Cần chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

(Tổ Quốc) - Chế tài xử phạt, mặc dù đã tương đối đầy đủ, nhưng ở những nội dụng cụ thể còn chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt là các mặt hàng giả làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân cần phải xử lý chế tài ở mức cao, thậm chí xử lý hình sự thì mới đủ sức nặng để ngăn chặn các đối tượng tiếp tục vi phạm.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo trên mạng xã hội luôn là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng, của doanh nghiệp. Báo điện tử Tổ Quốc đã tổng hợp một số ý kiến trả lời báo chí của ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về vấn đề này:

Trị giá hàng hoá vi phạm được xử lý đạt hơn 1.603 tỷ đồng

-Tết Nguyên đán sắp đến, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lại được dịp ồ ạt tung ra thị trường với các thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng. Ông có thể cho biết tình trạng này hiện nay diễn biến ra sao?

+Sau đại dịch Covid-19, từ giữa năm 2022, diễn biến thị trường liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng như hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ bắt đầu sôi động trở lại. Qua công tác kiểm tra, giám sát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thấy rằng sự nhức nhối của hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đang ngày càng phức tạp, tinh vi. Điều này thể hiện ở 3 khía cạnh: Thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm; Chủng loại sản phẩm bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT; Phương thức sản xuất, kinh doanh sản phẩm là hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT.

Cần chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả  - Ảnh 1.

Cục QLTT TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành giám sát tiêu huỷ hàng nghìn sản phẩm nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu tại Nhà máy Công ty Cổ phần Môi Trường Việt Úc, tại Lô B4-B21, B5-B20, đường số 9, KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. (Ảnh: dms.gov.vn)

Với tâm lý chạy theo lợi nhuận, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT không những được các đối tượng vận chuyển từ nước ngoài tiêu thụ trong nội địa mà còn do một số đối tượng trực tiếp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc sản xuất trong nước chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và thực hiện các bước đơn giản như phối trộn, đóng gói, lắp ghép các linh kiện được nhập từ nước ngoài để trở thành sản phẩm hoàn thiện. Thay vì bỏ tiền đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng uy tín… các đối tượng đặt hàng hoặc thuê sản xuất từ nước ngoài làm giả, xâm phạm quyền SHTT các sản phẩm, thương hiệu có sẵn trên thị trường đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng cũng như sản xuất các sản phẩm không đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường.

Cùng với đó, lợi dụng chính sách "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" một số đối tượng kinh doanh đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài và giả mạo xuất xứ của Việt Nam để đưa về Việt Nam để tiêu thụ. Ngoài ra, còn có một số đối tượng, cơ sở nhập khẩu nguyên bản hàng hóa nước ngoài rồi đóng nhãn mác ghi xuất xứ từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… để lừa dối, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Trong 10 tháng đầu của năm 2023, mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng hoá nhập lậu vẫn diễn biến vô cùng phức tạp đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử.

-Chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứlà một trong những nhiệm vụ cơ bản của Tổng cục QLTT, vậy ông có thể cho biết đơn vị đã triển khai các phương án phòng, chống và xử lý như thế nào?

+Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, toàn lực lượng thường xuyên nắm bắt địa bàn, tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiểm tra, xử lý các vi phạm kịp thời. Từ ngày chuyển đổi sang mô hình Tổng cục đến nay toàn lực lượng đã phát hiện và xử lý 353.333 vụ việc trên mọi lĩnh vực, với số tiền xử phạt hành chính lên đến gần 1.823 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm được xử lý đạt đến hơn 1.603 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2023, tính đến hết tháng 10, toàn lực lượng đã kiểm tra xử lý hơn 10 nghìn vụ việc, phạt tiền gần 100 tỷ đồng, thu giữ hàng hóa vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc với trị giá hơn 120 tỷ đồng.

Việc xử lý các hành vi liên quan đến hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc là rất phức tạp, nhất là việc xâm phạm quyền SHTT liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp. Đặc biệt bây giờ đối tượng làm hàng giả, xâm phạm quyền SHTT rất tinh vi, rất nhiều loại hàng giả được làm giống và gần giống với sản phẩm chính hãng, làm cho những vụ việc xử lý tranh chấp mất rất nhiều thời gian do phải tham khảo ý kiến chuyên môn của nhiều bên, đôi khi còn chưa nhận được sự phối hợp đúng mức của chủ thể quyền hoặc ý kiến của các cơ quan chuyên môn còn trái ngược nhau trong xử lý vụ việc.

- Đâu là những khó khăn thưa ông?

+Khó khăn trước hết của các lực lượng chức năng hiện nay là quá trình phối hợp với cơ quan chức năng cho ý kiến, cũng như phối hợp để xác minh tính chính xác của hàng hóa, chất lượng yêu cầu thời gian xử lý tương đối lâu. Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng nhiều khi tâm lý còn e ngại, không phối hợp với lực lượng chức năng, ngay cả các chủ thể quyền của các nhãn hiệu, khi mà lực lượng QLTT đi kiểm tra thu giữ sản phẩm thì e ngại tránh né, không hợp tác vì lo rằng sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của mình.

Mặt khác, chế tài xử phạt, mặc dù đã tương đối đầy đủ, nhưng đối với một số mặt hàng còn chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt là các mặt hàng giả, xâm phạm quyền SHTT tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng cần phải xử lý chế tài ở mức cao, thậm chí xử lý hình sự thì mới đủ sức răn đe để ngăn chặn các đối tượng tiếp tục vi phạm.

Đặc biệt, thời gian gần đây, việc bán hàng thông qua các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo bùng nổ mạnh mẽ. Các đối tượng kinh doanh hàng hoá vi phạm ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam vẫn hằng ngày lợi dụng để trực tuyến bán hàng đi cả nước và ngược lại. Trên thực tế, vẫn còn tâm lý "e ngại" kiểm tra, xử lý đối với các vụ vi phạm trong thương mại điện tử (TMĐT) ngay tại địa phương, bởi mất nhiều thời gian xác minh, tìm kiếm và người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ một cách nhanh chóng.

Đáng chú ý, đặc trưng riêng của TMĐT là có sự tham gia của các công ty chuyển phát. Khác hẳn với thương mại truyền thống là người mua gặp trực tiếp người bán "tiền trao cháo múc", trong TMĐT việc mua, bán chủ yếu thực hiện qua khâu vân chuyển trung gian là các đơn vị chuyển phát. Việc kiểm tra đối với hàng hoá có dấu hiệu vi phạm đang được vận chuyển trên các xe bưu chính phải tuân thủ theo quy định hiện hành vì vậy nhiều vụ việc lực lượng QLTT buộc phải theo xe chuyển phát đến bưu cục mới có thể tiến hành kiểm tra.

Cần chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả  - Ảnh 2.

Lực lượng QLTT kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh bày bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CHANEL, LOUISVUITTON, HERMES tại Lào Cai. (Ảnh: dms.gov.vn)

Trước tình hình này, cần chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro xuyên suốt, thống nhất từ trung ương tới các địa phương để kịp thời xử lý thông tin về các vụ việc vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên TMĐT. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Kiểm tra, xử lý hàng giả trên mạng là ưu tiên số một

- Vậy theo ông, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra lĩnh vực nào để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

+Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Tổng cục QLTT cũng đã cụ thể hóa mục tiêu để trình Bộ Công Thương và Chính phủ, nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT và lực lượng QLTT coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để làm được việc đó cần phải làm rất nhiều việc từ tham mưu điều chỉnh chính sách, văn bản pháp luật, bổ sung chế tài cho đến tăng cường công tác kiểm tra, thực thi đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục, phối hợp với các lực lượng chức năng. Cụ thể trong thời gian trước mắt, lực lượng QLTT sẽ tập trung vào các nội dung chính như sau:

Một là, phải nhận diện cho đúng các lý do, nguyên nhân, cũng như phương thức thủ đoạn của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT để từ đó có những biện pháp cụ thể. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đã được Tổng cục ban hành kèm theo Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT. Cụ thể, Tổng cục phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành phố thực thuộc trung ương không bày bán công khai hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 100% cơ sở sản xuất trong các làng nghề tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không sản xuất và không bày bán công khai hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ; các cá nhân kinh doanh trên nền tảng số được tuyên truyền, vận động ký cam kết không bày bán công khai hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hai là, trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường TMĐT. Đây là mặt trận mới bởi cùng với sự tăng trưởng bùng nổ của TMĐT thì có đến 80-90% hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua bán, giao dịch trên nền tảng số. Để triển khai mục tiêu này, Tổng cục QLTT đã tham mưu cho Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án sau khi được phê duyệt có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính… và các Hiệp hội có liên quan bởi đây là những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây được coi là sự phối hợp đồng bộ trong định danh người bán, truy vết hàng hoá thông qua áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để truy tìm dấu vết của những đối tượng kinh doanh hàng giả trên mạng Facebook, Zalo, Tiktok, Telegram... nhằm chống thất thu thuế, chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ba là, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật kết hợp với việc ký cam kết đối với các đơn vị chuyển phát không tiếp tay cho vận chuyển, tàng trữ hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, xây dựng những kế hoạch giám sát thường xuyên đối với những đơn vị chuyển phát có dấu hiệu vận chuyển hàng hoá vi phạm nhằm kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Có thể nói chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là mặt trận mới có nhiều khó khăn cần khắc phục, tuy nhiên, với trách nhiệm và quyết tâm cao, trong thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan để tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương giao.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

Tin mới