Hành trình 50 năm người vợ đi tìm chồng liệt sĩ từ cuốn nhật ký và những lá thư

Nhật Vũ | 27-11-2022 - 08:19 AM

(Tổ Quốc) - Đã hơn 50 năm, không ngày nào bà Lê Thị Chạy - vợ liệt sĩ Đoàn Anh Thông không nghĩ về người chồng của mình. Bà luôn mang bên mình những kỷ vật chiến trường của ông, chính những lá thư và cuốn nhật ký ấy luôn thôi thúc bà đi tìm phần mộ của chồng mình.

Dù tuổi đã ngoài bảy mươi, nhưng bà Chạy (xã Nam Cường, huyện Nam Trực, Nam Định) vẫn thuộc lòng từng câu, từng chữ của hàng trăm bức thư mà người chồng liệt sĩ để lại, nhớ cả những chữ cái lẫn vào các con số đầy trúc trắc của số hiệu hòm thư, nhớ từng chặng đường hành quân của chồng. 

"Mấy chục năm qua, gia đình tôi đã lần theo thông tin trên các kỉ vật, lặn lội khắp nơi, gặp gỡ đồng đội, đơn vị… mong tìm được nơi mai táng của chồng nhưng vô vọng", bà Chạy tâm sự.

Những lá thư gửi lại nơi hậu phương

Kỷ vật của liệt sĩ Đoàn Anh Thông gồm 200 lá thư đã ngả màu thời gian, sách học về pháo cao xạ, cuốn nhật ký hơn 100 trang được viết bằng cả thơ và văn xuôi. Những kỷ vật đó, luôn được trân trọng gìn giữ như tài sản vô giá của gia đình.

"Lá thư cuối cùng ông ấy viết cho tôi ngày 16.11.1971 trước lúc hi sinh 10 ngày, từ tuyến lửa Quảng Bình. Khi ấy, tôi đang có mang đứa con đầu lòng. Trong thư ông dặn: Chúng mình gặp nhau vào cơn bão số 8 năm 1971, nếu sinh con trai mình đặt tên con là Phong, sinh con gái đặt tên là Thủy", bà nói.

Hồi tưởng về những kỉ niệm hiếm hoi bên chồng, bà Chạy cho biết khi Nhập ngũ được hai năm thì ông Thông về xây dựng gia đình với bà. Ở với nhau trọn một tuần thì lại lên đường, đóng quân bên cầu Đuống. Ngày đơn vị ông ấy hành quân đi B, bà đạp xe mất một đêm để lên thăm nhưng chỉ thoáng thấy bóng chồng trên xe mà không thể gặp mặt. Ai ngờ, chồng bà đi luôn cho đến tận bây giờ.

Hành trình 50 năm người vợ đi tìm chồng liệt sĩ từ cuốn nhật ký và những lá thư - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Chạy vẫn luôn mong mỏi tìm được nơi an nghỉ của chồng mình

Bặt tin suốt mấy năm, nhất là sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng vẫn không thấy ông trở về, bà Chạy đã linh cảm điều chẳng lành. Xen với bao âu lo, phấp phỏng đợi chờ, người vợ trẻ vẫn âm thầm hy vọng có một ngày gia đình đoàn tụ. Nhưng rồi sau ngày đất nước thống nhất, gia đình nhận được giấy báo tử!

"Có lần tôi đi làm chế độ cho con, người cán bộ chính sách huyện cứ gặng hỏi: Tại sao chồng hi sinh năm 1971 mà năm 1972 mới sinh con? Không còn cách nào khác, tôi về mang những lá thư của chồng đến. Người cán bộ ấy và tôi nhìn nhau trong nước mắt", bà Chạy nhớ lại.

Mồ côi mẹ từ khi mới chập chững lên năm, ông Đoàn Anh Thông lớn lên trong sự lam lũ của người cha quanh năm vất vả cày bừa. Lập gia đình, tình cảm ấy còn được người chiến sĩ trẻ chia sẻ cho gia đình bên vợ. 

Bố vợ ông là cán bộ tình báo thời kháng chiến chống Pháp bị địch giam giữ và sát hại. Với gia đình, rất nhiều giai đoạn, trong cùng một ngày, chiến sĩ Đoàn Anh Thông đã dành thời gian gửi về cho mỗi người từ bố đẻ, vợ, mẹ vợ… một lá thư riêng.

Hành trình 50 năm người vợ đi tìm chồng liệt sĩ từ cuốn nhật ký và những lá thư - Ảnh 2.

Thư của liệt sĩ Thông gửi về cho gia đình

"Con, Thông! Đứa con yêu quý của thầy đã phải xa thầy, xa bà con hàng xóm hơn bốn năm trời ròng rã… bốn năm đó, con đi biền biệt trên các nẻo đường của Tổ quốc. Giờ đây điểm lại mới thấy sao mà vất vả thế, con người cũng già dặn hơn trong khói lửa và đạn bom… Thầy hãy bớt nghĩ về con và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, còn chỉ để riêng con suy nghĩ về gia đình và thầy thôi";

"Làm sao tuổi thọ của mẹ càng ngày càng tăng, chờ ngày chiến thắng con sẽ về, lúc đó gia đình đầm ấm hơn xưa". 

Đó là hai trong số ba lá thư liệt sĩ Thông gửi về gia đình cùng ngày 16.3.1968 cho bố đẻ và mẹ vợ.

Nửa thế kỷ mong chờ

Lớn lên không biết mặt cha, anh Đoàn Nam Phong, con trai duy nhất của liệt sĩ Đoàn Anh Thông, hiện là cán bộ ngành y tâm sự. Hễ có ai trong làng tìm thấy phần mộ của người thân là liệt sĩ thì mẹ lại ôm ông khóc. Hay bất chợt có bóng dáng người lính ngang qua nhà, ông lại nhói lòng khi thấy mẹ ngồi lặng bên hiên cửa hàng giờ. 

"Ông ngoại hi sinh từ ngày đánh Pháp, rồi đến lượt bố tôi nằm lại trên chiến trường trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt. Nên mẹ tôi cứ khắc khoải, không biết giờ này ông và bố nằm nơi đâu? Nhớ bố, mẹ tôi lại dặn: Nếu như mẹ không tìm thấy hài cốt của bố, thì con và những thế hệ sau này vẫn sẽ tiếp tục đi tìm".

Trên giấy báo tử của liệt sĩ ghi rõ: Đoàn Anh Thông, sinh năm 1946, nguyên quán Nam Cường, Nam Ninh, Hà Nam Ninh. Nhập ngũ năm 1965, chức vụ Trung đội trưởng, cấp bậc Thiếu úy, đơn vị D.117 – E234 – F361. Hi sinh ngày 26.11.1971 trong trường hợp chiến đấu chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, được công nhận là liệt sĩ. 

Tuy nhiên, thông tin trong những trang thư và những dòng nhật kí còn lại của liệt sĩ Đoàn Anh Thông khá phức tạp. Có lúc ông ở đại đội 137, Trung đoàn 223, có lúc ông lại trực thuộc tiểu đoàn bộ của Trung đoàn 257. 

Lần theo địa chỉ ghi trên các bì thư, trận địa pháo 37mm của ông đóng quân ở rất nhiều nơi: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Tây, Hà Bắc, Nam Định, Quảng Bình.

Hành trình 50 năm người vợ đi tìm chồng liệt sĩ từ cuốn nhật ký và những lá thư - Ảnh 3.

Cuốn nhật ký vẫn đang còn dang dở

Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, anh Phong chia sẻ: "Mẹ tôi đã lặn lội vào những vùng bố từng đóng quân nhưng không tìm thấy một chút thông tin nào. Rất nhiều lần sau này, hễ nghe được bất kỳ thông tin gì về bố, mẹ lại "cơm đùm cơm nắm" bồng bế tôi đi tìm".

Trong chặng đường kiếm tìm ấy, gia đình may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Hoạch (xã Hải Hà, huyện Hải Hậu), là người trực tiếp chôn cất liệt sĩ Thông cùng năm đồng đội. 

Do bị sức ép bom, trí nhớ không còn minh mẫn nên những giây phút tỉnh táo hiếm hoi ông Hoạch kể, trận địa pháo của đơn vị được bố trí bảo vệ binh trạm và bệnh viện Cự Nẫm. 

Khẩu đội của ông Thông bị địch oanh tạc. Các chiến sĩ hi sinh lúc 5h chiều nhưng mãi đến 7h tối, đồng đội mới khiêng được họ qua Cổng Trời, mai táng ở ven đường. Mộ của ông Thông có một chiếc bát úp lên vết thương ở bụng và một chiếc bút máy.

Chỉ ngần ấy thông tin nhưng gia đình liệt sĩ vẫn không nản lòng trên hành trình tìm kiếm người chồng, người cha liệt sĩ. Có lần, bà Chạy cùng anh Phong đi xe ôm 300 cây số từ Đồng Hới (Quảng Bình) sang tận Cổng Trời, rồi lại vào các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá để tìm mộ ông Thông nhưng đều không thấy...

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với bà Lê Thị Chạy và người thân thì từ sau ngày đất nước giải phóng, họ vẫn chưa nguôi chờ đợi và luôn hi vọng về một ngày sẽ tìm thấy nơi an nghỉ của người chồng, người cha của mình.