Các chuyên gia cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, văn hóa liêm chính nhất định sẽ thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên, trở thành "liều thuốc kháng sinh" đẩy lùi căn bệnh tham nhũng, tiêu cực.
Có thể thấy rằng, thời kỳ nào, người cán bộ, đảng viên cũng phải đối mặt với khó khăn, thử thách. Nếu như trước đây là đòn roi, tra tấn của quân thù thì giờ đây là những cám dỗ về vật chất, tiền bạc. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, trong sạch, có bản lĩnh để tránh xa những cám dỗ vật chất.
Những năm qua, trong các phát biểu tại nhiều cuộc họp khác nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh thông điệp: "Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Đồng thời, nhắc nhở cán bộ, đảng viên về việc học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương ngời sáng với những phẩm chất cao quý.
Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần: Là cần cù, chăm chỉ, tận tuỵ, hết lòng hết sức vì công việc chung, vì nước, vì dân. Kiệm: Là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, nhất là đối với của công. Liêm: Là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Chính: Là chính trực, ngay thẳng, khẳng khái, không quỵ luỵ, cúi luồn, giữ sĩ khí của một người quân tử, chính khách. Chí công vô tư: Là làm việc vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích công lên trên hết, trước hết; không tư lợi, vụ lợi, không vì lợi ích riêng. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, "quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Vì "chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm", "là kẻ thù hung ác"; "nó rất gian giảo, xảo quyệt, nó kéo người ta xuống dốc không phanh"...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người thường nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người thường nói: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Cần hiểu rõ, "Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Do vậy, phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng được nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. Người căn dặn: "Người tốt việc tốt" như hoa nở mùa Xuân, nêu gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng". "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".
Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội), việc xây dựng văn hóa liêm chính là hết sức cần thiết và càng cần hơn khi thời gian qua, ngày càng có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, bị mất chức, thậm chí vướng vào lao lý, trong đó có cả những cán bộ cấp cao, giữ những cương vị quan trọng.
Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, thời gian qua, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ trên tất cả các mặt trận, đạt được nhiều kết quả và nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Chính bởi vậy, đôi khi chúng ta quá tập trung vào vấn đề tham nhũng, tiêu cực mà phần nào đó ít quan tâm đến những điều tích cực đang tồn tại. Phải khẳng định trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như trong xã hội hiện nay vẫn còn rất nhiều những tấm gương sáng, những điển hình tiêu biểu về sự liêm chính, ngay thẳng.
Theo ông Lê Như Tiến, ở đâu cũng có những cán bộ, đảng viên tận tụy, vì nước, vì dân, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, hy sinh quyền lợi vật chất, thậm chí cả tính mạng của mình vì đồng đội, đồng bào. Đặc biệt, trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Điển hình như những cán bộ, chiến sĩ không tiếc thân mình hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong lũ lụt ở miền Trung những năm qua, hay gần đây là 3 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy hy sinh khi quên mình làm nhiệm vụ giúp dân ở Hà Nội khiến cả nước thương xót. Đó là những người cán bộ, đảng viên luôn giữ được đạo đức, giữ được sự tận tụy, chính trực của mình.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, những cán bộ liêm chính, trong sạch, trọng danh dự, trọng liêm sỉ sẽ luôn được người dân cảm phục, yêu mến.
Theo ông Nguyễn Túc, văn hóa liêm chính không phải điều gì xa xôi, nó được biểu hiện từ những công việc hàng ngày, những việc nhỏ nhất của mỗi cán bộ, đảng viên.
Chúng ta đã thấy ngay trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, vai trò của những người cán bộ cấp cơ sở được thể hiện rất rõ rệt. Bên cạnh đội ngũ cán bộ y tế, công an, quân đội thì những cán bộ cấp cơ sở chính là những người sát nhất lo cho nhân dân. Những cán bộ vì người dân, lo cho dân thì đều nhận được sự tin tưởng, yêu mến của người dân.
Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải biết trọng danh dự, trọng liêm sỉ, giữ được "điều thiêng liêng, cao quy nhất" để luôn làm đúng chức trách, phận sự của mình.
Để cho liêm chính trở thành thường lệ, xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự liêm chính là cả một quá trình lâu dài và đòi hỏi phải đồng bộ rất nhiều những giải pháp.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh, xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức. Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự liêm chính. Liêm chính không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội mà còn là đạo đức của Đảng, phản ánh trí tuệ, văn hóa của Đảng, bảo đảm bản chất tốt đẹp của Đảng. Có liêm chính thì Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng sẽ "là đạo đức, là văn minh".
Mỗi cán bộ liêm chính sẽ góp phần tạo nên đội ngũ liêm chính, hệ thống liêm chính. Việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lương tâm và danh dự cho mỗi cán bộ, đảng viên đòi hỏi những giải pháp căn cơ, lâu dài. Đây chính là gốc rễ, nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Theo ông Nguyễn Túc, để xây dựng văn hóa liêm chính, việc quan trọng nhất phải ở tự nhận thức của bản thân mỗi con người, mỗi cán bộ, đảng viên. Và để bản thân con người tự ý thức được thì vấn đề cốt lõi lại nằm ở giáo dục, việc giáo dục này phải có từ trong gia đình và đồng thời kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Ông Nguyễn Túc cho rằng, trước đây, chúng ta đã từng làm rất tốt việc này, một thời kỳ những cán bộ rất được chú trọng đào tạo, giáo dục truyền thống. Kết quả là có những thế hệ cán bộ dù làm đến các vị trí lãnh đạo rất cao nhưng với nền tảng giáo dục truyền thống nên vẫn luôn giữ được phẩm chất giản dị, gần gũi, thanh liêm của mình. Đó mới là nền tảng bền vững.
Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa việc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, để việc học tập đi vào thực chất, làm sao cho đạo đức của Người thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.
Một vấn đề phải làm tốt nữa theo ông Nguyễn Túc đó công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc này sẽ giúp kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng để ngăn chặn, xử lý.
Thêm nhận định, ông Lê Như Tiến cho rằng, cùng với giáo dục, giám sát, thì cần hoàn thiện khung pháp lý để giúp xây dựng văn hóa liêm chính. Hiện nay, các quy định của Đảng, quy định của pháp luật đã có nhiều, tương đối đầy đủ nhưng cần rà soát để hoàn thiện hơn, chặt chẽ hơn nữa, bịt kín các kẽ hở để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực. Chẳng hạn, luật pháp cần cụ thể hóa được hành vi không liêm chính, không trong sáng thì phải xử lý mạnh mẽ, quyết liệt như thế nào.
Tuy nhiên, theo ông Lê Như Tiến, ngay cả khi có được khung pháp lý hoàn thiện thì khâu quan trọng nhất vẫn là thực hiện. Có quy định, có pháp luật rồi nhưng phải làm sao để thực hiện cho tốt.
Thời gian qua chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề nêu gương của người đứng đầu. Nếu người lãnh đạo, người cấp trên mà không nêu gương, không liêm chính, không trong sáng, vô tư thì không thể "nói" được cấp dưới, ngược lại sẽ trở thành tấm gương xấu với cấp dưới. Vì vậy, càng ở cấp cao thì phải càng gương mẫu, phải đề cao tính nêu gương của mình.
Và để tạo được tính lan tỏa về tấm gương sáng, điển hình của cán bộ, đảng viên thì chúng ta cần phải biết cách làm nổi bật hơn nữa những tấm gương điển hình ấy. Phải nhân lên những tấm gương sáng, trở thành một "bó đuốc soi đường" để hạn chế tham những, tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Túc, bên cạnh tiến hành đồng bộ cái giải pháp nêu trên thì cùng với đó phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng, tiêu cực đã được ngăn chặn và đẩy lùi một bước, nhưng nó vẫn là một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Việc tiếp tục phát hiện và nghiêm trị những cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ là bài học cảnh tỉnh, răn đe để cán bộ, đảng viên không dám, không muốn, không thể tham nhũng, không thể vi phạm.
Các chuyên gia cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, văn hóa liêm chính nhất định sẽ thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên, trở thành "liều thuốc kháng sinh" đẩy lùi căn bệnh tham nhũng, tiêu cực, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: "Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân"./.
>>Bài 1: "Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm"