Nghị lực đứng trên bục giảng của nữ giáo viên khiếm thị

Hạnh Linh | 23-11-2022 - 11:40 AM

(Tổ Quốc) - Bị mù mắt sau khi người yêu cũ hắt axit vào mặt, cô giáo Ánh Dương vẫn vượt lên nghịch cảnh và tiếp tục đứng trên bục giảng.

Những tưởng, thanh xuân của cô giáo trẻ Lê Thị Ánh Dương (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) mãi khép lại ở tuổi 22, sau khi bị người yêu cũ hắt axit vào mặt: Đôi mắt mù, gương mặt biến dạng, chằng chịt những vết sẹo… Song, với nghị lực vượt lên nghịch cảnh, cô vẫn tiếp tục đứng lớp tại Trung tâm giáo dục dạy nghề (Hội người mù tỉnh Thanh Hóa).

Đêm “định mệnh” của cô giáo trẻ

Từ xa, tôi nhìn thấy cô Dương cùng với 5 học trò trong căn phòng nhá nhem tối, nhưng cả cô và trò đều không hay biết về vị khách lạ. Bởi cả 6 cô trò đều không thể nhìn thấy ánh sáng. Chúng tôi mở lời chào, họ mới nhận ra nhà có khách.

Cô Dương trước mắt tôi mới ngoài 40 tuổi, nước da trắng, khuôn mặt méo mó và chằng chịt những vết sẹo. Cô quơ tay kéo cái ghế cho chúng tôi ngồi với những động tác thuần thục. Tôi cũng không muốn gợi lại quá khứ đau buồn, nhưng cô thì hiểu dụng ý, mở lời. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trường THPT chuyên Lam Sơn, với thành tích đạt giải Quốc gia, cô được tuyển thẳng vào khoa tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức. Ra trường, cô công tác tại một trường cấp II ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).

Thanh Xuân tươi đẹp đang rộng mở thì tai ương ập đến. Đến giờ dù đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng nỗi ám ảnh về vụ bị tạt axit kinh hoàng năm xưa thì cô mãi không thể nào quên. Cô Dương nhớ: Vào một buổi tối mùa hè năm 2001, lúc đi dạy về gần đến nhà, cô bị cái gì đó lành lạnh tạt mạnh vào người. Một cảm giác cháy da, cháy thịt ập đến. Cô la lên thất thanh và rồi ngất lịm.

Sự hồi sinh kỳ diệu của cô giáo bị người yêu tạt axít - Ảnh 1.

Cô Dương thời đang là sinh viên sư phạm.

Tỉnh dậy, cô Dương không nhìn thấy gì mà chỉ biết toàn thân đau đớn, bỏng rát. Cô tuyệt vọng hơn khi biết kẻ gây ra tội ác với cô chính là người yêu cũ và em trai của hắn. 

Để có tiền chạy chữa, bố mẹ cô đã bán hết tài sản trong nhà, mảnh đất với căn nhà cấp 4 là nơi trú ngụ của gia đình cũng được bán đi để cứu vớt mạng sống cho con gái. Hơn 3 năm nằm viện, trải qua 16 lần phẫu thuật, các bác sỹ ở Bệnh viện Bỏng đã cứu được mạng sống của cô nhưng không thể giúp cô Dương nhìn thấy mọi vật bằng đôi mắt.

“Gục ngã, thất vọng rồi rơi vào bế tắc, tôi đóng cửa ngồi một mình trong phòng. Nhiều lần xin bố mẹ để mình được chết đi thay vì đau đớn chịu đựng, nhưng bố mẹ vẫn kiên trì đưa con đi chạy chữa”- Cô Dương nhớ lại.

Mỗi lần nhắm mắt không thể mở ra, bố mẹ lại gào khóc, cầu xin bác sỹ: “Hãy cứu con tôi”. Lòng cô lại quặn thắt mà cố gắng sống tiếp…

“Không chết thì phải sống”

Đứng dậy khi vết thương còn đang rỉ máu, cô Dương luôn quan niệm rằng: “Không chết thì mình phải sống”. Cô bước vào bóng tối - thế giới của người mù với phương châm “từ từ rồi nó sẽ qua, cuộc đời là như vậy”

Đôi mắt không thể nhìn thấy mọi vật xung quanh, không ít lần cô Dương bị vấp ngã, chảy máu, song với một người bị tạt axit, trải qua 16 lần phẫu thuật trong 3 năm thì không còn nỗi đau nào cùng cực hơn. 

Thời gian dần trôi, cô Dương quen dần với bóng tối bao quanh. Cô mở lòng khi đến Trung tâm hội người mù Thanh Hóa sinh hoạt cùng. Gặp những con người có chung hoàn cảnh giống mình, cô cảm thấy hãy còn may mắn khi đã từng nhìn thấy bầu trời, định hình được cuộc sống; nhìn ngắm gương mặt mình qua gương, và của những người thân yêu trong gia đình. 

Một ngày, cô nói về ước mơ của mình với Ban giám đốc Trung tâm tâm giáo dục dạy nghề (Hội người mù tỉnh Thanh Hóa), nhận thấy niềm say mê đứng lớp và bản lĩnh của cô Dương, Ban giám đốc trung tâm đồng ý cho cô đi học chữ nổi. Và thế là, cô Dương bắt đầu rèn giũa mình với những con chữ mới, cô kiên trì đi học và học nghiệp vụ dạy trò khiếm thị. Rồi một lần nữa, ước mơ trở thành giáo viên, đứng trên bục giảng lại được “hồi sinh”. 

Đến giờ, cô giáo Lê Thị Ánh Dương hiện là người khiếm thị duy nhất ở Thanh Hóa được đặc cách vào biên chế của ngành giáo dục. Cô cũng là giáo viên dạy môn tiếng Anh bằng chữ nổi duy nhất ở tỉnh Thanh Hóa. 

Tiếng học trò gọi cô, đọc thơ, hát cho cô nghe đã khiến cô Dương tìm thấy niềm vui khi đứng trên bục giảng, làm cô quên đi quá khứ đớn đau. Cô Dương bảo, được sống trong một hình hài dù không còn nguyên vẹn đã là cái phúc, giờ lại được trở lại với cái nghề mà mình yêu thích, được truyền cho học trò kém may mắn những tri thức mà mình có quả không diễm phúc nào sánh bằng.

Mong một lần nhìn thấy mặt chồng, con

Sau khi bán nhà chạy chữa cho con gái, cùng cực, bố mẹ cô Dương dồn sức mua một lô đất nhỏ hơn để xây nhà. Lô đất mà bố mẹ cô mua nằm trong khu vườn của bố mẹ anh Nguyễn Mạnh Cường - người đã đem đến tình yêu bất ngờ và kỳ diệu cho cô Dương sau này.

Cô Dương nhớ lại, đầu năm 2004, anh Cường đến. Anh sinh năm 1980, kém cô một tuổi. Ban đầu anh và cô chỉ nói chuyện, tâm sự như hai người bạn bình thường, bởi cô Dương chưa bao giờ nghĩ mình có thể bắt đầu tình yêu mới khi nỗi đau về thân xác vẫn đang còn hiện hữu. 

Một thời gian sau, anh Cường ngỏ lời yêu, anh bảo muốn ở bên cạnh, chăm sóc cho Dương. “Tôi không nghĩ anh mang theo trái tim chân thành đến với mình mà chỉ nghĩ anh đang trêu đùa với một cô gái khiếm thị, tật nguyền mà thôi. Nhưng không, anh khác hẳn với suy nghĩ của tôi. Anh quả quyết, điềm tĩnh, nói chuyện chậm rãi. Mẹ tôi còn nói, anh Cường rất đẹp trai. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà anh lại cương quyết đến với tôi như vậy” - cô Dương tươi cười. 

Hai năm sau, tình yêu chân thành của anh Cường đã làm cô giáo Ánh Dương vốn xem tình yêu đã chết một lần nữa rung động. Tháng 8/2005, anh Cường đã cùng cô Dương làm đăng ký kết hôn. Niềm vui nhân đôi khi năm 2008, vợ chồng cô Dương đón đứa con gái đầu đời - Nguyễn Lê Bảo Ngọc.

Việc mang bầu với người mù đã rất khó khăn, nhưng khi sinh con ra rồi, khó khăn nhân lên gấp bội, cô Dương nhớ, lúc y tá bế đứa con đỏ hỏn đến đặt vào tay, cô Dương ngập ngừng sờ nắn. Những giọt nước mắt bắt đầu lăn trên đôi má bởi cô biết rằng không biết đến bao giờ mình mới có thể ngắm nhìn hình hài của con gái. 

Công cuộc bỉm sữa với cô Dương là một thử thách lớn, thời gian đầu pha sữa, cô thường làm đổ hoặc vón cục, nhiều lần cô bị bỏng nước sôi... Bản lĩnh của người mẹ khiến cô Dương mạnh mẽ và bắt đầu học tìm ra quy luật. Cô Dương bảo, ban đầu cô lấy nắp bình sữa múc đầy nước đổ vào bình. Thông qua chồng và mẹ, cô biết được mỗi nắp nước là bao nhiêu mi li lít và mấy nắp sẽ đầy bình sữa. 

Từ đó, cô kết hợp số lượng muỗng sữa tương ứng. Khi cho con uống sữa, cô một tay cầm bình, một tay vừa ôm vừa xác định vị trí miệng bé để đút sữa vào. Rồi khi con tập bò, tập đi trong nhà, cô quờ chân bước rón rén vì sợ giẫm phải con. Đến tuổi con tập đi, cô Dương đeo vào chân bé cái dây trang sức gắn lục lạc để biết con đang ở hướng nào…

Để tiện chăm sóc đưa đón vợ, anh Cường đã xin làm bảo vệ ở Hội người mù tỉnh Thanh Hóa. Mới đây, anh đã chuyển sang làm bảo vệ ở nơi khác, thế nhưng, mỗi ngày, anh vẫn đưa vợ đi làm và xế chiều lại đón cô về quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

10 năm sau, nhờ chương trình “Điều ước thứ 7”, một đám cưới chính thức mới được diễn ra, cũng là lúc bố mẹ chồng mới đón nhận cô. “Đến giờ, tôi chưa biết khuôn mặt chồng mình ra sao, nhưng chỉ biết anh có một tâm hồn rất đẹp, trái tim ấm áp và một tấm lòng vị tha cao cả". 

Hơn 10 năm sống cùng nhau, cô Dương vẫn cảm thấy ấm áp, hạnh phúc khi ở bên chồng. Cô thương, yêu anh hơn cả những ngày đầu vì đã mở lòng với một cô gái khiếm thị, tật nguyền. Cô Dương nói: "Tôi mong chỉ một lần được nhìn thấy ánh sáng, để được ngắm nhìn chồng, con của mình”.