Đội tuyển nữ Việt Nam: Những cô gái viết nên lịch sử, dẫu trên khán đài thưa thớt tiếng gọi tên...

Diệp Nguyễn | 08-02-2022 - 01:21 AM

(Tổ Quốc) - Đã đến lúc chúng ta cần dành cho các nữ cầu thủ một sự trân trọng xứng đáng. Họ cần được nhớ tên, những Huỳnh Như, Thanh Nhã, Tuyết Ngân, Thùy Trang… cần được yêu thương và mến mộ như cái cách chúng ta đã dành tình cảm cho Văn Hậu, Quang Hải, Công Phượng...

Thật ra khi viết bài viết này, tôi chẳng biết gì về đội tuyển nữ Việt Nam cả. Với một người không xem bóng đá, tôi chỉ nhớ tên các… cầu thủ nam vì họ được nhắc quá nhiều trên truyền thông. Vì công việc, nên tôi đã dành cả đêm hôm qua chỉ để tìm kiếm các thông tin về những nữ cầu thủ. Tôi muốn biết họ là ai? Họ làm gì? Ngoài bóng đá, họ làm gì… để sống? Và sau nhiều năm kêu gọi sự quan tâm tới đội tuyển nữ, liệu sự quan tâm ấy đã đủ hay chưa? 

Và đây là một bài viết đập vào mắt tôi, mới từ tháng 11 năm 2021 thôi. Bài viết nói về việc, sau rất nhiều chiến công, bóng đá nữ chưa từng được đá trên sân Mỹ Đình. Các trận đấu trong khuôn khổ giải bóng đá Quốc gia của đội tuyển nữ đều diễn ra trên sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Và dẫu mang biết bao nhiêu vinh quang về cho đất nước, họ chưa bao giờ được đặt chân lên thảm cỏ Mỹ Đình, hoặc thậm chí Hàng Đẫy - cho một trận cầu chính thức. 

Phát hiện này khiến tôi bất ngờ. Ta luôn biết bóng đá nữ có phần thiệt thòi hơn vì ít nhận được sự quan tâm. Nhưng hãy nhìn sâu hơn một chút: Chẳng phải sự nhiệt huyết và máu lửa rồi cũng sẽ phai nhạt nếu họ chỉ cứ đá trên những sân cỏ thưa người xem? Chẳng phải những gánh nặng gạo tiền cũng sẽ trở thành nỗi bận tâm của họ bên ngoài sân cỏ? Đâu đó, có lẽ họ cũng sẽ chạnh lòng chứ, vì dẫu đã mang về thật nhiều thành tích, khán giả chắc cũng chưa kịp nhớ tên...

Và với từng ấy những thiệt thòi, mới đây thôi, họ đã lần đầu tiên đưa bóng đá Việt Nam bước chân vào Vòng Chung kết Worldcup. Họ viết nên lịch sử, dẫu trên khán đài thưa thớt tiếng gọi tên. 

Đội tuyển nữ Việt Nam: Những cô gái viết nên lịch sử, dẫu trên khán đài thưa thớt tiếng gọi tên... - Ảnh 1.

Lại phải lùi thêm một chút về quá khứ để ta hiểu hơn về sức mạnh của đội tuyển nữ Việt Nam. Kể từ năm 2000, bóng đá nữ Việt Nam đã đứng ở vị trí đội tuyển mạnh nhất khu vực. Họ vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á tổng cộng 3 lần, có 6 huy chương vàng qua các kỳ SEA Games, 8 lần lọt vào vòng bảng Cúp bóng đá nữ châu Á và kết quả tốt nhất của họ ở sân chơi châu lục là vị trí thứ 4 tại Đại hội thể thao châu Á 2014. Chúng ta sở hữu một đội tuyển nữ thuộc hàng “khủng” nhất nhì khu vực, điều mà bấy lâu chắc nhiều người trong chúng ta không thực sự để tâm tới. Trong đó có tôi.

Lướt những trang MXH của đội tuyển nữ, ta có thể thấy rõ cuộc sống khiêm nhường của họ bên ngoài sân cỏ. Không còn vẻ dũng mãnh và quyết liệt khi đuổi theo trái bóng, ở ngoài đời, họ trở lại là những người phụ nữ, những cô gái rất đỗi giản dị. Họ có bạn bè, cũng thích chụp hình selfie và tạo dáng ở những địa điểm “catchy”. Với sự quan tâm nhiều hơn từ công chúng và truyền thông, cuộc sống của họ đã dần được cải thiện. Thay vì mức lương 4-5 triệu như cách đây vài năm, họ đã có thu nhập… 10 triệu/ tháng, cộng thêm các khoản tiền thưởng và tài trợ, họ đã có thể lo thêm cho gia đình của mình. 

Tuyết Dung, một trụ cột của đội tuyển, sau các giải đấu vẫn gắn bó với công việc đồng áng, và cô mới chỉ tiết kiệm đủ tiền để mua cho bố mẹ một căn nhà cách đây không lâu. Đội trưởng Huỳnh Như, năm nay 30 tuổi, lại có nghề tay trái là… bán dừa sáp. Trên Facebook của cô không thiếu những post bán hàng thứ đặc sản trứ danh của quê mình. Dù đâu đó vẫn thấy 1 post quảng cáo nhỏ với… 1 nghìn lượt like. Thái Thị Thảo thì lại chuyên bán đồng hồ, đồ dùng/ quần áo thể thao, Phạm Thị Tươi hay Trần Nguyễn Bảo Châu lại bán các mặt hàng nông sản quê hương. 

Có vô vàn những câu chuyện nhỏ như thế để chúng ta tưởng tượng được cuộc sống vẫn còn nhiều nỗi lo của các nữ cầu thủ. Có người vẫn bán hàng online, có người còn tranh thủ đi giao hàng khi không phải tập trung cho giải đấu. Trên Facebook cá nhân, với lượt follower chỉ từ 10-30k là cao nhất, nếu không phải vì họ là những cầu thủ Quốc gia, chắc có lẽ… các nhãn hàng cũng sẽ chẳng quan tâm. 

Cách đây hơn 4 năm, khi đội tuyển U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích tại Thường Châu, hẳn các bạn còn nhớ không khí hừng hực của cơn sốt ngay sau trận đấu. Chỉ sau 1 đêm, tất cả các cầu thủ của U23 trở thành những siêu sao trên mạng xã hội. Mọi hình ảnh và thông tin về họ được lan truyền với mức độ chóng mặt. Cùng với sự bùng nổ của thị trường KOL, các cầu thủ nhanh chóng trở thành những gương mặt quảng cáo hạng nhất. Tính đến thời điểm hiện tại, nếu nhãn hàng muốn có một post trên Facebook của dàn cầu thủ U23 ngày ấy, họ sẽ phải chi trả trung bình từ 80-150 triệu đồng, chi phí sử dụng hình ảnh sẽ rơi vào 80-100 triệu, hoặc có thể hơn tùy theo thời gian. Đó là chưa kể đến những chi phi cho việc tham dự sự kiện hoặc livestream, các hợp đồng đại sứ. Việc khai thác hình ảnh của đội tuyển Quốc gia được tận dụng triệt để, và có thể nói không ngoa rằng, các cầu thủ của chúng ta đã có một cuộc sống không thua kém các siêu sao - sự tự thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vì màu cờ sắc áo của họ trên sân cỏ. 

Đây không phải lần đầu tiên chúng ta nói về cuộc sống khó khăn của các nữ cầu thủ. Cứ mỗi lần họ dành chiến thắng trên đấu trường quốc tế, câu chuyện này lại được đưa ra mổ xẻ. Và sau mỗi lần, chúng ta lại phải ngỡ ngàng vì khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được nhận và những gì họ mang tới cho chúng ta. Bằng một sự cống hiến thầm lặng và bền bỉ, sau tất cả những khó khăn ấy, những nữ cầu thủ vẫn chiến đấu và cống hiến bằng một nhiệt huyết không tưởng. Và lần nào cũng vậy, họ đưa chúng ta đi từ đỉnh cao này đến kỳ tích nọ.

Đội tuyển nữ Việt Nam: Những cô gái viết nên lịch sử, dẫu trên khán đài thưa thớt tiếng gọi tên... - Ảnh 2.

Tôi tin rằng các nữ cầu thủ cũng tự hào nếu các chàng trai chạm đến những cột mốc mới, và hẳn đội tuyển Quốc gia nam cũng hạnh phúc khôn xiết khi bóng đá Việt Nam được xướng tên trên đấu trường danh giá nhất. Nhưng chẳng phải đã đến lúc chúng ta cần dành cho các nữ cầu thủ một sự trân trọng xứng đáng, ở một vị trí mà lẽ ra họ cần được nhìn nhận. Họ cần được nhớ tên, cần được ta hô vang mỗi lần trước và sau trận đấu. Những Huỳnh Như, Thanh Nhã, Tuyết Ngân, Thùy Trang… cần được yêu thương và mến mộ như cái cách chúng ta đã yêu thương và mến mộ Văn Hậu, Quang Hải, Công Phượng… Họ cần tình yêu và sự quan tâm ấy của khán giả, để làm động lực chinh phục những giấc mơ xa hơn, những kỳ tích lớn hơn. Họ làm được khi, nhất là khi, chúng ta dành cho họ thật nhiều những tình cảm và sự dõi theo. 

Bởi câu chuyện nào đẹp hơn câu chuyện về những người phụ nữ đã hy sinh tất cả để theo đuổi giấc mơ với trái bóng tròn. Có người thậm chí đã gác lại việc sinh con để làm nhiệm vụ với Tổ Quốc. Họ thậm chí đi giao hàng để đủ tiền trang trải cuộc sống trong khi vẫn theo đuổi sự nghiệp thể thao. Bằng tình yêu bóng đá và cả khát vọng đưa cái tên Việt Nam vươn ra thế giới, họ trở thành người hùng dẫu chẳng cần ai nhớ tên. Không phải ai khác ngoài họ, sẽ là những cô gái tiên phong của thế hệ này khi thách thức những giới hạn không tưởng, và trở thành hình ảnh biểu tượng cho sự mạnh mẽ và quyết liệt của phụ nữ Việt Nam.

Đội tuyển nữ Việt Nam: Những cô gái viết nên lịch sử, dẫu trên khán đài thưa thớt tiếng gọi tên... - Ảnh 3.

Sự thay đổi có lẽ sẽ không đến từ một đêm, nhưng chiến thắng này là tiếng chuông đánh thức chúng ta dành nhiều hơn sự quan tâm đến bóng đá nữ trong tương lai. Hãy bấm follow họ trên mạng xã hội, hãy gửi những lời động viên, hãy bật TV xem khi có trận đấu, sẵn sàng ra sân cổ vũ mỗi khi có dịp. Hãy nhớ tên họ, hãy ghi vào sổ tay trận đấu tiếp theo để ngồi trước TV chờ đợi. Hãy biến mỗi trận đấu mà họ ra sân trở thành một ngày hội mà cả đất nước cùng mong chờ. Bởi vì họ xứng đáng với điều đó sau tất cả những gì đã mang về cho Tổ quốc. Hãy để lần tới khi có cơ hội được đá trên sân nhà, họ sẽ được đá bóng trong cái gọi là chảo lửa Mỹ Đình, sẽ được hàng triệu màu áo đỏ bao quanh hô vang tên mình, như trong giấc mơ mà họ từng ao ước.

Tự hào lắm, những cô gái của đội tuyển nữ Việt Nam ơi! 

Đội tuyển nữ Việt Nam: Những cô gái viết nên lịch sử, dẫu trên khán đài thưa thớt tiếng gọi tên... - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM