“Hack não” hằng năm bằng GMAT: 10 năm thử thách hàng nghìn nhân viên Zalo

Quang Vũ | 06-03-2024 - 07:00 AM

Kiểm tra năng lực hằng năm bằng GMAT, 40 câu trắc nghiệm trong 90 phút, không sử dụng máy tính và thiết bị hỗ trợ. Thử thách tưởng chừng khó nuốt, nhưng tạo động lực phát triển cho hàng nghìn kĩ sư & nhân viên Zalo.

Bên cạnh các hoạt động như: leo núi, trekking (đi bộ địa hình) đầy thách thức, các cuộc thi kiểm tra năng lực dưới hình thức bài thi IQ hoặc GMAT là cách để Zalo xây dựng văn hóa "Embracing challenges" (sẵn sàng đón nhận thách thức) trong nội bộ nhân viên. Cuộc thi này còn là cách Zalo giúp nhân viên "luyện não" và trau dồi, phát triển bản thân.

“Hack não” hằng năm bằng GMAT: 10 năm thử thách hàng nghìn nhân viên Zalo - Ảnh 1.

Cuộc thi khuyến khích nhân viên Zalo trau dồi & phát triển bản thân.

Cuộc thi "hack não" tôn vinh trí tuệ

Năm nay, kì kiểm tra năng lực của Zalo diễn ra với hình thức đề thi GMAT. Với hình thức này, nhân viên Zalo phải trải qua 2 phần thi là trắc nghiệm và tự luận với tổng thời gian 150 phút.

Trong đó, "hack não" nhất có lẽ là phần thi trắc nghiệm. Thí sinh phải trải qua các nội dung về Quantitative (toán định lượng) và Verbal - Data insight (đọc hiểu, suy luận logic và phân tích dữ liệu). Phần thi trắc nghiệm có tổng cộng 40 câu hỏi, chia làm 2 phần thi và với tổng thời gian là 90 phút. Trung bình với mỗi câu hỏi, nhân viên Zalo có không quá 135 giây để đọc, phân tích và trả lời. Đặc biệt, để đảm bảo độ khó, nhân viên Zalo không được phép sử dụng máy tính cầm tay hay bất kỳ tài liệu hỗ trợ nào.

“Hack não” hằng năm bằng GMAT: 10 năm thử thách hàng nghìn nhân viên Zalo - Ảnh 2.

Trung bình với mỗi câu hỏi, thí sinh chỉ có 135 giây để đọc, phân tích và trả lời, mà không được dùng thiết bị hỗ trợ.

Đề thi kiểm tra năng lực năm nay được đánh giá là có độ khó cao và đòi hỏi thí sinh phải kết hợp nhiều kĩ năng. Đánh giá về cuộc thi, anh Nguyễn Thành Gô – Nhân viên Zalo cho biết cuộc thi là sự kiện nội bộ đáng mong chờ nhất trong năm. "Qua cuộc thi, nhân sự Zalo có dịp để trau dồi kiến thức và có thêm động lực phát triển bản thân, đáp ứng nhu cầu công việc. Điều đó thật sự quan trọng vì lĩnh vực công nghệ có tốc độ thay đổi rất nhanh chóng".

Anh Gô cho rằng đề thi năm nay có tính thực tế cao. Ngoài phần thi trắc nghiệm, cuộc thi còn yêu cầu nhân viên viết bài luận. Với đề bài mở, bám sát vào tình hình thực tế của tổ chức, phần thi viết luận cho phép nhân viên bày tỏ quan điểm và thể hiện góc nhìn riêng của mình.

“Hack não” hằng năm bằng GMAT: 10 năm thử thách hàng nghìn nhân viên Zalo - Ảnh 3.

Đề thi có độ khó cao, phù hợp với tinh thần làm việc không ngại khó của Zalo.

Để khích lệ các cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc thi, Zalo trao tặng những phần thưởng giá trị. Giải nhất nhận được laptop giá trị hơn 50 triệu đồng và cúp lưu niệm. Nhân viên xếp nhì bảng thành tích còn được tặng máy đọc sách tương đương 12 triệu đồng và cúp vinh danh. Ba giải khuyến khích mang về phần quà là máy chiếu trị giá 6 triệu đồng và huy chương danh dự. Bên cạnh đó, nhiều giải thưởng hấp dẫn khác cũng đã được trao cho cá nhân nằm trong top 20 dẫn đầu cuộc thi.

Năm nay, giải thưởng cao nhất thuộc về một nhân viên trẻ sinh năm 2000. Vượt qua 1.027 sĩ tử và giành giải nhất đầy thuyết phục là bạn Huỳnh Thiện Khiêm, hiện là kĩ sư khoa học dữ liệu tại Zalo. Khiêm chia sẻ: "Đề thi năm nay có độ khó cao và phổ kiến thức rộng. Thành tích hôm nay nhắc nhở mình không ngừng phát triển bản thân để có nhiều đóng góp giá trị".

Đây là lần thứ hai Thiện Khiêm tham gia thử thách trí tuệ tại Zalo. Từ kinh nghiệm lần thi trước đó, chàng kĩ sư GenZ cho biết đã dành thời gian để ôn luyện các bài toán logic và trau dồi thêm khả năng tiếng Anh sau giờ làm.

“Hack não” hằng năm bằng GMAT: 10 năm thử thách hàng nghìn nhân viên Zalo - Ảnh 4.

Huỳnh Thiện Khiêm – chàng kĩ sư GenZ giành giải nhất tại cuộc thi.

Trong hành trình 10 năm tổ chức cuộc thi tôn vinh trí tuệ, Zalo đã ghi nhận số lượng nhân viên tham gia tăng vượt bậc. Từ 198 "sĩ tử" ở mùa thi đầu tiên, số lượng thí sinh đã tăng lên đến 1.028 người.

Văn hóa "Embracing challenges"

Văn hóa "Embracing challenges" - sẵn sàng đón nhận thách thức của Zalo được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Ngay từ những bước đầu tiên, để gia nhập Zalo, ngoài vòng phỏng vấn chuyên môn, mỗi ứng viên Zalo đều phải trải qua một bài thi GMAT tương tự để "sát hạch" tiêu chuẩn đầu vào.

Ngoài ra, các hoạt động teambuilding thường niên với các hình thức như leo núi hay trekking cũng là một trong những đặc điểm nhận dạng của "văn hóa Zalo". Chinh phục đỉnh Poon Hill (Nepal) có độ cao 3210m năm 2022, trekking quãng đường 21km ở Chiang Mai (Thái Lan) năm 2023 và nhiều cung đường trekking có độ khó cao là hoạt động thú vị từng xuất hiện trong những chuyến teambuilding của tổ chức.

“Hack não” hằng năm bằng GMAT: 10 năm thử thách hàng nghìn nhân viên Zalo - Ảnh 5.

Nhân viên Zalo trong chuyến chinh phục đỉnh Poon Hill (Nepal).

Mỗi bước chân đều hướng về trước, mỗi bước chân đều nỗ lực bước cao hơn để chinh phục giới hạn bản thân. Ông Vương Quang Khải - người đứng đầu Zalo từng chia sẻ: Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và làm sản phẩm công nghệ là tương tự nhau. Các hoạt động như trekking, thi GMAT ở Zalo được khởi xướng nhằm góp phần rèn luyện tinh thần cho đội ngũ kĩ sư - những người trực tiếp tạo ra sản phẩm công nghệ.

Với tinh thần đó, hàng năm các kĩ sư Zalo đã vượt qua nhiều thử thách để cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ hữu ích cho cuộc sống: ứng dụng nhắn tin Zalo, ứng dụng nghe nhạc Zing MP3, trợ lý giọng nói Kiki, ứng dụng đọc báo Báo mới, các sản phẩm ứng dụng AI... và được hàng triệu người dùng đón nhận.

GMAT (Graduate Management Admission Test) là hình thức thi đánh giá năng lực quốc tế dành cho sinh viên dự tuyển vào các chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ về Kinh tế và Kinh doanh. Với độ khó cao, hình thức của bài thi này được Zalo sử dụng cho cuộc thi kiểm tra năng lực nội bộ để khuyến khích tinh thần không ngừng học hỏi của nhân viên hàng năm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM