Vì sao thế trận ở Nargono-Karabakh càng đánh càng bế tắc, Armenia đang chờ "biến số"?

DK | 01-10-2020 - 19:18 PM

(Tổ Quốc) - Bằng việc bác bỏ đề xuất đàm phán của Nga, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đang tỏ ra khá tự tin về tình thế trên chiến trường Nargono-Karabakh sẽ đem lại thắng lợi cho Yeveran.

Azerbaijan sẽ chiến thắng ở Nagorno-Karabakh?

Các con số thống kê về thương vong, thiệt hại và những hình ảnh máy bay không người lái (UAV) tung hoành ở Nagorno-Karabakh sau 5 ngày giao chiến (tính từ 27/9) đang nghiêng về phía Azerbaijan.

Azerbaijan có một quân đội lớn hơn với 300.000 quân và ngân sách 2,267 tỷ USD chiếm tới 5% GDP vượt trội khi so sánh với cả 2 đối thủ Armenia và Cộng hòa Artsakh ly khai cộng lại (khoảng 70.000 quân).

Baku có tài nguyên thiên nhiên phong phú (dầu mỏ), trong khi Armenia có những khoản nợ (Nợ công của Yeveran vào cuối năm 2019 ở mức 6,94 tỷ USD, chiếm 50,3% GDP) và hầu như không có tài nguyên thiên nhiên gì để bù đắp ngoài nhân lực và kiều hối.

Và cuối cùng, dân số của Azerbaijan đông gấp 3 lần với gần 10 triệu người so với hơn 3 triệu của đối thủ.

Vì sao thế trận ở Nargono-Karabakh càng đánh càng bế tắc, Armenia đang chờ biến số? - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan thống kê thiệt hại của Quân đội Armenia.

Nếu chỉ sử dụng các con số nói trên, câu trả lời khá rõ ràng là Azerbaijan "hùng mạnh" hơn và quân đội được vũ trang "tận răng" bằng nguồn thu dầu mỏ sẽ không có bất kỳ vấn đề gì khi hủy diệt cả lực lượng Cộng hòa Artsakh ly khai lẫn Quân đội Armenia ở Nargono-Karabakh.

Đó là chưa kể tới việc Ankara đã công khai việc khí tài có xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ đang tung hoành trên chiến trường bên cạnh những bằng chứng ngày một rõ ràng về hàng nghìn phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) đang tích cực tham chiến.

Nhưng một câu châm ngôn cổ "lộ dao tri mã lực / đường xa mới biết sức ngựa", khi diễn biến chiến sự ngày càng trở nên ác liệt, người Armenia không những không nao núng mà còn thể hiện tinh thần chiến đấu bền bỉ trước nước láng giềng hùng mạnh hơn.

Vì sao thế trận ở Nargono-Karabakh càng đánh càng bế tắc, Armenia đang chờ biến số? - Ảnh 2.

Bộ Quốc phòng Armenia thống kê thiệt hại của Azerbaijan

Armenia đang chờ đợi "biến số"!

Ở thời đại thông tin hiện tại, cả 2 phía tham chiến chắc chắn sẽ trình bày lý lẽ để bảo vệ lập trường của họ và khiến mình trông giống như "nạn nhân", sở hữu "chính nghĩa" và đang trên đà thắng lợi trong một cuộc "phản công".

Tuy nhiên đúc rút từ những gì chúng ta đã biết từ các cuộc xung đột cục bộ trước đây, có thể tạm kết luận phía Armenia đang làm khá tốt cả về truyền thông lẫn quân sự trong cuộc xung đột. Mặc dù thương vong và thiệt hại, lực lượng của họ vẫn tiếp tục kiểm soát chiến trường.

Tính tới thời điểm hiện tại, ngoài một số khu vực nhỏ ở phía bắc và đông nam Nargono-Karabakh đang là "vùng xám" nơi giao tranh đang diễn ra ác liệt, đa phần khu vực vẫn được Yeveran và Stepanakert kiểm soát.

Nói cách khác, nếu kế hoạch "phản công" của Baku là nhằm tái chiếm Nargono-Karabakh bằng hai "gọng kìm" một cách nhanh chóng thì nó đang dần trở nên bế tắc. Việc gia tăng pháo kích và không kích của UAV khi đà tấn công có chiều hướng "khựng" lại củng cố thêm lập luận này.

Thương vong cũng đang không được thống kê đầy đủ, minh chứng bằng những hình ảnh lính đánh thuê Syria từ mạng xã hội Twitter thiệt mạng ngày một nhiều (cáo buộc này của Nga, Pháp lẫn truyền thông phương Tây bị cả Azerbaijan lẫn Thổ Nhĩ Kỳ một mực bác bỏ).

Vì sao thế trận ở Nargono-Karabakh càng đánh càng bế tắc, Armenia đang chờ biến số? - Ảnh 3.

Các hình ảnh được cho là lính đánh thuê Syria tham chiến và thương vong ở Nargono-Karabakh

Một chi tiết quan trọng là trong ngày 30/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã bác bỏ đề xuất của phía Nga về việc đàm phán với Azerbaijan:

"Sẽ không thích hợp lắm khi nói về một hội nghị thượng đỉnh giữa Armenia, Azerbaijan và Nga vào thời điểm đang có những hành động thù địch gay gắt hiện tại. Một bầu không khí thích hợp là điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán".

Mặc dù phía Baku cũng bác bỏ việc đàm phán, nhưng rõ ràng Yeveran đang tỏ ra khá tự tin về các diễn biến trên chiến trường cũng như trên mặt trận truyền thông có thể dẫn tới "biến số" giúp họ giành chiến thắng.

Vì sao thế trận ở Nargono-Karabakh càng đánh càng bế tắc, Armenia đang chờ biến số? - Ảnh 4.

Bằng việc bác bỏ đề xuất đàm phán của Nga, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đang tỏ ra khá tự tin về tình thế trên chiến trường Nargono-Karabakh.

Kết luận

Câu hỏi cuối cùng là vì sao mà một đội quân khoảng 20.000 người ở Nagorno-Karabakh lại làm tốt trong việc cầm chân quân đội được trang bị và huấn luyện tốt cũng như những tay súng đánh thuê dày dạn kinh nghiệm người Syria?

Có một số yếu tố chính góp phần vào điều đó:

1. Dù công nhận hay không, người Armenia là những chiến binh thực thụ, tức là tinh thần chiến đấu nằm trong DNA của họ - bởi vì để là dân tộc sống sót trong 2.000 năm giữa các đế chế hùng mạnh trong khu vực, họ phải như vậy.

Vì sao thế trận ở Nargono-Karabakh càng đánh càng bế tắc, Armenia đang chờ biến số? - Ảnh 5.

Bản đồ chiến sự Nargono-Karabakh hôm 30/9 cho thấy giao tranh vẫn tiếp tục gần đường liên lạc giữa lực lượng Cộng hòa Artsakh ly khai và Azerbaijan.

2. Địa hình Nargono-Karabakh rất khó khăn cho các đợt tấn công ồ ạt do trở ngại bởi các rặng núi cao. Trung bình toàn bộ khu vực nằm ở độ cao 1.100 mét so với mực nước biển.

Đối với phía phòng thủ, địa hình hiểm trở thực sự khá thuận lợi cho việc phục kích các đoàn xe cơ giới đang hành tiến của đối phương.

3. Không chỉ người Armenia ở Nargono-Karabakh mà những người Armenia trên toàn thế giới đang bảo vệ đất đai mà họ đang kiểm soát.

Điều này được chứng minh từ những giờ đầu nổ súng hôm 27/9, khi các tình nguyện viên tập trung ở Yerevan để sẵn sàng ra tiền tuyến, hay như việc nhân vật nổi tiếng trên truyền hình gốc Armenia Kim Kardashian West ra mặt chỉ trích Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ "châm ngòi" xung đột.

Vì sao thế trận ở Nargono-Karabakh càng đánh càng bế tắc, Armenia đang chờ biến số? - Ảnh 7.

Twitt của nhân vật nổi tiếng trên truyền hình Kim Kardashian West ủng hộ Armenia.

4. Điều đáng buồn là việc lên kế hoạch quân sự của phía Azerbaijan khá tệ.

Điều này không chỉ được chứng minh trong Chiến tranh Nargono-Karabakh (1988 - 1994) mà còn trong các sự kiện năm 2016 hay mới đây là tháng 7/2020.

5. Điều cuối cùng cần nhắc đến là Azerbaijan (và cả Thổ Nhĩ Kỳ) tiếp tục đánh giá thấp đối phương, họ đã làm điều đó trong những năm 90 và lại mắc phải sai lầm tương tự.

Những gì Ankara có thể làm ngoài "hỗ trợ kỹ thuật" là giúp đồng minh có thêm vài nghìn tay súng.

Một điểm cần nhấn mạnh rằng trong Chiến tranh Nargono-Karabakh (1988-1994) có không ít hơn 4.000 "ngoại binh" tham chiến về phía Azerbaijan nhưng kết quả thì ai cũng rõ.

Lịch sử có rất nhiều ví dụ về những đội quân hùng mạnh đã bị đánh bại bởi một đối phương yếu hơn nhiều lần và nó sẽ lặp đi lặp lại nếu bạn không rút ra được kinh nghiệm.

Cảnh quay chiến sự Nargono-Karabakh nhìn từ phía lực lượng Armenia.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM