“Nóng” cuộc đua ngân hàng số trên các ứng dụng di động

(Tổ Quốc) - Trên các kho ứng dụng, nhu cầu của người dùng thể hiện khá rõ qua xếp hạng của các app được tải về nhiều nhất.

Quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng đang diễn ra ngày càng sôi động và việc các ngân hàng “nhìn nhau” để “chạy” càng làm cho chuyển đổi số trở thành một cuộc đua thực sự trên thị trường hiện nay.

Trong chuyển đổi số, mỗi ngân hàng có một chiến lược riêng. Có ngân hàng xác định đổ tiền mỗi năm từ vài trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng để làm mạnh mảng ngân hàng số, xây dựng ngân hàng số riêng, xác định đó là mũi nhọn. Nhưng cũng có những nhà băng đầu tư vừa phải cho số hóa, bên cạnh vẫn đẩy mạnh ngân hàng truyền thống do có các quan điểm khác biệt trong mục tiêu khách hàng.

Dù các mức độ đầu tư là khác nhau, chiến lược khác nhau song với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, đặc biệt là việc sử dụng điện thoại thông minh trở nên phổ biến, thì hầu hết các ngân hàng đều xây dựng riêng các app sử dụng trên thiết bị di động nhằm hướng tới sự thuận tiện, trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Và việc này cũng tạo nên một cuộc đua khác nữa đó là chạy đua trên ứng dụng di động.

Trên các kho ứng dụng, nhu cầu của người dùng thể hiện khá rõ qua xếp hạng của các app được tải về nhiều nhất. Tất nhiên bảng xếp hạng nhiều khi cũng có những thay đổi rất lớn, đặc biệt là khi các ngân hàng, tổ chức tài chính tung ra những chương trình khuyến mại để hút khách. Chẳng hạn như hồi cuối tháng 6, khi MB đưa ra chương trình mở tài khoản chọn số đẹp thì app của ngân hàng này liên tục duy trì top 1 được tải nhiều nhất trong 2-3 tuần liền. Hay thời điểm Vietcombank mới ra mắt ngân hàng số, Vietinbankipay mới ra đời, Techcombank truyền thông mạnh chính sách zero fee thì ứng dụng của các nhà băng này cũng leo lên vị trí top đầu.

“Nóng” cuộc đua ngân hàng số trên các ứng dụng di động - Ảnh 1.

Các app tài chính ngân hàng được tải nhiều nhất trên App Store ngày 26/11

Cập nhật tại thời điểm ngày 26/11, trên App Store (kho ứng dụng cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS) thì Ví Momo đang xếp đầu bảng trong nhóm các app tài chính, MB đứng thứ 2, TPBank mobile xếp thứ 3, Vietcombank thứ 4, các vị trí tiếp theo thuộc về Agribank, BIDV Smart Banking, ViettelPay, Techcombank, VietinBank iPay và VPBank.

Còn trên CH Play (hay Google Play – kho ứng dụng cho cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android) hôm nay thì vị trí thứ nhất đang thuộc về MB Bank, thứ hai là Ví Momo, thứ ba là Viettelpay, các vị trí còn lại của top 10 lần lượt gọi tên Vietcombank, Agribank, VietinBankipay, Techcombank, Sacombank, ACB và TPBank.

“Nóng” cuộc đua ngân hàng số trên các ứng dụng di động - Ảnh 2.

Nhìn trên bảng xếp hạng cho thấy có những ngân hàng liên tục đứng trong top đầu về nhu cầu tải về ở cả App Store và CH play nhưng cũng có ngân hàng chỉ nổi lên trên một vài thời điểm của App Store Việt Nam nhưng lại xếp hạng rất xa trên CH play. Việc ngân hàng nào có được vị trí vững chắc trên cả hai hệ điều hành cho thấy ứng dụng của ngân hàng đó phục vụ được đa dạng người dùng hơn.

Theo một chuyên gia trong ngành, với xu hướng "mobile first" thì việc phát triển các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động là điều tất yếu, không cần bàn cãi ở thời điểm hiện tại. Theo một thống kê tại Việt Nam tính đến hết tháng 6/2020, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động chiếm đến 70% tổng dân số, tương đương với 150 triệu thiết bị. Trong đó, tỷ lệ người sử dụng smartphone chiếm hơn 45% dân số và xếp hạng thứ 15 trên thế giới. Và trong các smartphone thì 2 hệ điều hành IOS và Android đang chiếm đại đa số, đồng thời cạnh tranh khá gay gắt với nhau. Vì vậy, bất kỳ ngân hàng nào muốn phát triển tốt, phục vụ được đa dạng người dùng thì đều phải phát triển sản phẩm của mình trên cả 2 hệ điều hành này. Nếu chỉ đầu tư cho IOS hoặc ngược lại thì mới chỉ là một nửa của "chiếc bánh thị phần" mà thôi.

Tùng Lâm

Tin mới