(Tổ Quốc) - Hơn hai năm vừa qua có lẽ là chặng đường không bao giờ quên được đối với ngành Du lịch khi chứng kiến hàng loạt những thăng trầm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Thế nhưng, với sự quan tâm từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tinh thần lạc quan trong "nguy" luôn có "cơ" để biến "nguy" thành "cơ" của tập thể lãnh đạo Bộ VHTTDL, sự đồng hành ủng hộ của toàn xã hội, đến thời điểm này, ngành Du lịch Việt Nam đã cơ bản bước qua được khó khăn, thách thức.
Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam.
Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng ta nhằm phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thông qua nhìn nhận khả năng đóng góp của du lịch vào kinh tế - xã hội, chỉ ra những tiềm năng, thế mạnh và hạn chế yếu kém cần khắc phục, và quan trọng nhất là các giải pháp đột phá, đồng bộ, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; Ðóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; Giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; Tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Nghị quyết nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Năm 2019, Việt Nam từng đón 18 triệu lượt khách quốc tế (vượt qua chỉ tiêu đón 17 triệu và tiệm cận mục tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 mà Nghị quyết 08 đã chỉ rõ), doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 720.000 tỷ đồng. Năm 2020, kế hoạch mà chúng ta đặt ra là đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 850.000 tỷ đồng.
Thời điểm đó, Việt Nam được vinh danh với nhiều danh hiệu danh giá, giải thưởng du lịch toàn cầu: Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 (World Golf Awards); Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (World Travel Awards 2019), Điểm đến hàng đầu châu Á trong hai năm liên tiếp.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xếp hạng 63/140 nền kinh tế...
Tương lai về ngành Du lịch vào thời điểm đó thực sự sáng rạng với rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Thế nhưng, khó ai có thể ngờ được rằng, chỉ sau 2 năm đại dịch COVID-19 ập đến, Du lịch đang từ một ngành đóng góp 9,2% GDP cả nước bỗng quay trở về "con số 0 tròn trĩnh".
Đại dịch COVID-19 được đánh giá là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với Du lịch Việt Nam. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng ghi nhận đây là điều tồi tệ nhất trong chuỗi lịch sử phát triển của du lịch thế giới từ năm 1950.
Và đại dịch đối với Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, sự lao đao ngành Du lịch vào thời điểm năm 2020, 2021 khiến cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, người lao động của chúng ta như bị một cú "trời giáng", chưa ai kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách du lịch quốc tế. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 78,7% so với năm trước, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020. Từ quý II/2021, do nước ta chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Chỉ sau khoảng 1 năm đại dịch COVID-19 tấn công, ngành Du lịch bắt đầu "ngấm đón". Theo thống kế, trong năm 2020, 90% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Người lao động ngành du lịch bắt buộc phải chuyển đổi nghề khác để kiếm sống, dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi du lịch khôi phục trở lại. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam vào thời điểm đó cần ít nhất 5 năm để phục hồi.
Những ngày đó, bên cạnh với các vấn đề về phòng chống dịch, vắc xin hay tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Du lịch cũng chính là một trong câu chuyện được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tại nhiều phiên thảo luận.
Cuối năm 2021, với sự tham mưu của Bộ VHTTDL, Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức một Hội thảo Du lịch với chủ đề “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển” nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành Du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Trên cơ sở các ý kiến tại Hội thảo này đã đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Thời điểm đó thì Hội thảo là một sự kiện rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với ngành Du lịch trong bối cảnh đất nước đang từng bước tháo gỡ khó khăn để phục hồi nền kinh tế, vừa chống chọi với đại dịch.
Có thể nói, việc đánh giá tình trạng của ngành Du lịch để tìm kiếm hướng đi phù hợp vào thời điểm đó dường như là một điều rất khó, bởi trước bối cảnh các quốc gia trong khu vực, thế giới, những thị trường tiềm năng và ngay cả đất nước chúng ta vẫn đang "sống dở, chết dở" với đại dịch COVID-19 thì Du lịch lúc đó dường như là một khái niệm "xa xỉ".
Thế nhưng, trong "nguy" luôn có "cơ", đứng trước thực tế vô cùng khó khăn đó, trong bối cảnh tương lai của du lịch quốc tế vẫn còn mịt mờ, ngành Du lịch đã chuyển hướng sang khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa bằng các Chương trình kích cầu du lịch nội địa như "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" hay "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn".
Nếu như năm 2020, lượng khách du lịch nội địa chỉ đạt 3,8 triệu lượt thì kết thúc năm 2021 có đến 91,8 triệu lượt khách du lịch nội địa (trên tổng số 94 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch tại Việt Nam ước đạt 425 nghìn tỷ đồng.
Sau hai năm gần như bị "đóng băng" do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, có thể thấy, sự chuyển hưởng kịp thời trong tình huống đó chính là tia hy vọng để giúp cho các doanh nghiệp Du lịch bước qua những ngày tháng gian nan nhất. Qua đó cũng ghi một dấu ấn về sự linh hoạt, thích ứng của ngành Du lịch.
Với tinh thần biến "nguy" thành "cơ" ấy, thời điểm năm 2021, bằng một cách nhìn lạc quan "không tô hồng cũng không tô đen" thực trạng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và tập thể lãnh đạo Bộ VHTTDL đã nhìn thấy đại dịch COVID-19 cũng chính là cơ hội để ngành Du lịch tái cơ cấu, tự định vị lại mình từ hoạt động xúc tiến quảng bá, thị trường mục tiêu cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp.
Trong đó giải pháp ưu việt được lãnh đạo Bộ VHTTDL đề ra đó là tập trung chuyển đổi số để phát triển trong chặng đường tiếp theo.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết 128 về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhận thấy đây là cơ hội "ngàn năm có một" để vực dậy ngành Du lịch, được sự cho phép của Chính phủ, tháng 11/2021, ngành Du lịch đã thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" tại Phú Quốc (Kiên Giang).
Để tăng cường truyền thông mở cửa đón khách, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai Chiến dịch xúc tiến, quảng bá mang tên “Sống trọn vẹn tại Việt Nam - Live fully in Vietnam” gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia: Vietnam Timeless Charm (Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận). Thông điệp “Live fully in Vietnam” mang ý nghĩa mời chào khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam, điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021) tính đến ngày 8/2/2022, Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Khách du lịch chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…
Với việc triển khai chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch COVID-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn về "chiến lược vắc xin" của Đảng, Chính phủ.
Đó cũng chính là tiền đề, cơ sở quan trọng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng để sau hơn 1 năm, ngày 15/3/2022, Bộ VHTTDL đã đề xuất Chính phủ mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt trên 101,3 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Thế nhưng, dù đã có những chuyển biến rất tích cực nhưng kết quả đó vẫn chưa thể làm hài lòng sự mong đợi của và toàn xã hội đối với ngành Du lịch.
Trước tình hình đó, Bộ VHTTDL đã tham mưu cho Chính phủ tổ chức hai Hội nghị quan trọng do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì nhằm định vị lại vị trí, vai trò ngành Du lịch, qua đó nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của ngành Du lịch.
Khi chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam vào thời điểm cuối tháng 12/2022, Người đứng đầu Chính phủ đã rất trăn trở: "Vì sao Việt Nam "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế. Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?".
Chỉ hơn 3 tháng sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển". Hội nghị diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).
Tại Hội nghị này, Người đứng đầu Chính phủ đã tiếp tục khẳng định phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Một trong những "nút thắt" quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ ngay sau Hội nghị này đó là đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày (3 tháng), có giá trị một lần hoặc nhiều lần; cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đồng thời, nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Thời điểm đó, đề xuất này đã mở đường để "nút thắt" của ngành Du lịch được tháo gỡ thành công, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút khách quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam.
Ngay trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điều quan trọng hơn đó là, việc cởi nút thắt về chính sách visa sẽ mở nút thắt trong tư duy đầu tư và phát triển Du lịch Việt Nam theo hướng bền vững. Đó được xem như là đòn bẩy quan trọng để người dân, doanh nghiệp du lịch dám nghĩ xa hơn.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, trong tháng 5 năm 2023, Việt Nam đón hơn 900.000 lượt khách quốc tế. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 4,6 triệu lượt, đạt 57,5% so với kế hoạch năm 2023; Tổng số khách nội địa trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 50,5 triệu lượt; Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 260.000 tỷ đồng...
Với những tín hiệu tích cực từ lượng khách quốc tế đến trong những ngày đầu năm 2023, cùng với đó là sự đồng hành kịp thời từ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan, hàng loạt giải pháp đồng bộ mà lãnh đạo Bộ VHTTDL đã đề ra, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự trở lại của Du lịch Việt Nam như thời kỳ trước đại dịch COVID-19 trong thời gian không xa./.
(Bài 4) Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến": Kỳ tích SEA Games
Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 1): Thắp "ngọn lửa" nhiệt huyết để vượt qua "nghịch cảnh"