Thành phố trực thuộc TW duy nhất giải ngân vốn đầu tư công trên 50% trong 10 tháng đầu năm 2022

(Tổ Quốc) - Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm năm 2022 đạt 46,44% kế hoạch. Trong đó, chỉ có 1 thành phố trực thuộc TW có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 50%.

Bộ Tài chính cho biết, có 11 Bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55% trong 10 tháng đầu năm 2022. 

Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (74,79%), Ngân hàng nhà nước (68,62%), Hội nhà báo Việt Nam (72,45%), Bình Định (79,6%), Tiền Giang (76,4%), Đồng Tháp (75,2%).

Bên cạnh đó, cả nước có 30/52 Bộ và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 19 Bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.

Xét riêng 5 thành phố trực thuộc TW, Hải Phòng đang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhất (54,58%), tiếp đến là Đà Nẵng (44,46%), Hà Nội (42,55%), Cần Thơ (41,24%) và TP. HCM (26,88%).

Thành phố trực thuộc TW duy nhất giải ngân vốn đầu tư công trên 50% trong 10 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của 5 thành phố trực thuộc TW 10 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Bộ Tài chính.

Theo đó, Hải Phòng là thành phố trực thuộc TW duy nhất có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50%. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng khoảng 9.880 tỷ đồng, đạt 54,58% so với kế hoạch trong 10 tháng đầu năm 2022. 

Theo UBND TP. Hải Phòng, thành phố đang dự kiến khi hết năm ngân sách sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư được giao trong năm 2022.

Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, năm 2022, thành phố Hải Phòng chỉ tập trung triển khai thực hiện từ 7 đến 10 dự án trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì nhiều cuộc họp, triển khai đồng bộ các giải pháp, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và đặc biệt chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể là ưu tiên bố trí vốn thực hiện Dự án theo nguyên tắc: bố trí 100% chi phí GPMB và 80% chi phí xây lắp.

Đặc biệt, theo báo cáo từ UBND TP. Hải Phòng, địa phương đang rất nỗ lực trong việc giải ngân các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. 

Điển hình như Chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo, thành phố Hải Phòng đã thực hiện cải tạo, sửa chữa nhà, hộ nghèo với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ và được cho vay 35 triệu đồng/hộ từ ngân hàng chính sách; hộ cận nghèo sẽ được thành phố Hải Phòng hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ và được cho vay 30 triệu đồng/hộ không lãi suất trong 15 năm.

Tuy nhiên, UBND TP. Hải Phòng cho biết, tình hình chung về giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kết quả như mong muốn. Trên thực tế, có nhiều lý do khách quan nên đã ảnh hưởng nhiều tới giải ngân đầu tư công. 

Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, năm 2022, có quá nhiều biến động về chi phí xây dựng dẫn đến một số nhà thầu thi công với tâm lý cầm chừng, chờ điều chỉnh giá, hợp đồng. Cùng với đó, tiến độ GPMB một số dự án chậm do vướng mắc về thủ tục (như dự án xây dựng mở rộng sân bay Cát Bi có phần lớn diện tích thu hồi là đất quốc phòng nên thủ tục thu hồi đất khá phức tạp, kéo dài).

Minh Tiến

Tin mới