Bức thư ba gửi con trai 4 tuổi trước khi đưa mẹ đi sinh em bé thứ 2 khiến ai nấy nghẹn ngào

An Chi | 28-11-2023 - 15:26 PM

(Tổ Quốc) - Mong rằng các em bé sẽ luôn được yêu thương, dù có thêm em thì bố mẹ vẫn luôn yêu thương tất cả các con!

Có thêm em bé là sự kiện trọng đại với mọi gia đình. Trước khi lên kế hoạch có thêm thành viên mới, ba mẹ phải chắc chắn bản thân đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, từ kinh tế, thời gian... cho đến tâm lý của con cả. Việc có thêm một em bé, người sẽ san sẻ tình yêu thương của bố mẹ là một điều không hề dễ dàng, đặc biệt khi con đã quen với việc luôn là số 1 trong lòng bố mẹ. 

Dĩ nhiên, cả con và em bé vẫn đều là những người mà bố mẹ yêu nhất. Thế nhưng, để con cả biết chấp nhận và yêu thương em thì rất cần sự quan tâm, nuôi dạy đúng cách của bố mẹ. Không ít gia đình rơi vào cảnh con đầu rất ghét em, thay đổi thái độ, trở nên ương bướng vì cho rằng em chính là người lấy đi bố mẹ của mình. 

Hot mom Trinh Phạm, beauty blogger cũng vừa chào đón con gái thứ 2 có tên Phô Mai được vài ngày. Trong quá trình mang thai, cô luôn tâm sự, trò chuyện, giải thích với con trai đầu là Bơ về sự xuất hiện của em bé. Cả hai vợ chồng Trinh Phạm đều mong con hiểu rằng bố mẹ luôn yêu thương cả 2 anh em. Và vì vậy, cậu bé Bơ rất mong ngóng, hồi hộp chờ đón em ra đời. 

Trước ngày đi sinh, chồng Trinh Phạm đã viết một bức thư gửi cho con trai. Nội dung đơn giản nhưng là tấm lòng, tình cảm của ba mẹ muốn gửi gắm đến con trai đầu. Nhiều người cảm thấy nghẹn ngào, xúc động và cảm thấy Bơ quả là một cậu bé may mắn khi nhận được tình yêu thương của ba mẹ lớn như vậy. 

Bức thư ba gửi con trai 4 tuổi trước khi đưa mẹ đi sinh em bé thứ 2 khiến ai nấy nghẹn ngào - Ảnh 1.

Bức thư đáng yêu ba gửi con trai đầu.

"Tối nay ba mẹ sẽ đến viện để đón em Phô Mai về, ba mẹ sẽ đi vắng khoảng 5 hôm. Vậy là gia đình mình sắp có thêm thành viên mới, Bơ lên chức anh hai rồi đấy. Ba mẹ hiểu những lo lắng, bỡ ngỡ của con khi sắp có thêm em, nhưng cũng cảm thấy con rất vui vẻ vì sắp có người để chia sẻ đồ chơi. Làm anh trai lớn, trọng trách cũng lớn hơn nhưng ba mẹ tin rằng con sẽ làm tốt.

Dù có thêm em bé nhưng tình yêu của ba mẹ dành cho con vẫn sẽ không bao giờ tay đổi. Ba mẹ yêu hai con như nhau, hai con vẫn sẽ là niềm tự hào của mẹ và ba. Và ba mẹ biết con rất thương em và sẽ luôn là nah trai tốt như cách mà con vẫn thường quan tâm tới mọi người xung quanh. Ba mẹ sẽ cô gắng về nhà sớm, đừng lo lắng con nhé! Yêu Bơ!", trích một phần bức thư. 

Trẻ em luôn cần nhận được sự thương yêu, quan tâm, tôn trọng và cần được đối xử như các anh chị em của mình. Dù con có thế nào thì bố mẹ cũng cần công bằng trong việc dạy dỗ và chăm sóc chúng chu đáo.

Bơ và em gái nhỏ mới sinh. 

Cha mẹ có hành vi đối xử không công bằng với con sẽ khiến chúng khó quên được. Trẻ sẽ nhớ mãi về những lời nói hay hành động thể hiện sự phân biệt của cha mẹ với mình, thậm chí điều này còn ăn sâu vào tiềm thức khiến trẻ có suy nghĩ mình bất tài, vô dụng, đáng bị xem thường, từ đó dần dần thu mình lại.

Không chỉ vậy, nếu bị bố mẹ đối xử không công bằng, sau này khi trưởng thành, con cũng sẽ có xu hướng đối xử với anh chị em và con cái như vậy. Bởi con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, chúng sẽ học theo hành động từ bố mẹ, chính vì vậy, phụ huynh cần cẩn trọng và tinh tế trong việc đối xử với các con của mình.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, nguyên nhân chính khiến trẻ ghét em là bởi bố mẹ đã vô tình khiến trẻ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi. Từ việc đang được mọi người yêu chiều nhất bỗng trở thành người bị cho ''ra rìa'' khiến trẻ tủi thân, dẫn đến tâm lý muốn được làm em bé để được ôm, được bế và được chiều nhiều hơn.

Vì vậy, bố mẹ hãy thật tinh tế trong những hành động, lời nói của mình để tránh làm tổn thương trẻ. Đôi khi con có mong muốn được ôm, được bế hoặc đưa đi chơi, mẹ hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu đó để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm và yêu thương.

Ngoài ra, ba mẹ cũng nên thỉnh thoảng dành một chút thời gian riêng tư cho ''anh cả'' hoặc ''chị cả'' bằng cách gửi em bé cho ông bà để đưa trẻ đi chơi. Điều này giúp trẻ cảm thấy bố mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình. Đừng để con phải chịu ấm ức, tủi hờn chỉ vì bố mẹ đối xử không công bằng, thiên vị anh/ chị/ em của bé hơn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM