Đây là Ayah Lundt, một bé gái người Đan Mạch với những lọn tóc xoăn và đôi mắt màu nâu sáng. Ayah chào đời vào tháng 1 năm 2020, nặng 3 cân 7 và nhanh chóng phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác.
Vào thời điểm 6 tháng tuổi, cô bé đã biết bò và tự xúc bột yến mạch bằng thìa. Mary Mithika, mẹ của Ayah, rất hạnh phúc khi chứng kiến con gái mình đạt được từng cột mốc phát triển.
Nhưng đến tháng 10 năm đó, mọi thứ đột nhiên đảo ngược.
Đó là thời điểm mà Ayah 9 tháng tuổi. Mithika để ý mỗi khi con mình đang nằm, cô bé phải rất cố gắng mới có thể ngẩng đầu dậy được. Trước đó, Ayah thích vỗ tay, nhưng bây giờ cô bé không còn làm điều đó thường xuyên nữa.
Ban đầu, Mithika nghĩ rằng con mình chỉ đang bớt hiếu động vì bị ốm. Nhưng vào khoảnh khắc mà Lundt đánh rớt chiếc thìa vào bát yến mạch, linh cảm của người mẹ mách bảo rằng có điều gì đó rất không ổn đang xảy ra.
Dường như, Ayah đang mất đi toàn bộ khả năng cầm nắm.
Ngay lập tức, Mithika đưa con mình tới bệnh viện. Các bác sĩ đã chạy một loạt các chẩn đoán phức tạp chỉ để loại trừ trường hợp xấu nhất mà họ nghĩ tới. Nhưng một lần nữa, định luật Murphy đã đúng: "Cái gì xấu có thể xảy ra thì nó sẽ xảy ra".
Các bác sĩ cho biết tất cả các bài kiểm tra thần kinh, phim chụp CT, cộng hưởng từ và sinh thiết đều chỉ ra một sự thật duy nhất: Ayah đã mắc chứng teo cơ tủy sống (SMA), một căn bệnh di truyền hiếm gặp chỉ ảnh hưởng tới 1/10.000 trẻ sơ sinh.
Các triệu chứng của cô bé là hệ quả của việc một loạt tế bào thần kinh trong não và tủy sống đã vỡ vụn. Tổn thương thần kinh khiến não của Ayah không thể gửi tín hiệu kiểm soát chuyển động tới các cơ bắp của cô bé. Hậu quả là cô bé không còn có thể ngẩng đầu, ngồi dậy một mình hoặc cầm nắm đồ vật.
Thống kê cho thấy SMA là nguyên nhân gây tử vong số 1 ở trẻ sơ sinh trong tất cả các tình trạng di truyền. Căn bệnh tiến triển cực kỳ nhanh, ở thời điểm vài tháng sau khi nhận chẩn đoán, Ayah đã phải thở máy 2 lần mỗi ngày vì các dây thần kinh nối với cơ hoành đã bị tổn thương.
Mỗi lần nhìn Ayah khóc khi phải chụp máy thở, Mithika không biết làm gì hơn ngoài việc nhẹ nhàng hát bài hát "You are my sunshine" để dỗ dành cô bé:
"Con là ánh dương của đời mẹ, là ánh dương duy nhất trên đời. Ngay cả khi bầu trời ngoài kia có xám xịt, có con ở đây vẫn khiến mẹ vui cười. Con yêu ơi, con làm sao biết, mẹ yêu con đến nhường nào? Con yêu ơi đừng đi đâu nhé, xin đừng khiến ánh dương của mẹ biến tan".
Nếu không được điều trị, SMA sẽ tấn công vào các cơ nuốt ở cổ, Ayah sớm muộn sẽ phải ăn qua đường ống thông dạ dày. Tiên lượng sau đó thực sự rất ảm đạm. Nhiều đứa trẻ mắc SMA không thể sống qua sinh nhật lần thứ hai của mình.
Trong nỗ lực cố gắng làm chậm quá trình chết của các tế bào thần kinh vận động trên cơ thể Ayah, các bác sĩ Đan Mạch đã dùng tới một liệu pháp. Họ tiêm vào tủy sống của cô bé một liều thuốc có giá 150.000 USD (tương đương 3,5 tỷ VNĐ)/liều.
Nhưng thuốc này cũng chỉ có tác dụng tạm thời, cô bé sẽ phải tiêm nhắc lại mỗi 3 tháng một lần cho tới hết cuộc đời. Các bác sĩ nói nếu muốn chữa trị tận gốc căn bệnh, Ayah sẽ cần phải sử dụng đến liệu pháp gen.
Tin tốt, đó là năm 2020. Vừa hay, có một liệu pháp gen điều trị SMA đã được phê duyệt tại Mỹ. Nhưng tin xấu, liệu pháp gen này có mức giá lên tới 2,1 triệu USD một liều (tương đương 50 tỷ VNĐ). Tại Đan Mạch, loại thuốc này chưa được cấp phép và vì vậy nó tất nhiên cũng không nằm trong danh mục bảo hiểm mà Ayah được hỗ trợ.
"Ngày nào tôi cũng nghĩ về mức giá đó, con số đè nặng lên tôi. Rồi mỗi ngày tôi lại nhìn bệnh tình của con mình tiến triển nặng hơn", Mithika nói trong nước mắt. "Là một người mẹ, bạn sẽ làm gì nếu biết ngoài kia có thứ gì đó có thể cứu sống con của mình?".
Loại thuốc dùng để điều trị bệnh teo cơ tủy sống (SMA) của Ayah có tên biệt dược là Onasemnogene abeparvovec. Đó là một liệu pháp gen đang được thương mại hóa độc quyền bởi công ty dược phẩm đa quốc gia Novartis của Thụy Sĩ.
Dưới tên gọi phổ thông là Zolgensma, mỗi liều truyền tĩnh mạch của loại thuốc này có chứa trong đó hàng tỷ virus bọc trong những lớp vỏ gọi là capsid. Những virus được đặt theo mã khoa học là AAV9 và thuộc họ Adenoviridae. Chúng đều đã được chỉnh sửa gen để không thể gây bệnh cho con người.
Trong các liệu pháp gen, virus thường được sử dụng như phương tiện vận chuyển gói vật chất di truyền. Gói hàng này chính là những bản sửa đổi và thay thế gen đã bị lỗi cho người bệnh. Cụ thể trường hợp của Zolgensma, AAV9 sẽ "ship" một gen có tên gọi SMN1 đi vào tế bào trong tế bào thần kinh của bệnh nhân.
Gen SMN1 chính là gen bị đột biến lỗi ở bệnh nhân SMA. Nó khiến tế bào thần kinh của họ không thể sản sinh SMN (protein sinh tồn cho nơ-ron vận động). Đúng như tế gọi, SMN là một protein cực kỳ cần thiết cho sự sống tế bào. Thiếu hụt nó, tế bào thần kinh vận động của người bệnh teo cơ tủy sống sẽ chết dần.
Bây giờ, sau khi Zolgensma được truyền vào tĩnh mạch bệnh nhân, các adeno virus của nó sẽ tìm kiếm các tế bào thần kinh vận động và "lây nhiễm" chúng. Virus chèn gen SMN1 mà nó mang theo vào tế bào người bệnh, thay thế cho phiên bản SMN1 đã bị đột biến lỗi. Những tế bào thần kinh này sau đó sẽ được cứu sống và duy trì khả năng vận động cho bệnh nhân SMA.
Thử nghiệm lâm sàng cho thấy những đứa trẻ mắc teo cơ tủy sống được điều trị với Zolgensma đã tăng cường được sức mạnh cơ bắp. Chúng sau đó đã hồi phục đáng kể, có thể ngồi dậy, không cần thở máy hoặc ăn qua đường ống thông dạ dày nữa.
Một tỷ lệ khoảng 16,7% bệnh nhân SMA sau đó đã hồi phục đến độ tiệm cận quá trình phát triển bình thường. Những đứa trẻ này có thể đứng và đi lại mà không cần hỗ trợ - điều mà trước Zolgensma không có một loại thuốc nào từng làm được.
Nhìn chung, một khi đã được FDA chấp thuận, hiệu quả của các liệu pháp gen như Zolgensma là thứ đã được bảo chứng. Phương pháp điều trị của chúng cũng đơn giản, chỉ với một liều tiêm tĩnh mạch duy nhất trong vòng 60 phút và cuộc đời của một đứa trẻ SMA sẽ thay đổi vĩnh viễn. Điều đáng quan tâm còn lại chỉ là mức giá.
Được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt vào năm 2019, Zolgensma có giá lên tới 2,1 triệu USD/liều. Con số đã xô đổ kỷ lục trước đó của Luxturna, một liệu pháp gene khác dùng để điều trị bệnh mù bẩm sinh.
Luxturna được công ty sản xuất, Spark Therapeutics, định giá lên tới 850.000 USD/liều và giữ kỷ lục là loại thuốc đắt nhất mà FDA từng phê duyệt - cho đến khi Zolgensma xuất hiện với mức giá cao gấp hơn 2 lần.
Mặc dù vậy, câu chuyện không mất quá lâu để lặp lại. Zolgensma chỉ giữ được kỷ lục là liệu pháp đắt nhất hành tinh cho tới năm 2022, mức giá của loại thuốc này đã bị xô đổ - không chỉ một mà tới ba lần.
Vào tháng 8 năm ngoái, FDA phê duyệt Zynteglo, một liệu pháp gen để điều trị bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh (beta-thalassemia), với giá 2,8 triệu USD (tương đương 65 tỷ VNĐ) mỗi liều. Chưa đầy một tháng sau, một liệu pháp có tên là Skysona tiếp tục được FDA phê duyệt với giá 3 triệu USD/liều (tương đương 71 tỷ VNĐ) để điều trị bệnh thoái hóa thần kinh (CALD).
Tháng 11 năm 2022, kỷ lục loại thuốc đắt nhất thế giới đã được xác lập bởi Hemgenix, liệu pháp gen dùng để điều trị bệnh máu khó đông Hemophilia B. CSL Behring, công ty dược phẩm Australia bán độc quyền loại thuốc này, đã định giá mỗi liều Hemgenix truyền tĩnh mạch lên tới 3,5 triệu USD (tương đương 86 tỷ VNĐ).
Điểm chung giải thích sự đắt đỏ của tất cả các loại thuốc này, đó là chúng đều là các liệu pháp gen tiên tiến. Mới chỉ được thương mại hóa trong khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ chỉnh sửa gen vẫn còn đang trong thuở bình minh của y học. Điều này có nghĩa là chi phí nghiên cứu và sản xuất chúng vô cùng đắt đỏ.
Kỹ thuật gen cần đến một hạ tầng cơ sở và máy móc tinh vi, đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu, các nguyên liệu thô đắt tiền và vật liệu sinh học phức tạp. Để làm ra một liều thuốc gen duy nhất, các công ty cần phải mất từ 9-10 tháng để nuôi virus, lắp ráp các vectơ gen, bọc chúng vào vỏ capsid, làm tinh sạch liều truyền cuối cùng trước khi đóng gói và phân phối.
Giá của các liệu pháp gen vì vậy đều nằm trong khoảng vài trăm cho đến vài triệu USD, với con số trung bình là khoảng 1,5 triệu tương đương 36 tỷ VNĐ.
Điểm chung thứ hai của những loại thuốc đắt nhất hành tinh, đó là chúng đều chỉ cần sử dụng một liều duy nhất. Các liệu pháp gen đơn liều đều nhắm tới mục đích điều trị tận gốc căn bệnh, thông qua việc thay thế cho những loại thuốc mà bệnh nhân phải sử dụng suốt đời (với chi phí tổng cộng còn đắt đỏ hơn gấp nhiều lần).
Lấy ví dụ về trường hợp của Hemgenix, loại thuốc đắt nhất hành tinh ở thời điểm này với giá 3,5 triệu USD dùng để điều trị bệnh máu khó đông Hemophilia B. Bệnh nhân mắc Hemophilia B do một khiếm khuyết trên gen F9 khiến họ không thể tạo ra một protein cần thiết cho quá trình đông máu gọi là yếu tố đông máu IX.
Một mặt, điều này khiến các vết thương hở của bệnh nhân chảy máu lâu hơn, hậu quả là họ sẽ mất nhiều máu hơn. Mặt khác, nó tạo ra nguy cơ chảy máu dưới da (xuất hiện dưới dạng các vết bầm tím), chảy máu trong khớp (dẫn đến thoái hóa khớp) và chảy máu não (khiến bệnh nhân thường xuyên đau đầu, kích hoạt các cơn co giật và giảm ý thức).
Trước khi có Hemgenix, những bệnh nhân Hemophilia B sẽ phải điều trị dự phòng bằng cách truyền yếu tố IX 2-4 lần/tháng, phân lập từ huyết thanh người hiến tặng hoặc sử dụng dụng protein tái tổ hợp.
Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Medical Economics ước tính chi phí điều trị này có thể cộng dồn lên tới 23 triệu USD, tương đương 552 tỷ VNĐ nếu người bệnh Hemophilia B muốn duy trì tuổi thọ đến mức tối đa. Mức "tối đa" này nằm ở ngưỡng tuổi trung bình của một người khỏe mạnh trừ đi 10 năm.
Hiếm có bệnh nhân Hemophilia B nào có thể sống lâu hơn thế. Và ngược lại, nếu không được điều trị, hầu hết những đứa trẻ mắc bệnh này đều không sống được tới tuổi trưởng thành. Nhiều bệnh nhân sẽ chết trước năm 11 tuổi.
Hemgenix, bây giờ xuất hiện như một giải pháp mới và đột phá cho bệnh nhân Hemophilia B. Đó là một liệu pháp đơn liều, nghĩa là bệnh nhân chỉ cần truyền duy nhất một liều Hemgenix để quản lý tình trạng của mình, so với việc phải truyền yếu tố IX mỗi tháng vài lần cho đến hết cuộc đời.
Là một phương pháp trị liệu nhắm đến gen giống với Zolgensma, mỗi liều truyền Hemgenix chứa trong đó hàng tỷ virus adeno, được tinh chỉnh để mang theo các bản sao gen F9 (là gen sản sinh yếu tố đông máu IX).
Sau khi virus tiếp cận được với gan, nó sẽ truyền gen này vào các tế bào, cho phép gan người bệnh Hemophilia B bắt đầu sản xuất yếu tố đông máu IX một cách tự nhiên. Về cơ bản, đây là một phương pháp sửa chữa tận gốc vấn đề.
Vì vậy, mức giá 3,5 triệu USD/liều duy nhất so với 23 triệu USD trên một liệu trình kéo dài suốt đời, Hemgenix có vẻ như vẫn là một món hời.
Quay trở lại với chứng teo cơ tủy sống (SMA) mà cô bé Ayah đang mắc phải. Để kéo dài tính mạng cho cô bé và làm chậm quá trình chết của tế bào thần kinh, các bác sĩ tại Đan Mạch đang sử dụng một loại thuốc truyền trực tiếp vào tủy sống của cô bé.
Loại thuốc này có tên là Spinraza được FDA phê duyệt vào năm 2016. Và kể từ đó, nó trở thành loại thuốc điều trị duy nhất cho bệnh nhân SMA. Sau khi được tiêm vào tủy sống của bệnh nhân, Spinraza sẽ có tác dụng kích thích gen SMN2 làm nhiệm vụ sản sinh ra protein SMN (thay cho gen SMN1 đã bị lỗi), từ đó cứu sống các tế bào thần kinh vận động của người bệnh.
Tuy nhiên, nhược điểm của Spinraza là nó có thời gian bán hủy, từ 63-87 ngày trong huyết tương và 235-177 ngày trong dịch não tủy. Điều này khiến bệnh nhân sẽ phải truyền thuốc mỗi 3 tháng/lần. Chi phí điều trị được ước tính lên tới 750.000 USD cho năm đầu tiên và 350.000 USD cho mỗi năm tiếp theo.
Nghĩa là mức giá 2,1 triệu USD của Zolgensma hiện giờ chỉ tương đương với 5 năm điều trị với Spinraza. Trong khi, những đứa trẻ đầu tiên được điều trị với Zolgensma trong các thử nghiệm lâm sàng được dự đoán sẽ sống sót qua 5,2 năm với các cột mốc phát triển bình thường. Hiệu quả của liệu pháp gen này được hi vọng là sẽ kéo dài gấp nhiều lần, thậm chí trọn đời.
Novartis đã dựa vào so sánh trên để đưa ra mức giá đối với Zolgensma. "Các phương pháp điều trị và chăm sóc khác cho bệnh nhân SMA có thể tiêu tốn tới 6 triệu USD cho 10 năm đầu tiên", Dave Lennon, chủ tịch Novartis Gene Therapies cho biết.
"Nhưng ở đây, chúng tôi đang nói về lợi ích cả đời của bệnh nhân được cô đọng lại thành một liều điều trị duy nhất. Mọi người không quen nghĩ theo cách đó. Chúng ta đã quen với một hệ thống thuốc mạn tính, nơi chúng ta trải rộng những đợt điều trị trong nhiều năm nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ".
Từ quan điểm của mình, Lennon cho rằng mức giá của Zolgensma là "hợp lý" và "cho hiệu quả cao về mặt chi phí".
Một mặt, nó đem lại lợi ích xứng đáng cho bệnh nhân so với phương pháp điều trị trước đây. Mặt khác, mức giá này sẽ cho phép Novartis thu lại được tiền mà họ đã đầu tư cho quá trình nghiên cứu Zolgensma – thứ mà Lennon nói sau đó sẽ dùng để tái đầu tư vào các liệu pháp gen mới, nhắm đến việc chữa trị các căn bệnh di truyền khác trong tương lai.
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Health Economics, các công ty dược phẩm phải mất trung bình 12 năm nếu muốn phát triển một loại thuốc đi từ giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng cho tới khi được phê duyệt và thương mại hóa.
Quá trình R&D này tiêu tốn trung bình 2,6 tỷ USD, tính cả chi phí cơ hội và tỷ lệ thất bại cao, lên tới 88-90%. Nghĩa là cứ 10 loại thuốc được phát triển thì mới có 1 loại được bán ra và đem về lợi nhuận cho các công ty dược phẩm.
Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư phát triển một loại thuốc mới mà chính họ cũng không chắc sẽ thành công, bất kỳ một công ty dược nào cũng sẽ phải nhìn vào tệp khách hàng tiềm năng của họ. Đối với thuốc, đó chính là số lượng bệnh nhân đang cùng mắc một căn bệnh.
Khả năng sinh lời được tính dựa trên mức độ sẵn sàng tài chính của người bệnh, giá bán thuốc, khả năng chi trả của công ty bảo hiểm nhân với tệp bệnh nhân trong dân số. Lý tưởng nhất, các công ty dược phẩm luôn muốn phát triển một loại thuốc có giá vừa phải, nhưng cho một tệp khách hàng lớn, có khả năng chi trả và dùng nó thường xuyên.
Ví dụ như Adalimumad, thuốc dành cho bệnh viêm khớp dạng thấp có giá bán khoảng 15 triệu VNĐ/hộp. Adalimumad luôn đứng đầu danh sách những loại thuốc đem lại lợi nhuận cao nhất cho các công ty dược phẩm, vì lúc nào cũng có khoảng 1% dân số mắc viêm khớp dạng thấp và có khả năng chi trả cho loại thuốc này.
Ngược lại, các công ty dược sẽ hết sức tránh né việc phát triển thuốc cho một căn bệnh có tệp khách hàng nhỏ. Một mặt, họ không muốn mạo hiểm hàng tỷ USD chi phí R&D khi không nhìn thấy khả năng sinh lời.
Mặt khác, ngay cả khi loại thuốc đó phát triển thành công, tệp khách hàng nhỏ sẽ khiến các công ty dược phẩm phải đẩy giá thuốc lên cao, tới hàng trăm ngàn cho tới hàng triệu USD mà không chắc các công ty bảo hiểm và bệnh nhân có thể chi trả được hay không.
Hệ quả là các bệnh nhân mắc những bệnh hiếm gặp thường bị "bỏ rơi", không có thuốc chữa. Ngành y tế sử dụng thuật ngữ Bệnh mồ côi (Orphan diseases) để gọi vùng trũng ảm đạm này của thị trường dược phẩm.
Tại Mỹ, một bệnh mồ côi được định nghĩa là bệnh ảnh hưởng tới dưới 200.000 người, tương đương với tỷ lệ 6/10.000. Ở Châu Âu, con số đó là 5/10.000.
Có khoảng 7.000 căn bệnh mồ côi thỏa mãn những con số này, bao gồm chứng teo cơ tủy sống (SMA) mà cô bé Ayah đang mắc phải. Nhưng hiện chỉ có khoảng gần 300 loại thuốc điều trị bệnh mồ côi có mặt trên thị trường.
Một nghiên cứu trên tạp chí European Journal of Human Genetics ước tính các căn bệnh mồ côi đang ảnh hưởng tới 3,5-5,9% dân số thế giới, tương đương 300 triệu người ở bất kỳ thời điểm nào.
Các chính phủ, dĩ nhiên, biết họ cần phải làm gì để khỏa lấp chỗ trống và giúp các bệnh nhân này không bị bỏ lại. Nỗ lực được hiện thực hóa bởi các chính sách ưu đãi thuế hoặc trợ cấp tài chính cho các công ty dược phẩm có chương trình phát triển thuốc mồ côi.
Ví dụ Đạo luật Thuốc mồ côi (ODA) của Hoa Kỳ quy định các khoản tín dụng lên tới 50% chi phí R&D, cùng với các khoản trợ cấp, hỗ trợ giao thức và miễn phí FDA cho công ty dược phát triển các loại thuốc này.
Thêm vào đó, họ sẽ còn được độc quyền phân phối chúng ở Mỹ trong vòng 7 năm. Về cơ bản, điều này trao cho nhà sản xuất thuốc quyền định giá sản phẩm của mình ở bất cứ ngưỡng nào mà họ muốn.
Dù không làm điều đó một cách quá lộ liễu, nhưng đây vẫn là nguyên nhân chính khiến giá của những loại thuốc mồ côi cao ngất ngưởng, và chúng thậm chí có xu hướng ngày càng tăng khi mức giá kỷ lục cũ liên tục bị xô đổ.
Vậy là, chính sách ưu đãi dành cho thuốc mồ côi mới chỉ giải quyết được một nửa vấn đề. Ở mặt hiệu quả, chúng đã đủ hấp dẫn để khiến các công ty dược phẩm khởi động cỗ máy khoa học vì lợi nhuận của họ.
Thống kê cho thấy, kể từ khi Đạo luật Thuốc mồ côi (ODA) của Hoa Kỳ có hiệu lực, nó đã thu hút được hơn 200 công ty tham gia vào nghiên cứu, góp phần đưa 450 loại thuốc mồ côi ra thị trường. Những căn bệnh mồ côi này đã đi từ chỗ không có thuốc chữa tới chỗ có thuốc chữa.
Nhưng ở mặt hạn chế, chính sách ưu đãi gỡ bỏ được rào cản về động lực nghiên cứu - thì chính nó lại dựng lên một rào cản mới theo ngay sau: Giá thuốc. Dòng chảy lợi ích tới hàng trăm triệu bệnh nhân mắc bệnh mồ côi vì vậy vẫn chưa được khơi thông.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Plos ONE khảo sát khả năng tiếp cận với các loại thuốc mồ côi tại 35 quốc gia trên thế giới cho thấy: Với giá điều trị lên tới hàng triệu USD, hầu hết bệnh nhân sẽ không thể tiếp cận với các liệu pháp điều trị dành cho mình, trừ khi loại thuốc đó được bảo hiểm chi trả.
Thật đáng tiếc, đa số các công ty bảo hiểm sẽ tiếp cận các loại thuốc mồ côi theo hướng rất thận trọng. Ví dụ, một khảo sát của công ty nghiên cứu và môi giới Bernstein, Hoa Kỳ cho thấy chỉ có 11/30 công ty bảo hiểm ở Mỹ đưa Zolgensma vào danh mục chi trả của mình.
Ngay cả khi họ làm điều đó, các tiêu chí để bệnh nhân được hỗ trợ tài chính cũng rất khắt khe. Ví dụ, Anthem, một trong những công ty bảo hiểm tư nhân lớn nhất nước Mỹ quy định chỉ trẻ em dưới 6 tháng tuổi mới được sử dụng thuốc Zolgensma theo bảo hiểm.
Một số công ty khác như Horizon Blue Cross sẽ không chi trả cho Zolgensma nếu bệnh nhân từng điều trị bằng Spinraza. 9/11 công ty bảo hiểm trong khảo sát của Bernstein sẽ chi trả cho Zolgensma nhưng từ chối chi trả cho thuốc Spinraza cùng lúc.
Chiếu theo các tiêu chí cụ thể kể trên, những bệnh nhân SMA như trường hợp cô bé Ayah Lundt sẽ vẫn bị bỏ rơi. Ayah nhận chẩn đoán ở tháng thứ 10, quá muộn khi cha mẹ cô phát hiện triệu chứng, và cô bé cũng đã điều trị bằng Spinraza trước đó.
Không có bảo hiểm, gánh nặng tài chính lên tới 2,1 triệu USD lúc này bị đẩy hoàn toàn về phía gia đình bệnh nhân. Trong tình huống gần như tuyệt vọng, Mithika chỉ có thể nghĩ ra một cách: Cầu xin sự trợ giúp từ phía cộng đồng.
Tháng 11 năm đó, cô cùng chồng mình tập hợp được một nhóm nòng cốt gồm 8 người thân trong gia đình và vòng tròn bạn bè. Họ bắt đầu chiến dịch gây quỹ trên Instagram và Facebook.
Một số người sẽ làm nhiệm vụ chụp ảnh và quay video, số khác viết bài để chia sẻ câu chuyện của Ayah. Một số tình nguyện viên sẽ đảm nhận việc dịch tài liệu ra nhiều thứ tiếng. Mithika cũng không quên viết thư cho chính phủ, gửi email tới tất cả các công ty và quỹ từ thiện tiềm năng mà cô biết để kêu gọi sự giúp đỡ.
Vào cuối tuần Lễ phục sinh năm đó, nhóm tình nguyện tổ chức một buổi livestream trên Instagram kéo dài 36 tiếng đồng hồ. Trong suốt 36 tiếng đó, Mithika đã không ngủ để đổi lấy một khoản tiền quyên góp trị giá 70.000 USD cho Ayah.
Mặc dù vậy, tất cả đều biết những con số mà họ đạt được vẫn chỉ là bề mặt - so với giá của một liều Zolgensma. Khó khăn hơn nữa là các khoản quyên góp tại Đan Mạch còn đang giảm dần. Mithika sau đó phải nhờ một đồng nghiệp giúp cô lập tài khoản GoFundMe tại Mỹ.
GoFundMe là một trang gây quỹ cộng đồng, nơi có hàng trăm ngàn gia đình cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp tài chính cho con mình, khi những đứa trẻ mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị đắt đỏ.
Điều đó nghĩa là họ luôn phải cạnh tranh lòng hảo tâm có hạn của cộng đồng. Vấn đề là các chiến dịch gây quỹ liên quan đến chi phí điều trị y tế trên GoFundMe chỉ có mục tiêu trung bình khoảng 8.000 USD. Ngay cả vậy, chỉ có 12% chiến dịch đạt tới được thành công, 16% thậm chí không nhận được một xu quyên góp nào.
Vì vậy với mục tiêu quyên góp lên tới hơn 2 triệu USD, câu chuyện của Ayah là một đột phá ít nhiều đã lay động được cộng đồng. Bốn tháng xuất hiện trên GoFundMe đã đem về thêm 60.000 USD cho cô bé. Mặc dù vậy, ai cũng biết con số đó vẫn là quá nhỏ và chỉ có một phép màu mới tạo nên được sự khác biệt.
Thật may mắn, phép màu đó cuối cùng đã đến vào một buổi chiều tháng 3 năm 2021, sau khi CNN xuất bản một câu chuyện kể về cô bé Ayah và chứng bệnh mà cô bé đang mắc phải. Sức lan tỏa của bài báo đã khiến quỹ GoFundMe của Ayah tăng vọt lên con số hơn 1 triệu USD chỉ sau một đêm - theo đúng nghĩa đen.
"Chúng tôi đã không thể ngủ nổi", Mithika nhớ lại. "Chúng tôi đã cuộn trên danh mục quyên góp của GoFundMe, liên tục cập nhật từng phút cho tới tận sáng".
Câu chuyện về cô bé Ayah nhỏ bé, người đang chiến đấu với căn bệnh SMA quái ác, cùng khoản chi phí điều trị khổng lồ của một trong những loại thuốc mồ côi đắt nhất hành tinh đã lay động được cộng đồng quốc tế.
Một loạt các chiến dịch quyên góp khác dành cho cô bé đã tiếp tục được thực hiện tại Đan Mạch, Kenya (quê hương của Mithika) và Hoa Kỳ - nơi gia đình Ayah dự định sẽ tới để chữa bệnh vì Zolgensma chưa được cấp phép tại Đan Mạch).
Mất thêm 4 tháng để những người có ảnh hưởng như nhạc sĩ King Kaka, diễn viên Teresa Palmer hay tuyển thủ bóng đá Liverpool Divock Origi tham gia vào chiến dịch, Ayah và gia đình cô bé cuối cùng cũng quyên góp được đủ số tiền mà họ cần, bao gồm 2,1 triệu USD cho thuốc Zolgensma và 300.000 USD chi phí đi lại và lưu trú tại Mỹ trong thời gian cô bé chữa bệnh.
Đầu tháng 9 năm 2021, gia đình Ayah cho biết họ đã vượt quãng đường hơn 8.500 km từ Copehagen tới San Antonio, Texas để chuẩn bị cho thủ tục với Zolgensma. Cô bé đã được thăm khám, xét nghiệm và theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, hơn 10 ngày trước khi chính thức nhận một liều Zolgensma.
Đó là lúc Ayah được 20 tháng tuổi 5 ngày, 4 tháng trước thời hạn cuối cùng mà cô bé có thể nhận thuốc (Zolgensma chưa được cấp phép cho trẻ em trên 2 tuổi. Nếu vượt quá thời gian này, Ayah sẽ phải quay lại điều trị với Spinraza).
Câu chuyện của cô bé Ayah đã kết thúc có hậu. Mặc dù tất cả các quỹ quyên góp đã đóng lại, gia đình Mithika vẫn duy trì tài khoản Instagram và Facebook của Ayah để cập nhật tình hình sức khỏe cô bé.
Sau hơn 1 năm điều trị, Zolgensma đã mang lại tiên lượng hết sức tích cực. Ayah 3 tuổi bây giờ đã có thể đứng mà không cần sự hỗ trợ. Cô bé có thể bò, chơi đồ chơi, trở mình trên giường, ngẩng đầu, ngoảnh mặt và trở thành một "cỗ máy luyên mồm", dấu hiệu cho thấy các tế bào thần kinh điều khiển thanh quản đã được cứu sống.
Tất cả những điều này sẽ không đến nếu Ayah không nhận được liều thuốc trị giá 2,1 triệu USD. "Chúng tôi sẽ mãi biết ơn từng người trong số các bạn, những người đã giúp Ayah tìm lại được gene của cô ấy. Chúa sẽ ban phước cho tất cả các bạn", đại diện nhóm gây quỹ viết.
Không khó để nhận thấy, gây quỹ cộng đồng là chiến lược phổ biến mà các gia đình có trẻ mắc bệnh mồ côi sử dụng, khi họ không đủ khả năng tài chính để tiếp cận những loại thuốc có giá cao ngất ngưởng.
Bằng chứng được chỉ ra trong một nghiên cứu trên tạp chí Lancet. Các tác giả đã thống kê từ khi thuốc Zolgensma được cấp phép vào tháng 5 năm 2019 cho đến tháng 5 năm 2021, đã có ít nhất 171 chiến dịch gây quỹ trên GoFundMe dành cho những bệnh nhân SMA cần điều trị với loại thuốc này. Tổng số tiền mục tiêu mà các chiến dịch này đặt ra lên đến hơn 255 triệu USD.
Trong số đó, mới chỉ có 13 chiến dịch gây quỹ thành công và 33 chiến dịch vượt qua được 50% số tiền cần huy động. Một bài báo trên Tạp chí New York Times cũng cho biết: Kể từ khi Zolgensma được chấp thuận, mới có khoảng 10 bệnh nhi huy động được đủ 2,1 triệu USD từ nguồn quỹ cộng đồng để trang trải chi phí chữa bệnh.
Báo chí có thể kể nhiều về những câu chuyện thành công, đem lại hi vọng cho những bệnh nhi. Nhưng họ ít nói về phần còn lại bên dưới tảng băng ấy. Ví dụ, một bé gái 7 tháng tuổi ở Ấn Độ đã mất vào năm ngoái, khi mới huy động được hơn 50.000 USD trên tổng số tiền 2,1 triệu USD cho thuốc Zolgensma.
Một bé trai ở Anh cũng đã bỏ lỡ cơ hội được nhận thuốc dù đã huy động được tới 900.000 USD. Số tiền này sau đó đã được chuyển cho gia đình của một bệnh nhi SMA khác, người cũng đang huy động sự giúp đỡ của cộng đồng trên GoFundMe.
Vấn đề đối với các bệnh nhi mắc SMA là những đứa trẻ này và gia đình họ không có nhiều thời gian. Thuốc Zolgensma phải được sử dụng càng sớm càng tốt và hiện chỉ được quy định cho trẻ em dưới 2 tuổi. Nếu các gia đình không thể huy động đủ tiền trước sinh nhật lần thứ hai của con mình, những đứa trẻ thực sự sẽ bỏ lỡ khoảng cửa sổ điều trị quý giá.
Novartis cho biết để giải quyết vấn đề này, họ đã cho phép thanh toán Zolgensma theo hình thức trả góp trong vòng 5 năm. Điều đó có nghĩa là khoản thanh toán lần đầu sẽ chỉ dừng lại ở mức 425.000 USD (tương đương 9,97 tỷ VNĐ).
Tuy nhiên, đó vẫn là một mức giá cao và gia đình các bệnh nhi sẽ phải làm việc với công ty bảo hiểm hoặc chương trình hỗ trợ thanh toán thì mới có thể trả góp Zolgensma theo lộ trình đó.
Trong một nỗ lực khác để giải quyết phần ngọn vấn đề, Novartis cam kết sẽ dành tặng 100 liều Zolgensma miễn phí mỗi năm, dành cho các bệnh nhi SMA trên toàn thế giới. Đây là một phần của "Chương trình tháo gỡ khả năng tiếp cận Zolgensma toàn cầu", theo cách gọi của họ.
Trang web của công ty cập nhật kết quả chương trình này vào tháng 1 năm 2023 cho biết đã có gần 300 bệnh nhi tại 36 quốc gia trên thế giới nhận được Zolgensma miễn phí kể từ khi nó được triển khai năm 2020.
Con số là rất khiêm tốn so với 14.000 trẻ chào đời phải nhận chẩn đoán mắc mới SMA mỗi năm. Điều đó khiến Mike Fraser, tổng giám đốc của Novartis Gene Therapies phải thừa nhận: "Chúng tôi rất muốn tặng loại thuốc này cho tất cả bệnh nhân. Nhưng thực sự là chúng tôi không thể".
Trên thực tế, chương trình tặng thuốc miễn phí của Novartis cũng gặp phải không ít chỉ trích, chủ yếu từ cách làm của họ. Đầu tiên, việc công ty chỉ triển khai hoạt động này tại các quốc gia chưa cấp phép cho Zolgensma khiến nó mang tính chất của một chương trình quảng cáo dùng thử hơn là từ thiện.
Đặc biệt, ngay khi quốc gia đó cấp phép cho Zolgensma, chương trình tặng thuốc miễn phí sẽ dừng lại.
Ngoài ra, bởi số lượng bệnh nhân vượt ra khỏi số liều Zolgensma được phân bổ, Novartis đã chọn cách bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra những đứa trẻ may mắn. Các nhà hoạt động xã hội chỉ trích cách làm này tạo ra gánh nặng về mặt cảm xúc cho các bệnh nhi và gia đình.
Nếu không phải là người được chọn, họ sẽ cảm thấy hụt hẫng. Một số thậm chí sẽ tự ti vì cho rằng mình không xứng đáng được chọn để sống. Đó là còn chưa kể tính minh bạch và công bằng của hoạt động bốc thăm mà Novartis tổ chức tại mỗi quốc gia cũng bị đem ra đặt câu hỏi.
Kevin Doxzen, một chuyên gia phân tích chính sách và công nghệ sinh học tại Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ cho biết để giải quyết vấn đề giá thành cao ngất ngưởng của các liệu pháp gen, chúng ta cần một cách tiếp cận hai chiều.
"Trong ngắn hạn, điều quan trọng là phải phát triển những phương thức thanh toán mới, để lôi kéo các công ty bảo hiểm chi trả cho các liệu pháp chi phí cao. Điều này sẽ giúp phân bổ rủi ro giữa bệnh nhân, công ty bảo hiểm và nhà sản xuất thuốc. Còn về lâu về dài, khi công nghệ gen được cải tiến, chắc chắn giá thành của các liệu pháp sẽ hạ", Doxzen viết trong một bài bình luận đăng trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Một mô hình thanh toán sáng tạo được Doxzen đề xuất dựa trên trên kết quả điều trị. Theo đó, công ty bảo hiểm có thể trả trước một phần chi phí cho liệu pháp, và thanh toán phần còn lại sau khi bệnh nhân đã điều trị khỏi hoặc có tiến triển. Ngược lại, nếu bệnh nhân không khá hơn, công ty dược phẩm cần hoàn trả lại tiền cho phía công ty bảo hiểm.
Các chính phủ cũng có thể mặc cả với công ty dược phẩm để hạ giá thành liệu pháp gen, đổi lại họ sẽ đưa nó vào chương trình bảo hiểm quốc gia. Đây là chiến lược mà Nhật Bản đã sử dụng với thuốc Zolgensma và mới đây nhất đã được Hàn Quốc áp dụng.
Theo đó, giá trần của Zolgensma được quy định ở khoảng 1,5 triệu thay vì 2,1 triệu USD. Ở Hàn Quốc, bệnh nhân SMA đủ điều kiện điều trị và tham gia bảo hiểm có thể chỉ phải trả 5,98 triệu won (tương đương 4.600 USD) cho liệu pháp này.
Các tính toán cho thấy việc đưa Zolgensma vào chương trình bảo hiểm y tế quốc gia sẽ không làm vỡ ngân sách y tế của các nước, bởi SMA là một bệnh hiếm gặp và số lượng bệnh nhân không nhiều.
Tuy nhiên, điều đó sẽ tạo ra một áp lực về công bằng xã hội, rằng nếu Zolgensma được bảo hiểm nhà nước hỗ trợ, các loại thuốc dành cho các bệnh mồ côi khác cũng phải được đưa vào chương trình hỗ trợ. Điều này đảm bảo cho không chỉ các bệnh nhân SMA mà cả các bệnh nhân mắc bệnh mồ côi khác không bị bỏ lại.
Đây mới là nút thắt chính gây ra nguy cơ thâm hụt, thậm chí vỡ quỹ bảo hiểm ngay cả tại các nước có thu nhập cao và nguồn phúc lợi y tế tốt nhất thế giới. Về mặt lý thuyết, cùng một công nghệ mà Novartis đang sử dụng để phân phối thuốc Zolgensma, họ có thể tạo ra 100 liệu pháp gen để chữa trị cho 100 căn bệnh khác nhau trong 10 năm tới.
"Có 1.745 liệu pháp gen đang được phát triển trên khắp thế giới. Phần lớn những nghiên cứu này tập trung vào bệnh di truyền hiếm gặp, ảnh hưởng đến 400 triệu người trên toàn cầu. Chúng ta có thể sớm thấy các phương pháp chữa trị các bệnh hiếm gặp như bệnh hồng cầu hình liềm, loạn dưỡng cơ và bệnh lão khoa, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp và tiến triển khiến trẻ em già đi nhanh chóng", Doxzen viết.
Nếu tất cả các liệu pháp này đều được định giá ở mức 2 triệu USD, sẽ không có quốc gia nào có khả năng đưa toàn bộ chúng vào chương trình bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc một số nước đưa từng loại thuốc siêu đắt như Zolgensma vào chương trình bảo hiểm quốc gia vẫn chỉ là cách giải quyết phần ngọn vấn đề.
Đây là nơi mà Doxzen đề xuất một giải pháp gọi là "mô hình Netflix", trong đó, chương trình bảo hiểm của chính phủ sẽ trả trước một số tiền cố định cho các công ty dược phẩm, đổi lại họ sẽ có quyền tiếp cận một gói không giới hạn các liệu pháp tiên tiến mà các công ty này đang phát triển.
Ngoài ra, ông cho biết chúng ta cần đầu tư vào các công nghệ gen mới để đẩy nhanh quá trình đơn giản hóa, giảm giá thành của các liệu pháp này xuống mức có thể tiếp cận với đa số bệnh nhân. Tuy nhiên, quá trình này sẽ cần thời gian, không chỉ tính bằng năm mà có thể bằng thập kỷ.
Cho đến lúc đó, mỗi năm tới đây chúng ta vẫn sẽ thấy những loại thuốc mồ côi mới được đưa ra thị trường. Chúng phá vỡ kỷ lục về giá để trở thành liệu pháp đắt đỏ nhất hành tinh. Chúng gieo hi vọng cho bệnh nhân, nhưng đồng thời xây lên bức tường tuyệt vọng, ngăn cản họ tiếp cận với liệu pháp được tuyên bố là dành cho mình.
Bệnh nhân mắc bệnh mồ côi sẽ tiếp tục "mồ côi", cho dù họ đang sống giữa thời đại mà bệnh của mình đã có thuốc chữa - chỉ là không có đủ tiền để mua chúng mà thôi.
Tham khảo Nature, CNN, Weforum, Technologyreview, BMC, Lancet, NIH