Vợ chồng U40 lên Đà Lạt trồng vườn hồng hơn 3.000 gốc, tận hưởng bình yên

Thủy Tiên | 03-11-2022 - 14:32 PM

(Tổ Quốc) - Yêu hoa hồng từ thuở bé, chị Khanh đã tìm tòi, tự tay trồng hàng nghìn gốc hồng, phủ kín không gian sống quanh nhà.

Giữa không gian thơ mộng, ngập tràn nắng của Đà Lạt, vườn hồng của chị Trần Yến Khanh (SN 1979) khiến bao người phải ngắm nhìn. Hơn 3.000 gốc hoa hồng rực rỡ sắc màu, do chính tay người phụ nữ U40 chăm sóc. Dù bị gai đâm, cào rách da, chị Khanh vẫn tỉ mẩn chăm sóc, tưới tắm, bón phân cho từng gốc hoa.

Người phụ nữ quê Bến Tre tâm sự, thuở nhỏ chị rất thích hoa hồng, ước mơ được trồng một vườn hồng xung quanh nhà. Nhưng năm 4 tuổi, bố mẹ chị Khanh ly dị, chị được bà ngoại đón về nuôi. Chị vừa đi học, vừa gói kẹo thuê, kiếm tiền mưu sinh.

"Thời điểm đó, chưa có điều kiện mua hoa nên nhà nào có hoa hồng tôi đều xin phép đứng ngoài xem ké. Sau này đi làm thuê ở nhà hàng, khách sạn, mỗi năm Tết về, tôi vẫn trích tiền thưởng, mua 10 chậu hồng, trồng xung quanh chỗ làm. Hoa hồng rất khó chăm, mà lúc đó mọi người thấy tôi trồng đẹp nên đều khen", chị Khanh nói.

Chị Khanh yêu thích hoa hồng từ nhỏ 

Năm 2016, chị Khanh và ông xã mua được căn nhà đầu tiên sau hơn 34 năm chật vật đi ở trọ. Thời điểm đó, hoa hồng ngoại rất khó tìm. Chị Khanh lên mạng, tự tìm hiểu các giống hoa, tham gia hội nhóm yêu hoa và được những người đi trước giới thiệu địa chỉ, nơi bán uy tín. Song, tìm mua đã khó, đến công đoạn chăm sóc còn vất vả hơn gấp bội.

"Hoa hồng có mấy trăm loại, từ hồng cổ Trung Quốc, hồng Juliet, Catalina... Lúc mới trồng, ở Bến Tre khí hậu nóng, tôi đầu tư tro trấu, phân 301, phân dê, chất diệt nấm, trộn vào rồi chăm sóc. Mỗi ngày phải tưới, mùa nắng chỉ tưới 2 lần, xịt đẫm lá cho ướt gốc, hàng tuần phải cắt tỉa, bón phân, xịt thuốc, phòng bệnh... Nói chung khá tốn kém!", chị Khanh nói.

Chăm sóc hàng chục gốc hồng, người phụ nữ U40 không dám đeo găng tay vì sợ làm chậm. Thế nên đôi tay của chị Khanh lúc nào cũng chằng chịt những vết sẹo, vết xước. Thấy vợ cực khổ vì mê chơi hoa, chồng chị Khanh ra sức khuyên. 

"Thời gian đầu, chồng tôi không phản đối đâu. Nhưng sau thấy tôi cứ lọ mọ ngoài vườn, không có thời gian nghỉ ngơi, có khi chăm tới hơn 2.000 gốc, anh bảo tôi sức khỏe không có, làm quá cực, da đen thùi lùi. Nhưng nói hoài không được, anh nhảy vào phụ tôi luôn, rồi mê từ lúc nào không biết", chị Khanh cười.

Vườn hồng do chính tay chị Khanh chăm chút tỉ mẩn 

Chuyển về Đà Lạt trồng hoa hồng

Lần đầu trồng hoa, do không có kinh nghiệm, những chậu hồng của chị Khanh còi cọc, có cây chết yểu, héo rũ. Thêm vào đó, khí hậu Bến Tre khắc nghiệt, mùa nắng bông nở đẹp nhưng mùa mưa xuất hiện rất nhiều bệnh. Cuối năm 2019, vườn hoa của chị Khanh bị nhiễm mặn. Xót hoa, chị chi hơn chục triệu tiền đổi sang nước ngọt, tưới tắm cho cây nhưng vẫn khó phục hồi lại.

"Tôi tốn hơn 80 triệu đổi nước tưới cho cây, nhưng nước vẫn có gốc từ đất mặn, nên nhiều cây vẫn chết. Tôi xót, nói với chồng, em thấy trên Đà Lạt họ trồng, ít chăm, bông to mà đẹp. Mình lên kiếm miếng đất nhỏ nhỏ, đem hết mấy chậu hồng lên đó. Từ Bến Tre lên Đà Lạt 400km, tôi thuê 6 chiếc xe chở lên hết", chị Khanh tâm sự.

Chị Khanh đem hoa lên Đà Lạt trồng 

Mảnh đất nhỏ chị Khanh mua ở Đà Lạt nằm trên khu vực đồi cao nhất, ngay gần khu trung tâm. Thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất thích hợp với loài hoa hồng. Nửa tháng đầu, hàng nghìn gốc hồng của chị Khanh không cần chăm sóc song vẫn cho bông to, cánh dày, hương thơm đậm hơn gấp nhiều lần trồng ở Bến Tre.

"Giờ da tay tôi thô thiển, đen, xấu, gai đâm tùm lum. Tuy cực nhưng vui. Giờ cả 2 vườn hồng có 3000 - 4000 gốc, toàn cây to, hơn 300 chủng loại từ các nước, Nhật, Pháp, Trung,...

Con tôi bảo: Mẹ ơi mẹ chơi chừng vài chậu thôi, cực quá. Nhưng giống hồng khi đã trồng xuống đất ổn định, nhàn lắm. Ở trên Đà Lạt khí hậu lạnh, bông nở to, tỏa hương thơm cực kỳ", chị Khanh vui vẻ kể.

Vợ chồng U40 bỏ phố thị lên Đà Lạt, trồng vườn hồng hơn 3.000 gốc thỏa đam mê - Ảnh 4.

Khu vườn tràn ngập màu sắc rực rỡ, tỏa hương thơm ngát

Ở tuổi 43, chị Khanh và chồng tận hưởng niềm vui tuổi trung niên với vườn hồng rực rỡ sắc màu. Mỗi ngày chị đều ra vườn nhổ cỏ, cắt bỏ cành điếc, lá bệnh. Chị nắm rõ các kỹ thuật trồng hoa hồng, có thể kể vanh vách từng đặc tính, cách chăm sóc mỗi loại hoa.

Chị Khanh dự định 7 năm nữa sẽ về hưu, chuyển sang ươm cây giống để bán. "Trước đây tôi sống khổ cực, nhờ phước mà giờ theo đuổi được đam mê. Tôi sẽ chăm vườn hồng đẹp hơn, dăm cành, ươm cây nhưng chỉ bán nửa giá thôi. Tôi muốn ủng hộ những người từng không có điều kiện như mình mà vẫn thỏa mãn được tình yêu với hoa".

Ảnh: Nhân vật cung cấp