Bắt ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc: Luật sư nói gì?

Hoàng Hải | 08-06-2022 - 18:22 PM

(Tổ Quốc) - Theo quan điểm của TS. Luật sư Đặng Văn Cường, với các tội danh bị khởi tố, ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc, Nguyễn Thanh Long có thể đối mặt mức án từ 15 đến 20 năm tù.

Các sai phạm liên quan đến Việt Á

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Chu Ngọc Anh; ông Phạm Công Tạc về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Việc khởi tố, bắt giam các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc và Nguyễn Thanh Long nằm trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định hành vi sai phạm của ông Chu Ngọc Anh ở thời kỳ ông này làm Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ. 

Khi đó, ông Chu Ngọc Anh có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Còn ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước

Ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ bị cáo buộc có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo Kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Nêu quan điểm về vụ việc, TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tội danh mà ông Nguyễn Thanh Long bị khởi tố là một trong những tội thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ, hình phạt là rất nghiêm khắc.

Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" áp dụng với người có chức vụ quyền hạn, vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Tội danh này trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Điều đặc biệt trong vụ án này là người bị khởi tố là Bộ trưởng Bộ y tế, người đứng đầu ngành y tế có trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Ở thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cả xã hội hoang mang, lo lắng và trông chờ rất nhiều vào lực lượng phòng chống dịch bệnh thì các bị can lại lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, lợi dụng vị trí công tác để làm trái công vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Vụ việc xảy ra tại công ty Việt Á cho thấy thiệt hại rất lớn về tài sản và thậm chí còn có thể là tính mạng sức khỏe của hàng trăm, hàng ngàn người dân.

Theo quy định của pháp luật thì lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy khi kết án, tòa án sẽ cân nhắc đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có mức hình phạt phù hợp đủ răn đe, giáo dục đối với các bị cáo, đồng thời để phòng ngừa chung cho xã hội.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác là hành vi nào, hành vi phạm tội được thể hiện qua các chứng cứ nào.

Yếu tố vụ lợi ở đây có bao gồm việc nhận tiền, tài sản từ Công ty Việt Á hay không? Trong trường hợp có nhận tiền, tài sản thì đó là bao nhiêu tiền? 

Cơ quan điều tra sẽ thu giữ những tài sản do phạm tội mà có đồng thời có thể tiến hành niêm phong, kê biên tài sản của bị can để đảm bảo thi hành án trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã thực hiện hành vi gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy bị can đã nhận tiền, tài sản từ công ty Việt Á thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận tiền tài sản này có sự thỏa thuận để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền hay không?

Trường hợp nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì đây là hành vi nhận hối lộ, hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 354 BLSH.

Trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000đ (một tỷ đồng) trở lên thì hình phạt sẽ ở khung cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Còn trường hợp người có chức vụ quyền hạn nhận tiền, lợi ích vật chất từ phía công ty Việt Á nhưng không có thỏa thuận thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì hành vi không cấu thành tội nhận hối lộ mà đây là hành vi của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bắt ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc: Luật sư nói gì? - Ảnh 1.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp.

Số tiền, tài sản nhận được là yếu tố vụ lợi, toàn bộ số tiền tài sản này sẽ bị thu giữ.

Ngoài ra cơ quan tố tụng sẽ làm rõ hành vi của bị can có gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân hay không?, nếu có thì mức độ ra sao và đánh giá trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị can trong vụ án có đồng phạm.

Bởi vậy trong quá trình điều tra vụ án này cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành xác minh tài sản của bị can, tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phong tỏa, kê biên tài sản, đảm bảo thi hành án.

Với tội danh trên thì ông Nguyễn Thanh Long đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc có thể đối diện hình phạt 20 năm tù 

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, tội danh mà ông Chu Ngọc Anh và ông Phạm Công Tạc bị khởi tố được áp dụng đối với người có chức vụ quyền hạn trong việc quản lý sử dụng tài sản của nhà nước nhưng đã có hành vi vi phạm, sử dụng tài sản của người được giao quản, sử dụng tài sản nhà nước....

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm, cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định rõ hành vi của người đó đã vi phạm quy định cụ thể nào của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Tài sản được giao quản lý là tài sản nào, việc quản lý theo tiêu chuẩn chế độ định mức nào, hành vi phạm tội được thực hiện như thế nào, gây thiệt hại ra sao là những yếu tố quan trọng để xác định tội danh, làm cơ sở để quyết định mức hình phạt.

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra thì Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ nghiên cứu kit xét nghiệm phòng Covid-19 với số tiền gần 20.000.000.000đ.

Tuy nhiên quá trình quản lý sử dụng số tiền này không đúng mục đích, không đúng tiêu chuẩn định mức, kế hoạch theo quy định của pháp luật gây thất thoát lãng phí số tiền này, đồng thời tạo cơ hội để Công ty Việt Á thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Bởi vậy hậu quả của vụ việc này là rất nghiêm trọng, hành vi là nguy hiểm cho xã hội nên cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam với ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Công Tạc về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo quy định tại khoản 3, Điều 219 bộ luật hình sự.

Với tội danh trên thì 2 bị can này phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù. Đây là tội danh mới được quy định trong BLHS năm 2015.

Theo TS. Luật sư Cường, đây là một vụ án chấn động dư luận, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội làm giảm sút uy tín của nhân dân đối với đảng và nhà nước, khiến cho công tác phòng chống dịch bệnh tốn kém lãng phí, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân nên ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã đưa vụ án này vào điện chỉ đạo và tiến hành xử lý triệt để, nghiêm minh để đảm bảo công bằng, răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.

Việc đấu tranh với tội phạm về tham nhũng và chức vị liên quan tới phòng chống dịch như vậy là cần thiết, rất kịp thời và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Để phòng chống tham nhũng hiệu quả thì phải có những bước đi phù hợp, phải chỉ ra được tất cả những nguyên nhân điều kiện của tội phạm tham nhũng để tìm cách loại trừ những nguyên nhân điều kiện đó.

Thông thường thì công thức phòng chống tham nhũng chung là hướng đến mục tiêu làm sao để cho người có chức vụ, quyền hạn không muốn tham nhũng - không cần tham nhũng - không thể tham nhũng và không dám tham nhũng.

Để làm được điều đó thì cần phải hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách pháp luật phù hợp, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người có chức vụ quyền hạn và đặc biệt là cần phải tăng cường công tác quản lý, phải chặt chẽ về quản lý, giám sát để cho người có chức vụ quyền hạn muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được, đồng thời việc phát hiện kịp thời xử lý nghiêm minh là giải pháp cuối cùng trong các khâu của phòng chống tham nhũng.

Nếu thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp phòng và chống tham nhũng, đặc biệt là thực hiện có tuần tự thì công tác phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả cao nhất.

Đồ hoa: Tuệ Nhật

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM