(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội đánh giá nội dung thảo luận về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một sự đổi mới mạnh mẽ để Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cử tri. Việc thảo luận tại hội trường giúp những ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân có điều kiện được trực tiếp mang tới diễn đàn Quốc hội, để các đại biểu Quốc hội thảo luận, qua đó góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết thấu đáo.
Ủng hộ thay đổi tích cực trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (nguyên Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV) cho biết, trước đây, báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri thường được báo cáo trước phiên chất vấn, để các đại biểu Quốc hội lấy đó làm căn cứ chất vấn với các trưởng ngành. Nhưng từ Kỳ họp thứ 5, việc dành thời lượng một buổi họp Quốc hội để thảo luận về báo cáo này là hết sức hiệu quả. Điều này có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với cử tri và người dân, thể hiện những kiến nghị của cử tri đã được tập hợp, giải quyết.
"Tiếng nói nhỏ bé của cử tri từ một buôn, làng, xã, nơi hẻo lánh, nhưng đã được mang tới Hội trường Diên Hồng để thảo luận và từng vị trưởng ngành có những câu trả lời cho người dân.
Từ đó, chất lượng tiếp xúc cử tri cũng được nâng lên, cử tri cũng tin tưởng hơn trong việc gửi gắm tiếng nói của mình đến với Quốc hội", Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhận định.
Là đại biểu đại diện cho cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, đối với tỉnh Kon Tum, kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cho đến sau kỳ họp thứ 5, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp gửi 37 kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan nhà nước ở Trung ương để xem xét giải quyết, trả lời theo trách nhiệm thẩm quyền. Đến nay đoàn đã nhận được kết quả trả lời đối với 35/37 kiến nghị đạt 95%.
Đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đại biểu cho rằng, việc cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương kịp thời nghiên cứu, giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri thời gian qua đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trong cả nước được cử tri và nhân dân, trong đó có cử tri các tỉnh Tây Nguyên đánh giá cao và rất đồng tình.
Tuy nhiên, theo đại biểu, về kết quả giải quyết đối với các kiến nghị xác đáng của cử tri có nội dung còn chậm. Và ngay tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, phát biểu thảo luận, đại biểu Nàng Xô Vi đã nêu cụ thể những kiến nghị của cử tri về vấn đề chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp không còn được hưởng các chính sách này do việc điều chỉnh về danh sách các xã, thôn, khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như kiến nghị của cử tri về chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi từ năm 2021 đến nay chưa được giải quyết.
Đại biểu cũng nêu kiến nghị của cử tri Tây Nguyên về việc bổ sung chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, tăng mức hỗ trợ trồng rừng, vì quy định hiện hành không còn phù hợp.
Theo đại biểu, các nội dung này trả lời kiến nghị của cử tri thời gian qua, các cơ quan chức năng ở trung ương cho biết là đang hoàn thiện dự thảo văn bản để tham mưu cho Chính phủ xem xét, quyết định ban hành. Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ, cử tri muốn biết, chưa rõ thời gian nào mới có kết quả giải quyết cuối cùng. Trong các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, nhất là tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp Quốc hội, cử tri đặc biệt quan tâm đến kết quả các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Nàng Xô Vi kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tăng cường và thực hiện thường xuyên hơn nữa công tác giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.
Tại phiên thảo luận, đại biểu đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành ở trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời hơn nữa về việc xem xét, giải quyết đối với các kiến nghị xác đáng của cử tri thuộc trách nhiệm, quyền hạn và giải quyết trả lời của các cấp mình, ngành mình, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân và cử tri.
Trong phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu, mang những ý kiến, kiến nghị của tri còn chưa được trả lời, giải quyết hoặc được giải quyết nhưng chưa thấu đáo để Quốc hội thảo luận và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xác đáng cho cử tri, nhân dân.
Trong phiên thảo luận đầu tiên tại hội trường của Quốc hội về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã phát biểu tại hội trường về nội dung cử tri Nghệ An kiến nghị từ nhiều kỳ họp trước nhưng chậm được giải quyết, đó là những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường di dân, tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương.
Đây là công trình lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư ngày 19/6/2003 và khởi công ngày 7/4/2004. Để thực hiện dự án này đã có 3.022 hộ dân và trên 14.300 nhân khẩu thuộc 34 bản người dân tộc thiểu số ủng hộ chủ trương đầu tư và bàn giao mặt bằng sạch để dự án triển khai đúng tiến độ và vận hành vào tháng 10/2010, tức là đã được 13 năm.
Tuy nhiên, đến nay chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và thời gian kéo dài, đặc biệt là các vấn đề sau lũ và các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Thủy điện Bản Vẽ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 và trận lũ trên sông Nậm Nơn tháng 8/2018.
Theo đại biểu, trận lũ lịch sử đã đi qua được gần 5 năm, tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, cùng với sự nỗ lực của Tổng công ty Phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn bộn bề thiếu thốn.
"Vẫn còn đó cảnh sống tạm bợ của một số hộ dân sau khi di dời khẩn cấp, vẫn còn đó tình trạng thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa bão tới. Vẫn còn đó sự đợi chờ, hy vọng mong sớm ổn định cuộc sống và còn đó cả những đợi chờ, hy vọng của những người đã khuất phải "mang theo nỗi niềm" về với ông bà, tổ tiên, để lại sự day dứt cho gia đình, người thân, bà con lối xóm và cả chúng tôi, những đại biểu Quốc hội trên địa bàn", đại biểu xúc động bày tỏ.
Từ phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu có dịp trực tiếp chuyển tâm tư, nguyện vọng của người dân tới các cơ quan có thẩm quyền. Với mong muốn sớm ổn định cuộc sống của nhân dân, đại biểu thiết tha đề nghị Chính phủ sớm chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để giải quyết dứt điểm các vấn đề sau lũ năm 2018 và các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Thủy điện Bản vẽ tỉnh Nghệ An.
Tại phiên thảo luận ở Kỳ hợp thứ 6, cũng nêu vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay một số người dân đang bức xúc và chính quyền địa phương ở Bến Tre đang lúng túng trong xử lý vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ chưa có hướng dẫn cụ thể các quy định của các cơ quan có thẩm quyền của trung ương.
Theo đại biểu, sau khi các dự án điện gió trên bờ hoàn thành đi vào hoạt động đã phát sinh khiếu nại của người dân và vấn đề bồi thường, hỗ trợ cây cối, hoa màu, nhà cửa trong hành lang an toàn trụ tháp gió, tiếng ồn do cánh quạt và tua bin điện gió gây ra mà địa phương chưa có phương án giải quyết dứt điểm, do không có cơ sở để thực hiện đền bù.
Vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cũng đã gửi văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương để xin ý kiến. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cũng gửi về Ban Dân nguyện để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy các bộ, ngành cũng đã quan tâm có văn bản trả lời nhưng chưa tháo gỡ được khó khăn trên thực tế.
Từ thực tế khó khăn, bức xúc của cử tri, tại phiên thảo luận, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ kịp thời có văn bản hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió; thiệt hại từ tiếng ồn do công trình điện gió gây ra để làm cơ sở cho địa phương giải quyết các kiến nghị khiếu nại của người dân, để ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong khi đó, trình bày kiến nghị của cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, đoàn đã tổng hợp, chuyển đến kỳ họp thứ 5 7 ý kiến kiến nghị, 3 kiến nghị trước kỳ họp và 4 kiến nghị sau kỳ họp. Trong đó, 6/7 kiến nghị đã được ghi nhận và trả lời bằng văn bản. Theo đại biểu, cử tri Hà Giang luôn mong mỏi kiến nghị giải quyết nước khô hạn, hệ thống hồ chứa về nước cho đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang sớm được quan tâm và giải quyết.
Nêu kiến nghị của cử tri đối với một nội dung không chỉ liên quan đến đạo lý truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, đó là việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho hay, theo thống kê của Bộ Xây dựng đến cuối năm 2022 cả nước có 162.014 hộ có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ cần được hỗ trợ về nhà ở, trong đó có đến 75.394 nhà cần xây cất mới.
Đặc biệt, trước những diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, tình hình mưa giông, bão lũ diễn biến phức tạp thì số lượng này đến nay chắc chắn đã tăng cao. Vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cũng đã phản ảnh và Bộ Xây dựng cho biết trên cơ sở hồ sơ được Bộ Xây dựng trình, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát các nguồn vốn để hỗ trợ. Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Đại biểu cho rằng, việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng là vấn đề cần làm ngay. Tuy nhiên, đến nay đã nửa nhiệm kỳ nhưng những chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa được ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện. Các địa phương trong cả nước, trong đó có An Giang rất mong chờ, đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan khẩn trương tham mưu, ban hành chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, nếu để chậm sẽ ảnh hưởng đến chủ trương có ý nghĩa rất nhân văn mà Đảng, Nhà nước ta đang tập trung triển khai thực hiện trong suốt thời gian qua…
Có thể khẳng định, các phiên thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri ở cả Kỳ họp thứ 5 và thứ 6 đều diễn ra với không khí sôi nổi, các đại biểu tích cực tham gia thảo luận, tranh luận. Các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, khách quan và sát thực tiễn, tập trung vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và cũng có nhiều ý kiến đề cập đến các vụ việc cụ thể ở các tỉnh, thành phố mà kéo dài nhiều năm.
Trực tiếp trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, có 5 bộ trưởng và trưởng ngành đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và đưa ra thảo luận, bước đầu đã trả lời một số vấn đề đại biểu nêu ra. Còn những vấn đề chưa được giải quyết, trả lời các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm gửi báo cáo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu kết luận các phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, khẩn trương trả lời và chỉ đạo việc xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri cũng như ý kiến của đại biểu.
Những nỗ lực đổi mới trong công tác giám sát, công tác dân nguyện, trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại hai kỳ họp gần nhất đều cho thấy trên 99% kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp đã được giải quyết, trả lời.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân.
Bài 1: Quốc hội tiếp tục đổi mới, ngày càng dân chủ, đồng hành, gắn bó mật thiết với nhân dân
Bài 3: Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội