Tưởng đau dạ dày, người đàn ông bất ngờ phát hiện mình mắc căn bệnh nguy hiểm

Lê Liên | 11-02-2023 - 08:02 AM

Ảnh: BVCC.

(Tổ Quốc) - Bệnh nhân đau vùng bụng trên, tưởng đau dạ dày nên đã đến bệnh viện khám. Nhưng khi khám bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc nhồi máu cơ tim.

Mới đây, người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc Lee Hyun Joong (48 tuổi) có triệu chứng đau ở vùng bụng trên, ngỡ bản thân bị đau dạ dày nên bệnh nhân đã đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, nội soi tiêu hóa. ThS.BS.CKI Trần Thế Vinh, Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, trước nội soi, bác sĩ tim mạch đo điện tim, phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (một dạng nhồi máu cơ tim nguy hiểm, cần can thiệp mở thông mạch vành ngay). Kết quả chụp mạch vành cho thấy động mạch liên thất trước bị tắc hoàn toàn, cản trở máu đến tim, gây ra cơn nhồi máu cơ tim.

"Trường hợp này, đau vùng bụng trên là triệu chứng nhồi máu cơ tim nhưng bệnh nhân nghĩ bị đau dạ dày. Theo quy trình, trước khi nội soi bác sĩ đo điện tim nên mới phát hiện dấu hiệu nhồi máu cơ tim và can thiệp khẩn cấp", BS Vinh nói.

Sau khi phát hiện nguyên nhân, các bác sĩ tiến hành đặt stent tái thông mạch máu khẩn cấp, thời gian từ lúc chẩn đoán đến khi tái thông dòng máu qua tim diễn ra trong vòng 25 phút (rút ngắn gần 60% khoảng thời gian lý tưởng là 60 phút theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch châu Âu và Mỹ). Nhờ can thiệp nhanh, các bác sĩ đã cứu được những vùng cơ tim còn lại, ngăn biến chứng sốc tim, thủng tim… cho bệnh nhân.

Nhồi máu cơ tim có nhiều triệu chứng, gồm đau ngực, khó thở, vã mồ hôi, choáng váng, buồn nôn, đau thượng vị… Không ít bệnh nhân đến bệnh viện muộn vì nhầm tưởng nhồi máu cơ tim là đau dạ dày khi có triệu chứng đau vùng thượng vị hay buồn nôn như trường hợp của bệnh nhân Lee Hyun Joong.

Anh Lee Hyun Joong có tiền sử mỡ máu cao, tăng huyết áp nhưng không điều trị; hút thuốc lá thời gian dài. Anh đến bệnh viện muộn nên đã xuất hiện biến chứng suy tim. Nếu không được tái thông mạch máu kịp thời, khi cơ tim bị tổn thương lan rộng, tim không còn khả năng cung cấp đủ máu cho cơ thể hoặc gây ra nhịp nhanh thất (một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm), bệnh nhân có nguy cơ cao ngừng tim và đột tử.

Bác sĩ Vinh chỉ ra nguyên nhân, việc hút thuốc lá và không điều trị tăng huyết áp cũng là lý do thúc đẩy quá trình hẹp, tắc mạch máu tim ở người trẻ. 

Do đó, sau 20 tuổi, những người trẻ nên khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch (tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá) nên tầm soát bệnh mạch vành để phát hiện bất thường và can thiệp kịp thời. Trong đó, mỗi người nên kiểm tra mỡ máu nhằm chủ động phòng bệnh; đồng thời điều chỉnh lối sống khoa học, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, ăn nhạt giảm muối.

Trong số các cơn đau tim, nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI) thường nghiêm trọng hơn. Đây là một trong ba tình trạng thuộc hội chứng mạch vành cấp tính. Hai tình trạng khác là nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI) và đau thắt ngực không ổn định (đau ngực đột ngột do lưu lượng máu đến tim bị hạn chế, thường xảy ra khi nghỉ ngơi).

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.