Cổ phiếu hay đất có thời điểm lạm phát mua được nhưng có khi lạm phát cao mua lại thua lỗ, mấu chốt ở dòng tiền

(Tổ Quốc) - Thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền rẻ, lãi suất thấp. Việt Nam có lợi thế là kiểm soát tốt lạm phát hơn nên dư địa chính sách tiền tệ vẫn có thể bung lụa được.

Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%.

Việt Nam dường như vẫn nằm ngoài vòng xoáy lạm phát cao đang diễn ra trên nhiều nền kinh tế thế giới. Ở nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, lạm phát đã chạm mốc 6,2%, mức tăng cao nhất 30 năm trở lại đây. Giá xăng và năng lượng tăng cao cũng đẩy lạm phát ở các nước Châu Âu tăng cao nhất trong 13 năm.

Dù lạm phát chưa hiện hữu nhưng vẫn là một nguy cơ lớn với nền kinh tế nước ta. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bước sang năm 2022, trên thế giới và trong nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, khiến nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đồng thời sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát. Chắc chắn việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành cao lên, chi phí sản xuất cũng cao lên, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu sang các nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mới đây cũng nói rằng, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, "rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn".

Nguy cơ lạm phát tăng cao, khẩu vị của nhà đầu tư cũng có nhiều thay đổi

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Dũng Khánh _ Giám đốc tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank King Eng phân tích rằng, khi giá tiêu dùng của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 31 năm, nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao vào cả năm 2022 khiến nhà đầu tư ồ ạt bán các tài sản rủi ro cao để tìm tới vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát đã khiến tài sản này tăng vọt cho thấy dòng tiền có xu hướng dịch chuyển dần sang nhóm kênh đầu tư an toàn hơn.

Tuy vậy, với Việt Nam, giãn cách xã hội trong một thời gian dài khiến chỉ số bán lẻ giảm khá mạnh nên CPI chưa tăng mạnh ngay. Ông Khánh nhận định năm 2022, lạm phát vẫn kiểm soát ổn định trong 6 tháng đầu năm.

"Việt Nam có lợi thế là kiểm soát tốt lạm phát hơn nên dư địa chính sách tiền tệ vẫn có thể bung lụa được. Các nước khác lạm phát đã tăng cao nên dư địa hầu như là không còn, ngay cả Fed cũng phải thắt chặt lại, Chính phủ Mỹ vừa mới bung ra gói 1.000 tỷ USD nhưng cũng là gói cuối rồi. Năm sau thì lạm phát có thể gia tăng nhưng mức lạm phát vẫn nằm dưới mục tiêu thường kỳ của Quốc hội đề ra đó là dưới 4%", vị chuyên gia nói.

Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều lời hô hào, càng lạm phát càng phải đầu tư cổ phiếu đất. Thực tế cổ phiếu bất động sản đã có đà tăng trưởng mạnh bằng lần trong thời gian rất ngắn vừa qua, bất chấp nhiều doanh nghiệp lỗ, kinh doanh bết bát cũng như triển vọng tương lai.

Cổ phiếu hay đất có thời điểm lạm phát mua được nhưng có khi lạm phát cao mua lại thua lỗ, mấu chốt ở dòng tiền - Ảnh 1.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank King Eng

Ông Khánh cho rằng, thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền rẻ, lãi suất thấp cũng như các chính sách hỗ trợ kinh tế ít nhất cho đến khi các chính sách thắt chặt hơn. Tuy vậy, ở khắp nơi trên thế giới thì 2 thị trường này đều đang ở mức đỉnh của đỉnh, nhiều mã cổ phiếu cũng như giá đất đã tăng giá hàng chục, hàng trăm lần chưa kể chu kỳ quá dài (như chứng khoán Mỹ đã tăng 13 năm liên tục) nên rủi ro chắc chắn là không nhỏ nhất là với các nhà đầu tư có tỷ trọng đòn bẩy lớn. Do đó việc có thể đạt tỷ suất sinh lợi tốt như trước là rất khó dù mức độ tăng trưởng vẫn còn.

"Lĩnh vực nào thì các cũng coi mình là nhất, thường nhà đầu tư có xu hướng bảo vệ nồi cơm của mình thôi. Ông ôm đất hô đất hấp dẫn, dân chứng khoán nói chứng khoán hấp dẫn, ngân hàng kêu gửi tiết kiệm vì các kênh khác đang rủi ro. Góc nhìn thường mang tính chủ quan của đối tượng nhưng muốn kiếm tiền phải đánh giá được xu hướng bao quát, xu hướng của dòng tiền. Lạm phát cao, mua chứng khoán, mua đất cũng là một quan điểm nhưng thường họ không để ý lạm phát cao, có thời điểm mua được có thời điểm mua lại rất rủi ro thua lỗ lớn. Cái này phụ thuộc vào dòng tiền. Lạm phát cao nhưng chính sách tiền tệ vẫn còn nới lỏng, lãi suất vẫn còn thấp. Việc siết lại dòng tiền theo tôi, trong 6 tháng tới 1 năm tới là chưa có vì lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát", vị chuyên gia nhận định.

Một yếu tố rủi ro lớn nữa đó là Việt Nam có nền kinh tế mở 200% GDP, ký nhiều hiệp định thương mại tự do nên khi các nền kinh tế lớn trên thế giới lạm phát, thì việc xuất khẩu lạm phát của các nước này có thể tác động tới Việt Nam, khi đó Việt Nam trở thành nước nhập khẩu lạm phát. Nếu quá chủ quan, nới lỏng tiền tệ quá mức, dự địa nới lỏng còn nhưng phải cẩn thận bởi những yếu tố bên ngoài biến đổi rất là nhanh. Chẳng hạn như biến chủng biến chủng mới Omicron chứng khoán và giá hàng hoá rơi rất mạnh và nhanh. Mọi thứ có thể xảy ra nên đừng quá chủ quan nên nhà đầu tư cần chú ý yếu tố rủi ro.

Khẩu vị đầu tư cổ phiếu trong nền kinh tế lạm phát cao

Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Lý Xuân Hải cũng nhận định thời đại tiền tệ dễ dãi này còn kéo dài, ngắn là 2-3 năm, dài là 7 năm hoặc 10 năm. Năm 2029-2030 sẽ có trật tự tiền tệ mới. Lạm phát thế giới tăng kỷ lục theo ông Hải sẽ gây nhiều rủi ro cho Việt Nam như về rủi ro nhập khẩu lạm phát cộng với lạm phát nội địa như năm 2008 do đứt gãy chuỗi cung ứng. Bị đòn kép: đã bị cảm lại bị đau tim. Rủi ro này hiển hiện và rất lớn!

Thứ hai là rủi ro lệch pha tăng trưởng. Thế giới mở cửa kinh tế, chuỗi cung ứng hồi phục trở lại mà ta vẫn ngụp lặn đóng cửa, ngăn sông cấm chợ chống dịch và tự mình tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đi một mình với động cơ tăng trưởng cũ thì khả năng chúng ta thành "trái tim bên lề" với tăng trưởng toàn cầu là hiển hiện. Các doanh nghiệp FDI hiện hữu rút khỏi Việt Nam không dễ dàng và không nhanh được. Nhưng điều ấy không nguy hại bằng việc các dòng FDI chất lượng cao trong tương lai bỏ qua Việt Nam. Lệch pha tăng trưởng thì mời họ vào khó hơn nhiều so với đồng pha.

Thứ ba là rủi ro lệch pha chính sách tiền tệ. Nếu các nền kinh tế lớn thắt chặt tiền tệ chống lạm phát còn ta vẫn tìm cách nới lỏng để chống suy thoái sẽ rất khó bởi thanh khoản nguồn vốn thấp, thu hút vốn đầu tư không dễ dàng chút nào và chi phí rất lớn.

Ông Lý Xuân Hải cho rằng, về đầu tư trong nền kinh tế lạm phát nên ưu tiên các tài sản "chống lạm phát" như cổ phiếu năng lượng, hàng hoá cơ sở nhất là vàng và các loại cổ phiếu "chống lạm phát dòng tiền ổn định" như y tế, giáo dục, viễn thông, tiện ích cơ bản, tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên với dự báo các biện pháp chống lạm phát chỉ là "chiến thuật" thì các tài sản giá trị (cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng cao), bất động sản vị trí tốt sẽ có cơ hội lớn. Những ngành nghề trọng yếu nên nhắm đến là: bán lẻ (online và off-line), viễn thông, dịch vụ tài chính, năng lượng và hàng hoá cơ sở. Những ngành này 15-20 năm nữa vẫn tiềm năng ở Việt Nam.

Bạch Huệ

Tin Cùng Chuyên Mục
ĐHĐCĐ MSB thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng

ĐHĐCĐ MSB thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024 với 2 kế hoạch lớn của năm 2024 được đồng thuận là kế hoạch kinh doanh năm và phương án tăng vốn lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.
Tin mới