Kiến trúc sư đưa ra ý tưởng thiết kế ban công vừa an toàn cho gia đình có trẻ nhỏ, vừa dễ ứng phó khi sự cố xảy ra

An Chi | 03-10-2023 - 14:08 PM

(Tổ Quốc) - "Cáp an toàn đủ chắc chắn đối với sự an toàn khi nhà có trẻ nhỏ nhưng khi xảy ra sự cố có thể cắt được bằng dụng cụ kìm cắt đơn giản và không mất nhiều thời gian", Kiến trúc sư Kiên Đoàn chia sẻ.

Dạo gần đây, không ít những vụ hỏa hoạn đáng tiếc xảy ra gây mất mát, thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhiều gia đình cảm thấy băn khoăn trong việc thi công, thiết kế không gian sống cho nhà có trẻ nhỏ. Đặc biệt tại khu vực ban công, việc có làm rào chắn hay không cũng đặt ra một câu hỏi lớn.

Trao đổi về vấn đề này, Kiến trúc sư Kiên Đoàn, giám đốc công ty TNHH kiến trúc nội thất Greenland Việt Nam đã có những chia sẻ như sau.

1

Hiện nay, trong thiết kế nhà dân dụng, ngoài những không gian sinh hoạt cơ bản cho gia đình, các Kiến trúc sư có lưu tâm nhiều đến những không gian an toàn được thiết kế cho riêng trẻ nhỏ không, thưa anh?

Tất nhiên là có. Dù một căn nhà phố với 3-4 tầng hay một căn hộ diện tích vừa và nhỏ, Kiến trúc sư luôn lưu tâm đến các không gian cho trẻ nhỏ. Đặc biệt trong độ tuổi mầm non và cấp tiểu học. Đó không chỉ là những không gian đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản là Ăn - ngủ - chơi - học tập. Những yếu tố an toàn trong thiết kế nhà cho trẻ nhỏ luôn được Kiến trúc sư lưu tâm.
2

Gần đây khi nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra, không ít gia đình cân nhắc giữa việc làm chuồng cọp hay mở thoáng. Vì nếu rào chắn toàn bộ thì bảo đảm an toàn cho con nhưng lại khó xoay sở khi có vấn đề xảy ra. Theo anh, khi thiết kế nhà có trẻ nhỏ phải lưu ý điều gì?

Những vụ cháy thương tâm xảy ra, khiến cho tôi cũng tự hỏi liệu như thế nào mới là "an toàn", nếu chỉ suy nghĩ một cách đơn giản làm một cái chuồng cọp để an toàn trẻ em leo trèo hoặc đề phòng kẻ gian rình mò thì vô hình chung lại là cái lồng nhốt chúng ta lại khi xảy ra hỏa hoạn. 

Tôi đã chứng kiến đoạn video quay lại cảnh những người lính cứu hỏa không tiếc sự an nguy thân mình mà trèo lên, băng qua mái tôn nhà hàng xóm, bám vào những thanh sắt han gỉ để tiếp cận cứu hộ cho gia đình trên tầng 3. Nhưng lúc đến nơi thì vẫn phải tìm cách để dùng dụng cụ cắt sắt phá hủy những chiếc "chuồng cọp kiên cố" , trong khi thời gian chạy đua lúc ấy chỉ tính bằng giây bằng phút. 

Những công trình kiến trúc ngày nay, khi chủ nhà đề nghị làm chuồng cọp để đảm bảo an toàn (chủ yếu là đến việc chống kẻ gian đột nhập), Kiến trúc sư sẽ hướng đến giải pháp thiết kế một chiếc cửa sắt (hoặc inox) có thể mở được chốt từ bên trong khi cần thoát nạn.

Kiến trúc sư đưa ra ý tưởng thiết kế ban công vừa an toàn cho gia đình có trẻ nhỏ, vừa dễ ứng phó khi sự cố xảy ra - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

3

Một ngôi nhà an toàn cho trẻ nhỏ cần phải đề cao những yếu tố nào? Yếu tố nào quan trọng nhất?

Điện - Nước - Lửa là những nguy cơ hiện hữu trong ngôi nhà cần lưu tâm đối với trẻ nhỏ. Một trò chơi "nghịch dại" như đổ nước vào cái quạt đang chạy có thể dẫn đến chập cháy và gây ra hỏa hoạn. Hay việc thắp hương, hóa vàng mã là những việc trẻ em cũng rất dễ bắt chước làm theo người lớn... 

Tuy nhiên, ngày nay từ cấp mầm non, các cô giáo cũng đã rất lưu tâm đưa những khóa học hướng dẫn an toàn cho trẻ nhỏ vào trong chương trình, bản thân tôi đã từng được tham gia một khóa học như vậy cùng con mình và tôi thấy vô cùng bổ ích. 

 Bởi lẽ, chúng ta không thể cấm con mình tiếp cận với những vật dụng cần thiết hàng ngày liên quan đến Điện-Nước-Lửa, trẻ em cũng cần được học cách để sử dụng những dụng cụ ấy trong ngôi nhà. Nhưng nếu bố mẹ kiên nhẫn, hướng dẫn từng bước từ việc sử dụng đồ dùng thế nào cho an toàn, cho đến việc răn đe "nếu gây mất an toàn thì hậu quả thế nào" , từ đó tôi tin rằng nếu được sự giáo dục đầy đủ từ phía gia đình và lớp học, trẻ con sẽ hiểu được điều gì là hữu ích và điều gì là không an toàn. 

Với những khu vực cầu thang, giếng trời, ban công hoặc sân thượng, khi thiết kế Kiến trúc sư luôn lưu tâm đến chiều cao an toàn cho ban công (thường thì sẽ cao từ 1,2-1,4m) và thêm cáp an toàn cho một số khu vực nhạy cảm. Ngoài ra, tôi cũng thường "khuyến nghị" các gia đình đừng kê đồ đạc lỉnh kỉnh ở những khu vực trên tránh việc trẻ con hiếu động trèo lên và có thể xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.

4

Anh có thể đưa ra một vài ý tưởng thiết kế về chỗ ban công an toàn và khi xảy ra hỏa hoạn cũng có thể dễ dàng ứng phó không?

Với những công trình kiến trúc mới được xây dựng, hoặc quy định bắt buộc ở một số dự án căn hộ cao cấp, không cho phép làm "chuồng cọp kiên cố" mà phải thay thế bằng cáp an toàn. Cáp an toàn đủ chắc chắn đối với sự an toàn khi nhà có trẻ nhỏ nhưng khi xảy ra sự cố có thể cắt được bằng dụng cụ kìm cắt đơn giản và không mất nhiều thời gian. Tôi quan sát thấy hầu hết gia đình đều có ít nhất 1 cái tủ thuốc sơ cứu, nhưng tôi khuyến nghị ngày nay (đặc biệt ở nhà tầng hay căn hộ chung cư) chúng ta nên làm thêm một chiếc "hộp cứu nạn" trong ấy nên có tối thiểu chiếc kìm cắt cáp và có thể có đôi ba chiếc mặt nạ chống khói độc... 

Nếu nói về ý tưởng trong thiết kế, có một điểm chung mà trước giờ những dự án công trình kiến trúc do tôi thiết kế, ngoài những nguyên tắc an toàn ở nơi ban công, sân thượng mà tôi có chia sẻ, tôi thường sẽ xen kẽ vào kiến trúc một số chi tiết như "lam chắn nắng" hoặc "lam che vị trí cục nóng điều hòa" .Chi tiết không chỉ tạo nên nét đẹp kiến trúc hiện đại, mà đôi khi nó còn chính là "chiếc thang cứu nạn" khi xảy ra sự cố. 

Nhưng, không ai muốn căn nhà mình đang ở xảy ra sự cố cả. Một lần hỏa hoạn, dẫu không thiệt hại về người thì cũng khiến cho một gia đình mất mát rất nhiều, có những người kinh doanh bị cháy xưởng hay công ty dẫn đến tán gia bại sản. Khi thiết kế công trình, tôi luôn tư vấn khách hàng hãy lựa chọn những sản phẩm dây dẫn hoặc thiết bị điện chất lượng. Kiểm tra cẩn thận hệ thống phòng cháy chữa cháy trong căn hộ đảm bảo vẫn hoạt động tốt. Tránh xa những thiết bị điện không rõ nguồn gốc xuất xứ và kém chất lượng. Đôi khi tưởng tiết kiệm được một chút nhưng khi xảy ra hậu quả thì mất mát vô cùng lớn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM