Đình Chèm - ngôi đình cổ xưa bậc nhất Việt Nam: Nguồn gốc của tên gọi Từ Liêm và cuộc kiệu đình lịch sử để lại câu hỏi lớn cho hậu thế

(Tổ Quốc) - Ở làng T'lem xưa có một ngôi đình cổ tạc ghi về một nhân vật huyền sử. Trải qua bao phong ba tuế nguyệt, hai ngàn năm nay, ngôi chùa cổ vẫn nép mình bên bờ sông Hồng, trấn giữ cho non nước nơi này.

Vào những ngày cuối tháng 2 âm lịch, sự việc đốn hạ cây đa đình Chèm 2.000 năm tuổi ở Hà Nội bỗng gây xôn xao dư luận. Việc tu bổ, tôn tạo đình chùa là không hiếm, nhưng việc đốn hạ cây đa - loài cây được cho là nơi trú ngụ của thần trong quan niệm dân gian lại là chuyện hoàn toàn khác.

Trong dịp tôn tạo đình Chèm mới đây, vụ việc cây đa trước đình bị đốn hạ gây xôn xao dư luận.

Tìm về đình Chèm, gặp người làng Chèm mới thấy sự tiếc nuối của họ là có lý do. Mỗi cành đa rơi xuống như từng giọt nước mắt của những người gắn bó với nó mấy chục năm nay. "Thần cây đa, ma cây gạo" - câu phương ngữ in hằn trong tâm trí mỗi người Việt vốn đã bao hàm ý nghĩa thiêng liêng của loài cây này. 

Vì vậy, việc cây đa bị đốn hạ cũng mang tới những âu lo khó nói nên lời. Bởi đình Chèm ôm ấp trong mình từng phần lịch sử suốt hàng nghìn năm của địa phương, như một phần máu thịt của mảnh đất chốn kinh kỳ.

Cây đa

Nhiều người dân không khỏi bất ngờ, bàng hoàng và hụt hẫng khi không còn thấy cây đa rợp bóng.

Đình Chèm - ngôi đình cổ độc đáo bậc nhất Kinh thành Thăng Long xưa

Chèm là tên nôm, tên chữ là Thụy Điềm, sau đổi là Thụy Hương, rồi lại đổi là Thụy Phương. Chữ Chèm trong tiếng Việt cổ là T'lem (đọc là Tờ-Lèm), khi đọc theo lối Hán hoá là Từ Liêm, bởi vậy có thể coi đây là một trong những nguồn gốc tạo nên tên gọi huyện Từ Liêm (mà nay là hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm).

Trải qua thăng trầm suốt hơn 2.000 năm, đình Chèm phủ lên mình một lớp rêu phong của lịch sử. Hàng nghìn năm nay, đình Chèm lặng lẽ nép mình bên bờ sông Hồng cuộn đỏ phù sa, là nơi thờ cúng, chốn sinh hoạt tín ngưỡng của người dân ba làng: làng Chèm (Thuỵ Phương), làng Xá (Hoàng Xá) và làng Liên (Liên Mạc).

Nơi đây phụng thờ Đức Thánh làng Chèm Thượng Đẳng Thiên Vương, tên là Lý Thân, còn gọi là Lý Ông Trọng. Được thờ cùng với Đức Thánh Chèm là Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung sống dưới thời An Dương Vương.

Trong cuốn Việt điện u linh, cũng như ngọc phả của đình ghi lại thì đình Chèm được xây dựng từ thế kỉ VII. Đình Chèm có kiến trúc độc đáo, theo lối "nội công ngoại quốc" - lối kiến trúc bên trong có hình chữ Công(工), bên ngoài có hình chữ Quốc (国).

Cây đa

Các bậc thềm đều bị "lột sạch" một cách khá mạnh tay.

Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ xưa bậc nhất tồn tại gần như nguyên vẹn ở Việt Nam. Mặc dù có bị hư hao theo năm tháng, nhưng với chân tâm phụng thờ, người dân quanh vùng đã cố gắng gìn giữ từng chút một. Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng chính sự linh thiêng của ngôi đền đã tự nó nói giữ sự vẹn nguyên này.

