(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội cho rằng bản thân phải thực sự là máu thịt của nhân dân, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri, nhân dân, làm "cầu nối" giữa Nhà nước với nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri và nhân dân.
Có thể nói, những nỗ lực đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là trong công tác giám sát, công tác dân nguyện, giải quyết kiến nghị của cử tri đã mang lại hiệu quả rõ rệt, được các đại biểu, cử tri và nhân dân ủng hộ, đánh giá cao.
Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt, Uỷ viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để lắng nghe những ý kiến cụ thể hơn về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội để bảo vệ lợi ích chính đáng của cử tri, nhân dân.
- Thưa các đại biểu, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội lần đầu tiên tiến hành phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá đây là "bước đổi mới lịch sử" của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 6 vừa diễn ra, Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận ở hội trường nội dung này. Từ góc nhìn cá nhân, các đại biểu có thể đánh giá về hoạt động này của Quốc hội?
Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Giám sát của Quốc hội là một hoạt động rất quan trọng, giúp chúng ta tin tưởng hơn vào việc hoạt động giám sát giúp đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho luật pháp được thi hành nghiêm và thống nhất từ đó đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ XV, với mục tiêu không ngừng "đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội", tôi nhận thấy rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ, bảo đảm tiến độ, hoàn thành toàn bộ các nội dung theo kế hoạch.
Vì thế, tôi đặc biệt ấn tượng với việc Quốc hội quyết định tiến hành tiến hành phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo tôi, đây là hoạt động giám sát sau giám sát để triển khai Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, cũng là cách Quốc hội đồng hành với Chính phủ thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Phiên thảo luận đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của cử tri, nhân dân, là cơ sở để hoàn thiện hơn việc triển khai việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giúp không chỉ tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động quản lý Nhà nước mà còn giúp an dân, tạo tinh thần đoàn kết trong toàn xã hội.
Tất cả những đổi mới này giúp chúng ta tin tưởng hơn vào việc hoạt động giải quyết kiến nghị của cử tri của Quốc hội; đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri; giúp đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cho luật pháp được thi hành nghiêm và thống nhất từ đó đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt: Tôi cũng như các đại biểu Quốc hội khác và cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội có nhiều cải tiến, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm, nhất là việc các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương đã tích cực nhìn nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, từ đó sửa đổi, bổ sung và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thực hiện các giải pháp trong quản lý, điều hành để kịp thời hỗ trợ người dân trong mọi mặt của đời sống.
Mặt khác, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đối với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri.
Hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc mà cử tri đang quan tâm. Bản thân tôi rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao hoạt động đổi mới này của Quốc hội.
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh: "Sức mạnh của giám sát, phản biện chính là công khai và minh bạch". Thưa đại biểu Bùi Hoài Sơn, ông đánh giá ra sao về việc thảo luận công khai, minh bạch (được tường thuật trực trên truyền hình để cử tri và nhân dân theo dõi) về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp này?
Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, thảo luận công khai và minh bạch về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri có thể được xem là một hình thức giám sát sau giám sát.
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, việc đảm bảo sự công khai và minh bạch trong quá trình thảo luận về kết quả giám sát là một cách để đảm bảo tính chất hiệu quả và minh bạch của quá trình làm việc của cơ quan giám sát.
Giám sát sau giám sát có nghĩa là sau khi quá trình giám sát chính thức đã diễn ra, thông tin và kết quả của nó được đưa ra công bố và thảo luận công khai với cộng đồng. Điều này giúp tăng cường sự minh bạch, đồng thời tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân tham gia vào quá trình quyết định và đánh giá năng lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý.
Quá trình thảo luận công khai tại Quốc hội tạo ra cơ hội cho các đại biểu, đại diện cho tiếng nói của cử tri, cộng đồng để đưa ra ý kiến, đóng góp, và đặt ra những câu hỏi về quá trình giải quyết kiến nghị. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý và điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước.
- Thưa các đại biểu, qua hai kỳ liên tiếp Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri đã mang lại những thay đổi và kết quả như thế nào?
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt: Qua hai kỳ liên tiếp Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, tôi thấy việc giải quyết các kiến nghị của cử tri được thực hiện tốt hơn, tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong giải quyết các kiến nghị của cử tri được nâng lên.
Nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết đạt tỷ lệ cao như báo cáo của Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 đã nêu, có tới 99,5% kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đã được giải quyết, trả lời.
Nhiều kiến nghị của cử tri được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xem xét, nghiên cứu, giải thích, giải quyết, cung cấp thông tin một cách kịp thời, có những bộ, ngành xem xét, giải quyết trong thời gian rất ngắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong giải quyết kiến nghị của cử tri.
Việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian vừa qua đã góp phần rất quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đời sống xã hội của người dân và doanh nghiệp ở các địa phương.
Giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri đã góp phần khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cũng là giải pháp để làm hạn chế tối đa phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, giúp góp phần ổn định tình hình, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Quốc hội, với Nhà nước.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Con số 99,5% kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 được trả lời trong báo cáo của Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho thấy đây là một tỷ lệ rất cao trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Điều này thể hiện sự chú trọng và cam kết của cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc lắng nghe ý kiến và giải quyết kiến nghị của cử tri.
Tỷ lệ cao như vậy chắc chắn phải đến từ một quy trình chặt chẽ và hiệu quả để theo dõi và xử lý các kiến nghị từ cử tri. Nó cũng có thể thể hiện một tinh thần minh bạch và công khai của cơ quan Nhà nước, nơi mà thông tin về việc giải quyết kiến nghị được xử lý và công bố một cách rộng rãi.
- Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải từng nhận xét, việc Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần "đưa tiếng nói nhỏ bé của cử tri từ buôn, làng, nơi hẻo lánh tới hội trường Diên Hồng". Thưa đại biểu Quàng Thị Nguyệt, là đại biểu trẻ, đại diện cho cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu nhận thấy trách nhiệm của mình như thế nào. Đại biểu đã và sẽ làm gì để góp phần đưa ý kiến, kiến nghị của cử tri đến diễn đàn Quốc hội?
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt: Để đưa ý kiến, kiến nghị của cử tri đến với diễn đàn Quốc hội, tôi cũng như các đại biểu Quốc hội cần chủ động tích cực, chủ động lắng nghe tiếp thu tất cả các ý kiến của cử tri gửi đến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương. Tham gia đầy đủ hoạt động tiếp xúc cử tri các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.
Ngoài ra, Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng tổ chức các hội nghị trao đổi lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, các chuyên gia trên địa bàn địa phương, tham gia giám sát tối cao của Quốc hội theo quy định. Đồng thời, đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng tham gia khảo sát thực tế việc thi hành các luật, pháp lệnh tại các sở, ban, ngành, các cơ quan chịu tác động trực tiếp từ các dự án luật mà Quốc hội sẽ thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp.
Là đại biểu Quốc hội trẻ, đại diện cho cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài tham gia các hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốchội… bản thân tôi cũng chọn lọc các thông tin mà cử tri gửi đến một cách chính xác, sát và đúng.
Ý kiến, kiến nghị của cử tri có ý nghĩa rất quan trọng, là tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, bày tỏ của cử tri đối với các vấn đề trên mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Vai trò trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội đối với cử tri phải là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, làm "cầu nối" giữa Nhà nước với nhân dân, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri và nhân dân.
Để thực hiện tốt, trọn vẹn vai trò này, bản thân tôi luôn cố gắng "gần dân, sát dân, lắng nghe dân", phục vụ cử tri nhân dân. Tôi luôn nhắc mình rằng đại biểu Quốc hội phải thực sự là máu thịt của nhân dân; ghi nhận những ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri để tổng hợp và tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đó.
Và để làm được điều này, bản thân tôi luôn không ngừng nỗ lực trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu, hiểu sâu về các chính sách, chủ trưởng của Đảng, Nhà nước và việc vận dụng, cụ thể hóa các chính sách, chủ trương, triển khai thực hiện trong thực tiễn tại địa phương như thế nào; đồng thời tìm hiểu thêm phong tục tập quán và học tiếng của đồng bào dân tộc ở khu vực ứng cử để có thể trực tiếp nghe cử tri gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Có như vậy, cầu nối giữa đại biểu và cử tri mới thực sự gần gũi và có tác dụng.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, tôi luôn nhắc mình phải tích cực chủ động học hỏi kinh nghiệm, phối hợp với các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan truyền thông... để làm rõ hơn vấn đề được cử tri phản ánh, kiến nghị.
Tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, định hướng, gợi mở, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu; thực hiện giám sát, theo dõi sau tiếp xúc cử tri cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri, vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh, hứa hẹn…Qua mỗi lần tiếp xúc cử tri tôi thường tổng kết để rút kinh nghiệm và có những định hướng, giải pháp cho riêng mình để khắc phục những hạn chế của bản thân một cách kịp thời.
Để nắm bắt, tiếp thu tốt các ý kiến, kiến nghị của cử tri phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Là một đại biểu Quốc hội trẻ, tôi luôn không ngừng nỗ lực, hoàn thiện bản thân để làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri, hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân ủy thác.
- Từ thực tiễn cuộc giám sát kiến nghị của cử tri lần này, theo các đại biểu, cần làm gì để nâng cao hiệu quả các cuộc giám sát, để mỗi ý kiến của cử tri và nhân dân đều được các cơ quan chức năng giải quyết tận cùng, thấu đáo?
Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Theo tôi, để nâng cao hơn nữa hiệu quả các cuộc giám sát và đảm bảo mỗi ý kiến của cử tri và nhân dân được giải quyết tận cùng và thấu đáo, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, nhất là của các cơ quan có liên quan về tầm quan trọng của việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo như một cách để bảo đảm sự ổn định và phát triển chung của xã hội, cho tương lai của đất nước.
Cần xây dựng các quy trình linh hoạt để giải quyết kiến nghị một cách nhanh chóng và hiệu quả, trên cơ sở đó bảo đảm sự minh bạch về tiến độ và kết quả của quá trình giải quyết kiến nghị.
Bên cạnh đó, cần cung cấp thông tin liên quan đến quá trình giám sát giải quyết kiến nghị một cách rõ ràng và minh bạch. Các cơ quan chức năng nên công bố thông tin về việc giải quyết kiến nghị, bao gồm cả quy trình và kết quả.
Tăng cường nguồn lực, nhất là nâng cao năng lực người giám sát và cán bộ có liên quan về các kỹ năng cần thiết phục vụ công việc.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý đến việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, diễn đàn và cuộc thảo luận để tăng cường tương tác giữa cử tri và cơ quan giám sát. Hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông để tạo cơ hội cho cử tri thể hiện ý kiến, nguyện vọng của mình.
Tất cả sẽ giúp cho cơ quan chức năng giải quyết tận cùng, thấu đáo các ý kiến của cử tri và nhân dân, từ đó góp phần xây dựng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc bằng chính những hành động cụ thể đó.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt: Để hoạt động giám sát của Quốc hội có hiệu quả hơn nữa, để những kiến nghị của cử tri sẽ được giải quyết thấu đáo nhất, bản thân tôi kiến nghị một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đề nghị rà soát quy định của Chính phủ đề cao trách nhiệm của các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm và thời gian giải quyết không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri, cần phải xem xét cụ thể thực tế các kiến nghị để có phương án giải quyết.
Thứ hai, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách pháp luật cần khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo xem xét sửa đổi, bổ sung tháo gỡ ngay. Đây là những vấn đề còn rất khó khăn và chậm trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để tổng hợp và phân loại kiến nghị đề xuất đúng thẩm quyền, trách nhiệm xem xét giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, đề nghị cần phải cụ thể hóa hơn nữa việc xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đùn đẩy, né tránh, không thực hiện hoặc thực hiện thiếu trách nhiệm trong giải quyết các kiến nghị của cử tri để cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết.
Thứ năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, tổng hợp đầy đủ, chính xác kịp thời các kiến nghị của cử tri, chỉ đạo, giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền và đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những kiến nghị không thuộc thẩm quyền của địa phương.
Bên cạnh đó, từ thành công của các phiên thảo luận tại hội trường về giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri quan hai kỳ họp liên tiếp, bản thân tôi và cử tri nhân dân mong muốn đây sẽ là hoạt động thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội và sẽ được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa trên các kênh truyền thông giống như đối với các phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.
- Xin cảm ơn các đại biểu!
Bài 1: Quốc hội tiếp tục đổi mới, ngày càng dân chủ, đồng hành, gắn bó mật thiết với nhân dân
Bài 2: "Tiếng nói của cử tri từ buôn, làng, nơi hẻo lánh đã được mang tới Hội trường Diên Hồng"
Bài 3: Cử tri thêm tin tưởng gửi gắm tiếng nói của mình đến Quốc hội