Dạy con 1 đằng, làm trước mặt con 1 nẻo: Chuyên gia chỉ ra 4 lỗi sai cha mẹ thường mắc phải

Tú Anh Nguyễn | 02-08-2021 - 00:55 AM

(Tổ Quốc) - “Chỉ có bắt chước là giỏi!”, đúng rồi ba mẹ ạ, con trẻ không giỏi giang gì, nhưng giỏi nhất là bắt chước và thể hiện lại theo tất cả những gì chúng thấy.

Dưới đây là 4 lỗi phổ biến mà phụ huynh chúng ta có thể mắc phải.

1. Cách chúng ta cư xử khi người khác mắc lỗi

Khi nhìn thấy người khác mắc lỗi (vợ chồng, ông bà, cô bác giúp việc…), chúng ta thể hiện thái độ gì? Miệt thị? Chì chiết? Mắng mỏ? Chê bai?

Lỗi sai thì ai cũng mắc cả. Nhưng cách cha mẹ đối xử với lỗi sai của người khác sẽ dạy con 1 suy nghĩ rằng: "Liệu mình có nên để cho bố mẹ biết rằng mình mắc lỗi hay không? Nếu mình mắc lỗi, liệu bố mẹ có đay nghiến, mắng mỏ và chì chiết mình như thế hay không?" (Nếu có, chắc nên che giấu luôn thì hơn).

2️. Cách chúng ta cư xử khi chính bản thân mắc lỗi

Khi con mắc lỗi, người lớn thường nói gì? "Đi khoanh tay lại và xin lỗi ngay lập tức!"; "Đi úp mặt vào tường và hối lỗi đi!", "Biết mình sai ở đâu chưa? Lần sau còn tái phạm nữa hay không?".

Khi người lớn mắc lỗi, chúng ta thường làm gì? Lẳng lặng thu dọn hiện trường hoặc tìm cách sữa lỗi trong im lìm, thầm mong đừng ai phát hiện? Tìm lí do "bởi, vì, thì, là, mà, tại…" để biện minh cho lỗi sai, chỉ với mục đích chứng minh rằng "Lỗi này không phải do tôi, mà là do khách quan" mà thôi.

Hoặc tệ nhất là: "Con đừng nói với ai là bố / mẹ lỡ làm vậy nha".

Dạy con 1 đằng, làm trước mặt con 1 nẻo: Chuyên gia chỉ ra 4 lỗi sai khi dạy con cha mẹ thường mắc phải - Ảnh 1.

Cha mẹ cho dù có nỗ lực giảng dạy, lý thuyết, chỉ bảo rằng: "Con phải thế này…", "Con phải thế kia…", nhưng nếu thực tế không làm như vậy thì con sẽ không nghe lời là chuyện dễ hiểu. (Ảnh minh họa)

3️. Cách chúng ta lắng nghe

Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta có:

Thật sự LẮNG NGHE người khác nói chuyện với 100% sự chú ý không?

Buông tay rời mắt khỏi điện thoại khi trò chuyện với người khác không?

Để cho người khác nói hết câu trọn ý rồi chúng ta mới nói điều mình cần nói, hay người khác nói nửa câu chưa dứt lời thì chúng ta xen ngang? "Biết rồi im đi nghe nè..".

Có thể hiện sự tôn trọng người khác, dù cho họ có suy nghĩ và ý kiến bất đồng với mình, hay khăng khăng "bạn sai rồi, tôi mới đúng" và bắt người khác phải theo ý mình?

Nói năng có lịch sự, đúng phép với tông giọng nhẹ nhàng, đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, tôn kính trên dưới trước sau hay không?

Nếu có thực hiện đầy đủ hết, thì khi đó mới có thể mong đợi con biết cách: lễ phép, nói năng lịch sự, tôn trọng người lớn, không nói leo ngắt lời, và biết cách cư xử hợp tác được.

4️. Cách chúng ta thể hiện sự bực bội, tức tối

Bản thân cha mẹ mỗi khi bực tức, thường làm gì? Có lẽ là: than phiền, nhăn nhó, đá thúng đụng nia, la hét, đập bàn ghế, ném đồ đạc… thậm chí có thể "giận cá chém thớt" lên con cái, vợ chồng, cô bác giúp việc.

Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta cho rằng vì chúng ta là người lớn, đi làm và kiếm ra tiền, có quyền hành trong nhà, nên chúng ta CÓ QUYỀN được bực bội và thể hiện cơn bực tức (!?!).

Cảm xúc bực tức là một cảm xúc bình thường. Ai cũng có quyền bực tức. Con trẻ cũng có lúc bực tức vì những lí do vô cùng là trẻ con. Nhưng người lớn chúng ta thường không muốn thừa nhận cảm xúc bực tức của con, và rất thường xuyên phủ nhận cảm xúc của con bằng cách nói: "Có cái gì ghê gớm đâu?"/ "Con bình tĩnh lại đi được không?"/ "Con có thôi ngay đi không, liệu hồn..".

Thực tế là: trẻ con chưa có đủ khả năng ngôn ngữ và nhận thức để hiểu rõ tường tận mình đang cảm thấy như thế nào, và vì sao mình lại cảm thấy như vậy. Và con lại càng chưa có khả năng để nói ra một cách điềm tĩnh: "Mẹ ơi con cảm thấy tức quá vì em nó cứ giành đồ chơi của con".

Parent coach Tú Anh Nguyễn

HÀNH VI chính là một loại NGÔN NGỮ để con DIỄN ĐẠT ra ngoài CẢM XÚC mà con đang cảm thấy bên trong. Và con cần phải học và điều chỉnh hành vi trong quá trình lớn lên.

 Khi đó, HÀNH VI chính là một loại NGÔN NGỮ để con DIỄN ĐẠT ra ngoài CẢM XÚC mà con đang cảm thấy bên trong. Và con cần phải học và điều chỉnh hành vi trong quá trình lớn lên. Vậy, con sẽ nhìn vào ai và học từ đâu cách thể hiện cảm xúc bực tức một cách phù hợp?

Cha mẹ cho dù có nỗ lực giảng dạy, lý thuyết, chỉ bảo rằng: "Con phải thế này…", "Con phải thế kia…", mà nếu thực tế trong sinh hoạt hàng ngày cha mẹ ông bà lại không thực hiện đúng như những gì mình đã nói để dạy con, thì xác suất là câu mắng mỏ này: "Nói bao nhiêu lần mà sao không nghe" sẽ không thể thuyên giảm.

Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý Trẻ em & Gia đình, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh, trực tiếp hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ Nuôi dạy con Tích cực.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn còn là một chuyên gia đào tạo chương trình quốc tế TRIPLE P – Positive Parenting Program, được Liên Hiệp Quốc và CDC xếp hạng là một trong 4 chương trình dạy con hiệu quả nhất thế giới, dựa trên bằng chứng khoa học.

Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.

Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM