Truyền thông 0 đồng như TikTok, Uber: Tạo chủ để khiến báo chí quan tâm, thành thật thay vì né tránh lỗi lầm

T.D | 27-07-2020 - 06:48 AM

(Tổ Quốc) - Nằm trong khuôn khổ Đề án 844, ngày 24/7, hội thảo "Truyền thông cho startup: Định vị thương hiệu – phát triển thị trường" đã được Văn phòng Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Bộ Khoa học & Công nghệ và Cloud Ace Vietnam phối hợp thực hiện. Mục tiêu của hội thảo nhằm tạo ra không gian chia sẻ - kết nối hướng đến việc thu hẹp khoảng cách giữa startup và người làm truyền thông, báo chí, qua đó gia tăng sự thấu hiểu giữa hai bên.

Đúng như tên gọi, câu hỏi lớn nhất được đặt ra trong hội thảo "Truyền thông cho startup: Định vị thương hiệu – phát triển thị trường" chính là việc làm thế nào để những công ty khởi nghiệp truyền thông hiệu quả với chi phí hạn chế nhất.

Truyền thông 0 đồng: Tạo chủ để khiến công chúng quan tâm

Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Media Ventures Vietnam cho rằng với các startup, nếu dùng tư duy và đổ tiền vào truyền thông như ngành FMCG thì bao nhiêu cũng không đủ. Tuy nhiên cần nhớ rằng "để xây dựng một thương hiệu thì rất tốn kém nhưng không xây dựng thì còn tốn kém hơn".

Vì thế, muốn tiết kiệm chi phí, startup phải biến mình thành chủ đề, thậm chí là người tạo ra xu hướng, tạo áp lực khiến báo chí và công chúng quan tâm, buộc phải nói về mình. Có hai cách chính, một là tập trung vào câu chuyện của founder, hai là tập trung vào sản phẩm và người dùng.

Truyền thông 0 đồng cho như TikTok, Uber: Tạo chủ để khiến báo chí quan tâm, thành thật thay vì né tránh lỗi lầm - Ảnh 1.

Các khách mời đại diện của Media Ventures Vietnam, TikTok Việt Nam, Elsa Speak, ThinkZone và Google CloudAce tham dự hội thảo.

Thương hiệu cá nhân của nhà sáng lập hay câu chuyện của họ có thu hút co-founder, nhân viên và công chúng hay không? Nếu câu chuyện đủ thuyết phục và ấn tượng thì không chỉ giúp thu hút báo chí, khách hàng mà còn cả các nhà đầu tư. Ví dụ điển hình có thể kể đến như câu chuyện khởi nghiệp của chị Văn Đinh Hồng Vũ với Elsa Speak.

Tuy nhiên, theo ông Thanh Sơn, nhiều startup thành công hiện nay chi rất ít tiền cho truyền thông và marketing truyền thống mà tập trung vào sản phẩm, coi sản phẩm là công cụ để tạo nên sự kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là Amanotes, trong rất nhiều năm dù không chi tiền cho truyền thông quảng cáo nhưng vẫn vươn lên dẫn đầu thế giới về game âm nhạc.

Bà Diệp Quế Anh – người từng có kinh nghiệm làm đại diện truyền thông việc cho Uber Việt Nam, Google Việt Nam và hiện đảm nhiệm vai trò Giám đốc Truyền thông TikTok Việt Nam, Philipines và những thị trường mới nổi, cũng chia sẻ chính trường hợp của Uber hay TikTok hiện tại.

Bà cho biết cả Uber, TikTok đều rất hiếm khi nói về founder mà tập trung ngay vào sản phẩm, vấn đề nó giải quyết và giá trị mà nó mang lại. Phòng truyền thông của TikTok cũng là bộ phận "nghèo" nhất trong doanh nghiệp.

Truyền thông 0 đồng cho như TikTok, Uber: Tạo chủ để khiến báo chí quan tâm, thành thật thay vì né tránh lỗi lầm - Ảnh 2.

Bà Diệp Quế Anh - Giám đốc Truyền thông TikTok Việt Nam, Philipines và những thị trường mới nổi.

Cách đây 2 năm, khi mới gia nhập thị trường, ứng dụng đến từ Trung Quốc thường bị coi là "trẻ trâu", vô bổ. Đó là trải nghiệm của người dùng, vì vậy muốn thay đổi định kiến này thì ắt phải thay đổi trải nghiệm khách hàng.

"Chỉ trong 2 năm, TikTok đã có sự thay đổi rất nhiều về mặt nội dung. TikTok không đơn giản chỉ là một nền tảng chia sẻ nội dung mà nội dung đó còn có tính giáo dục, giải trí như thế nào, mang lại giá trị gì cho mọi người", đại diện từ TikTok kể lại.

Ví dụ như chiến dịch "Vũ điệu rửa tay" nhằm kêu gọi mọi người rửa tay bảo vệ bản thân, tránh sự lây lan của Covid-19 đã nhanh chóng lan tỏa ra toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, các video về chủ đề này đã đạt hơn 1 tỷ view chỉ trong 2 tuần. Bên cạnh đó, những chiến dịch vì cộng đồng, thúc đẩy du lịch như Hello Việt Nam, Hello Ninh Bình, Hello Đà Nẵng,… đã dần thay đổi định kiến "trẻ trâu" trong công chúng và thuyết phục người dùng ở nhiều lứa tuổi hơn.

Bà Natalie Đỗ, Giám đốc tăng trưởng toàn cầu Startup Việt tại Silicon Valley Elsa Speak Việt Nam cũng đồng ý rằng, giai đoạn đầu có thể truyền thông tập trung vào câu chuyện của founder. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp thì phải có sự biến chuyển, tập trung vào sản phẩm và người sử dụng nhiều hơn.

Quan trọng hơn cả, dù là founder, người làm truyền thông hay ở bất cứ vị trí nào, bạn cũng phải hiểu rõ sứ mệnh mà startup theo đuổi, nhấn mạnh những giá trị, vấn đề mà doanh nghiệp giải quyết và chỉ ra cho mọi người biết. Ngược lại, nếu chỉ cố gắng định vị mình là "số 1" hay "top đầu" thị trường thì tức bạn đang tạo tiền đề cho sự thất bại.

Truyền thông không chỉ có đối ngoại

Không chỉ truyền thông đối ngoại mà truyền thông nội bộ cũng quan trọng không kém. Đặc biệt, các CEO hay founder phải thành thật với công chúng, với chính đội ngũ của mình. Sự cố rất khó tránh khỏi, quan trọng là tâm thế của mình và cách giải quyết như thế nào.

"Đầu tiên và quan trọng nhất chính là nội bộ, làm cho mọi người bình tĩnh, để mọi người hiểu được chuyện gì đang xảy ra và tại sao nó xảy ra, công ty đang giải quyết như thế nào", bà Diệp Quế Anh chia sẻ.

Đồng thời, phải thành thật, đừng ngại xin lỗi. Con người còn mắc lỗi, huống chi một thực thể quá phức tạp và dễ tổn thương như startup. Khi có tin xấu lan truyền thì hãy mạnh dạn đối diện với truyền thông, đừng để họ đưa tin rằng "founder không tiếp chúng tôi" hay "founder từ chối trả lời".

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) - ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến năm 2025, Đề án 844 (ISEV) dự kiến hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo )ĐMST); 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngày 24/7, đề án 844 đã công bố đã công bố hàng loạt gói hỗ trợ truyền thông cho startup từ các đơn vị truyền thông gồm Báo Công thương, Lê Minh Creative, Truyền hình Nhân Dân & Maymedia, Đài truyền hình VTV8 & Cao đẳng Công thương Miền Trung, VTC10 và Cloud Ace Việt Nam.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM