Kỳ vọng về Ngân hàng số "bình thường mới"

(Tổ Quốc) - Dưới áp lực cạnh tranh và làn sóng số hoá ngành ngân hàng, ngân hàng số trở thành xu hướng tất yếu trong thời kì "bình thường mới" với nhiều kỳ vọng được đặt ra.

Bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những nỗ lực hợp tác chống dịch của xã hội đã dần hình thành nên thói quen chuyển đổi các giao dịch và quản lý tài chính từ truyền thống sang trực tuyến của người tiêu dùng.

Kỳ vọng về Ngân hàng số bình thường mới - Ảnh 1.

Bên cạnh một số thay đổi bắt buộc trong việc giao dịch tại các điểm giao dịch của ngân hàng, những lo ngại về sức khoẻ của người dân càng góp phần vào sự gia tăng của giao dịch tài chính không tiếp xúc như thanh toán không tiền mặt, mở tài khoản online, vay online… Không chỉ giao dịch trong nước, đầu năm 2021, MBBank là ngân hàng tiên phong trên thị trường triển khai dịch vụ chuyển tiền quốc tế online.

Đánh giá về tốc độ phát triển của ngân hàng số trong thời kì "bình thường mới", nhà phân tích Mike Mayo của Wells Fargo Securities đã nhận định: "Những gì chúng ta đang thấy là sự tăng tốc lớn nhất của ngân hàng kỹ thuật số trong lịch sử."

Tăng tốc về kĩ thuật số

Trong thời kì "bình thường mới", tốc độ được coi là chìa khoá thành công của chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh chóng trong đại dịch thúc đẩy các ngân hàng thích ứng nhanh và linh hoạt hơn với những tiến bộ kĩ thuật số, tăng tốc áp dụng công nghệ và dữ liệu để đáp ứng kỳ vọng ngày càng lớn của khách hàng.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 93% ngân hàng hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số. 80% ngân hàng cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin. Hàng loạt các ngân hàng lớn đã xác định chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm trong mục tiêu phát triển bền vững và bước đầu đã đạt được những thành công vượt trội.

Kỳ vọng về Ngân hàng số bình thường mới - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng xác định "lấy khách hàng là trung tâm" và đặt ra những mục tiêu cụ thể cho tiến trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng số trong thời kì mới, NHNN chủ động nghiên cứu, ban hành các quy định pháp lý phù hợp như: cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip,...) cũng như phê duyệt triển khai VietQR – một dịch vụ thanh toán, chuyển khoản bằng mã QR giữa các ngân hàng, nhằm giúp người tiêu dùng làm quen với phương thức thanh toán điện tử trong các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Với định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và sự chỉ đạo kịp thời của NHNN, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng và công ty cổ phần thanh toán quốc gia NAPAS trong vai trò kết nối, hình thức chuẩn thanh toán quốc gia bằng mã VietQR này được kỳ vọng sẽ phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian tới.

Đầu tư lớn cho công nghệ nâng cao

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số trong thời kì "bình thường mới" là sự gia tăng không ngừng trong việc đầu tư cho công nghệ nâng cao của các ngân hàng để đón đầu xu hướng tiêu dùng cũng như tăng cường bảo mật trên môi trường số.

Với mục đích mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thuận tiện và an toàn trên môi trường số, nhiều ngân hàng đã liên tục cập nhật đổi mới bằng các công nghệ xác thực khách hàng điện tử (eKYC), sử dụng QR code, sinh trắc học …Đặc biệt, giải pháp eKYC của MBBank giành giải thưởng "Sao Khuê 2021" của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và giải thưởng Ngân hàng có "Giải pháp thu hút khách hàng mới hiệu quả nhất 2021" (Best Customer Onboarding Initiative) của tạp chí quốc tế The Asian Banker, là giải pháp tiên phong tại thị trường Việt Nam cung cấp đầy đủ công nghệ nhận diện khách hàng về khuôn mặt và giọng nói.

Kỳ vọng về Ngân hàng số bình thường mới - Ảnh 3.

Liên tục mở rộng hệ sinh thái tiện ích số

Theo khảo sát vào tháng 10/2020 của Foresight Research công bố, so với tỉ lệ 12% khách hàng chuyển sang các ngân hàng hay tổ chức tài chính khác trong hai năm trước đại dịch thì con số này có xu hướng tăng lên 27% đối với các ngân hàng lớn từ năm 2020 đến năm 2022, trong đó có gần 75% là khách hàng Millennials hoặc GenZ. Một nhóm người tiêu dùng mới cũng xuất hiện cùng với sự phát triển của fintech (công nghệ tài chính) với nhiều phương thức thay thế trong thanh toán, tiêu dùng.

Điều này càng thúc đẩy các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, xu hướng hợp tác với các công ty fintech, mở rộng mô hình theo hướng tích hợp nhiều kênh sẽ giúp các ngân hàng tận dụng được nền tảng công nghệ, hướng tới trải nghiệm khách hàng đồng nhất thông qua việc mang đến những lợi ích thiết thực như giảm chi phí, gia tăng tiện ích và thuận tiện cho khách hàng theo hướng cá nhân hoá cao, cung cấp dịch vụ phù hợp với ngữ cảnh, đặc biệt là khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn.

Nhận thấy sức cạnh tranh ngày càng lớn của thị trường, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư cho nguồn nhân lực công nghệ, MBBank là một trong những ngân hàng đã nhanh chóng bắt tay hợp tác với các đối tác công nghệ lớn như IBM, Viettel, …hay các doanh nghiệp fintech như FinViet, Zalo, Momo, … nhằm tối ưu giải pháp chuyển đổi số, xây dựng nền tảng công nghệ để mở rộng các dịch vụ cạnh tranh so với thị trường.

Mới đây, thông qua việc hợp tác với Tập đoàn MK (Việt Nam) và Tập đoàn Entrust (Mỹ), MBBank đã triển khai thành công giải pháp phát hành thẻ ngay lập tức tại 30 hệ thống MB SmartBank trên toàn quốc. Giải pháp này được The Asian Banker – Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của Châu Á nhận định là một trong những điểm ưu việt, giúp MBBank giành giải thưởng uy tín "Ngân hàng số hóa điểm giao dịch tốt nhất Việt Nam" (Best branch digitisation implementation in Vietnam) trong đợt bình chọn năm 2021.

Kỳ vọng về Ngân hàng số bình thường mới - Ảnh 4.

Bối cảnh đại dịch đã góp phần tạo nên những bước tiến quan trọng ngành ngân hàng nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người tiêu dùng. Vượt qua thách thức của đại dịch, ngân hàng số "thời kì mới" hình thành và hứa hẹn mở ra một tương lai số rất gần phía trước.

Ánh Dương

Tin Cùng Chuyên Mục
BAC A BANK ra mắt thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới

BAC A BANK ra mắt thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới

Ngày 27/04/2024, BAC A BANK đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên tại Nghệ An với sự tham dự của các cổ đông chiếm tỷ lệ 91,72% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội, cùng đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành & đại diện CBNV BAC A BANK.
Tin mới