Động lực nào khiến những nhân sự nữ trẻ làm trong lĩnh vực công nghệ không “bỏ ngành”?

Quang Vũ | 15-03-2023 - 17:00 PM

Cá tính mạnh mẽ, có chính kiến, quan điểm và ước mơ riêng, các bạn nữ Gen Z có những lựa chọn nghề nghiệp vượt khỏi vùng an toàn so với các thế hệ trước, đơn cử như việc dấn thân vào những ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ. Lý do gì khiến các cô gái gen Z có sự lựa chọn táo bạo như vậy?

Áp lực cao nhưng đáng!

Tốt nghiệp Cử nhân tài năng ngành Khoa học máy tính Trường Đại học Công Nghệ Thông Tin, ĐHQG TP.HCM, Nguyễn Thu Hằng (1997) giờ đây đang làm công việc Quality Engineer (Kỹ sư đảm bảo chất lượng) tại một tập đoàn đa quốc gia có chi nhánh ở Việt Nam.

Nhớ lại quyết định chọn học ngành công nghệ cách đây 8 năm, cô nàng thấy may mắn, vì nhờ đó mà bạn đã tìm ra được "công việc trong mơ" với mức lương ý tưởng.

"Suốt 4 năm đại học, mình mới thấm thía lời khuyên: ‘Con gái học Công nghệ vất vả lắm’. Câu nói ‘ăn với code, ngủ với code' là có thật đấy. Cũng vì thế, mình nghĩ với ngành này, môi trường làm việc tốt sẽ là nơi không toxic, đồng nghiệp và sếp cố gắng tạo điều kiện cho nhân sự phát triển về cả công việc và tinh thần. Vì vốn dĩ công việc đã khiến nhân viên stress khá nhiều rồi", Thu Hằng bày tỏ.

Động lực nào khiến những nhân sự nữ trẻ làm trong lĩnh vực công nghệ không “bỏ ngành”? - Ảnh 1.

Cô bạn Thu Hằng trông dịu dàng làm cho ít ai nghĩ từng học và đang làm việc trong ngành IT

Đam mê theo đuổi chuyên ngành công nghệ từ những năm cấp 3, Nguyễn Như Nguyên Ngọc (sinh viên năm 3 trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM) tâm sự khó khăn ban đầu khi mới bước chân vào nghề: "Mình nghĩ, làm nghề nào cũng có vất vả riêng. Đơn cử như ngành của mình, bản thân thường xuyên phải thức khuya làm việc nhóm, áp lực cao, sức khỏe bị ảnh hưởng… May mắn là mình nhận được ủng hộ rất lớn từ gia đình, đây là nguồn động lực để bản thân tiếp tục nỗ lực, chứng minh bản thân trong môi trường được mặc định là ưu thế của phái nam". Cô bạn cũng là một trong nhiều sinh viên nữ được nhận học bổng khuyến khích học tập tại trường.

Động lực nào khiến những nhân sự nữ trẻ làm trong lĩnh vực công nghệ không “bỏ ngành”? - Ảnh 2.

Nữ sinh IT năm 3 cá tính, tự tin lựa chọn theo đuổi đam mê công nghệ

Trước câu hỏi của biết bao người rằng: "Làm ngành công nghệ có vất vả không?" - Thuỳ Dương 23 tuổi (nhân viên tại phòng mạng lõi, Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel) tự tin nhận định: Đi làm áp lực thì có đó, nhưng đáng.

Thuỳ Dương tự miêu tả thời gian đi làm của mình là những chuỗi ngày "đi sớm về muộn", không phải chỉ vì khối lượng công việc mà còn là niềm đam mê với cái nghề khô khan tưởng chừng như chẳng dành cho phái nữ - kỹ sư viễn thông.

Sở hữu loạt thành tích xịn xò như từng là lớp trưởng, sinh viên 5 tốt, đoàn viên đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên, là thủ khoa đầu ra của trường… và còn xuất sắc nhận được học bổng Tiến sĩ (hệ 3 năm liền từ Thạc sĩ lên Tiến sĩ) toàn phần tại nước ngoài. Thế nhưng, Dương lại từ chối cơ hội này để chọn gắn bó với tập đoàn Viettel - nơi cô đã thực tập ngay từ năm 3 và trở thành nhân viên chính thức chỉ một năm sau đó.

Trong suy nghĩ của nhiều người, quyết định từ chối học bổng du học là vô cùng đáng tiếc. Thế nhưng với Thuỳ Dương, việc tìm được một môi trường làm việc lý tưởng mới là điều quan trọng hơn cả.

Động lực nào khiến những nhân sự nữ trẻ làm trong lĩnh vực công nghệ không “bỏ ngành”? - Ảnh 3.

Thùy Dương, cô gái duy nhất và trẻ nhất của phòng mạng lõi, luôn là hạt nhân tiêu biểu trong cả công việc và hoạt động Đoàn tại Viettel

Môi trường làm việc thúc đẩy được bản thân là điều mà GenZ quan tâm

Thùy Dương tâm sự: "Môi trường làm việc ở Viettel luôn cho mình cảm giác được xả hết năng lượng của bản thân vào công việc. Thỉnh thoảng mình lại liên lạc với các anh chị đồng nghiệp, vừa là để hỏi về những kiến thức và cũng để gợi lại cái cảm giác ‘khô máu’ vì các dự án ngày trước".

Viettel không phải là môi trường công nghệ duy nhất, song chắc chắn đây là nơi cho các cô nàng nhiều trải nghiệm và bài học đáng nhớ nhất.

Hoàng Lan (24 tuổi, kỹ sư truyền hình tại tập đoàn Viettel) chia sẻ: "Điều mà Viettel mang lại cho mình là niềm vui, sự quan tâm và tinh thần chuyên nghiệp. Đặc biệt, giá trị lớn nhất mà nhân sự nữ Viettel có là luôn được khuyến khích sáng tạo, được đồng nghiệp nam tôn trọng, quan tâm giúp đỡ và hơi ưu tiên một chút".

Động lực nào khiến những nhân sự nữ trẻ làm trong lĩnh vực công nghệ không “bỏ ngành”? - Ảnh 4.

Theo Hoàng Lan, Viettel là một môi trường trong mơ của người lao động nói chung và nhân sự nữ nói riêng

Đối với ngành kỹ thuật ở Viettel, môi trường làm việc nhiều nam ít nữ nên nhân sự nữ rất được ưu ái, nhất là vào những dịp 8/3 hay 20/10. Chúng mình luôn nhận được lời chúc ấm áp, được tặng hoa và quà từ các đồng nghiệp nam. Ngoài ra mình thấy ở Viettel còn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về đánh giá và đãi ngộ nhân sự. Viettel cũng thường xuyên tổ chức các khóa học rất bổ ích và thiết thực".

Thế mạnh riêng của nữ giới tạo sức mạnh cạnh tranh trong ngành công nghệ

Chẳng tồn tại cái "job" nào chỉ dành riêng cho nam giới hay nữ giới. Nhất là là trong thời đại ngày nay khi thế hệ gen Z cá tính đang dần xâm chiếm thị trường tuyển dụng, họ chính là làn gió mới để thổi bay bất kỳ định kiến nào về giới tính trong công việc.

"Tập đoàn công nghệ không chỉ là công nghệ, nó là hệ thống quản trị và hệ thống chiến lược. Trong lĩnh vực này, phụ nữ lại có những thế mạnh riêng. Bởi họ có sự nhạy cảm khi hoạch định chiến lược và sự nhạy cảm này rất quan trọng. Tôi nghĩ không có khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới về trí tuệ. Ở Viettel, cơ hội thăng tiến là như nhau cho cả nam và nữ", đại diện Viettel cho biết.

Có thể thấy, tại tập đoàn Viettel nói riêng và bức tranh toàn cảnh thị trường lao động ngành công nghệ nói chung, giữa lao động nam và nữ không tồn tại bất kể khoảng cách nào về trình độ học vấn hay năng lực làm việc. Chỉ cần đặt 100% tâm huyết vào công việc, bạn nhất định sẽ sớm gặt hái được thành công với những dự định trong mơ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM