Sau TTCK Mỹ, cơn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ lan rộng trên toàn cầu

(Tổ Quốc) - Cổ phiếu công nghệ toàn cầu đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày 11/5, khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng lạm phát và mức định giá đã lên quá cao.

Cổ phiếu của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan – TSMC, và Samsung đã khiến chỉ số MSCI Asia giao dịch tiêu cực, chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 26/2. Hang Seng Tech Index giảm tới 4,5%, kéo dài đà giảm từ mức cao hồi tháng 2 lên đến 30%.

Trong khi đó, hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giao dịch tại châu Á tiếp tục mất 1,3% sau khi giảm 2,6% ở phiên hôm qua. Stoxx 600 Technology Index tại châu Âu rớt 2,5%, dẫn đầu mức giảm là các cổ phiếu ngành bán dẫn và nhóm được hưởng lợi từ đại dịch.

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã phải hứng chịu áp lực lớn trong đợt bán tháo diễn ra trong tháng này, sau khi các cơ quan quản lý mở rộng các biện pháp chống độc quyền và đưa ra các bước để kiềm chế những định chế tài chính đang phát triển nhanh.

Cổ phiếu Meituan giảm tới 8,7% ở phiên này, đưa mức giảm trong 2 ngày xuống 15%, sau khi Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải chỉ trích công ty gây tổn hại đến người tiêu dùng, chỉ vài ngày sau khi CEO của công ty này chia sẻ một bài thơ trên mạng xã hội có nội dung được cho là chống phá chính quyền.

Đà bán tháo đối với cổ phiếu công nghệ ở phiên ngày 11/5 đã tạo áp lực cho thị trường chứng khoán châu Á nói chung, khi MSCI Asia Pacific Index giảm khoảng 2%, ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 31/3. Stoxx 600 Index mất 2,1%.

Sau TTCK Mỹ, cơn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ lan rộng trên toàn cầu  - Ảnh 1.

Diễn biến của MSCI Asia Pacific Information Technology và Hang Seng Tech Index từ đầu năm đến nay.

Cổ phiếu công nghệ toàn cầu trong thời gian qua được hưởng lợi từ việc lãi suất thấp và trở thành nhóm cổ phiếu được nhà đầu tư ưa thích vào năm ngoái, khi đại dịch thúc đẩy nhu cầu đối với các dịch vụ trực tuyến. Hiện tại, mối lo ngại về lạm phát gia tăng, từ đó khiến các loại hàng hóa leo thang, sẽ hối thúc các NHTW sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, cổ phiếu tăng trưởng sẽ giảm sức hút.

Khi Nasdaq 100 vẫn giao dịch quanh mức 5% so với mức cao nhất mọi thời đại hồi tháng trước, một số nhà đầu tư nhận ra đây là cơ hội tốt để chốt lời.

Yeap Jun Rong – chiến lược gia thị trường tại IG Asia Pte, cho biết: "Nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào mối quan tâm lạm phát, khi giá hàng hóa tăng và tình trạng thiếu chip đang diễn ra. Những lo ngại về lạm phát tăng cao hơn có thể gây áp lực cho cổ phiếu tăng trưởng, vì phần lớn giá trị có thể đến từ lợi nhuận trong tương lai."

Ngoài ra, MSCI World cũng giao dịch tiêu cực trong ngày thứ 2 liên tiếp. Mức giảm diễn ra sau khi chỉ số này đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước, sau khi số liệu việc làm tại Mỹ thấp hơn nhiều so với dự đoán đã làm giảm mối lo ngại về lạm phát và các gói kích thích bị rút lại.

Shogo Maekawa – chiến lược gia tại JPMorgan Asset Management trụ sở Tokyo, cho hay: "Xu hướng chỉ nhìn vào mặt tốt của nhà đầu tư đang nhanh chóng phai nhạt. Họ thường mua cổ phiếu công nghệ ngay cả sau khi số liệu việc làm Mỹ có kết quả yếu kém, bởi có quan điểm rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn chưa diễn ra. Nhưng giờ đây, mối lo ngại sâu xa về lạm phát đã khiến cổ phiếu công nghệ sụt giảm."

Herald van der Linde – trưởng nhóm chiến lược vốn cổ phần tại châu Á Thái Bình Dương của HSBC Holdingss, cho biết, họ đang có chiến lược trung lập với cổ phiếu internet của Trung Quốc. Ông nhận định: "Đôi khi, TTCK châu Á bị cuốn theo điều gọi là ‘ảo tưởng thị trường trên diện rộng’, đó là khi nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu tăng trưởng sẽ tiếp tục tăng giá. Tuy nhiên, những cổ phiếu này có thể đột ngột ‘quay đầu’ và rớt giá."

Lục Lam

Tin mới