Câu hỏi lớn về cuộc kiệu đình không tưởng

Đình Chèm toạ lạc sát bên sông Hồng đỏ phù sa, vào mùa mưa lũ hằng năm, đình Chèm luôn bị ngập lụt. Bởi thế mà đình Chèm cũng đã qua nhiều lần trùng tu. Đặc biệt vào 1916, người dân làng Chèm đã tiến hành nâng toàn bộ ngôi đình lên cao thêm 2.4m bằng phương pháp thủ công. Vậy mà kiến trúc đình vẫn được bảo tồn gần nguyên vẹn, từ bố cục đến kiểu dáng. Điều này cũng là câu hỏi lớn cho hậu thế, rằng bằng cách nào mà các cụ khi xưa có thể kiệu cả khối gỗ nặng như vậy mà không ảnh hưởng đến kiến trúc của đình?

Cây đa

Đình Chèm năm 1930 qua tư liệu của Pháp

Lễ hội Chèm được diễn ra vào ngày 15 tháng 5 âm lịch. Các nghi thức quan trọng của hội đều tổ chức ở đình Chèm. Hội Chèm gồm nhiều hoạt động ý nghĩa như lễ mộc dục (tắm tượng), rước nước, rước kiệu, dâng hương, hội thi bơi, bắt vịt nước, thả chim bồ câu,...

Theo thánh phả có ghi, hội đình Chèm tổ chức nhằm kỷ niệm ngày khải hoàn mừng công thắng trận và lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong kháng chiến chống giặc phương Bắc.

Nhưng ẩn sâu đằng sau những lễ nghi ấy là mong muốn cầu mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, cầu cho mùa màng bội thu của người dân gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước của đồng bằng châu thổ sông Hồng. 

Năm 1990, đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Ngày 25/6/2018, đình Chèm được nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt của Chính phủ với những giá trị về kiến trúc, văn hoá. Trước đó, hội đình Chèm cũng được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Có thể thấy rằng, hiếm có ngôi đình làng nào được đánh giá đặc biệt về cả di tích và lễ hội như vậy.

Huyền sử Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng

Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng là một trong "Tứ Đại Trụ Thần". Bốn vị tối linh ở nước ta được cho là "Hương, Bổng, Đổng, Đằng". Trong đó, Hương là Thuỵ Hương Lý Thân, Bổng là Phù Đổng Thiên Vương, Đổng là Huyền Thiên Trấn Vũ, Đằng là vua Mây họ Phạm.

Theo chính sử

Lý Ông Trọng là một nhân vật huyền sử, sinh ra tại làng Chèm, nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội. Lý Ông Trọng sống vào cuối đời Hùng Vương thứ 18 và những năm đầu dưới thời An Dương Vương. 

Trong Đại Việt sử ký toàn thư mô tả Lý Ông Trọng "cao 2 trượng 3 thước". Trong cuốn Từ Nguyên thì cho rằng "thân dài một trượng ba thước, khí chất đoan dũng, khác với người thường".

Lúc trẻ, Lý Ông Trọng đến hương ấp làm lực dịch. Khi bị trưởng quan đánh đòn, ông có than rằng: "Người ta ở đời có tráng chí, hãy nên như chim loan, chim phương bay cao chín tầng trời, bay xa ngàn vạn dặm, chứ lẽ nào quanh quẩn mãi ở đây, chịu để cho người ta hành hạ?".

Sau đó, Lý Ông Trọng quyết tâm tu chí, dùi mài kinh sử, sau sang nước Tần bang giao, được vua Tần trọng dụng. Trong cả Đại Việt sử ký và Việt điện u linh đều ghi lại rằng, ông được cho làm quan tới chức Tư lệ hiệu uý.

Mỗi lần trùng tu, phải chăng sự rêu phong, cổ kính của ngôi đình lại hư hao thêm một phần?

Theo dân gian

Mặc dù truyền thuyết dân gian có nhiều dị bản khác nhau về sử tích Đức Thánh Chèm nhưng trong cuốn Lĩnh Nam chích quái, huyền tích Lý Ông Trọng cũng được viết rất rõ.

Chuyện kể rằng, vào thời vua Hùng Vương thứ 18, ở làng T'lem (Chèm ngày nay) có một cậu bé tên Lý Thân, hay còn gọi là Lý Ông Trọng. Từ khi chào đời, cậu bé Lý đã to khoẻ và lớn nhanh như thổi, cao đến hai trượng ba thước. 

Lớn lên với bản tính lương thiện, thương người, có lần thấy tên lính huyện đánh đập dân phu dã man, ông Lý nổi giận đánh chết tên lính huyện và bị triều đình khép tội chết. Tuy nhiên, vua Hùng thấy Lý Ông Trọng khoẻ mạnh, có tài nên không nỡ giết. Đến thời nhà Thục, ông trở thành tướng giỏi, được cử đi sứ giao bang với nước Tần.

Thấy Lý Ông Trọng khoẻ mạnh, cao to khác thường, biết không phải người thường, bèn ngỏ ý mời vị sứ giả phương Nam trừ giặc Hung Nô. Vua Tần phong cho ông làm Vạn Tín Hầu, tiên phong một đội quân hùng mạnh, ra quân trận nào thắng trận ấy. 

Mặc dù nước Tần đã thống nhất, uy danh ngàn dặm xa. Tuy nhiên, biên giới phía Bắc luôn bị quân Hung Nô lăm le xâm phạm. Kể có Vạn Lý Trường Thành bao bọc nhưng quân Tần vẫn nhiều phen phải khốn đốn. Vua Tần phái Lý Ông Trọng đến trấn giữ đất Lâm Thao, thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay. Uy danh lừng lẫy của Lý Ông Trọng khiến quân Hung Nô phải khiếp sợ, nhìn từ xa đã run rẩy, hồn xiêu phách lạc.

Hồi sau, vua Tần vì trọng dụng, tin yêu mà muốn giữ chân ông nên bèn gả công chúa Bạch Tĩnh Cung, gọi là Tây Cung công chúa. Có thể nói rằng, là một sứ giả giao bang, vừa được phong chức, vừa trở thành phò mã, thật hiếm trong lịch sử cả hai nước.

Thế rồi, phồn hoa đô hội, danh lợi quan trường nơi đất khách quê người chẳng thể giữ nổi chân ông. Tâm tư và cõi lòng của ông luôn hướng về phương Nam, ngày đêm mong mỏi sớm ngày được hồi hương để đoàn tụ gia viên.

Nghe tin đó, quân Hung Nô lại lăm le xâm phạm bờ cõi nước Tần. Vua Tần lại sai sứ sang nước ta lúc bấy giờ, thỉnh mời Lý Ông Trọng trở về giúp. Lúc ấy, Lý Ông Trọng tìm cớ thoái lui, muốn yên vị ở quê nhà, không muốn phục vụ nước Tần. Ông bèn kiếm kế giả chết, khiến vua Tần đành đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng. Pho tượng này rỗng, bên trong chứa được vài chục người, có chỗ điều khiển được tay chân, đặt ở cửa Tư Mã Hàm cung. Khi quân Hung Nô định kéo sang, nhìn từ xa thấy pho tượng cứ ngỡ Lý Ông Trọng. Đám quân vội vàng tháo chạy tứ phía, không dám tiến về nước Tần.

Đình Chèm nép mình bên sông Hồng cùng với lối kiến trúc đặc biệt được chạm khắc tinh xảo.

Đến nhiều trăm năm sau, tài năng và uy danh của vị sứ giả người Việt Lý Ông Trọng vẫn khiến nhiều tướng lĩnh Trung Hoa phải cúi đấu kính nể. Tương truyền, có hai tướng nhà Đường là Triệu Xương và Cao Biền, mải mê tìm long mạch nước Nam để trấn yểm. Họ từng mộng thấy Lý Ông Trọng mà kinh tâm động phách, hốt hoảng lo sợ. Sau đó, họ liền sai người khắc tượng gỗ sơn son thếp vàng, tu bổ đền thờ nguy nga, đem lễ vật tiến dâng, khói hương lúc nào cũng đủ đầy, nghi ngút.

Hiện nay, ở làng Chèm, huyện Từ Liêm, Hà Nội, tại ngôi đình cổ thờ Lý Ông Trọng vẫn còn pho tượng cao 8m cùng nhiều giá trị linh thiêng, chẳng thế mà danh sĩ Phạm Sư Mạnh có nói về chốn thiêng đình Chèm, nơi thờ Lý Ông Trọng như sau:

Văn Lang thành cổ sơn trung điệp

Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng

(Văn Lang thành cổ non trung điệp

Ông Trọng đền thiêng mây nhạt nồng)

Có lẽ, đình làng Chèm là ngôi đình duy nhất ở nước Nam ta có hướng quay về phương Bắc. Điều đó giống như cách dân chúng làng Chèm thể hiện thành ý với người công chúa rất mực yêu chồng, tuy sống xa xứ nhưng luôn hướng về nơi quê cha đất tổ.

Cây đa "cạn duyên" với đình Chèm

Hình ảnh cây đa vốn đã gắn liền trong tiềm thức của nhiều người dân Việt Nam từ thuở xưa. Cây đa, bến nước, sân đình là nơi che chở, ghi dấu và là ngọn "hải đăng" để mỗi người dân khi trở về làng đều tìm thấy sự thân thuộc. Bao lời ru tiếng hát, bao câu chuyện buồn vui đều diễn ra dưới tán đa làng. Thế nên, cây đa trở thành biểu tượng văn hoá đình làng, cũng được thiêng hoá ít nhiều. 

Đối với người Việt, những cây lâu năm, cổ thụ bề thế đều mang trong mình "linh hồn". Những cây mọc ở đình chùa, mọc ở ngã ba, ngã tư thì càng được thiêng hoá với nhiều truyền thuyết ly kỳ. 

Đình Chèm vẫn còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc của thế kỷ XVIII.

Bởi vậy mà, khi cây đa hàng chục năm tuổi ở đình Chèm bất ngờ bị đốn hạ, gốc cây rỉ máu, nhiều người dân cảm thấy xót xa không đành. Theo Ban khánh tiết của đình Chèm, cây đa này thuộc giống đa đỏ, trồng từ năm 1998 để tạo bóng mát, không phải cổ thụ hay cây di sản. Rễ cây mỗi ngày một lớn, ăn vào nền đất phía đình. 

Trong năm 2021, vào mùa mưa bão, cây đa đã gãy khoảng 1/3 đổ rạp về phía bốn cột đồng trụ. Cây đa có hiện tượng đổ nghiêng về phía nghi môn của đình Chèm, nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào khi mùa mưa bão lại đến. 

Trưởng Ban Khánh tiết đình Chèm cho hay, cây đa phát triển tốt nhưng về mặt phong thuỷ lại không hợp, án ngữ trước cửa đình. Lối thoát nước của đình ra sông đ qua gốc cây đa. Sau khi các cuộc "họp kín" diễn ra, Ban Khánh tiết cùng các cụ cao niên quyết định đốn hạ cây đa, để dễ dàng thực hiện trùng tu đình Chèm, đồng thời mong muốn trả lại không gian xưa cho đình Chèm.

Vậy nhưng nhiều người dân sống ở làng Chèm cảm thấy xót xa, đau lòng trước thông tin cây đa bị đốn hạ. Trích lời nhà văn Nguyễn Hiếu, người gốc làng Chèm, chia sẻ rằng: "Giờ cây đa bị chặt đi trở tạo nên sự trống trải. Theo tôi cách làm tốt nhất đó là trước khi cưa chặt bỏ ban quản lý nên hỏi ý kiến người dân để những người từng mến mộ đình Chèm họ biết rằng có việc sửa đổi như vậy".

Mới đây, sau khi làm việc với cơ quan có thẩm quyền, Ban Khánh tiết cũng nhận trách nhiệm việc tự ý đốn hạ là không đúng và xin rút kinh nghiệm.

