Việt Nam ghi nhận ca bệnh Zika đầu tiên trong năm 2020, loại virus có thể gây dị tật đầu nhỏ cho trẻ

(Tổ Quốc) - Kể từ khi ghi nhận trường hợp bệnh do virus Zika đầu tiên vào tháng 3 năm 2016 tại Khánh Hòa, đến nay cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc, số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Ngày 20/5, Việt Nam ghi nhận một trường hợp đầu tiên trong năm 2020 mắc bệnh do virus Zika. Đó là bệnh nhân nam, 25 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. 

Bệnh do virus Zika là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết hiện vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía Nam trong các năm gần đây. 

Kể từ khi ghi nhận trường hợp bệnh do virus Zika đầu tiên vào tháng 3 năm 2016 tại Khánh Hòa, đến nay cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc, số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, 3 tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Trong những tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, TPHCM.

Việt Nam ghi nhận ca bệnh Zika đầu tiên trong năm 2020, loại virus có thể gây dị tật đầu nhỏ cho trẻ - Ảnh 1.

Zika có thể gây dị tật đầu nhỏ cho trẻ.

Trước tình hình này, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế chủ động triển khai công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch với các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế. Xác định các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết cao của địa phương và tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động đợt 1 theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.

Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.

Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến.

Thời gian ủ bệnh của bệnh do virus Zika không rõ ràng, nhưng có thể là một vài ngày. Triệu chứng tương tự như nhiễm trùng do các vi rút arbo khác, bao gồm sốt, nổi ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp và đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Các triệu chứng này thường nhẹ và kéo dài từ 2 - 7 ngày.

Virus Zika truyền sang người thông qua vết đốt từ muỗi nhiễm bệnh họ Aedes, chủ yếu là Aedes Aegypti ở vùng nhiệt đới. Đây cũng là loại muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya và sốt vàng.

Ổ dịch bệnh do virus Zika được báo cáo lần đầu tiên ở Thái Bình Dương vào năm 2007 ở Yap và Polynesia Pháp 2013, và vào năm 2015 từ các nước châu Mỹ (Brazil và Colombia) và châu Phi (Cape Verde). Ngoài ra, hơn 13 quốc gia ở châu Mỹ đã báo cáo các trường hợp lẻ tẻ nhiễm virus Zika, điều đó cho thấy sự mở rộng địa lý nhanh chóng của virus Zika.

Chẩn đoán virus Zika bằng phương pháp PCR và phân lập vi rút từ mẫu máu. Chẩn đoán bằng phương pháp huyết thanh học có thể khó khăn do vi rút có thể có phản ứng chéo với các vi rút khác thuộc họ flavivirut như vi rút Dengue, Sốt Tây sông Nile và sốt vàng.

Bệnh do virus Zika thường nhẹ và không cần thuốc đặc biệt điều trị. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, và điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt bằng các thuốc thông dụng. Khi triệu chứng nặng hơn, cần tới các cơ sở Y tế để chăm sóc điều trị. Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh.

Minh Nhân

Tin mới