Toàn cảnh những công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM cán đích năm 2022

Hạ Vy - Ảnh: Tứ Quý | 24-12-2022 - 07:26 AM

(Tổ Quốc) - Nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành trong năm 2022 khiến "bộ mặt" giao thông của thành phố ngày càng khang trang và hiện đại hơn.

Trong năm 2022 chứng kiến nhiều công trình, dự án hoàn thiện trở thành biểu tượng mới của thành phố. Bên cạnh những công trình góp phần giải quyết ùn tắc giao thông, thông thoáng đô thị thì cũng có những công trình giúp thành phố như được "thay áo mới", góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giữa các vùng.

Cầu Thủ Thiêm 2 (Cầu Ba Son)

Sau 7 năm triển khai xây dựng, ngày 28/4/2022 cầu Thủ Thiêm 2 chính thức được khánh thành, trở thành biểu tượng mới của TP.HCM. Cầu đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông trung tâm đô thị và thành phố Thủ Đức, tạo động lực đưa Thủ Thiêm sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính theo đúng định hướng phát triển của TP.HCM.

Toàn cảnh những công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM cán đích năm 2022 - Ảnh 1.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối đôi bờ sông Sài Gòn được xem là biểu tượng mới của TP.HCM. Ảnh: Tứ Quý

Cầu Thủ Thiêm 2 nằm trên vị trí đắc địa ở sông Sài Gòn với chiều dài gần 1,5km, gồm 6 làn xe. Cầu có hệ thống các phần trụ tháp và 56 dây văng kết nối với nhau, theo hướng nghiêng về thành phố Thủ Đức. Trụ tháp chính được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Ngoài ra, đây được coi như một biểu tượng mới của thành phố với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, trở thành điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày lẫn đêm.

Người dân Thành phố rất phấn khởi khi cầu chính thức được thông xe. Ảnh: Tứ Quý

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2018 tuy nhiên gặp phải một số vướng mắc và phải nhiều lần gia hạn thời gian thực hiện. Đến năm 2022, dự án chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động đúng dịp lễ 30/4.

Khi đi vào hoạt động, cầu Thủ Thiêm 2 trở thành địa điểm được nhiều người dân TP. Hồ Chí Minh lui tới. Các bạn trẻ đổ về cây cầu này chiêm ngưỡng, ngắm cảnh và hóng gió trong suốt thời gian qua.

Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt 

Tuyến đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt có vốn đầu tư 54 tỷ đồng đã bắt đồng thông xe từ ngày 26/4/2022, giúp người dân lưu thông vào trung tâm thành phố an toàn và thuận lợi hơn.

Dự án được khởi công vào tháng 5/2021 và thi công trong vòng 11 tháng. Tuyến song hành được làm bên phải đường Võ Văn Kiệt, từ ngày thông xe người dân không cần tạt qua làn xe lớn rẽ vào đường Ký Con để vào quận 1 mà có thể lưu thông qua đường song hành theo hướng một chiều từ Nguyễn Thái Học đến Pasteur. Đoạn đường dài 615m, rộng 7m do Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.

Toàn cảnh những công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM cán đích năm 2022 - Ảnh 5.

Tuyến đường được triển khai nhằm giúp dòng xe giảm giao cắt tại đường Võ Văn Kiệt - Ký Con và di chuyển an toàn hơn. Ảnh: Phùng Tiên

Ngoài làm mới đường này, dự án còn nhiều hạng mục khác như cải tạo vỉa hè, xây mới hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, đèn chiếu sáng.

Đại lộ Võ Văn Kiệt nằm trong trục đông - tây, được xem là một trong những đại lộ đẹp nhất TP.HCM. Đây còn là tuyến đường huyết mạch, liên kết TP.HCM với các tỉnh lân cận.

Cầu Bưng 

Tháng 10/2022, công trình xây dựng mới cầu Bưng chính thức hoàn thành và đi vào phục vụ người dân. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố với tổng mức đầu tư 515 tỷ đồng. 

Toàn cảnh những công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM cán đích năm 2022 - Ảnh 6.

Cầu Bưng bắt qua kênh Tham Lương, kỳ vọng sẽ xoá "điểm đen" ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM. Ảnh: Tứ Quý

Cây cầu bắt đầu được thi công từ tháng 7/2017, trong quá trình thi công đã phải tạm dừng 2 lần do vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng và đại dịch Covid-19. Cầu Bưng bắc qua kênh Tham Lương có tổng chiều dài 555m, bề rộng trung bình 22m (gồm 2 nhánh cầu 1 và cầu 2) và hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.

Nhiều năm qua, trên tuyến đường Lê Trọng Tấn thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe với lượng xe máy, ô tô đông đúc. Đây trở thành "nút thắt cổ chai" cản trở giao thông quận Bình Tân và quận Tân Phú. Sự xuất hiện của cầu Bưng sẽ thay thế cây cầu hiện hữu nhỏ hẹp, xuống cấp trầm trọng từ lâu, góp phần giúp các phương tiện lưu thông thuận tiện hơn.

Cả 2 nhánh cầu Bưng được đưa vào phục vụ người dân. Ảnh: Tứ Quý

Khi đi vào hoạt động, cầu Bưng được kỳ vọng sẽ xóa "điểm đen" ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM, giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, nối kết liên vùng trong khu vực Tây Bắc của thành phố.

Đường Đặng Thúc Vịnh

Dự án sửa chữa và nâng cấp tuyến đường này được khởi công vào năm 2018 với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Ngày 26/4, tuyến đường Đặng Thúc Vịnh (Tỉnh lộ 9, huyện Hóc Môn) chính thức được thông xe sau thời gian 4 năm thi công. 

Toàn cảnh những công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM cán đích năm 2022 - Ảnh 8.

Đường Đặng Thúc Vịnh được thiết kế với 4 làn xe cơ giới. Ảnh: Tứ Quý

Đường Đặng Thúc Vịnh có chiều dài khoảng 5,3km, nay mở rộng lên 30m. Trước đây, tuyến đường chỉ có bề rộng 7-8m và phải chịu áp lực lưu lượng lớn xe cộ đi qua khiến chất lượng đường ngày càng xuống cấp. Xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi khiến người dân di chuyển gặp khó khăn. Ngoài ra những khi trời mưa lớn do hệ thống thoát nước kém nên thường xuyên rơi vào tình trạng ngập úng.

Toàn cảnh những công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM cán đích năm 2022 - Ảnh 9.

Dự án hoàn thành đúng dịp lễ 30/4 và 1/5 là một niềm vui lớn đối với TP.HCM. Ảnh: Tứ Quý

Việc nâng cấp và hoàn thiện tuyến đường đã giải quyết được nhu cầu cấp bách. Tuyến Đặng Thúc Vịnh có điểm đầu từ đường Quang Trung nối dài đến điểm cuối là đường Lê Văn Khương, 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và có dải phân cách, vỉa hè hai bên. 

Khi được thông xe, dự án góp phần kết nối giao thông vùng Tây Bắc TP.HCM với tỉnh Bình Dương và Long An, nâng cao năng lực giao thông, góp phần giảm tình trạng ngập nước, cải thiện môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị, ổn định cuộc sống người dân khu vực và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Hóc Môn nói riêng và các khu vực lân cận của Thành phố nói chung.

Dự án cải tạo kênh Nước Đen

Từng được xem là con kênh ô nhiễm nhất TP.HCM trong nhiều năm qua, kênh Nước Đen chảy qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) nay đã được hồi sinh trở lại sau khi rót hơn 600 tỉ đồng cải tạo. 

Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương) được khởi công quý 1/2020, sau hơn 2 năm, đoạn kênh này được thay "áo mới" khang trang và hợp mỹ quan đô thị hơn.

Con kênh ô nhiễm nhất TP.HCM được "thay áo mới". Ảnh: Tứ Quý

Dự án dài 1,4km, rộng 40m bao gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh. Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5m và làm vỉa hè rộng gần một mét cho người đi bộ.

Từ khi được đầu tư, nâng cấp con kênh đã không còn ngập ngụa rác thải như trước, dòng nước dần cải thiện hơn khiến người dân khá vui mừng. Lòng đường hai bờ kênh cũng thông thoáng hơn sau khi mở rộng, cây xanh cũng được trồng để tạo cảnh quan thoáng mát. 

Ngoài các dự án trên, nhiều công trình trọng điểm ở TP.HCM đang được đẩy nhanh để hoàn thành cuối năm nay.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Sau 10 năm thi công, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đạt gần 93% khối lượng và chính thức bước vào giai đoạn chạy thử nghiệm vào ngày 21/12 vừa qua. Dự kiến tuyến Metro số 1 sẽ được đưa vào khai thác thương mại vào năm 2023.

Sự kiện tàu Metro 1 lăn bánh đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình triển khai dự án. Ảnh: Tứ Quý

Tuyến tàu Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình với 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son) và 11 ga trên cao. Đây là công trình giao thông hiện đại bậc nhất và được người dân TP.HCM đặt nhiều kỳ vọng.

Trong giai đoạn triển khai xây dựng, dự án gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, phát sinh chi phí mới, sự cố công trình, công nhân nghỉ việc… nên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng của dự án. Hiện nay, những vướng mắc, tồn tại của dự án đang được UBND TP phối hợp chủ đầu tư và các đơn vị liên quan từng bước tháo gỡ và thúc đẩy hoàn thành trong thời gian tới.

Nhiều người thích thú khi được trải nghiệm đi tàu Metro số 1 ở đoạn trên cao. Ảnh: Tứ Quý

Sự hoàn thiện của tuyến Metro số 1 hứa hẹn sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho giao thông công cộng ở TP.HCM, giải tỏa ùn tắc cho khu vực cửa ngõ, cũng như góp phần hiện đại hệ thống giao thông của thành phố.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là một những dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh, thành phố lân cận. Được khởi công xây dựng từ tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Cho đến nay dự án đã đạt gần 70% khối lượng thi công và đang đẩy nhanh tiến độ để kịp mốc thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12 năm nay. 

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay. Ảnh: Tứ Quý

Với quy mô dài 99km, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được chia thành 4 gói thầu với quy mô mặt đường hơn 32m, gồm 6 làn xe, vận tốc 120km/h. Khi hoàn thành cao tốc này sẽ giúp hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né rút ngắn một nửa, còn 2 - 3 giờ. 

Toàn cảnh những công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM cán đích năm 2022 - Ảnh 11.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được xem là một trong những dự án trọng điểm quốc gia. Ảnh: Tứ Quý

Tại công trường của dự án công nhân và phương tiện đang hối hả làm việc để kịp tiến độ. Phần lớn toàn tuyến đã thảm nhựa xong, dải phân cách cũng được lắp đặt. Một số đoạn đã hoàn thiện phần lòng đường, đơn vị thi công đang thực hiện các hạng mục còn lại như đổ lề đường để chuẩn bị tiến hành đóng cọc, biển báo...