Nâng cao năng lực thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững tại Việt Nam

| 25-08-2023 - 11:00 AM

Bộ Tài chính và GGGI tổ chức chương trình đào tạo về phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững cho các cơ quan, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp chủ chốt trên thị trường tại Việt Nam. Đây là sự kiện thứ ba trong chuỗi hoạt động đào tạo do Bộ Tài chính và GGGI hợp tác thực hiện nhằm nâng cao năng lực thị trường trái phiếu xanh trong nước.

Vừa qua, Bộ Tài chính và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo về phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững (GSS) cho các cán bộ, chuyên gia từ các cơ quan, đơn vị nhà nước và tư nhân trên thị trường trái phiếu Việt Nam. Sự kiện đào tạo diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 24-25 tháng 7.

Khóa đào tạo "Kinh nghiệm quốc tế về phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững" được thực hiện bởi Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA), cung cấp cái nhìn tổng quan về các thực hành tốt nhất hiện nay và hướng dẫn các bước cụ thể trong quy trình phát hành trái phiếu GSS, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cho hơn 70 đại diện đến từ các cơ quan chính phủ, ngân hàng, định chế tài chính, trường đại học và các tổ chức phát hành khối doanh nghiệp.

Theo ước tính của tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI), tổng giá trị phát hành trái phiếu GSS trên toàn cầu đạt 3,8 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022. Khi các quốc gia trong đó có Việt Nam tăng cường nỗ lực để đẩy nhanh thực hiện phát thải ròng bằng 0, con số này có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2030.

Phát biểu khai mạc hội nghị đào tạo, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, nhấn mạnh Việt Nam cần rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế, vừa thích ứng và giảm thiểu các tác động do biến đổi khí hậu mang lại. Với quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, nhu cầu huy động vốn xanh dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án xanh, có tác động tích cực đến môi trường.

Tại Việt Nam, việc thực hiện lộ trình phát triển hướng đến đạt phát thải ròng bằng 0 và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ cần huy động nguồn đầu tư khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040, theo Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới năm 2022. Thị trường tài chính bền vững có thể đóng vai trò quan trọng trong việc huy động đầu tư từ khối tư nhân cho quá trình chuyển đổi này. Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy thị trường trái phiếu bền vững ở Việt Nam, đặc biệt nhằm cải thiện môi trường pháp lý cũng như khuyến khích đầu tư. Huy động tài chính cho tăng trưởng xanh là một định hướng được chú trọng trong chiến lược tài chính đến năm 2030 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược chuyển đổi của Việt Nam hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0, đồng thời đảm bảo mục tiêu cân đối nguồn lực phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà Maria Cecilia Paña, Phó Trưởng Đại diện Quốc gia GGGI tại Việt Nam, khẳng định GGGI sẽ tiếp tục là đối tác tin cậy đồng hành với Bộ Tài chính trong các hoạt động sắp tới, hỗ trợ phát huy vai trò của thị trường vốn trong việc huy động tài chính cho quá trình thực hiện phát thải ròng bằng 0 và các chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Hội nghị đào tạo chuyên sâu kéo dài hai ngày mang đến hướng dẫn thiết thực về các nguyên tắc dựa trên thị trường cho việc phát hành các công cụ trái phiếu GSS. Các thảo luận tập trung vào các thực hành tốt về chuẩn bị khung trái phiếu GSS, xây dựng quy trình nội bộ để thẩm định dự án và quản lý nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu, cũng như thực hiện báo cáo đánh giá tác động đến môi trường, xã hội và phát triển bền vững sau phát hành. Chương trình đào tạo là cơ hội để các đại biểu và chuyên gia tham gia chia sẻ quan điểm, từ đó đóng góp thông tin hữu ích cho các cơ quan chuyên môn trong việc hoạch định chính sách và khung pháp lý cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam.

Nâng cao năng lực thị trường trái phiếu xanh, xã hội và bền vững tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đại biểu tham dự khóa đào tạo. Hình ảnh: GGGI.

Đây là hoạt động đào tạo thứ ba trong khuôn khổ chương trình "Chuẩn bị sẵn sàng cho trái phiếu xanh Việt Nam" do GGGI phối hợp triển khai với Bộ Tài chính, cùng sự tài trợ từ Chính phủ Luxembourg.

Về Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI)

Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) là tổ chức liên chính phủ quốc tế, được thành lập dựa trên hiệp ước nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bao trùm và bền vững ở các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Có trụ sở chính tại Seoul, Hàn Quốc, GGGI hiện có mạng lưới 45 quốc gia thành viên trên toàn thế giới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM