Tỉnh duy nhất có thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình nhưng quy mô GRDP thuộc top 10 cao nhất cả nước

(Tổ Quốc) - Một tỉnh miền Trung có thu nhập bình quân xếp thứ 42/63 tỉnh, thành, thấp hơn mức trung bình của cả nước nhưng thuộc 10 địa phương có GRDP lớn nhất Việt Nam.

Năm 2022. các tỉnh, thành thuộc top 10 có quy mô GRDP lớn nhất năm 2022 gồm có: TP. HCM (1.479 nghìn tỷ đồng), Hà Nội (1.196 nghìn tỷ đồng), Bình Dương (459 nghìn tỷ đồng), Đồng Nai (435 nghìn tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (390 nghìn tỷ đồng), Hải Phòng (366 nghìn tỷ đồng), Quảng Ninh (269 nghìn tỷ đồng), Thanh Hóa (253 nghìn tỷ đồng), Bắc Ninh (248 nghìn tỷ đồng) và Nghệ An (176 nghìn tỷ đồng).

Tỉnh duy nhất có thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình nhưng quy mô GRDP thuộc top 10 cao nhất cả nước - Ảnh 1.

10 tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất năm 2022. Nguồn: Cục Thống kê các tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, năm 2022, thu nhập bình quân của TP. HCM đạt 6,4 triệu đồng/tháng, xếp thứ 3; Hà Nội đạt 6,4 triệu đồng/tháng, xếp thứ 2; Bình Dương đạt 8 triệu đồng/tháng, xếp thứ nhất; Đồng Nai đạt 6,35 triệu đồng/tháng, xếp thứ 4; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 4,8 triệu đồng/tháng, xếp thứ 13; Hải Phòng đạt 5,9 triệu đồng/tháng, xếp thứ 5; Quảng Ninh đạt 4,8 triệu đồng/tháng, xếp thứ 14; Bắc Ninh đạt 5,4 triệu đồng/tháng, xếp thứ 7; Nghệ An đạt khoảng 3.63 triệu đồng/tháng, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành.

Trong khi đó, thu nhập bình quân của cả nước năm 2022 đạt khoảng 4,67 triệu đồng/tháng. Như vậy, chỉ có Nghệ An có thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình nhưng quy mô GRDP thuộc top 10 cao nhất cả nước.

Bên cạnh đó, Nghệ An không chỉ có thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình mà GRDP bình quân cũng thấp hơn mức trung bình của cả nước. Cụ thể, năm 2022, GRDP bình quân của Nghệ An đạt khoảng 2.210 USD, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành.

Xét về phát triển kinh tế của Nghệ An, theo Cục Thống kê Nghệ An, năm 2022 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh nhưng kinh tế Nghệ An vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao với 9,08%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 22 của cả nước.

Nếu xét về quy mô tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn, với 175.740 tỷ đồng, Nghệ An đã tăng thêm 20.340 tỷ đồng so với năm 2021 (155.400 tỷ đồng), năm thứ 2 tiếp tục ở vị trí thứ 10 cả nước và từ vị trí thứ 3 đã vươn lên vị trí thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ.

Trên thực tế, Nghệ An có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đông; điều kiện địa lý, kinh tế đa dạng: có biển, rừng núi, đồng bằng, có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và nguồn nhân lực thông minh, lực lượng lao động dồi dào.

Hơn nữa, Nghệ An trong thời gian tới sẽ nằm trên đường cao tốc Bắc Nam, đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, là cửa ngõ ra Thái Bình Dương của Lào, Bắc Thái Lan và khu vực khác.

Cùng với đó, các khu công nghiệp đang được xây dựng, hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật để đón chào các nhà đầu tư, trong đó có Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Hemaraj hứa hẹn nhiều triển vọng... Chính vì vậy, Nghệ An có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế.

Theo Cồng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, Nghệ An có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt Bắc Nam, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, Nghệ An có tiềm năng lớn để phát triển vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ hoạt động kinh tế, đầu tư và du lịch ở quy mô quốc gia và khu vực.

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; là trung tâm về thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực Bắc Trung Bộ.

Cùng với đó, Nghệ An sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh, hiện đại của cả nước và mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ; phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng, miền và trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, phát triển Nghệ An trở thành động lực phát triển quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Minh Tiến

Tin mới