Trùng tu, tôn tạo đình Chèm là việc sớm muộn. Tuy nhiên vin vào việc không hợp phong thuỷ để đốn hạ cây đa cũng là có phần khiên cưỡng. 

Dưới góc nhìn tâm linh, cây càng lâu năm thì "trường sinh học" càng lớn. Hơn nữa, từ xa xưa, theo quan niệm dân gian, mùa xuân là Tết trồng cây, là mùa của sinh sôi phát triển, ông cha ta "kiêng" đốn hạ, nhất là cây đa lại gắn với nhiều ý nghĩa linh thiêng. 

Thêm một câu hỏi đặt ra rằng, việc đốn hạ cây đa lâu năm cùng việc xới tung thềm đá một cách mạnh tay như vậy trước thềm lễ hội đình Chèm diễn ra vào tháng 5 Âm lịch, liệu có ảnh hưởng đến giá trị tâm linh của ngôi đình thiêng thờ Đức Thánh Chèm hay không?

Cây đa

Cây đa đỏ vài chục năm tuổi sẽ vắng bóng trước thềm lễ hội Chèm diễn ra vào tháng 5 Âm lịch.

ĐỘC ĐÁO KIẾN TRÚC ĐÌNH CHÈM

Nghi môn ngoại (một loại cổng có 3 lối đi thường thấy ở các đền, đình theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt) ở phía ngoài có đủ đầy tứ linh: long, ly, quy, phụng quay ra bốn hướng. Bốn trụ biểu tương đối lớn, trên có câu đối:

"Hoa di vọng biểu cao, đế khuyết do nghi đồng hữu ảnh

Miếu mạo nguy sơn trĩ, Phật tan tự tín thuỷ vô ba."

Nghĩa là:

"Hoa di trông cột trụ biểu cao, cung vua còn tưởng như thấy bóng tượng đồng

Đền miếu cao như núi lớn, bến Phật tự ấy tin rằng không con sóng cả."

Đình Chèm đặc biệt hơn nhiều ngôi đình khác là ngoài phương đình ở chính giữa, còn có 2 nhà bia hình vuông ở hai bên gọi là tiểu phương đình. Cả ba phương đình đều được dựng theo kiểu thức chồng diêm hai tầng tám mái, điểm biểu tượng "lưỡng long chầu nguyệt". Vào dịp hội, người ta căng nhiễu, vải đỏ kín để thực hiện lễ Mộc dục (tắm tượng).

Nghi môn nội xây theo kiểu ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả - hữu mạc, phương đình tám mái và toà đại bái cùng hậu cung tạo thành hình chữ Công.

Kiến trúc cột mái được chạm trổ tinh xảo với hình rồng cuốn thuỷ, rồng ôm mây, tứ linh, cá hoá rồng, sóng nước mang đậm hơi thở nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVIII. Ở hậu cung có đầy đủ án thờ, sập thờ, long ngai, khám thờ vợ chồng Đức Thánh Chèm cùng các tượng chầu. Tổng thể được an vị theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Suốt chiều dài lịch sử 2.000 năm, đình Chèm còn giữ được nhiều đạo sắc, lễ nghi dưới thời Nguyễn. Tại đây, có ba sắc phong do các vua triều Nguyễn ban cho Đức Thánh Chèm; bốn bia đá (1 của thời Lê Cảnh Hưng, 3 của thời Nguyễn); hai chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn.

Các bức hoành phi câu đối cổ có nội dung phong phú như Càn khôn chung tú (Trời đất hun đúc tinh anh), Nhật nguyệt hợp minh (Cùng hợp ánh sáng vùng nhật nguyệt),...

Pho tượng Lý Ông Trọng (Đức Thánh Chèm) cao hơn 3m được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng sinh động. Ngoài ra, ở đình còn có báu vật ngàn năm tuổi quý hiếm là chiếc lư hương bằng đồng.

Trong khuôn viên đình Chèm có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756 thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn năm 1824.

Vũ. - Ảnh: Gia Đoàn

Tin mới