Bạn bè lên chức, lập gia đình, mua nhà mua xe: Còn tôi đang làm cái gì vậy?

Như Quỳnh | 16-11-2022 - 09:00 AM

(Tổ Quốc) - "Bạn đã trải qua những loại áp lực nào tới từ những người bạn đồng trang lứa?".

Có thể một số trong chúng ta sớm đã phải trải qua áp lực “con nhà người ta” ngay từ khi còn nhỏ, từ học lực, kĩ năng sống, tính cách cho tới ngoại hình... Sự lo lắng và áp lực này có thể tới từ cha mẹ, hoặc tới từ chính bản thân.

Lớn lên, khi có mạng lưới xã hội của riêng mình, sự so sánh hay nảy sinh khoảng cách là rất khó tránh khỏi, đặc biệt là khi chúng ta ở vào thế yếu, lo lắng và căng thẳng là điều rất dễ xảy ra.

Dưới đây là một vài chia sẻ thực tế từ một vài bạn trẻ về cái gọi là “áp lực đồng trang lứa”.

Trang: "Có rất nhiều áp lực tới từ bạn bè, từ ngoại hình, kiến thức đến chuyên môn, tôi thường xuyên cảm thấy sao bạn bè ai cũng có cuộc sống tốt và ổn định, còn tôi tới một chút tiền tiết kiệm cũng còn không có; hồi đi học đại học cũng cảm thấy mình là đứa kém nhất trong lớp, đâu đâu cũng toàn người giỏi giang. Năm ngoái, một đàn em khóa dưới đã mua được một căn nhà, còn tôi thì vẫn đang ở nhà thuê…".

Dương: "Giờ sếp trong công ty cũng kém tôi 1 tuổi".

Bạn bè lên chức, lập gia đình, mua nhà mua xe: Còn tôi đang làm cái gì vậy? - Ảnh 1.

Có rất nhiều áp lực từ bạn bè đồng trang lứa (Ảnh: Pinterest)

Nga: "Nếu khoảng cách giữa bản thân và bạn bè quá xa, tâm lý so sánh nhất định sẽ xuất hiện. Điều khiến tôi cảm thấy áp lực đó là một người bạn lớn hơn tôi một tuổi đã kết hôn, vừa sinh em bé thứ hai, nó khiến tôi bất giác tự hỏi, “Rốt cuộc mình đang làm cái gì vậy?” Nhưng qua vài ngày thì lại ổn thôi, tôi cũng không còn đố kị hay ngưỡng mộ nữa, bởi lẽ còn nhiều người khác cũng giống tôi!".

Minh: "Ngày xưa khi còn đi học, không có khái niệm gọi là “áp lực đồng trang lứa”. Dẫu sao thì học giỏi học dốt cũng chưa đủ để sản sinh ra áp lực, bản thân tôi cũng ý thức được rằng mình không phải là kiểu có năng khiếu… Nhưng sau khi đi làm rồi, thứ áp lực này mới biểu hiện ra rất rõ ràng.

Bởi vì chúng tôi theo học ngành thiết kế nên rất dễ để biết ai có năng khiếu, ai không, rất nhiều bạn học có độ nhạy cảm với màu sắc và thiết kế rất cao, còn tôi thì dường như thiếu tài năng trong lĩnh vực này, chăm chỉ siêng năng tới mấy cũng không thể đuổi kịp những người có thiên phú. Sau này, tôi chuyển sang làm bất động sản, nhưng cũng chẳng khá hơn, tôi nhận ra là nhiều đồng nghiệp bằng tuổi đều có gia cảnh rất tốt, EQ cũng rất cao, điều này luôn khiến tôi cảm thấy có sự khác biệt rất rõ rệt, và nảy sinh tâm lý lo lắng".

Nhật: "Có lẽ tôi không kỳ vọng nhiều ở bản thân, tôi chỉ muốn mình khỏe mạnh là đủ rồi. Hàng tháng còn bận cày tiền trả tiền mua nhà nên không quá bận tâm tới chuyện so sánh bản thân với người khác. Trước đây, tôi đã từng bị trầm cảm và rối loạn lo âu, vì vậy tôi ý thức được tác hại của việc tự đặt ra cho bản thân quá nhiều áp lực, tránh việc so sánh bản thân với người khác.

Tôi không còn sống vội, kiểu như tới một độ tuổi nào đó bạn phải làm được một chuyện gì đó, khỏe mạnh giờ là ưu tiên hàng đầu của tôi.

Nếu rơi vào tình trạng tồi tệ, tôi sẽ tự động viên mình rằng thế giới ngoài kia còn nhiều người không được may mắn như mình, để không bị áp lực tâm lý quá lớn".

Quân: "Trong một hoặc hai năm đầu sau khi tốt nghiệp, tôi luôn bị áp lực đồng trang lứa, trang cá nhân ngập tràn những hình ảnh thành đạt và ổn định của bạn bè, còn tôi, tôi luôn cảm thấy xấu hổ về bản thân và rơi vào trạng thái lo lắng. Vừa đi làm vừa phủ nhận bản thân, tôi luôn cảm thấy rất mệt mỏi. 

Cũng chính từ lúc đó, tôi muốn tìm kiếm sự thay đổi, tôi học rất nhiều các khóa học khác nhau, đọc nhiều loại sách khác nhau. Nhờ việc đọc nhiều và gặp gỡ được nhiều người có nghị lực trong các lĩnh vực khác nhau, tôi dần dần buông bỏ được những định kiến mà tôi từng tự đặt ra cho chính mình. Tôi hiểu được rằng mỗi người đều có tần số riêng, và so sánh là việc làm vô dụng nhất. Một cuộc sống hạnh phúc phụ thuộc vào sự hài lòng từ chính bên trong của bản thân. Tôi của hiện tại, yêu bản thân hơn, biết ơn gia đình và biết ơn tất cả những gì tôi đã gặp. Tuy thu nhập không cao nhưng hầu như lúc nào tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm. Ham muốn ít hơn, nội tâm phong phú hơn. Khi bạn nghiêm túc với công việc và cuộc sống của chính mình, mọi thứ sẽ ngày càng tốt đẹp hơn".

Bạn bè lên chức, lập gia đình, mua nhà mua xe: Còn tôi đang làm cái gì vậy? - Ảnh 2.

Một cuộc sống hạnh phúc phụ thuộc vào sự hài lòng từ chính bên trong của bản thân (Ảnh: Pinterest)

Mạnh: "Cuộc sống của tôi luôn rất tốt đẹp từ khi đi học cho tới khi đi làm, thi vào biên chế, mọi thứ đều như trong kế hoạch. Nhưng tôi cũng có áp lực từ bạn bè, tôi cảm thấy cuộc sống của mình quá rõ ràng và tẻ nhạt, trong khi của những người khác lại đầy màu sắc. Làm việc hành chính, vì vậy tôi luôn khao khát một thế giới tự do và đầy màu sắc, nhưng tôi cũng không thể buông bỏ cuộc sống ổn định này. Sự ổn định này cũng khiến tôi hoảng sợ, và cách tôi giải quyết cơn hoảng sợ là lướt Internet và tiếp xúc với nhiều người hơn, cư dân mạng là vị cứu tinh của tôi. 

Một cách khác là các kỳ thi, tôi tìm thấy giá trị của bản thân thông qua kỳ thi, gần đây, tôi đang nghĩ tới việc tham gia kỳ thi CPA (Certified Public Accountants - những kế toán viên công chứng được cấp phép). Giờ đây, nhìn những lựa chọn của người khác, tôi không còn đố kị nữa, thay vào đó, tôi đứng từ lập trường của họ để hiểu họ, ủng hộ họ hơn".

Hằng: "Vì thi lại đại học, nên tôi luôn có một suy nghĩ trong đầu rằng bạn bè ai cũng vào đại học sớm hơn tôi, bước vào xã hội sớm hơn tôi, cưới hỏi và có gia đình sớm hơn tôi. Tôi từng nghĩ đó là áp lực đồng trang lứa, nhưng thực tế đó là cảm giác vội vàng, căng thẳng khi nhịp độ cuộc sống lệch với kỳ vọng của tôi. 

Và thỉnh thoảng, khi đến một nơi nào đó có nhịp sống chậm rãi, ít tốn kém hơn trong một thời gian ngắn, áp lực gần như biến mất, tôi nhận ra rằng thì ra với mức lương không cao lắm của mình, tôi hoàn toàn có thể sống nhàn hạ ở nơi này. Không có áp lực từ gia đình và bạn bè khi ở một nơi khác, tôi cảm giác như mình lấy lại được sự tự tin trong cuộc sống. Vì vậy, lý do tôi vẫn đang làm việc chăm chỉ là để chuyển đến thành phố lý tưởng đó, thỉnh thoảng đi uống nước với những người bạn mới, trò chuyện và tận hưởng niềm vui của cuộc sống trong điều kiện của bản thân".

Như: "Tôi dường như chưa từng cảm thấy áp lực từ bạn bè. Đối với tôi, cuộc sống của mỗi người là khác nhau. Tôi không cần phải so sánh với đủ mọi kiểu người để tìm ra hướng đi và mục tiêu cho riêng mình. Nếu gặp được người ưu tú hơn bản thân, vậy thì học hỏi ưu điểm đó từ người ta, dù học rồi cũng không thể hoàn hảo như họ, tôi cũng không cảm thấy xấu hổ hay áp lực gì cả".

Tạm kết

Ở thời đại này, chúng ta ai cũng muốn vươn lên dẫn đầu, không muốn bị tụt hậu lại phía sau, chúng ta ai cũng đều có những lắng lo trong lòng, ai cũng có lúc cảm thấy cái gọi là áp lực đồng trang lứa. Nhưng bạn biết không, có thể bạn không dẫn đầu, nhưng cũng chưa chắc đã tụt lại phía sau, bạn chỉ cần sống tốt cuộc sống của chính mình.

Thời gian ở New York nhanh hơn ở California 3 tiếng, nhưng thời gian ở California không vì thế mà chậm lại. Có người 22 tuổi tốt nghiệp, nhưng phải mất tới 5 năm mới tìm được công việc thích hợp. Có người 25 tuổi đã là CEO nhưng 50 tuổi qua đời. Cũng có người 50 tuổi mới làm CEO nhưng sống tới 90 tuổi. Có người vẫn độc thân, nhưng cũng có những người đã kết hôn. Mỗi người trên thế giới vốn dĩ đều có một múi giờ phát triển riêng. Có những người tưởng chừng như đang đi trước bạn, cũng có những người tưởng chừng như ở phía sau, không cần ghen tị hay chê cười họ, bởi mỗi người đều có một tiết tấu cuộc sống riêng. Thế giới này ồn ào lắm bạn ạ, cứ là chính mình là đủ rồi!

Nguồn: Sina

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM