(Tổ Quốc)- Tâm lý lo ngại về nguồn cung và đồng USD trồi sụt đã tác động lên giá hầu hết các hàng hóa nguyên liệu trong phiên 22/9.
Dầu tăng do lo ngại về nguồn cung của Nga
Giá dầu đã tăng gần 1% vào thứ Năm do thị trường tập trung vào mối lo ngại về nguồn cung dầu của Nga, trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc phục hồi và Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất thấp hơn một số dự kiến.
Giá dầu thô Brent tăng 63 cent, tương đương 0,7% lên 90,46 USD vào cuối phiên, sau khi có lúc tăng hơn 2 USD. Giá dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 55 US cent, tương đương 0,7%, lên 83,49 USD, sau khi có thời điểm tăng hơn 3 USD.
Nga phát động lệnh động viên quân lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine, có thể làm tổn hại thêm nguồn cung.
Nhu cầu dầu thô ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang phục hồi trở lại sau giai đoạn bị kìm hãm bởi các hạn chế nghiêm ngặt chống COVID-19.
Vàng giảm do USD mạnh
Giá vàng vừa trải qua một phiên giao dịch không ổn định và kết thúc ở mức giảm do chịu áp lực bởi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, trong khi lập trường chính sách "diều hâu" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm lu mờ triển vọng nhu cầu đối với vàng thỏi không sinh lợi.
Giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.671,20 USD/ounce vào lúc kết thúc phiên giao dịch, sau khi có thời điểm giảm hơn 1%.
Tuy nhiên, giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 tăng nhẹ 0,3% lên 1.681,10 USD.
Bob Haberkorn, chiến lược gia cấp cao về thị trường của RJO Futures cho biết: "Sự suy yếu của vàng đang đến bởi lợi suất trái phiếu Mỹ mạnh lên (và) đồng USD tăng nhẹ.
Chỉ số Dollar index tăng 0,5%, làm cho vàng thỏi – được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên mức cao nhất trong 11 năm.
Nhôm hồi phục
Giá nhôm kết thúc chuỗi 4 phiên giảm giá và tăng trong phiên vừa qua do thị trường lạc quan rằng các biện pháp kích thích sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các kim loại tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London đã tăng 1,2% lên 2,228 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong 18 tháng ở phiên trước đó.
"Dữ liệu của Trung Quốc có thể mang lại một số hy vọng rằng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng của họ đang bắt đầu mang lại kết quả nào đó về nhu cầu cuối cùng đối với kim loại công nghiệp", Nitesh Shah, chiến lược gia hàng hóa thuộc công ty WisdomTree ở London, cho biết
Cao su tăng
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản tăng vào thứ Năm, được hỗ trợ bởi giá cao su trên thị trường Thượng Hải mạnh và đồng yên giảm so với đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cam kết giữ thái độ "diều hâu" tới năm 2023 để kiềm chế lạm phát.
Hợp đồng cao su giao tháng 2 tại Sở giao dịch Osaka tăng 2,3 yên, tương đương 1,0%, lên 228,6 yên (1,57 USD)/kg. Trong tuần này, giá đã tăng 2%. Thị trường Nhật Bản sẽ đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Sáu.
Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giao tháng 1, tăng 145 nhân dân tệ lên mức 13.205 nhân dân tệ (1.862 USD)/tấn.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica giao tháng 12 tăng 2,25 cent, tương đương 1,0%, lên 2,2355 USD/lb.
Ngân hàng Rabobank cho biết lượng mưa tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil - trong hai tuần tới dự kiến sẽ ở mức tốt, và kỳ vọng mùa mưa năm nay ở Brazil nói chung sẽ trở lại bình thường để hỗ trợ sự ra hoa của cây cà phê trong vụ mùa 2023/24.
Giá cà phê robusta giao tháng 11 tăng 12 USD, tương đương 0,5% lên 2.238 USD/tấn.
Giao dịch cà phê ở Việt Nam tiếp tục chững lại trong tuần này do thiếu hạt cà phê, các thương nhân đang chờ vụ mùa mới bắt đầu vào tháng sau, trong khi nguồn cung bắt đầu giảm ở Indonesia vào cuối vụ thu hoạch ở đó.
Lúa mì cao nhất 2 tháng
Giá lúa mì kỳ hạn tương lai của Mỹ thiết lập mức cao nhất trong hai tháng vào thứ Năm do rủi ro xung đột sâu sắc ở Ukraine và thời tiết khô hạn ở các vùng trồng trọt của Argentina và Đồng bằng nước Mỹ Mỹ, các thương nhân cho biết.
Giá lúa mì giao tháng 12 tăng 7 US cent lên 9,10-3/4 USD/bushel vào lúc kết thúc phiên giao dịch, sau khi có thời điểm đạt 9,22-1/2 USD, mức cao nhất kể từ ngày 11/7.
Giá ngô tăng theo lúa mì, trong khi đậu tương giảm. Hợp đồng ngô kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên tăng 2-3/4 cent lên 6,88-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11 giảm 4-1/4 cent xuống 14,57 USD/bushel.
Điều kiện khô hạn đang bao trùm vùng Đồng bằng phía nam Mỹ, nơi nông dân đang trồng vụ lúa mì vụ đông 2023.
Bông giảm
Giá bông kỳ hạn tương lai trên sàn New York giảm vào thứ Năm trong bối cảnh lo lắng dai dẳng về nhu cầu và đồng USD tăng cao. Tâm lý chung của thị trường hàng hóa và tài chính là sự lo ngại về nhu cầu, gây áp lực lên giá hàng hóa nói chung, trong đó có bông.
Hợp đồng bông giao tháng 12 kết thúc phiên giảm 0,71 cent tương đương 0,7% xuống 96,21 cent/lb.
Trong phiên liền trước, thứ Tư ngày 21/9, giá đã kết thúc chuỗi ba phiên giảm và tăng 4,3% từ mức thấp nhất trong bảy tuần, được thúc đẩy bởi thị trường chứng khoán tăng điểm. Tuy nhiên, xu hướng giá tăng đã không thể kéo dài.
Khí đốt giảm mạnh ở Mỹ, tăng ở châu Âu
Giá khí tự nhiên tai Mỹ giảm khoảng 9% xuống mức thấp nhất gần 10 tuần vào thứ Năm do lượng dự trữ lớn hơn dự kiến, sản lượng cao kỷ lục và dự báo thời tiết ôn hòa cho đến đầu tháng 10, sẽ cho phép các công ty tiếp tục tích trữ khí trong những tuần tới.
Hợp đồng khí đốt giao sau 1 tháng trên thị trường Mỹ giảm 69,0 cent, tương đương 8,9% xuống 7,089 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBtu), mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 15/7.
Đó là mức giảm theo tỷ lệ phần trăm trong một ngày lớn nhất của hợp đồng kỳ hạn 1 tháng kể từ tháng 6, khi giảm khoảng 17%.
Bất chấp sự sụt giảm gần đây, giá khí đốt kỳ hạn tương lai tại Mỹ vẫn tăng khoảng 92% từ đầu năm đến nay do giá ở châu Âu và châu Á tăng khiến nhu cầu xuất khẩu LNG của Mỹ tăng mạnh.
Tại Châu Âu, giá khí đốt được giao dịch quanh mức 54 USD/mmBtu, trong khi ở châu Á là 40 USD.
Quặng sắt phục hồi
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên thị trường Trung Quốc tăng trở lại từ mức thấp nhất trong hai tuần, được hỗ trợ bởi sản lượng thép tăng ở nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Trung Quốc - và kỳ vọng nhu cầu tăng đối với nguyên liệu sản xuất thép trước kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng của nước này.
Quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, kỳ hạn tháng 1, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc giao dịch ở mức tăng 3,2% lên 718 nhân dân tệ (101,47 USD)/tấn.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 10 tăng 2,8% lên 98,35 USD/tấn.
Các nhà phân tích của công tyHuatai Futures cho biết giá quặng sắt có thể tiếp tục dao động, "có tính đến việc các khách hàng bổ sung lượng mua trước kỳ nghỉ lễ, nhu cầu thấp hơn dự kiến (thép hạ nguồn) và các tác động vĩ mô bất lợi".
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 23/9:
Minh Quân