Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Cử tri hoan nghênh trước sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động của Quốc hội, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đó, việc Quốc hội thảo luận ở hội trường tại một kỳ họp về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri được cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá rất cao.

(Tổ Quốc) - Cử tri hoan nghênh trước sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện trong hoạt động của Quốc hội, ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đó, việc Quốc hội thảo luận ở hội trường tại một kỳ họp về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri được cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá rất cao.

Quốc hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt (Bài 3): Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội - Ảnh 1.

Nhiều năm theo dõi hoạt động của Quốc hội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Đặng Quân Thụy, Phó Chủ tịch Quốc hội Khóa IX cho biết, qua theo dõi ông đánh giá rất cao tinh thần đổi mới, trách nhiệm của Quốc hội thời gian qua.

"Hoạt động của Quốc hội đang ngày càng được đổi mới theo hướng nhịp nhàng, có sự chuyển biến, tiến triển rất tích cực. Trong đó, công tác giám sát, công tác dân nguyện gần đây được cử tri, nhân dân đánh giá cao", Trung tướng Đặng Quân Thụy nhấn mạnh.

Đối với nội dung Quốc hội đưa ra thảo luận ở hội trường tại một kỳ họp về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho rằng, thảo luận tại hội trường về nội dung này chính là hoạt động giám sát trực tiếp của Quốc hội, thể hiện trách nhiệm rất cao trước cử tri và nhân dân.

Quốc hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt (Bài 3): Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội - Ảnh 2.

Quốc hội sẵn sàng dành mọi ưu tiên để lắng nghe, phản hồi những ý kiến, nguyện vọng của người dân. Đồng thời khẳng định được vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Qua đó cho thấy Quốc hội ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

"Chúng tôi rất đồng tình việc thảo luận thường xuyên ở hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri qua các kỳ họp, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các kiến nghị của cử tri, để các kiến nghị cử tri được giải quyết một cách thỏa đáng nhất.

Việc này sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của người dân đối với các cơ quan Nhà nước. Cử tri và nhân dân sẽ luôn tin tưởng để gửi gắm các kiến nghị của mình đến các cơ quan của Quốc hội", nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy bày tỏ.

Quốc hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt (Bài 3): Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội - Ảnh 3.

Đồng quan điểm với nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, đồng thời là một trong những cử tri rất tích cực tham dự và phát biểu ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội những năm qua cho biết, bản thân ông ấn tượng và hoan nghênh những nỗ lực đổi mới của Quốc hội thời gian gần đây.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng cho rằng, khi Quốc hội đã quyết tâm đổi mới hoạt động thì mỗi đại biểu Quốc hội cũng cần đổi mới bản thân mình. Đặc biệt, trong việc giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Đại biểu cần phát huy tối đa vai trò của mình, phải thực sự nói tiếng nói của người dân, đại diện cho nguyện vọng và ý chí của người dân.

Khi Quốc hội đã tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của đại biểu thì đại biểu cũng phải có khí thế, động lực mới. Đại biểu Quốc hội phải là người dám mạnh mẽ ủng hộ cái đúng, đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh với những điều sai trái, những điều còn chưa phù hợp để bảo vệ lợi ích chính đáng của cử tri, của nhân dân, những người đã tin tưởng bỏ phiếu bầu cho mình.

Quốc hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt (Bài 3): Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội - Ảnh 4.

Và muốn bảo vệ được lợi ích chính đáng của cử tri, của nhân dân thì bản thân mỗi đại biểu cũng phải luôn chủ động quan tâm, tìm hiểu cuộc sống của cử tri, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyên vọng những bức xúc và kiến nghị, đề xuất của cử tri để từ đó mang tiếng nói cử tri lên diễn đàn Quốc hội, đi tìm câu trả lời cho kiến nghị của cử tri.

Theo dõi sát sao các phiên họp Quốc hội, PGS.TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, cử tri quận Tây Hồ cho biết, thời gian qua hoạt động của Quốc hội đã được đổi mới một cách toàn diện, từ cách thức triệu tập kỳ họp, ra các quyết định quan trọng trong những bối cảnh đặc biệt, đến đổi mới hoạt động chất vấn… những thay đổi mạnh mẽ đã góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Đặc biệt, việc Quốc hội lần đầu tiên đưa ra thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 5 và tiếp tục đưa ra thảo luận nội dung này tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua là điểm nhấn thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội.

"Dưới góc độ cử tri, tôi nhận thấy cử tri và nhân dân đều cảm thấy phấn khởi, cảm thấy mình được tôn trọng hơn khi ý kiến của mình đều được trả lời, giải quyết. Đặc biệt, phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp để cử tri và người dân theo dõi đã giúp người dân giám sát được việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Đó là điều rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cử tri còn được kiểm tra, giám sát ngay cả hoạt động các đại biểu Quốc hội, những người họ đã tin tưởng bầu ra, đã ủy quyền đại diện trên diễn đàn Quốc hội", PGS.TS. Bùi Thị An chia sẻ.

Nhấn mạnh công khai, minh bạch là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm sự đồng thuận của nhân dân, mang đến thắng lợi cho những việc quan trọng, PGS.TS. Bùi Thị An khẳng định việc Quốc hội đưa ra thảo luận công khai kết quả giám sát kiến nghị của cử tri đã giúp cử tri và nhân dân thêm tin tưởng khi gửi gắm những kiến nghị của mình.

Quốc hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt (Bài 3): Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội - Ảnh 5.

Từ góc nhìn của đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, so với thời của bà, các đại biểu Quốc hội ngày nay có nhiều điều kiện, lợi thế hơn trong việc thực hiện quyền giám sát của mình, mà thảo luận trực tiếp tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri chính là quyền giám sát tối cao đối với hoạt động này. Từ đó, các đại biểu có thể giám sát, nêu ý kiến đối với những việc đã làm hoặc những việc còn chưa làm được của các cơ quan có thẩm quyền trong trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri.

Cũng theo PGS.TS. Bùi Thị An, báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri phải thể hiện ý kiến cử tri ở khắp các vùng miền của đất nước, trong đó có cả những vấn đề bức xúc. Có những vấn đề là cá biệt (thậm chí chỉ có một ý kiến) nhưng lại rất quan trọng, vì vấn đề đó có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, an sinh của người dân hay an ninh trật tự của một khu vực. Và như vậy, việc công khai thảo luận kết quả giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp sẽ góp phần giải quyết thấu đáo, không bỏ sót những kiến nghị của cử tri.

Quốc hội đã có nguyên tắc là từ nhân dân để làm chính sách, lắng nghe nguyện vọng của người dân để quyết định chủ trương. Vì vậy, ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân là rất quan trọng.

Quốc hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt (Bài 3): Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội - Ảnh 6.

Theo đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, hai kỳ họp liên tiếp Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri là minh chứng cụ thể cho tinh thần đổi mới, trách nhiệm của Quốc hội, thể hiện tôn trọng ý kiến, kiến nghị của cử tri, quan tâm đến kết quả giải quyết góp phần giải quyết hiệu quả kiến nghị của cử tri.

Đại biểu kiến nghị các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện giám sát đến cùng trả lời kiến nghị của cử tri, không chỉ giám sát số lượng các trả lời mà sẽ đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các bộ, ngành đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân, đảm bảo đúng quy trình của pháp luật hay chưa, đặc biệt theo đến cùng những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành để kịp thời có thông tin cho cử tri.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với những cơ quan, đơn vị chậm trả lời kiến nghị của cử tri để đoàn đại biểu Quốc hội có cơ sở giám sát như báo cáo và cử tri.

Quốc hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt (Bài 3): Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội - Ảnh 7.

"Có thể nói trong hoạt động của mình, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động giám sát, luôn xác định mục tiêu đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu quan trọng, then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Điều này được thực tiễn chứng minh đó là chất lượng hiệu quả giám sát ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, nhiều kiến nghị cụ thể, rõ ràng chỉ ra những trách nhiệm của cá nhân, tập thể được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tiếp thu phản ánh của cử tri. Một số bộ, ngành đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Điều này thể hiện quyết tâm lớn của Quốc hội và Chính phủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cử tri và nhân dân, tạo sự đồng thuận và niềm tin trong cử tri và nhân dân đối với Đảng, Quốc hội và Nhà nước", đại biểu bày tỏ.

Theo đại biểu, tại Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tổ chức ngày 17/11/2023 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã nêu một số trọng điểm trong hoạt động giám sát năm 2024, trong đó tập trung cao độ các dự án luật, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, sẽ ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội. Đẩy mạnh mạnh tiến độ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đây cũng là mong mỏi của các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan để đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành có căn cứ tổ chức thực hiện giám sát các hoạt động tại địa phương, đặc biệt là giám sát kết quả kiến nghị của cử tri.

Cũng quan tâm đến chất lượng trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong công tác trả lời kiến nghị của cử tri, việc trả lời là tốt rồi nhưng việc trả lời như thế nào thì cần phải đánh giá kỹ hơn.

Quốc hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt (Bài 3): Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội - Ảnh 8.

Theo đại biểu, cần có tiêu chí để đánh giá việc trả lời kiến nghị của cử tri, và trả lời cả những kiến nghị của các địa phương để đảm bảo tính hiệu quả. Trả lời để giải quyết, xử lý công việc chứ không phải trả lời để biết.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu về trả lời kiến nghị của cử tri. Việc này để tránh trùng lặp, đồng thời, đảm bảo công khai để người dân được rõ, được biết các cơ quan đã làm đến đâu, chất lượng ra sao. Đại biểu cũng đề nghị cần nâng cao hơn vị thế, vai trò của Ban Dân nguyện để cơ quan này có thêm sức mạnh đảm đương khối lượng công việc rất lớn như hiện nay.

Xuân Trường

Bài 1:  Quốc hội tiếp tục đổi mới, ngày càng dân chủ, đồng hành, gắn bó mật thiết với nhân dân

Bài 2: "Tiếng nói của cử tri từ buôn, làng, nơi hẻo lánh đã được mang tới Hội trường Diên Hồng"

Bài 4: "Đại biểu Quốc hội phải thực sự là máu thịt của nhân dân"