Điểm đặc biệt của những tỉnh tăng 'đột biến' trên 20 bậc trong bảng xếp hạng PCI

Tăng hơn 20 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI, các tỉnh này đều đã có tiến bộ vượt trội gần đây.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, trong đó có 6 địa phương chứng kiến sự thăng hạng mạnh so với năm trước.

Bắc Giang (tăng 29 bậc, đứng thứ 2 bảng xếp hạng PCI)

Theo báo cáo PCI 2022, Bắc Giang có tổng điểm là 72,80, tăng 29 bậc và 8,06 điểm so với năm 2021, xếp thứ 2/63 tỉnh, sau Quảng Ninh (72,95 điểm) và xếp trên TP Hải Phòng (70,76 điểm).

Bắc Giang có hai chỉ số thành phần dẫn đầu cả nước là Chi phí không chính thức và Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Chỉ số tính cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 2. Tính năng động tiên phong xếp thứ 3. Bắc Giang đã vươn từ nhóm khá năm 2021 lên nhóm xếp hạng tốt năm 2022.

Bắc Giang là địa phương tăng trưởng cao thứ hai cả nước, và tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp IIP cao nhất năm 2022.

Khánh Hòa (tăng 28 bậc, đứng thứ 16)

Khánh Hòa đạt 67,74 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 28 bậc so với năm 2021.

So với các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Khánh Hòa xếp thứ 2 sau Đà Nẵng. Từ năm 2012 đến nay, đây là năm tỉnh có điểm số cao nhất; đồng thời là năm có thứ hạng và điểm số cao nhất trong vòng 10 năm qua (năm 2014 cũng đứng thứ 16/63 nhưng chỉ đạt 59,78 điểm).

Khánh Hòa có gì đặc biệt để được chọn trở thành thành phố trực thuộc Trung  ương vào năm 2030?

Khánh Hòa là địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước năm 2022.

Hậu Giang (tăng 26 bậc, đứng thứ 12)

Với 68,12 điểm, PCI Hậu Giang lần đầu tiên tăng 26 bậc lên hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng. Đây là minh chứng cho kết quả nỗ lực thực hiện các chỉ số cạnh tranh để góp phần đưa tỉnh phát triển, thu hút nhà đầu tư, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 

Hậu Giang cũng là địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước quý 1/2023.

Hưng Yên (tăng 25 bậc, đứng thứ 14)

Với 67,91/100 điểm, Hưng Yên vươn lên vị trí thứ 14 cả nước về chỉ số PCI, tăng 25 bậc so với năm 2021. Nhiều chỉ số tăng điểm so với năm 2021, gồm: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...

Năm 2022, Hưng Yên đã lọt CLB thu ngân sách trên 50.000 tỷ đồng.

Kon Tum (tăng 24 bậc, xếp thứ 37)

Kon Tum đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Trong khu vực Tây Nguyên, tỉnh này xếp sau tỉnh Lâm Đồng (thứ 17 với 67,92 điểm), đứng trên Đắk Nông (thứ 38 với 64,87 điểm), Gia Lai (thứ 44 với 64 điểm), Đắk Lắk (thứ 60 với 60,91 điểm). So với năm 2021, Kon Tum tăng 24 bậc. Đây là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được kể từ năm 2006 đến nay. 

Lạng Sơn (tăng 21 bậc, đứng thứ 15)

Với điểm tổng hợp đạt 67,88 điểm, Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2021; xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Lạng Sơn cũng xếp thứ 2 về chỉ số PGI (Top 3 gồm: Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh).

Thái Quỳnh

Tin mới