Thu hút được 45.000 followers sau 2 năm, nữ CEO chia sẻ kinh nghiệm thực chiến trên Instagram: Chi phí thấp hơn Facebook nhưng vẫn đem về tới 20% doanh thu

Nhật Anh | 05-08-2020 - 06:19 AM

(Tổ Quốc) - Theo CEO Smilee, Instagram đặc biệt phù hợp với doanh nghiệp nhỏ vì kênh này không chỉ mang lại hiệu quả thương hiệu mà con đem về doanh thu thực tế.

Smilee là doanh nghiệp thành lập năm 2018, chuyên cung cấp sản phẩm làm trắng răng miệng tại nhà. Sau hơn 2 năm phát triển, Smilee đã xây dựng được trang Instagram với hơn 45.000 lượt theo dõi, phục vụ khoảng 50.000 khách hàng trên toàn quốc.

Xuất hiện trong chương trình gần đây tổ chức bởi WISE - Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, chị Nguyễn Kiều Linh, CEO, nhà sáng lập Smilee đã chia sẻ cụ thể hơn về con đường kinh doanh của mình trên Instagram.

Chị Linh cho biết ban đầu tài khoản trên Instagram được lập ra chỉ như một nơi cung cấp thông tin, hỗ trợ khách hàng đã mua sản phẩm của Smilee. Sau một thời gian chị nhận thấy có những khách hàng thường chụp ảnh selfie với sản phẩm, đăng lên trang cá nhân và tag shop vào. Lúc ấy chị mới quyết định xây dựng Instagram thành kênh truyền thông chuyên nghiệp, thu hút thêm khách hàng mới chứ không chỉ tập trung chăm sóc khách hàng cũ.

"Đến nay, 20% khách hàng của Smilee đến từ Instagram. Chi phí bỏ ra trên kênh này có tháng chỉ chiếm 9% doanh thu, nhiều lắm là 15-20%, thấp hơn Facebook rất nhiều", chị Linh nhìn nhận.

Dưới đây là một số bí quyết thực tế chị rút ra trong quá trình xây dựng kênh bán hàng trên Instagram.

CEO Smilee chia sẻ kinh nghiêm thực chiến trên Instagram: Chi phí thấp hơn Facebook nhưng vẫn đem về tới 20% doanh thu - Ảnh 1.

Kênh Instagram của Smilee.

1. Phát triển nội dung theo hướng "thử và sai"

CEO Smilee khẳng định điều quan trọng nhất trong xây dựng kênh Instagram là tư duy "thử và sai". Thời gian đầu chưa biết triển khai thế nào, mỗi ngày họ sẽ đăng 2 ảnh lên Instagram, 1 tuần là 14 ảnh. Một người trong team sẽ cầm sản phẩm đi chụp khắp nơi, trong phòng, ngoài bãi đậu xe, cạnh cửa số,…

Sau này, họ nhận thấy không nên chỉ nói về sản phẩm mà phải đưa ra cả thông tin hữu ích cho khách hàng. Nội dung trên kênh được chia thành 2 loại: Một loại để tăng tăng tương tác, một loại sales trực tiếp-tăng doanh thu.

Với loại tăng tương tác, nhóm chủ đề khá đa dang, đặc biệt nếu theo đúng trend thì tương tác tự nhiên sẽ tăng rất nhiều. Chị Linh lấy ví dụ thời điểm mới làm, một post chỉ có khoảng 50, 60 like nhưng khi phim Game of Thrones ra tập cuối, họ làm hình ảnh "ăn theo" thì bài đăng ấy đã lên tới 200 like, nghĩa là gấp 4 lần bình thường.

"Ngoài ra còn một điểm nữa thấy mình thấy hay đó là nếu chỉ theo trend thì sẽ tăng mỗi tương tác. Nhưng nếu dựa vào đó đưa ra các nội dung liên quan đến sản phẩm thì thậm chí tăng doanh thu nữa. Một trong những nhãn hàng sử dụng hiệu quả chiêu này là Durex và chúng mình cũng học hỏi từ họ rất nhiều".

2. Làm việc với KOL để tăng tương tác

Bên cạnh việc tự phát triển nội dung trên kênh để bán hàng và tăng tương tác, các shop có thể kéo tương tác từ phía bên ngoài vào page thông qua hợp tác với KOL, hoặc các influencer (người có tầm ảnh hưởng).

Chị Linh cho biết giai đoạn đầu, Smilee không thuê KOL mà sẽ lựa chọn một số KOL nhiệt tình và tặng sản phẩm miễn phí. KOL dùng sản phẩm, đánh giá và tag trang của họ vào. Những bài đăng như thế này được đánh giá cao vì tính chân thật, lượng người theo dõi shop từ đó cũng tăng theo rất nhiều.

"Bình thường ảnh chúng mình đăng có thể chỉ lẹt đẹt 10, 20 like, lượng người follow 1 ngày chỉ tăng 10, 20 người. Nhưng nếu làm với KOL thì sau một ngày, thậm chí vài giờ, lượng follow có thể tăng tới vài nghìn người. Đây là cách tăng follow rất hiệu quả".

Một tip nhỏ chị Linh chia sẻ khi các shop có ý định làm việc với KOL đó là không nên nhìn vào số lượng follow mà nghĩ rằng càng cao càng tốt. Thực tế, follow cao chưa chắc hiệu quả mà quan trọng là KOL có lượng fan trung thành cao hay không.

"Mình thường nhìn xem có bao nhiêu người bình luận ở post, các bình luận ấy có chất lượng hay không, đấy là cách mình chọn lọc KOL", CEO Smilee tiết lộ.

CEO Smilee chia sẻ kinh nghiêm thực chiến trên Instagram: Chi phí thấp hơn Facebook nhưng vẫn đem về tới 20% doanh thu - Ảnh 2.

3. Tận dụng tính năng Story trên Instagram

Chị Linh cho biết một điểm khác biệt quan trọng giữa Facebook và Instagram đó là trên Facebook, khi đăng ảnh sản phẩm kèm link thì đường link sẽ được hiển thị dạng hyper, khách nhấn vào là mua được sản phẩm. Trên Instagram, có link nhưng link không được hyper, khách hàng phải copy, paste thì mới truy cập được vào website. Như vậy tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng sẽ tương đối khó khăn.

"Đầu tiên bọn mình không biết cách nào dẫn khách ra website mua hàng. Sau đó mình phát hiện tính năng Story trên Instagram rất tiện dụng. Bạn chỉ cần đăng story, khách hàng xem nội dung và vuốt lên là tự động nhảy vào website. Các bạn hãy lưu ý điểm này, nếu làm việc với KOL theo dạng trả phí thì nên book trên story thay vì chỉ đặt trên page của họ nhé".

4. Tăng hoạt động tương tác với khách hàng

Vì chỉ bán một sản phẩm duy nhất là bộ kit chăm sóc răng miệng, Smilee xác định phải đa dạng các nhóm nội dung để không làm khách hàng nhàm chán. Bên cạnh các nội dung sales, chị Linh cho biết họ cũng đăng những nội dung khác như ảnh vui vẻ, các tip chăm sóc răng miệng hữu ích, cập nhật thông tin thời sự nóng hổi,…Đây là cách giữ khách hàng ở lại tương tác và không bị "dội bom" sản phẩm quá nhiều.

Ngoài ra, các shop có thể sử dụng những cách khác để tăng tương tác như minigame, tặng sản phẩm miễn phí, tạo poll bình chọn,…

Chị Linh lấy ví dụ thời điểm ra mắt bao bì sản phẩm mới, nhìn hao hao giống chiếc bánh chưng, Smilee có chạy chương trình đơn giản để tăng tương tác. Theo đó khách hàng chỉ cần đăng hình ảnh, tag page là sẽ được giảm 10% cho lần mua sắm tiếp theo.

"Cách này giúp Smilee có nhiều tương tác, hơn nữa khi khách hàng đăng lên story, bạn bè họ nhìn thấy và chúng mình được nhiều người khác biết đến hơn. Cách sáng tạo content này sẽ giúp shop lan truyền tốt hơn mà lại tiết kiệm được chi phí".

5. Sử dụng video ngắn

Theo CEO Smilee, video nên ngắn gọn, không quá dài vì bản thân Instagram cũng không khuyến khích điều này. Mỗi video chỉ nên dao động từ 15-30s, cùng lắm là 45s nhưng tóm lại nên duy trì dưới một phút, làm sao để thể hiện ý tưởng sản phẩm rõ ràng, ngắn gọn nhất.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

GREENFEED: 21 năm bền bỉ kiến tạo những giá trị bền vững

"Nuôi dưỡng điều lành, đồng hành lớn mạnh" không chỉ là phương châm mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của GREENFEED trong suốt 21 năm qua. Không chỉ nỗ lực kiến tạo những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, tập đoàn còn tiên phong triển khai nhiều hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt hướng đến đối tượng trẻ em và phụ nữ.