũng rất bận rộn. Ông cho biết cúm, norovirus, mề đay, tay chân miệng đều là những bệnh dịch mùa xuân mà trẻ em dễ mắc phải.

"Sau Tết Nguyên Đán, thường sẽ có một đợt norovirus bùng phát, sau đó xuất hiện cúm A. Trong khoảng thời gian này, hầu hết trẻ em điều trị ngoại trú đều là cúm A". Sốt, ho, đau nhức cơ... là một số biểu hiện tập trung nhất ở trẻ khi mắc cúm A, một số ít sẽ sốt cao, co giật.

photo-1

Ảnh minh họa: Sohu

"Những bệnh nhân nhỏ trong phòng khám ngoại trú chủ yếu là (cúm) loại bình thường, nhưng cũng có những bé bị viêm phổi". Bác sĩ Chen Guoqing gần đây đã tiếp nhận một em bé 5 tháng tuổi bị ho trong bốn hoặc năm ngày. Khi đến bệnh viện, bệnh tình đã phát triển thành bệnh viêm phổi.

Bác sĩ trưởng Zhou Qin, Phó trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), cũng muốn nhắc nhở mọi người rằng mặc dù cúm A là bệnh lâm sàng chính hiện nay, nhưng khi thời tiết trở nên ấm hơn, bệnh đau thắt ngực do herpes và bệnh tay chân miệng cũng sẽ xuất hiện vào tháng 4 và tháng 5, cần chú ý đề phòng.

Bị bọ cắn phải vào phòng cấp cứu

Ngoài ra, vào mùa xuân, các hoạt động ngoài trời tăng lên và các bệnh truyền nhiễm do côn trùng gây ra cũng dần tăng lên. Mỗi mùa xuân, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm do bọ ve cắn.

Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) từng tiếp nhận một bệnh nhân nam khoảng 60 tuổi, khi đi làm trên núi ông bị bọ ve cắn, tiểu tiện không tự chủ, phải vào phòng cấp cứu.

photo-1

Ảnh minh họa: iHealth3

"Bệnh nhân đã bị nhiễm loại virus bunya mới sau khi bị cắn. Chúng tôi đã điều trị cho những bệnh nhân như vậy gần như hàng năm, nhưng việc vào phòng cấp cứu là tương đối hiếm", Pan Hongying, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết: "Thông thường, khi nhiễm chủng virus mới, điều mà bệnh nhân nhiễm virus bunya dễ cảm nhận nhất là sốt. Nhiệt độ cơ thể thường trên 38 độ C. Trường hợp nặng thì sốt liên tục và có thể lên đến trên 40°C. Một số trường hợp, cơn sốt có thể kéo dài trên 10 ngày, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn… một số trường hợp bị đau đầu, đau nhức cơ, tiêu chảy… và các triệu chứng về đường tiêu hóa, đau cơ, giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu cũng có thể xảy ra sau khi nhiễm virus".

Tuy nhiên, bác sĩ Pan Hongying cũng nhắc nhở mọi người rằng sau khi bị bọ ve cắn, hầu hết mọi người sẽ có các triệu chứng như dị ứng hoặc viêm nhiễm, nhìn chung là nhẹ nên không cần quá hoảng sợ. "Mùa ve hoạt động đến rồi. Các bạn thích hoạt động ngoài tự nhiên phải có biện pháp phòng hộ: mặc quần áo dài tay, quần bó sát, cố gắng không đi dép, bôi thuốc chống côn trùng lên vùng da hở".

Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm vào mùa xuân, bác sĩ Ji Shujuan cũng đưa ra một số gợi ý, về mặt bảo vệ cá nhân, hãy đến những nơi càng ít người tụ tập càng tốt. Nếu đến chỗ đông người phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thay quần áo phù hợp, chú ý nghỉ ngơi, vận động hợp lý, ăn uống điều độ. Để ngăn ngừa bệnh cúm, bạn cũng có thể tiêm phòng cúm. Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy mở các cửa sổ để thông gió và có thể tiến hành khử trùng bằng tia cực tím ở một số nơi đặc biệt.

Nguồn: Kknews, Health