Chuyện về cô gái xứ Huế dạy tiếng Việt và văn hoá Việt trên đảo Jeju

Minh | 26-12-2022 - 21:17 PM

(Tổ Quốc) - Học kỳ 1 vừa qua, cô giáo trẻ đã dạy tiếng Việt và văn hoá Việt ở 13 trường cấp 2 trên đảo Jeju (Hàn Quốc). Và cô đang rất hạnh phúc với công việc của một giáo viên.

Cô giáo trẻ lan tỏa văn hóa Việt

Lê Ngọc Uyên Sa (26 tuổi, Thừa Thiên Huế) đến Jeju từ tháng 4/2022 theo hợp đồng với Sở Giáo dục tỉnh Jeju với công việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Cơ hội trở thành một giáo viên tiếng Việt trên đảo đến với Uyên Sa khá bất ngờ. Sau khi tốt nghiệp Đại học, cô làm thông dịch viên cho một công ty Hàn Quốc có văn phòng tại TP. HCM. Sau 3 năm gắn bó, cô nhân viên muốn xê dịch, và vừa hay ngay lúc đó Sở Giáo dục tỉnh Jeju đăng thông tin tuyển giáo viên. Cảm thấy đây là một cơ hội tốt và bản thân cũng phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, Uyên Sa mạnh dạn ứng tuyển.

"Sau các vòng hồ sơ và phỏng vấn thì mình cũng may mắn được nhận. Khi là sinh viên, mình từng nhận được học bổng du học ngắn hạn tại Đại học Kyunghee (Seoul), nên mình cũng có chút quen thuộc với đất nước Hàn Quốc. Chuẩn bị nhiều nhất chắc là tinh thần đối mặt với mùa đông ở đây, vì mấy năm vừa qua mình sống ở TP.HCM khá nắng nóng", cô hài hước kể.

Chuyện về cô gái xứ Huế dạy tiếng Việt và văn hoá Việt trên đảo Jeju  - Ảnh 1.

Uyên Sa hiện đang là giáo viên dạy tiếng Việt và văn hoá Việt trên đảo Jeju.

Vì là giáo viên trực thuộc Sở chứ không thuộc một trường cụ thể nào, nên Uyên Sa có cơ hội dạy ở khá nhiều trường trên đảo. Học kỳ 1 vừa qua, cô giáo trẻ đã dạy ở 13 trường cấp 2 trên đảo. Có những trường sẽ tổ chức lớp tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong suốt 1 học kỳ, cũng có những trường chỉ có 1- 2 tiết ngoại khóa văn hóa,... 

Vì vậy,  lịch trình của cô giáo trẻ thay đổi khá linh động và gần như thay đổi theo từng tuần. Uyên Sa chú trọng đến nội dung dạy văn hoá hơn cả, kèm theo đó là một số hoạt động trải nghiệm như trang trí áo dài, nón lá, chơi trò chơi dân gian,... phù hợp với lứa tuổi của học sinh cấp 2.

Cô bật mí: "Một trong những điều mình nhận ra khi làm công việc này là đa số học sinh chỉ biết đến Việt Nam qua một số hình ảnh rất cơ bản như: phở, áo dài, xe máy. Vậy nên mình mở rộng những kiến thức mà các em đã biết.

Ví dụ như nói về ẩm thực, mình sẽ chia sẻ cho học sinh về việc nền ẩm thực Việt Nam đa dạng hơn rất nhiều chứ không phải chỉ có mỗi một món phở nổi tiếng, mà từng miền sẽ có những nét độc đáo riêng. Hoặc là một trong những điểm khác biệt về dân tộc của Việt Nam và Hàn Quốc đó là: Hàn Quốc là dân tộc đơn nhất (chỉ có 1 dân tộc Hàn), trong khi Việt Nam có đến 54 dân tộc, từ đó nói đến sự đa dạng về văn hóa, phong tục của các dân tộc Việt Nam,…".

Một số hình ảnh trong lớp học của cô giáo trẻ. 

Hiện tại, Uyên Sa đang sống trong khu nhà do Sở Giáo dục tỉnh Jeju cấp cho giáo viên nước ngoài. Tại đây, cô quen biết nhiều giáo viên đến Jeju để dạy văn hóa, ngôn ngữ của các nước và được hỗ trợ rất nhiều.

Thời gian đầu ở Jeju với Uyên Sa có lẽ vấn đề giao thông là khó khăn nhất. Cô di chuyển bằng xe bus, vì dạy ở nhiều nơi nên phải di chuyển khá nhiều, trong khi giao thông công cộng trên đảo thì cũng chưa thực sự thuận tiện. Có những ngày mà thời gian di chuyển của Uyên Sa kéo dài đến 5 tiếng đồng hồ. Khi có tiết dạy sớm ở trường xa nhà, có khi cô giáo trẻ phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị cho kịp vào lớp đúng giờ.

Uyên Sa dự định sẽ làm công việc dạy học ở trên đảo Jeju thêm khoảng 2 năm. Tết này, cô được nghỉ phép 2 tuần nên sẽ về Việt Nam thăm gia đình. 

Những câu chuyện hạnh phúc trên đảo Jeju

Niềm vui của Uyên Sa đến từ việc học sinh ứng dụng tiếng Việt vào giao tiếp hàng ngày. Các em thường chào nhiều thầy cô khác bằng tiếng Việt, hay đố nhau từ này từ kia có nghĩa là gì. Khi thấy các em bày tỏ sự bất ngờ, trầm trồ về ngôn ngữ và văn hoá Việt cũng như có ý thức tìm hiểu thêm, cô càng thấy mình có thêm nhiều động lực để cố gắng.

Một số hình ảnh Uyên Sa chụp ở Jeju.

Trong ngày tôn vinh giáo viên ở Hàn Quốc, học sinh tặng cô giáo trẻ một giấy khen có khắc dòng chữ tiếng Hàn, tạm dịch: "Nhờ có cô mà chúng em yêu thích tiếng Việt hơn".

Là một người học ngôn ngữ, Uyên San cũng đặc biệt yêu thích tiếng địa phương của người Jeju. Người dân ở đây rất yêu và trân trọng tiếng địa phương của họ. Ví dụ như ở cổng chính bảo tàng thành phố Jeju vẫn ghi một câu chào mừng bằng tiếng địa phương, menu một số nhà hàng vẫn dùng tiếng địa phương để ghi tên một vài nguyên liệu hoặc món ăn.

Uyên Sa khá thích chụp ảnh, mà Jeju thì lại rất thơ. Mỗi khi có thời gian rảnh, cô cầm máy ảnh đi lưu lại những khoảnh khắc đẹp trên đảo. Cô giáo trẻ còn có một trang blog nhỏ trên mạng xã hội Facebook để đăng những tấm hình mình chụp trên đảo, đặt tên là "Jeju palette (Bảng màu Jeju).

Ảnh: NVCC

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM