Được "người tình" hứa thưởng 1 triệu USD, phi công Iraq đã lái MiG-21 đào tẩu sang Israel

Anh Tú | 03-11-2020 - 19:30 PM

(Tổ Quốc) - Nữ đặc vụ Mossad đã khuyến khích phi công Redfa bay đến Israel với cam kết anh ta sẽ được đối xử như “khách VIP”, được nhập quốc tịch kèm phần thưởng trị giá 1 triệu USD.

Điệp viên 007 bên chiếc MiG-21 huyền thoại

Cái chết của nam diễn viên huyền thoại Sean Connery ở tuổi 90 vào cuối tuần qua đã nhận được sự quan tâm rộng khắp từ thế giới điện ảnh, người nổi tiếng, cho tới chính trị gia và còn nhiều hơn thế nữa.

Trong số những tin tức chia buồn về sự ra đi của Connery người ta đặc biệt chú ý tới một bức ảnh được đăng tải trên trang Twitter của Không quân Israel (IAF) chụp cảnh nam diễn viên quá cố đang tạo dáng bên chiếc MiG-21 mang số hiệu “007", tên gọi của siêu điệp viên hư cấu người Anh - James Bond.

Câu chuyện về cách Mossad - cơ quan tình báo Israel đã "đánh cắp" được chiếc máy bay phản lực này của Iraq về Israel như thế nào là một diễn biến phi thường. Đó là kết quả của một cuộc “đảo chính tình báo” mà bản thân nó có thể được ví như một bộ phim “007” ngoạn mục.

Nội dung được IAF đăng tải trên Twitter có đoạn: “Năm 1967, Connery đã đến thăm Israel và chụp bức ảnh lịch sử này với Thiếu tướng Moti Hod, khi đó là Tư lệnh Không quân Israel với hình nền là một chiếc MiG-21 của Iraq được đánh số “007” đặt theo mật danh của James Bond”.

Chưa rõ chính xác lý do Connery có mặt ở Israel lúc đó nhưng chuyến thăm dường như diễn ra vào tháng 11/1967, thời điểm sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập.

Đoạn gay cấn nhất của câu chuyện bắt đầu với chiếc MiG-21F-13 Fishbed thuộc Không quân Iraq - một trong những phiên bản đầu tiên của dòng máy bay phản lực huyền thoại do Liên Xô chế tạo, hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Hatzor ở miền trung Israel vào ngày 16/8/1966.

Có mặt tại trung tâm kiểm soát khi đó là một phi công đào tẩu người Iraq tên là Munir Redfa. Khi hạ cánh xuống Israel, chiếc máy bay vẫn mang nhãn hiệu Không quân Iraq với số hiệu tiếng Ả Rập “534” trên mũi.

Được người tình hứa thưởng 1 triệu USD, phi công Iraq đã lái MiG-21 đào tẩu sang Israel - Ảnh 1.

Diễn viên huyền thoại Sean Connery tạo dáng bên chiếc MiG-21 mang số hiệu “007" cùng Thiếu tướng Moti Hod, Tư lệnh Không quân Israel. Ảnh: IAF

Chiến dịch Diamond

Ít nhất là từ đầu năm 1960, Israel đã phát động một chiến dịch lôi kéo các phi công quân sự Ả Rập đào tẩu cùng máy bay của họ sang Israel để Tel Aviv có cơ hội nghiên cứu đầy đủ khả năng của chúng.

Thời cơ đến với Mossad khi họ nắm được thông tin một nhóm phi công Không quân Iraq sẽ bắt đầu tham gia khóa huấn luyện tại Căn cứ Không quân Randolph ở Texas, Mỹ vào đầu năm 1965. Nguồn tin đến từ một cơ sở của Mossad ở Baghdad, thủ đô Iraq.

Nhân vật này mang mật danh “Yusuf” và là người sẽ đóng vai trò trung tâm trong toàn bộ câu chuyện liên quan tới chiếc MiG-21 sau này. Thông tin của Yusuf được chuyển tới Mossad qua Iran, quốc gia vào thời điểm đó vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Israel.

Kế hoạch của Mossad được cho là có liên quan đến việc sử dụng các nữ điệp viên để thu hút các phi công Iraq theo cách cổ điển mà cộng đồng tình báo vẫn gọi là “Bẫy Mật” (Honey Trap).

Hamid Dhahee, một trong những phi công Iraq được cho là đã bị bắn chết tại một quán bar ở Texas vào tháng 6/1965 sau khi anh này từ chối đề nghị đào tẩu do một trong những đặc vụ của Mossad đưa ra.

Không quân Iraq dường như đã kết thúc chương trình đào tạo của họ ở Mỹ ngay sau đó nhưng các đặc vụ Mossad cũng đã kịp thời thiết lập được “mối quan hệ” với ít nhất ba phi công nữa rồi bám theo họ trở về Iraq.

Được người tình hứa thưởng 1 triệu USD, phi công Iraq đã lái MiG-21 đào tẩu sang Israel - Ảnh 2.

Một biến thể MiG-21 giống như chiếc máy bay đã bị Israel sở hữu được. Ảnh: Drive

Tuy nhiên, một trong những mối liên hệ này nhanh chóng bị phá vỡ, dẫn đến việc một đại úy Không quân Iraq được cho là đã bị bắn chết trong một căn hộ ở Baghdad vào tháng 7/1965 bởi một điệp viên Mossad cài cắm.

Phi công thứ hai của Không quân Iraq cũng gặp số phận tương tự khi bị ném khỏi một chuyến tàu trong lúc đang khám chữa bệnh tại Đức vào tháng 2/1966. Theo tường thuận của Không quân Iraq thì viên phi công này đã bị ám sát sau khi đòi hỏi tài chính quá mức để đổi lấy việc đào tẩu.

Phi công Iraq thứ ba là Đại úy Munir Redfa. Anh ta đã kết hôn, nhưng được cho là đã ngoại tình với một đặc vụ Israel khi ở Mỹ. Redfa cũng có mối liên hệ gia đình với đặc vụ Yusuf khi kết hôn với một người em gái của bạn gái anh ta.

Theo các nguồn tin Israel, Redfa là ứng cử viên phù hợp nhất cho Chiến dịch Diamond vì trước đây anh ta đã từng bị từ chối thăng chức và tỏ ra không hài lòng khi phải thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu chống lại người Kurd ở Iraq.

"Operation Diamond" - Chiến dịch đánh cắp MiG-21 của Israel

Trong ấn phẩm Strategic Intelligence, giáo sư Ephraim Kahana cho rằng mối quan hệ giữa Redfa và nữ điệp viên Mossad được thiết lập ở châu Âu, nơi hai người đã đi nghỉ cùng nhau vào tháng 7/1966.

Nữ đặc vụ đã khuyến khích Redfa bay đến Israel với cam kết anh ta sẽ được đối xử như “khách VIP”, được nhập quốc tịch kèm phần thưởng trị giá 1 triệu đô la.

Kahana cũng nói rằng trong chuyến thăm Israel, Redfa đã gặp trực tiếp Thiếu tướng Mordechai Moti Hod - Tư lệnh Không quân Israel, người sau này đã chụp ảnh cùng với Connery bên chiếc MiG-21 mang số hiệu “007”.

Với những đề nghị hậu hĩnh như trên, có vẻ như Redfa không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đào tẩu.

Sau khi Mossad thu xếp cho các thành viên trong gia đình di tản an toàn đến Iran, Redfa đã quyết định đào thoát trong một lần tham gia huấn luyện dẫn đường thường lệ từ Căn cứ Không quân Habbaniyah, phía tây Baghdad vào ngày 16/8/1966.

Bay ngược về phía Tây, Redfa lái MiG-21 qua Jordan nhưng bay ở trần cao lớn để tránh các máy bay chiến đấu phản lực Hawker Hunter của Không quân Hoàng gia Jordan được cho là đã được triển khai đánh chặn.

Khi vào trong không phận Israel, anh ta được một cặp máy bay chiến đấu Mirage IIICJ của Không quân Israel tháp tùng, rồi hộ tống hạ cánh xuống Hatzor.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng chiếc máy bay trong hơn 100 giờ bay thử nghiệm với thời gian 12 tháng và căn cứ vào các cuộc thẩm vấn Redfa, Israel đã thu thập được nhiều dữ liệu quý giá về khả năng của MiG-21.

Những dữ liệu này đã được Israel sử dụng hiệu quả trong các cuộc không chiến tiếp theo với các nước láng giềng Ả Rập trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày vào tháng 6/1967.

Ngày nay, một máy bay sơn giống chiếc MiG-21 của Iraq vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng Không quân Israel ở Hatzerim nhưng thông tin chi tiết về cuộc đời của phi công Munir Redfa không được tiết lộ nhiều. Redfa được cho là đã qua đời ở Israel vì một cơn đau tim vào khoảng năm 1998.

Tuy nhiên, cũng giống như James Bond, chiếc MiG-21 “007” huyền thoại có vẻ như vẫn sẽ trường tồn cùng thời gian.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM