Trung Quốc xây khu cách ly 5.000 phòng cho người nhập cảnh, đẩy chiến lược zero-Covid lên "đỉnh của chóp"

(Tổ Quốc) - Khi các quốc gia trên thế giới mở cửa trở lại biên giới và nới lỏng các hạn chế phòng Covid-19, Trung Quốc có vẻ đang đi theo hướng ngược lại.

Trung Quốc làm mọi cách để ngăn chặn nguồn lây "nhập khẩu"

Ví dụ mới nhất cho nhận định này là cơ sở cách ly 5.000 phòng, trị giá 260 triệu USD, vừa được Trung Quốc hoàn thành và chuẩn bị mở cửa. Những người nhập cảnh sẽ được cách ly ở đây khi nó đi vào hoạt động vài ngày tới. Trung tâm này nằm ở Quảng Châu.

Bao gồm các dãy nhà 3 tầng với mái màu xám theo phong cách truyền thống của Trung Quốc, khu phức hợp này nằm trên một diện tích tương đương 46 sân bóng đá. Từ bãi đất trống, Trung Quốc chỉ mất 3 tháng để xây dựng lên công trình này. Nó sẽ thay thế các khách sạn ở Quảng Châu trong việc cách ly những người nhập cảnh vào Trung Quốc từ nước ngoài, bao gồm công dân nước này trở về và người nước ngoài muốn vào Trung Quốc.

Giống với việc Bắc Kinh đang thực hiện, trung tâm cách ly này sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ nước ngoài. Ngay sau khi xuống máy bay, người nhập cảnh sẽ được đưa tới đây bằng xe buýt và tuân thủ quy định cách ly trong ít nhất 2 tuần.

Trung Quốc xây khu cách ly 5.000 phòng cho người nhập cảnh, đẩy chiến lược zero-Covid lên đỉnh của chóp - Ảnh 1.

Mỗi phòng ở đây đều được trang bị camera đàm thoại 2 chiều và một nhiệt kế sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ngày 3 lần, robot sẽ giao đồ ăn tới cửa từng phòng. Trung tâm cách ly này được thiết kế để giảm tới mức tối thiểu sự tiếp xúc giữa các nhân viên với người được cách ly.

Yanzhong Huang, một quan chức trong đội ngũ chống dịch của Trung Quốc, tự hào giới thiệu: "Đây được cho là trung tâm kiểm dịch hiện đại nhất thế giới, sử dụng những công nghệ cao và rất tinh vi".

Trung tâm Y tế Quốc tế Quảng Châu, tên gọi chính thức của khu cách ly, là công trình đầu tiên của Trung Quốc được xây dựng theo phương thức này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nó không phải là duy nhất. Các địa phương khác ở Trung Quốc có thể cũng sẽ xây dựng các khu tương tự khi chính phủ nước này tỏ ra không khoan nhượng trong cuộc chiến chống Covid-19. Trung Quốc đang áp dụng nghiêm ngặt chiến lược zero-Covid.

Trung tâm sản xuất Đông Quan, cách Quảng Châu khoảng 1 giờ lái xe, cũng đang xây dựng khu cách ly của riêng mình với 2.000 phòng. Xa hơn về phía nam, tại Trung tâm công nghệ Thâm Quyến, một khu phức hợp khác đang được lên kế hoạch xây dựng.

"Đây không chỉ là các công trình giúp ngăn chặn dịch bệnh. Chúng còn là cách hiện thực hóa chiến lược không khoan nhượng với Covid-19 của Trung Quốc", ông Huang nói.

Người Trung Quốc ủng hộ mạnh tay cách ly người nhập cảnh

Trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài. Những người được phép nhập cảnh cũng chỉ là công dân Trung Quốc trở về từ nước ngoài và đều phải trải qua ít nhất 2 tuần cách ly bắt buộc tại khách sạn và sau đó 1 tuần tại khu cách ly tập trung hoặc tại nhà. Những người đã tiêm phòng đầy đủ cũng không phải ngoại lệ.

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp nghiêm ngặt đó, virus đã nhiều lần xuyên qua hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Hồi tháng 5, biến thể Delta, với khả năng lây nhiễm mạnh, xuất hiện ở Quảng Đông, Quảng Châu và Thâm Quyến. Vào thời điểm đó, Quảng Đông là nơi tiếp nhận 90% người nhập cảnh ở Trung Quốc với 30.000 người trong 300 cơ sở cách ly tập trung.

Cuối tháng 6, Quảng Đông đã ngăn chặn được đợt bùng dịch nhưng nhà chức trách cho rằng các biện pháp hiện hữu là không đủ để ngăn chặn virus lây lan. Zhong Nanshan, một cố vấn y tế của Chính phủ, nói rằng Quảng Châu sẽ xây dựng một trung tâm kiểm dịch tập trung cho người nhập cảnh với các quy định nghiêm ngặt hơn rất nhiều.

Trung Quốc xây khu cách ly 5.000 phòng cho người nhập cảnh, đẩy chiến lược zero-Covid lên đỉnh của chóp - Ảnh 2.

Dự án nhanh chóng được khởi động. Với hơn 4.000 công nhân làm việc trên công trường, dự án đã hoàn thành hồi đầu tháng. 184 nhân viên y tế đã đến đây vào tuần trước để tập huấn và sẵn sàng cho việc ra mắt chính thức của nó.

Được thiết kế như một bong bóng, không chỉ người nhập cảnh mà những người làm việc ở đây cũng không được ra ngoài. Các nhân viên làm việc tại đây theo đợt 28 ngày. Sau đó, họ phải trải qua 1 tuần cách ly và 2 tuần tự cách ly tại nhà trước khi được phép trở lại cuộc sống bình thường.

Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thế giới đang tìm cách mở cửa trở lại sau khi đại dịch quét qua. Tuần trước, Mỹ công bố sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại đối với tất cả người nhập cảnh từ nước ngoài từ tháng 11 miễn là họ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội Trung Quốc, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Chính quyền tăng cường kiểm dịch đối với người nhập cảnh. Nhiều người Trung Quốc trở về từ nước ngoài bị đổ lỗi là mang virus trở lại Trung Quốc, đặc biệt là sau đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất ở tỉnh Phúc Kiến, miền Nam nước này.

Cụ thể, một người đàn ông trở về từ Singapore được xác định là nguồn lây trong đợt bùng phát dịch này. Tuy nhiên, anh ta đã trải qua 21 ngày cách ly và 9 lần xét nghiệm âm tính. Trong khi đó, thời gian ủ bệnh trung bình của biến thể Delta chỉ là 4 ngày. Các chuyên gia sau đó đã bác giả thuyết này và cho rằng người đàn ông có thể bị nhiễm bệnh trong quá trình cách ly. Dẫu vậy, điều này không làm xoa dịu dư luận Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về số mũi tiêm. Đầu tháng 9, giới chức nước này thông báo 1 tỷ người đã được tiêm 2 mũi vắc xin mà Trung Quốc sản xuất, chiếm 71% trong tổng số 1,4 tỷ dân của nước này. Tỷ lệ này vượt trội hơn nhiều quốc gia đang chọn cách mở cửa biên giới trở lại.

Linh Anh

Tin mới