Thời này kiếm tiền thế: "Chủ sốp" đồ si nghe thì ngầu nhưng liệu có như mơ không?

Ne/ Design: Minh Trang | 19-05-2021 - 23:50 PM

(Tổ Quốc) - Cùng với cơn sốt diện đồ si và sự ra đời chóng mặt của các tiệm bán đồ si, nghề "chủ sốp" second-hand bỗng dưng được chú ý. Thế nhưng, buôn đồ si có dễ như lời đồn?

Buôn bán đồ si không phải là chuyện quá mới mẻ. Ở Sài Gòn vẫn có các khu chợ hàng thùng lâu đời dành cho những ai mong muốn tìm kiếm một món đồ độc lạ, có một không hai. Thế nhưng, cùng với trào lưu quay về với phong cách vintage, 1, 2 năm gần đây đồ si cũng trở thành cơn sốt khi nhà nhà người người đều muốn diện những món đồ second-hand vô cùng xịn xò.

Nhu cầu ngày càng lớn kéo theo các shop đồ si ồ ạt ra đời, khiến nghề bán đồ cũ bỗng dưng trở thành nghề nghiệp hot hit được nhiều người quan tâm trong khoảng thời gian gần đây.

Chuyện buôn đồ si ban đầu nghe có vẻ dễ dễ, nhưng gia nhập rồi mới biết đau đầu cỡ nào. Khác với các sạp hàng trong chợ hàng thùng buôn bán đa dạng phong cách, các shop đồ si hiện đại thường chỉ đi theo một phong cách nhất định. Định hình được phong cách rồi, lấy hàng ở đâu, bao nhiêu tiền lận lưng cho đủ, lại là một cơn đau đầu "cục bộ" khác nữa.

Thời này kiếm tiền thế: Chủ sốp đồ si nghe thì ngầu nhưng liệu có như mơ không? - Ảnh 1.

"Giờ muốn startup buôn đồ si, nên lận lưng bao nhiêu tiền để em còn gọi vốn Shark Tank?"

Dạo một vòng quanh các group trên mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp những lời chào mời nhập đồ si nguyên kiện với giá "rẻ". Thế nhưng qua vài hỏi han, giá tiền của một kiện đồ si được báo lại trải dài từ vài triệu cho đến vài chục triệu tùy thuộc mặt hàng và xuất xứ. Con số "to đùng" dễ khiến các startup không chuyên "xỉu up xỉu down", cất gọn ước mơ làm chủ shop của mình lại.

Ngược lại với những màn ra giá "đáng sợ" trên mạng xã hội, số vốn lập nghiệp của các "chủ sốp" đồ si lại không khổng lồ như mọi người tưởng.

Anh chàng Minh Vương - co-founder của 3bich.denim, một tiệm đồ si nổi tiếng đất Sài Thành với hơn 104k lượt theo dõi cười lớn khi được hỏi về số tiền lập nghiệp. Đam mê đồ si và xem việc săn lùng đồ si chỉ là sở thích cho thời gian rảnh rỗi, anh chàng chưa bao giờ nghĩ có ngày mình lại trở thành ông chủ một tiệm đồ second-hand cả. Thế nên, gia tài lập nghiệp của anh và những người cộng sự cũng không nhiều nhặn gì, chỉ là một khoản để dành nhỏ.

Tiệm đồ si nổi tiếng Sài Gòn - 3bich.denim bắt đầu bằng khoản để dành nhỏ của các founder

Cũng chung cảnh ngộ với Minh Vương, founder của Mập Thôn - shop đồ second-hand đang hot hit dạo gần đây tâm sự thật thà khi được hỏi về vốn "lận lưng" ngày mở tiệm: "Cũng khá lâu nên Thôn không còn nhớ rõ. Nhưng có thể chắc chắn một điều là số vốn ít ỏi, vì thời điểm đó các thành viên của Mập Thôn còn đang là sinh viên, không có nhiều vốn. Chủ yếu là để dành và dùng tiền tiết kiệm để thực hiện đam mê". Hóa ra, cái tiệm đồ si "chất như nước cất", chụp bộ nào đăng bán cũng đẹp như chụp tạp chí chỉ startup với số tiền tiết kiệm ít ỏi mà thôi.

Mập Thôn - tiệm đồ second-hand đang hot hit trong khoảng thời gian gần đây

Khác với hai người bạn đồng môn, Thục Quyên - chủ của Byquyenclothing, một tiệm đồ theo phong cách cổ điển Nhật lại có cách "gọi vốn" startup hoàn toàn khác. Niềm đam mề đồ si đã nhen nhóm trong Quyên từ khi còn là một cô bé lẽo đẽo theo chân mẹ đi săn lùng những món đồ cũ "xịn xò". Lớn lên một tẹo, Quyên cùng bạn học bắt đầu có ý định kinh doanh đồ second-hand và dành những cuối tuần đi khắp Sài Gòn để chọn lựa từng món đồ đăng bán, số vốn của các cô gái thời ấy chỉ vỏn vẹn 200 - 300k. Startup này nhanh chóng dừng lại rồi chìm vào quên lãng của Quyên.

Phải cho đến khi hoàn thành việc học, ý định kinh doanh mặt hàng độc đáo này mới trở lại với Quyên. Vừa ra trường, không có tiền và công việc cũng không ổn định, bà chủ shop đánh liều, vay mượn tiền bạn để khởi nghiệp. 4 triệu là con số để Quyên tạo nên đứa con tinh thần của mình.

4 triệu là con số để Thục Quyên bắt đầu với đứa con tinh thần Byquyenclothing

Muôn hình vạn trạng nguồn hàng, chóng mặt đau đầu vì không biết nhập ở đâu

Sở dĩ, có sự chênh lệch cao tít tắp giữa tiền vốn của các chủ shop và giá do các tổng kho hàng cung cấp là bởi hầu như các chủ shop đồ si đều… không nhập hàng nguyên kiện bao giờ.

Với một phong cách chủ đạo xuyên suốt, các shop đồ si dễ bị "hố" khi xiêu lòng tin lời tổng kho chào mời là lãi nhiều, cứ giá ổn so với số lượng item nhiều vô số kể nên nhập ngay một kiện đồ "siêu to khổng lồ". Thế nhưng khi bóc kiện ra mới thấy "đời thường không như là mơ" bởi chất lượng các sản phẩm thường không như ý vì hàng lỗi, hàng không đúng phong cách của tiệm khá nhiều.

Từng đau đớn nhập tách kiện hơn 300 chiếc áo blazer để rồi ngậm ngùi bỏ đi gần hết vì không thể dùng được, Thục Quyên đã bắt đầu có những kinh nghiệm riêng cho mình. Cô tâm sự: "Đa số và chiếm khoảng 99% nguồn hàng của mình đều là hàng Nhật. Thường mình lấy từ những đầu mối ở Việt Nam chứ không trực tiếp sang Nhật để lấy. Nhưng mình thường chọn những mặt hàng đẹp, hàng trong giới thường nói là 'hàng tuyển' để lấy về bán chứ không nhập nguyên kiện".

Nhập hàng tuyển không chỉ là giải pháp cho kinh tế, mà còn đem đến cho Thục Quyên những niềm vui bất ngờ: "Lâu lâu khi săn đồ second-hand, mình còn có thể gặp những mặt hàng từ những thương hiệu đình đám như: Dior, Chanel, Gucci, YSL, Balmain,... có giá thị trường lên tới 10 triệu đồng".

Những món đồ hiệu có giá trị cao Thục Quyên săn được khi tìm kiếm nguồn hàng cho tiệm

Cùng chung suy nghĩ với Thục Quyên, đội ngũ của Mập Thôn cũng chọn lựa cách nhặt nhạnh từng món đồ ở khắp nơi về buôn bán chứ không nhập kiện. Ngoài lý do kinh tế, lý do lớn nhất vẫn là bởi Mập Thôn xưa nay luôn theo đuổi phong cách Asian Vintage với các item nổi bật về màu sắc, hầu như không bao giờ có được nguyên kiện nào đầy đủ các item trên. Thế nên, Mập Thôn không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuyển chọn từng món để đảm bảo cả độ độc đáo lẫn chất lượng sản phẩm.

Với phong cách chủ đạo là Asian Vintage, Mập Thôn không có sự lựa chọn nào khác ngoài tuyển chọn từng món đồ để đảm bảo tính độc đáo và chất lượng sản phẩm

Khi được hỏi về vấn đề này, Minh Vương chỉ tâm sự 3bich.denim không có nguồn hàng cố định nhưng để đảm bảo chất lượng và phù hợp phong cách, tiệm anh sẽ luôn ưu tiên các sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ trước tiên.

Nguồn hàng của 3bich.denim luôn đa dạng nhưng hàng nhập Mỹ luôn là sự lựa chọn hàng đầu

Hành trình chuyển "nhà" từ mạng xã hội sang mặt đất

Sau 3 năm kinh doanh online và bắt đầu được biết đến nhiều hơn, Thục Quyên quyết định chuyển Byquyenclothing từ Instagram sang căn chung cư cũ ở Phan Xích Long. Đến giờ, khi kể lại câu chuyện này, Quyên vẫn thấy mình liều, y hệt như cái lần cô vay 4 triệu để biến đam mê đồ si thành công cụ kiếm tiền vậy.

"Mình vẫn nhớ, khi đang ngồi uống cafe trong một con hẻm trên đường Phan Xích Long mình có thấy trước một chung cư cũ treo biển cho thuê căn hộ, thế là mình liên hệ và chạy sang coi. Mất 1 - 2 ngày suy nghĩ, mình chốt luôn. Bởi từ lần đầu tiên được nhìn thấy căn nhà này, mình đã có cảm tình và quyết định sẽ phải thuê căn nhà này bằng bất kỳ giá nào (đùa đấy chứ giá hợp lý mới dám thuê).

Mình lên ý tưởng và set up cho shop của mình trong vòng 1 tuần. Vốn là đứa có đầu óc tưởng tượng khá phong phú và thích trang trí cũng như decor nhà cửa, nên mình lên mạng tìm hiểu và vẽ ra trong đầu shop sẽ decor và trưng bày hàng hoá như thế nào cho hợp lý.

Sau đó, mình cùng một người bạn tự đi chọn đồ nội thất cũ ở quận 8 phần vì độc, phần vì đồ cũ thường sẽ rẻ. Mình tiến hành sang sửa lại toàn bộ căn nhà thành một shop thời trang trên tầng 4 chung cư cũ với chi phí khoảng 50 triệu đồng". - Quyên cười rạng rỡ khi nhớ về quyết định của mình.

Không gian xinh xắn tiêu tốn của Thục Quyên khoảng 50 triệu đồng

Tới thời điểm hiện tại, Mập Thôn đã phải chuyển địa điểm đến 4 lần mà lại còn di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác. Mỗi lần như thế đều là thử thách với tiệm về tiền bạc và lượng khách đã quen mặt bỗng dưng… ngại xa rồi mất hút.

Sau nhiều lần di chuyển, mở lại tiệm, Mập Thôn cũng bắt đầu có kha khá kinh nghiệm để chia sẻ lại: "Để tiết kiệm chi phí, hầu như tất cả những đồ nội thất trong cửa hàng đều được tận dụng lại, thu nhặt hay mua cũ. Để tiết kiệm đến mức tối đa, chỉ những thử thiết yếu như đèn, điện tụi mình mới thuê thợ làm. Ngoài ra thì bạn bè, anh em hỗ trợ rất nhiều trong quá trình mở tiệm và di dời".

Không gian ấn tượng của Mập Thôn bao gồm công sức của rất nhiều bè bạn

Chuyện của 3bich.denim thì lại khác hẳn, Minh Vương không nặng nề chuyện setup cho lắm bởi lực lượng cộng sự hùng hậu luôn sẵn sàng hỗ trợ. Thế nhưng mỗi lần chuyển địa điểm với 3bich.denim lại là một lần thót tim. Nỗi sợ của Vương đến từ việc thâm hụt nguồn vốn khi bắt chuyển từ kinh doanh trên mạng sang kinh doanh mặt đất. Mở tiệm mới, đồng nghĩa số tiền chi ra sẽ nhiều lên, nguồn vốn bị thâm hụt nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng nguồn hàng nhập vào, bài toán hóc búa này đã từng khiến Minh Vương và các cộng sự đau đầu suốt một thời gian dài.

Sự đầu tư kỹ lưỡng trong quá trình set up tiệm tiêu tốn của 3bich.denim rất nhiều tiền bạc

Vậy rồi, bán đồ si dễ hay khó?

Thục Quyên từng tâm sự nghề nào giai đoạn đầu cũng sẽ khó, nghề buôn đồ si cũng không ngoại lệ. Giai đoạn đầu, Byquyenclothing hầu như chỉ bán online, khách hàng chính chỉ là những người đã quen từ trước. Thế nhưng, không người quen nào có thể ủng hộ mãi được, có tuần, Quyên chẳng bán được món nào.

Bà chủ "sốp" không chịu thua, bắt đầu mày mò học hỏi các chiến lược marketing, tìm hiểu xem quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội ra sao. Sau cùng, dần dà Byquyenclothing cũng được nhiều người biết đến, có một lượng khách nhất định và mở rộng buôn bán thêm các sản phẩm vintage khác.

Sau những thắng lợi đầu tiên, Thục Quyên còn buôn bán thêm các sản phẩm vintage second-hand khác

Thiếu hụt nguồn vốn là khó khăn lớn nhất của 3bich.denim. Giai đoạn đầu, vì nguồn vốn chỉ đến từ một khoản để dành nhỏ, lợi nhuận chỉ phụ thuộc vào việc kinh doanh online không mấy dồi dào vì ít người biết đến, Minh Vương và cộng sự luôn trong trạng thái khó khăn. Thế nhưng nhờ sự tận tình chăm sóc khách hàng và chất lượng sản phẩm, 3bich.denim dần có nhiều nét khởi sắc, mọi chuyện cũng suôn sẻ hơn. Minh Vương còn tự tin bật mí đến hiện tại dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiệm của anh chàng vẫn luôn đạt được lợi nhuận như mong muốn.

Vượt qua khó khăn, 3bich.denim vẫn đạt được lợi nhuận như Minh Vương mong muốn

Có lẽ, người duy nhất không cảm thấy có gì quá khó khăn trong câu chuyện này chỉ có Mập Thôn: "Khoảng thời gian đầu kinh doanh là tụi mình phải suy nghĩ rất nhiều. Làm sao để vẫn cân bằng được yếu tố thương mại và cái tôi thương hiệu. Vậy nên theo thời gian bên cạnh những sản phẩm đặc sắc và kén người mặc thì tụi mình cũng đã tiết chế và thêm vào những sản phẩm basic hơn để những ai yêu thích phong cách Mập Thôn đều có thể mặc được.

Ban đầu, Mập Thôn không quá đặt nặng về doanh số mà chỉ đơn giản là làm vì đam mê và muốn thử sức. Tụi mình đơn giản muốn chia sẻ với các bạn về phong cách của Mập Thôn nhiều hơn là kinh doanh kiếm tiền. Thế nên tụi mình tập trung sản xuất nhiều hình ảnh và content trên page. Mọi người tìm đến tiệm có lẽ cũng bởi vì sự tâm huyết của tụi mình, nên thời gian đầu tụi mình cảm thấy không có khó khăn gì quá lớn".

Thời này kiếm tiền thế: Chủ sốp đồ si nghe thì ngầu nhưng liệu có như mơ không? - Ảnh 13.

Các bộ sưu tập của Mập Thôn dần được tiết chế, phù hợp hơn với nhiều người

Bên cạnh những khó khăn, nghề "chủ sốp" đồ si cũng có nhiều cái dễ nhưng là… dễ thương!

Với Quyên, sự dễ ấy đến từ những lần săn được các món hàng hiệu với giá chỉ 1/10 và được chia sẻ niềm vui ấy cho những khách hàng quen thuộc. Quyên nói: "Nếu để nói kinh doanh đồ si có lời nhiều hay không thì mình xin khẳng định lại là KHÔNG, lợi nhuận này đủ để mình trang trải cho việc duy trì shop, lấy hàng và nhiều chi phí khác.

Lợi nhuận to lớn nhất Quyên nhận được là được gặp gỡ rất nhiều người bạn mới, những người có cùng đam mê đồ cũ, đồ độc với mình. Họ đến với mình, mua hàng mình bằng tất cả sự đam mê với món đồ ấy chứ không hẳn là chỉ đi mua sắm. Mình nghĩ, chắc chỉ có kinh doanh mặt hàng như mình mới có những niềm vui nhỏ nhoi trong ngày như vậy thôi".

Thời này kiếm tiền thế: Chủ sốp đồ si nghe thì ngầu nhưng liệu có như mơ không? - Ảnh 14.

Cái "dễ" của việc làm "chủ sốp" với Thục Quyên là dễ thương do các vị khách đem lại

Với Mập Thôn, sự dễ thương mà các founder nhận được là sự ủng hộ của khách hàng với những ý tưởng về mix-match hay chụp ảnh của tiệm. Từ một "chiếc" tiệm với kinh phí hạn hẹp phải nhờ bạn bè làm mẫu, dùng sân thượng làm background, Mập Thôn giờ đã tiến rất xa, cho ra đời những lookbook đẹp như ảnh tạp chí.

Thời này kiếm tiền thế: Chủ sốp đồ si nghe thì ngầu nhưng liệu có như mơ không? - Ảnh 15.

Lookbook của Mập Thôn ngày càng được nhiều người yêu thích bởi sự đầu tư và tính sáng tạo

Tips nhỏ cho những ai muốn khởi nghiệp cùng đồ si:

- Chọn cho tiệm một phong cách chủ đạo và xây dựng hình ảnh tiệm với phong cách đó sẽ khiến bạn dễ nhận diện hơn trên bản đồ đồ si dày đặc.

- Khảo sát giá cả và chất lượng nguồn hàng ở nhiều địa điểm khác nhau, nếu chưa đủ mạnh về kinh tế, nên tham khảo việc đi săn, nhặt nhạnh từng món đồ để bán thử trước.

Ảnh: Tổng hợp

Thời này kiếm tiền thế: Chủ sốp đồ si nghe thì ngầu nhưng liệu có như mơ không? - Ảnh 17.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Cơn sốt của giới trẻ yêu nghệ thuật gọi tên "Chocopie Đậm Tình Việt Nam"

(Tổ Quốc) - Vừa qua, Orion phát động cuộc thi sáng tác tranh mang tên ‘Đậm Tình Việt Nam’ nhân dịp bánh ChocoPie 50 năm toàn cầu. Với mong muốn lan tỏa và truyền cảm hứng về nét đẹp ‘tình’ trong các nét vẽ, cuộc thi nhanh chóng nhận được sự quan tâm hưởng ứng nhiệt liệt của các bạn artist trẻ.