Chống hàng giả trên mạng: Cần xây dựng công nghệ định danh người bán, chứng cứ mua bán

Hà Giang | 15-12-2023 - 20:45 PM

(Tổ Quốc) - Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho rằng, đã đến lúc phải bàn đến chế tài xác định danh tính của người tham gia bán hàng trên mạng. Môi trường online phải được đối xử như môi trường truyền thống nhất là trong xu hướng môi trường này ngày càng sôi động.

Lần đầu tiên, chuỗi Hội thảo chuyên biệt về các giải giáp phòng chống hàng giả trong TMĐT được tổ chức tại 03 miền Tổ quốc. Hội thảo có nhiều tham luận của đông đảo lực lượng chức năng và là một trong những hoạt động thiết thức nhằm triển khai Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025".

Báo Điện tử Tổ Quốc trao đổi với ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường:

Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm online cao

-Ông nhận định thế nào về tình hình mua sắm online trong những năm gần đây?

+ Hiện nay xu hướng mua hàng của người dân đang chuyển mạnh từ truyền thống sang mua hàng online, cụ thể là trên các website, mạng xã hội. Người dân chỉ cần đặt hàng online và 2-3 ngày được giao tận tay. Việc bán hàng online đã trở nên rất dễ dàng. Thậm chí một cửa hàng mở bán ở một địa chỉ nào đó nhưng "lives tream" bán hàng trên khắp cả nước.

Chống hàng giả trên mạng: Cần xây dựng công nghệ định danh người bán, chứng cứ mua bán   - Ảnh 1.

Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Nguồn: Tổng cục QLTT)

Nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm online cao nhất Đông Nam Á. Gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số.

Hiện, các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đang là nơi mua sắm phổ biến của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện thì việc mua bán trên TMĐT đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

-Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì việc bán hàng online là xu hướng tất yếu. Nhưng những bất cập mà phương thức bán hàng này mang lại là gì, thưa ông?

+ Bên cạnh sự thuận tiện thì việc mua bán trên TMĐT đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.Cùng với những lợi ích mà phương thức bán hàng này mang lại thì việc mua bán trên TMĐT cũng phát sinh nhiều bất cập, trong đó điển hình là việc trà trộn kinh doanh các mặt hàng giả, nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn TMĐT, mạng xã hội trở thành vấn đề rất "nóng". Số vụ vi phạm và xử lý không ngừng gia tăng, với tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh,… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online trên các nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến TMĐT, với các mặt hàng giả là túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm... Những mặt hàng này chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài và nhập lậu về Việt Nam. Do đó, lực lượng quản lý thị trường đã xác định công tác chống hàng giả trên TMĐT là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thời gian qua, lực lượng QLTT đã nỗ lực trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận với nhiều vụ việc lớn được phát hiện, ngăn chặn, thậm chí khởi tố, điển hình như vụ phát hiện, xử lý các kho hàng giả tại Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã khởi tố 02 đối tượng; vụ buôn bán mật ong giả tại Hà Nội khởi tố 01 đối tượng; kho hàng tại Tuyên Quang hay mới đây nhất là vụ việc tại Pleiku (Gia Lai).

Với vụ việc tại Gia Lai, quá trình theo dõi, QLTT chứng kiến các đối tượng này livestream bán hàng trên Facebook với lượng theo dõi lên đến hàng chục ngàn người. Khi lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của các đối tượng cho thấy 100% sản phẩm hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng.

Đây chỉ là một trong số nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng TMĐT mà lực lượng QLTT đã triệt phá thời gian qua.

-Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong xử lý các vụ việc gian lận trong bán hàng trên nền tảng TMĐT?

+Quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù trong kinh doanh hàng hóa online, như: địa điểm mua bán khó xác định, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó xác định, chứng cứ dễ thay đổi. Hơn nữa việc thanh toán qua trung gian khiến quá trình truy vết gặp khó, hay hàng hóa chủ yếu trên thông qua các đơn vị vận chuyển để giao nhận nên vô tình các công ty chuyển phát lại trở thành bên vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu,...

Một số vụ việc lực lượng quản lý thị trường buộc phải theo dõi xe vận chuyển từ nơi xuất phát đến tận nơi dỡ hàng tại kho cách hàng trăm ki-lô-mét rồi mới có thể ập vào kiểm tra hàng hóa. Chưa kể trong thời buổi TMĐT bùng nổ mạnh mẽ, chỉ cần có thiết bị di động thông minh kết nối mạng internet thì ai, ở đâu cũng có thể hằng ngày livestream bán hàng đi khắp nơi và ngược lại. Thậm chí với loại hình TMĐT xuyên biên giới, các hành vi vi phạm còn vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Chống hàng giả trên mạng: Cần xây dựng công nghệ định danh người bán, chứng cứ mua bán  - Ảnh 2.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh giới thiệu các đặc điểm nhận diện hàng hóa chính hãng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhân dịp mở cửa Phòng trưng bày “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. (Nguồn: Tổng cục QLTT).

TMĐT là "mặt trận" đấu tranh chủ yếu của lực lượng QLTT sắp tới

-Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ phải quyết liệt như thế nào, thưa ông?

+ Ngăn chặn các vi phạm trên TMĐT không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ công vẫn là lực lượng quản lý thị trường, phải chủ động hơn nữa đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý; xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm. Muốn chống gian lận trên TMĐT thì bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật cần sử dụng công cụ bằng công nghệ phù hợp, hữu hiệu để định danh được người bán, chứng cứ mua bán...

Tháng 3/2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025. Đề án đã sửa đổi, bổ sung và khắc phục những khoảng trống pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.

Bên cạnh đó, Đề án còn góp phần bảo đảm hoạt động TMĐT diễn ra minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam.

Nói chung, TMĐT sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng QLTT trong vòng ba đến năm năm tới. TMĐT tăng trưởng rất nhanh, nếu không đấu tranh mạnh mẽ, đây sẽ là nơi hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ phát triển tràn lan, khó kiểm soát.

-Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!