VieON vượt khó giữ chân khán giả sau khi ví điện tử ngừng cung cấp dịch vụ

Quang Vũ | 19-09-2020 - 13:18 PM

(Tổ Quốc) - Là ứng dụng OTT có tuổi đời "mầm non" trong giới startup công nghệ Việt, VieON đã - và đáng lý - sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, nếu không gặp phải biến cố đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán bỗng "đóng băng".

Từ đầu tháng 9/2020, nhiều người dùng ứng dụng VieON liên tục phàn nàn khi không thể thực hiện thanh toán các gói dịch vụ thông qua ví điện tử MoMo. Trên ứng dụng, nhà cung cấp dịch vụ liên tục cảnh báo khách hàng về việc thay đổi phương thức thanh toán và đề xuất các biện pháp thay thế. Liên hệ với bộ phận Chăm sóc Khách hàng của VieON, tổng đài này tỏ ra quá tải và cũng chỉ có thể đưa ra câu trả lời tương tự. Tuy nhiên, khi đã quen với sự tiện lợi cùng nhiều khuyến mãi hấp dẫn vốn có, hàng nghìn thuê bao hiện vẫn đang tạm ngưng sử dụng các gói dịch vụ trả phí của VieON để "chờ thanh toán MoMo cho tiện".

Đáng nói, trục trặc chỉ xảy ra với ứng dụng VieON, bởi các giao dịch khác trên ví điện tử MoMo vẫn diễn ra bình thường. Thử liên hệ hotline của MoMo, người dùng nhận được câu trả lời "hiện MoMo không cung cấp dịch vụ thanh toán trên ứng dụng VieON", mặc dù các giao dịch trước ngày 1/9 vẫn được thực hiện bình thường.

VieON vượt khó giữ chân khán giả sau khi ví điện tử ngừng cung cấp dịch vụ - Ảnh 1.

Đông đảo người dùng ứng dụng VieON tỏ ra khá bối rối khi không thể sử dụng MoMo để thanh toán cho gói dịch vụ của VieON

Theo thống kê từ phía VieON, đến đầu tháng 9/2020, có trên 45% người dùng ứng dụng VieON chọn ví điện tử MoMo làm cổng thanh toán. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm ví điện tử này chính thức ngừng cung cấp dịch vụ, với lý do "không còn nhu cầu phát triển kinh doanh các sản phẩm/ dịch vụ với quý công ty" và phớt lờ mọi nỗ lực kết nối của VieON. Động thái của MoMo gây ảnh hưởng trực tiếp đến VieON. Start-up công nghệ vừa mới công bố tốc độ tăng trưởng ấn tượng lên đến 500% mỗi tháng buộc phải đối mặt với nguy cơ đánh mất một lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ. Điều này cũng gây khó khăn đông đảo người dùng - khán giả Việt, khi phải buộc phải chọn giữa các chương trình yêu thích và việc thay đổi phương thức thanh toán, vốn được xem là khá rườm rà.

Được biết, MoMo đã có thông báo bằng văn bản đến VieON về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ từ ngày 15/7/2020 và chính thức "ngắt kết nối" vào đầu tháng 9 vừa qua. Bản thân đại diện VieON cũng phải thừa nhận, các biện pháp "chữa cháy" hiện tại còn khá thụ động, bởi từ trước, VieON đã đặt vấn đề thanh toán qua ví điện tử là một trong những trọng tâm của mọi chiến lược. Đòn giáng bất ngờ này khiến họ khá bối rối, và đang phải xem lại toàn bộ kế hoạch phát triển, vốn hoàn toàn dựa trên nền tảng số.

VieON vượt khó giữ chân khán giả sau khi ví điện tử ngừng cung cấp dịch vụ - Ảnh 2.

VieON áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được Chính phủ khuyến khích, ủng hộ

Dù đang đối mặt với thế trận ngổn ngang, VieON đang sở hữu những lợi thế có thể giúp họ lấy lại phong độ. Đầu tiên, là ứng dụng xem nội dung giải trí trực tuyến thuộc Tập đoàn Đất Việt VAC, VieON nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả Việt nhờ kho nội dung đồ sộ (khoảng 100 kênh truyền hình, 1000 phim điện ảnh, 2000 chương trình ăn khách…) với số lượng lớn các nội dung giải trí độc quyền. Trong đó, người truy cập có thể xem miễn phí nội dung là các phim VOD có kèm quảng cáo, hoặc trả tiền để được xem (và thậm chí là xem trước khi phát sóng) tất cả các nội dung của một gói dịch vụ trong khoảng thời gian nhất định, bao gồm những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh thế giới và Việt Nam cũng như các gameshow "top-trending" như Người Ấy Là Ai, Rap Việt... với độ phân giải sắc nét.

VieON vượt khó giữ chân khán giả sau khi ví điện tử ngừng cung cấp dịch vụ - Ảnh 3.

Các gói dịch vụ của VieON hiện có mức phí khá cạnh tranh so với nhiều ứng dụng OTT khác trên thị trường, do lợi thế không giới hạn thiết bị truy cập

Nếu không gặp "cú quay đầu" bất ngờ của MoMo, "bộ sậu" các phương thức thanh toán của VieON có thể xem là tương đối hoàn chỉnh ở thị trường Việt Nam phục vụ nhiều đối tượng khách hàng và thân thiện với người sử dụng. Quan trọng nhất, tiềm năng của OTT này còn nằm ở mức độ đầu tư nghiêm túc suốt 4 năm chuẩn bị và nỗ lực cải thiện nền tảng công nghệ với sự tư vấn của BCG Digital Ventures - "ông lớn" trong lĩnh vực tư vấn khởi nghiệp từ Mỹ.

Hiện tại, VieON đã bắt đầu những bước đi pháp lý để phản ứng lại động thái bất ngờ của đối tác, thế nhưng những người dùng lạc quan nhất chưa chắc có thể chờ được ngày ví điện tử này quay lại trên VieON, sau những động thái khá "phũ" của MoMo. Ít ra, với những thế mạnh vốn có, ứng dụng OTT thuần Việt phải ổn định và tối ưu hóa các kênh thanh toán, vượt qua khó khăn trước mắt để có thể tiếp tục chinh phục khán giả và lấy lại phong độ tăng trưởng, tiếp tục kế hoạch mở rộng thị trường và đưa các chương trình giải trí chất lượng của Việt Nam phục vụ đông đảo khán giả trong khu vực.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Thương hiệu Diabetna và hành trình 17 năm bền bỉ cùng chung tay giáo dục sức khỏe cho người tiểu đường

(Tổ Quốc) - Với sứ mệnh "Vì sức khỏe người tiểu đường", thương hiệu Diabetna không những được hàng triệu người tin dùng bởi chất lượng sản phẩm mà còn bởi hàng loạt những chương trình ý nghĩa kết hợp với các đơn vị trên cả nước giúp nâng cao kiến thức, thắp sáng niềm tin cho người tiểu đường.