"Thợ mỏ mặc vest đeo cà vạt" - Ván cược mới của Huawei

Các nhà phân tích từng vẽ ra những kịch bản bi quan khi Huawei rơi vào vòng xoáy địa chính trị cùng các lệnh cấm. Tuy nhiên ba năm qua, hãng đã xoay trục và khai phá những thị trường mới đầy tiềm năng, trong đó nổi bật là lĩnh vực khai khoáng vốn đang hoạt động rất "thô sơ".

Wang Lei, 26 tuổi, từng là phi công tập sự, nhưng đã rời đi vì nhiều lý do. Anh sau đó tham gia nhóm thợ mỏ Rừng Liễu Đỏ, ngày ngày đội mũ và đi giày bảo hộ lao động, mặc đồng phục dày cộp để khai thác than ở độ sâu 300 mét. "Mỗi ngày ba ca ở môi trường dưới lòng đất phức tạp và khắc nghiệt. Khi khởi động máy, tiếng ồn rất lớn, tro than phủ đầy trong không khí. Công việc áp lực từ sáng đến khuya", anh kể.

Nhưng những ngày đó không kéo dài. Sau hai năm hợp tác giữa Hongliulin và Huawei, những mỏ than thông minh ra đời. Wang Lei giờ đây thoải mái ngồi trong văn phòng, thành thạo đăng nhập nền tảng quản lý dữ liệu lớn để kiểm tra và bảo trì từ xa các thiết bị thông tin liên lạc và đai truyền tải trong những mỏ sâu hàng trăm mét.

Khai thác than vốn có điều kiện làm việc khắc nghiệt, độc hại và nguy hiểm. Nhưng ngành công nghiệp này đang chuyển mình khi ông lớn công nghệ Huawei đẩy mạnh việc tự động hóa thông qua các công nghệ 5G, điện toán đám mây, AI và IoT.

Quân đoàn mỏ than và giấc mơ "thợ mỏ mặc vest đeo cà vạt"

"Hầu hết các công ty công nghệ trên thế giới không chọn các mỏ khai thác làm điểm đột phá, nhưng Huawei thì có", nhà sáng lập Nhậm Chính Phi nói trong lễ khai trương Phòng thí nghiệm đổi mới khai thác thông minh (S&I) do hãng và tỉnh Sơn Tây hợp tác xây dựng đầu năm 2021. Cũng tại đây, ông bày tỏ mong muốn thành lập "quân đoàn mỏ than".

Ông Nhậm cho rằng Trung Quốc có hơn 5.300 mỏ than và 2.700 mỏ kim loại. Nếu Huawei có thể hoàn thành hơn 8.000 mỏ thì sẽ có thể cung cấp dịch vụ cho các mỏ trên khắp thế giới.

Trong nhiều thập kỷ qua, quy trình khai thác than không có nhiều thay đổi, số người chết hàng năm vì tai nạn tại các mỏ lên đến hàng trăm ở Trung Quốc. Công nhân cũng thường mắc bệnh bụi phổi, hay còn gọi là phổi đen, do tiếp xúc bụi than lâu ngày.

Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, dẫn đầu là Huawei, đang thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực khai khoáng. Trả lời Xinhua năm 2021, ông Nhậm khẳng định Huawei có thể giúp ngành công nghiệp than đạt mục tiêu "ít người hơn, không có ai, an toàn và hiệu quả", trong đó giảm từ 10% đến 20% số công nhân phải xuống các mỏ mỗi ca tại tỉnh Sơn Tây.

"Làm như vậy, chúng tôi không chỉ phát triển sức mạnh bản thân mà còn giải quyết được vấn đề sản xuất an toàn và hiệu quả cao trong mỏ than, từ đó những người thợ khai thác có thể làm việc trong những bộ vest và cà vạt", ông bày tỏ.

Ông lấy ví dụ ở cảng Thiên Tân - một trong những cảng biển hiện đại nhất Trung Quốc, việc bốc xếp và vận chuyển gần như không có sự tham gia của con người. Ông hy vọng các mỏ khai thác rồi cũng sẽ như vậy. "Đạt được bước tiến này sẽ có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động khai thác của Canada và Nga ở Bắc Băng Dương. Điều kiện làm việc ở những vùng đất đóng băng tệ đến nỗi không ai muốn sống ở đó. Nguồn tài nguyên dồi dào vì thế cứ ngủ yên ở đó. Nếu có thể khai thác từ xa không cần con người, nguồn tài nguyên này sẽ có tầm quan trọng lớn đối với xã hội loài người", người đứng đầu Huawei nhận định.

"Thợ mỏ mặc vest đeo cà vạt" - Ván cược mới của Huawei - Ảnh 1.

Huawei đang đến gần hơn với mục tiêu khai thác mỏ từ xa

Để hiện thực hóa kế hoạch giúp "thợ mỏ mặc vest đeo cà vạt" đầy tham vọng, tháng 3/2021, Huawei thành lập một nhóm chuyên gia có tên Coal Mine Corps - Quân đoàn Mỏ than. Tầm nhìn của nhóm là mang công nghệ kỹ thuật số đến mọi hầm mỏ và xây dựng mỏ thông minh nơi mọi thứ được kết nối, với mục tiêu cải tiến năng suất, giảm số người trong mỏ và hoạt động xanh hơn.

Công nghệ 5G tạo đột phá trong các hầm mỏ thế nào

Huawei đã phát triển những trạm gốc di động 5G tùy chỉnh và nhỏ gọn, có khả năng chống bụi và ẩm ướt. Với độ trễ thấp và băng thông cao, thiết lập 5G tại các mỏ giúp tăng tốc độ mạng gấp 10 lần, thu thập và truyền tải dữ liệu nhanh gấp 100 lần so với 4G. Nhờ đó, dữ liệu từ những hệ thống máy móc không người lái, cảm biến và camera trong hầm mỏ có thể được tải lên theo thời gian thực một cách ổn định và nhanh chóng. Theo thống kê, 70% thiệt hại máy móc cũng có thể được phát hiện và xử lý kịp thời nếu thông tin được thu thập và phân tích trong vài giây, giảm thiểu chi phí phát sinh trong việc bảo trì.

Năm 2020, mỏ than Tân Nguyên ở Sơn Tây đã tiên phong trong việc xây dựng mỏ than thông minh 5G đầu tiên ở Trung Quốc. Trong quá trình xây dựng, mỏ gặp phải một loạt thách thức về trang thiết bị và băng thông kết nối khi triển khai công nghệ sâu trong lòng đất. Huawei sau đó đã cung cấp giải pháp mạng công nghiệp IP hội tụ với mạng vòng siêu băng thông rộng 50GE / 100GE, cung cấp quyền truy cập vào các dịch vụ giám sát video và kiểm soát sản xuất.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến số thương vong cao của thảm họa hầm mỏ Songzao ở Trùng Khánh năm 2020 là do liên lạc kém, khiến thợ mỏ không thể báo cháy lập tức và nhanh chóng rời bỏ. Do đó, năm 2021, mỏ than Zhangji của Tập đoàn năng lượng Huaihe quyết định ứng dụng công nghệ Huawei Wi-Fi 6 AP AirEngine 6760R-51E để xây dựng một mạng không dây phủ sóng rộng khắp. Công nghệ cho phép truy cập các thiết bị riêng lẻ như thiết bị cầm tay và mũ bảo hiểm thông minh trong mỏ bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu, đồng thời cung cấp video do các robot tuần tra ghi lại.

Tính đến tháng 4/2022, Huawei đã hiện diện tại hơn 200 mỏ than và lắp đặt hơn 3.000 thiết bị 5G dưới lòng đất.

Không dừng ở đó, ngày 9/11, Huawei chính thức công bố hệ điều hành MineHarmony dành cho ngành khai khoáng bắt đầu bước vào giai đoạn ứng dụng thương mại trên diện rộng. Cùng với 5G và AI, nền tảng được nhận định sẽ đưa hoạt động khai thác mỏ thông minh sang chương mới. MineHarmony là thành quả sáng tạo chung của Huawei và Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc (China Energy), đã được triển khai trên 3.300 bộ thiết bị tại 13 mỏ và một trạm rửa than đá.

"Thợ mỏ mặc vest đeo cà vạt" - Ván cược mới của Huawei - Ảnh 2.

Mọi hoạt động chỉ huy và điều phối nhân viên đều thực hiện trên mặt đất, kiểm soát hầm mỏ theo thời gian thực

MineHarmony cho phép các thiết bị "nói cùng một ngôn ngữ", để chia sẻ dữ liệu với nhau cho phép sự kết nối giữa con người-máy, và giữa máy-máy. Hệ điều hành này cho phép các công nhân khai thác mỏ có thể kết nối điện thoại với thiết bị trong hầm mỏ để kiểm tra dữ liệu hình ảnh và kết thúc quá trình khai thác bằng 1 lần nhấp tay trên màn hình điện thoại. Công nhân cũng có thể kiểm tra những nguy cơ sự cố mà không cần có mặt tại vị trí đó, giảm rủi ro từ môi trường làm việc độc hại.

"Không rút lui là con đường chiến thắng"

Vận đen của Huawei bắt đầu giữa năm 2019 khi nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ và sau đó là những khó khăn từ ảnh hưởng của đại dịch Covid. Ben Wood, Giám đốc Phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight, đánh giá lệnh cấm đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Huawei. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn, "Huawei không phải là một công ty dễ bỏ cuộc", theo Wood.

Điều này đã được chứng minh khi ngay sau đó, hãng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đã thực hiện hàng loạt thay đổi chiến lược quan trọng, như ra mắt hệ điều hành HarmonyOS, phát triển các thiết bị IoT, gia nhập lĩnh vực xe tự hành, xây dựng hàng loạt giải pháp AI, 5G, cloud, cũng như tiến sâu vào các hầm mỏ. Slogan của Coal Mine Corps là No retreat is the road to victory (Không rút lui là con đường dẫn tới chiến thắng), thể hiện rõ nét tinh thần của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi. Ông từng tuyên bố: "Đường sống duy nhất của công ty là tập trung vào phát triển sức mạnh bản thân". Trong khó khăn hiện nay bởi những tác động từ sự biến động chính trị, kinh tế, nhiều doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm nhân sự nhưng Huawei thì ngược lại, đẩy mạnh đầu tư nguồn lực tìm kiếm nhân tài, đồng thời chi tới hơn 20% doanh thu, tương đương 22,4 tỷ USD cho R&D.

Radoslaw Kedzia, Phó Chủ tịch Huawei CEE và khu vực Bắc Âu, từng nói: "Mỗi công ty phải tự phát triển và thích ứng với môi trường thay đổi, cho dù đó là môi trường kinh doanh hay môi trường chính trị. Có nghĩa là chúng tôi cũng đang tạo ra các ngành kinh doanh mới và các loại sản phẩm mới".

Bản lĩnh của Huawei chính là nội lực, từ con người và giá trị của sáng tạo. Điều này góp phần không nhỏ giúp công ty này đang thể hiện sự vững vàng trong cơn bão, tăng trưởng thần tốc để góp mặt trong top 10 thương hiệu giá trị nhất hành tinh.

Tin mới