(Tổ Quốc) - Nhìn chung, nỗ lực chống dịch và các chính sách kích cầu đã giúp hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng dần khôi phục. Tuy nhiên, du lịch vẫn là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm được Tổng cục thống kê công bố mới đây cho biết hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 đã có xu hướng tăng trở lại. Có được kết quả này là nhờ những chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Đồng thời, đây cũng là tháng học sinh, sinh viên nghỉ hè nên nhiều gia đình tổ chức đi du lịch trong nước.
Tính riêng tháng Bảy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,3 so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nếu như doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 tỷ đồng, tăng 7% thì doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, chứng kiến sự sụt giảm 4,4% so với cùng kỳ 2019.
Nỗ lực kích cầu dù đã giúp du lịch nội địa dần sôi động trở lại, tuy nhiên việc mất gần như hoàn toàn nguồn khách quốc tế vẫn khiến doanh thu du lịch lữ hành tháng Bảy giảm 59,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,5 nghìn tỷ đồng.
Tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (79,2%), đạt 2.218 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 10% tổng mức và giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay so với cùng kỳ 2019 của một số địa phương: Khánh Hòa giảm 59,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 46,5%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 45,1%; Cần Thơ giảm 27,5%; Đà Nẵng giảm 24,5%; Thanh Hóa giảm 21,5%; Hà Nội giảm 18,9%; Đồng Tháp giảm 12,4%; Quảng Ninh giảm 11,8%; Hải Phòng giảm 10%.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%). Những trung tâm, thành phố du lịch lớn vẫn là những nơi chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất như Khánh Hòa giảm 76,4%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 74,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 63,3%, Cần Thơ giảm 57,1%; Quảng Ninh giảm 50,5%; Quảng Bình giảm 48,6%; Hà Nội giảm 38,6%; Thanh Hóa giảm 38,5%; Bình Định giảm 38%; Hải Phòng giảm 23,7%.
Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2020 của Đà Nẵng cũng giảm đến 58,6% so với cùng kỳ 2019. Sự bùng phát bất ngờ của dịch Covid-19 tại thành phố này, vốn đang trong mùa cao điểm du lịch một lần nữa khiến các hoạt động bị tê liệt, các kế hoạch kích cầu, lễ hội trong thời gian tới đều tam thời bị hoãn hoặc hủy bỏ.
T.D