Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) được tổ chức tại Campuchia từ tháng 4-5/2023, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên những kỳ tích ngoài mong đợi để trở thành quốc gia xếp vị trí nhất toàn đoàn.


(Tổ Quốc) - Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 32) được tổ chức tại Campuchia từ tháng 4-5/2023, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên những kỳ tích ngoài mong đợi để trở thành quốc gia xếp vị trí nhất toàn đoàn.

Kỳ tích đó càng ý nghĩa hơn khi đây là lần đầu tiên Việt Nam giành vị trí đầu bảng trong kỳ SEA Games không do chúng ta tổ chức, và cũng là lần đầu tiên mà trong hai Kỳ đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á liên tiếp, Đoàn Thể thao Việt Nam xếp vị thứ nhất.

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 4): Kỳ tích SEA Games - Ảnh 1.

Theo kế hoạch, năm 2021, Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31). Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một đất nước tươi đẹp, mến khách, thân thiện và ưa chuộng hòa bình.

Việc tổ chức SEA Games 31 cũng chính là dịp để chúng ta khẳng định với các nước trong khu vực về sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, một điểm đến an toàn và là một quốc gia có nền thể thao được quan tâm và phát triển.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến từ đầu năm 2020 khiến tất cả các quốc gia đều đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân. Với sự tham mưu của Bộ VHTTDL, cuối tháng 10/2021, Bộ Chính trị đã đồng ý lùi SEA Games 31 đến quý 2 năm 2022, không đăng cai tổ chức ASEAN Para Games 11 tại Việt Nam.

Để có điều kiện cần cho việc tổ chức SEA Games 31, giải pháp đầu tiên mà Bộ VHTTDL đã tham mưu trình trình Chính phủ trước đó là cho phép mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế vào cuối tháng 10/2021.

Đây là một trong những tiền đề, bước chuẩn bị để chúng ta tiến tới mở cửa đón khách du lịch quốc tế vào ngày 15/3/2022, trước thời điểm tổ chức SEA Games 31 khoảng 2 tháng.

Những ngày sau đó là cả một quá trình chuẩn bị với đầy rẫy những khó khăn. Khó khăn thứ nhất đó là đã qua 18 năm kể từ lần đăng cai đầu tiên, thế hệ làm SEA Games trước thì nay đã nghỉ hết, thậm chí nhiều người không còn nữa. Và như vậy, gần như không được kế thừa.

Cái khó lớn thứ 2 là cơ sở vật chất của ta so với các quốc gia khác đang rất khiêm tốn, chưa đồng bộ, nếu không muốn nói là thiếu ngược thiếu xuôi, nhất là khi so với tiêu chuẩn đấu trường quốc tế.

Cái khó thứ 3 là trước thời điểm tổ chức, dịch bệnh vẫn rất căng thẳng. Câu hỏi hóc búa là lúc nào chúng ta mở cửa được? Và nếu tham mưu Chính phủ mở cửa thì mở cửa thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân? Nếu mở cửa với mô hình khép kín không có khán giả trên sân như Thế vận hội mùa Đông Trung Quốc hay Olympic Nhật Bản, thì cầm chắc hiệu ứng cộng hưởng sẽ giảm sút và cũng không đạt được mục tiêu kép mà chúng ta hướng đến.

Cái khó tiếp theo đó chính là việc thuyết phục các nước ASEAN tham dự Đại hội. Trong những ngày tháng đó, đã có không biết bao nhiêu cuộc họp trực tuyến giữa Việt Nam và các quốc gia đã diễn ra. Kinh phí cũng là một vấn đề hết sức đâu đầu trong bối cảnh đất nước đang khó khăn, kinh phí thì eo hẹp, nguồn lực đang gần như tập trung cho công tác phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế. 

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 4): Kỳ tích SEA Games - Ảnh 2.

Trong chuyến tháp tùng Đoàn kiểm tra các công trình, cơ sở vật chất và động viên các HLV, VĐV tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, Khu liên hợp thể thao Quốc gia vào ngày 18/4/2022, chúng tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện mà Thủ tướng đã rất "nóng ruột" và ngay lập tức chỉ đạo "phải đồng hành" khi nghe Thứ trưởng Bộ Tài chính báo cáo kinh phí chi cho SEA Games 31 đến tay Bộ VHTTDL mới chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng (trên tổng kinh phí tổ chức SEA Games 31 là 750 tỷ đồng) trong khi thời gian đến ngày khai mạc SEA Games 31 chưa đầy 1 tháng.  

Khó khăn là vậy, thế nhưng bằng tất cả sự nỗ lực quyết tâm, đồng lòng của toàn ngành VHTTDL, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành từ phía 12 địa phương cùng đăng cai tổ chức, SEA Games 31 vẫn được tổ chức thành công tốt đẹp.

"Chúng tôi phải mất những đêm thức trắng để suy nghĩ và cùng tập thể lãnh đạo bàn bạc, tính toán rất kỹ để tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Rất mừng là Ngành chúng tôi đã tham mưu đúng và trúng" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ với báo chí khi nói về SEA Games 31. 

Những ngày đó, phòng làm việc của Lãnh đạo Bộ, chuyên viên nhiều cơ quan đơn vị chuyên môn của Bộ lúc nào cũng sáng đèn đến hơn nửa đêm, còn tại trụ sở Tổng cục TDTT thì gần như không có ngày nghỉ. 

Có thể khẳng định, SEA Games 31 là một Kỳ Đại hội thể thao "đặc biệt" khi chúng ta đã vượt lên được giá trị của sự kiện ngày hội thể thao Đông Nam Á, của quốc gia có ngôi vị nhất toàn đoàn.

SEA Games 31 đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ nước nhà và bạn bè quốc tế bởi chắc hẳn, đó chính là "món ăn tinh thần" ý nghĩa nhất của nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế sau 2 năm bị dồn nén do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Qua đó cũng để khẳng định một tầm nhìn và sứ mệnh của ASEAN, đó là đoàn kết - hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển. SEA Games 31 đã diễn ra rất thành công và những ấn tượng đẹp sẽ còn lại mãi với tinh thần "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn".

Phát biểu trong Lễ bế mạc SEA Games 31, đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ VHTTDL cùng các địa phương đăng cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Hình ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiên, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển", một "Đông Nam Á mạnh mẽ hơn", một "Đông Nam Á đoàn kết, thống nhất trong đa dạng", một "Đông Nam Á cùng nhau tỏa sáng" đã được khắc họa xuyên suốt 17 ngày diễn ra Đại hội".

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 4): Kỳ tích SEA Games - Ảnh 3.

 

Kết thúc SEA Games 31 trong niềm hân hoan, hạnh phúc với những thành tích ngoài mong đợi, Việt Nam hừng hực khí thế tiến đến chinh phục những đỉnh cao mới tại SEA Games 32. Thế nhưng, cũng chính ngôi vị dẫn đầu đó đã tạo ra một áp lực vô cùng lớn đối với Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32.

Chúng tôi vẫn còn nhớ trong những cuộc họp để chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 cách đây ít tháng, lãnh đạo Tổng cục TDTT dù cam kết đặt quyết tâm cao nhất và cố gắng nằm trong trong Top 3 các quốc gia đứng đầu, nhưng chắc hẳn chưa bao giờ dám nghĩ đến mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu.

Thế nhưng, ngay từ những cuộc họp đó, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã rất cương quyết: "Không có lý gì mà tại SEA Games 31 chúng ta dẫn đầu mà đến kỳ SEA Games 32 chúng ta lại đặt mục tiêu thấp hơn được. Chúng ta phải đặt mục tiêu là tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu toàn đoàn để có kế hoạch và sự quyết tâm cao nhất. Phải tự tạo áp lực cho mình thì chúng ta mới có kết quả tốt nhất. Điều quan trọng hơn, phải quán triệt đến tất các HLV, VĐV Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải ý thức được mình chính là một đại sứ văn hóa quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người chúng ta ra bạn bè quốc tế".

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lưu ý đến toàn ngành thể thao đó là "Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế". Tinh thần này đã được lan tỏa mạnh mẽ đến từng VĐV, HLV, chuyên gia tham dự SEA Games 32. 

Từ đó đã tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm để các VĐV, HLV Việt Nam có những nỗ lực phi thường vượt qua điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, để lại những hình ảnh đầy ấn tượng về tinh thần thể thao trung thực, cao thượng để giành được những tấm huy chương quý giá, qua đó giúp cho Đoàn Thể thao Việt Nam xuất sắc giữ vững ngôi vị dẫn đầu với 359 huy chương các loại trong đó 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games.

Một số môn thể thao cũng đã đi vào lịch sử như đội tuyển bóng đã nữ lần thứ 4 liên tiếp bảo vệ thành công ngôi vô địch SEA Games; các môn Olympic như Golf, Bóng rổ lần đầu giành HCV. Bên cạnh đó nhiều môn thể thao cơ bản nằm trong hệ thống thi đấu Olympic và Asian Games đã khẳng định được trình độ đứng đầu khu vực, xếp hạng Nhất toàn đoàn như Vật (13 HCV), TDDC (4 HCV, Judo (8 HCV), Karatedo (6 HCV)…

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 4): Kỳ tích SEA Games - Ảnh 4.

"Đây là thành tích rất đáng khâm phục, mang lại niềm vui, vinh quang về cho nhân dân cả nước. đằng sau những tấm huy chương, những chiến thắng và vinh quang của các VĐV mà tiêu biểu là Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thanh Bảo, Lê Khánh Hưng hay HLV Mai Đức Chung là những vui, buồn, nỗ lực, cố gắng của từng người để vượt qua những vấn đề cá nhân phấn đấu đạt thành tích cao nhất, vì thành công chung của Thể thao Việt Nam" - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong buổi gặp mặt vào ngày 23/5 sau khi Đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 trở về.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn chia sẻ: "Những thành tích, những khó khăn, nỗ lực mà các bạn đã vượt qua đã mang đến niềm cảm hứng tươi mới để chúng tôi cũng như các bạn cùng cố gắng hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ của mình. Dù mỗi người một nhiệm vu khác nhau nhưng chúng tôi mong muốn sẽ đạt thành tích giống như các bạn đã đạt được tại SEA Games vừa qua".

Có thể khẳng định, sức mạnh của Đoàn Thể thao Việt Nam có được tại SEA Games 32 phải xuất phát từ một quá trình nỗ lực, phấn đầu rèn luyện lâu dài và bài bản bằng một tinh thần, thái độ nghiêm túc của các HLV, VĐV để đạt đúng điểm rơi phong độ.

Thế nhưng, để "tiếp lửa" cho sức mạnh đó được nhân lên nhiều lần thì chắc hẳn không thể thiếu được nguồn cổ vũ, động viên, quan tâm thường xuyên từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ VHTTDL và hàng triệu người hâm mộ.

Vẫn còn nhớ, chưa kịp nghỉ ngơi sau khi trở từ chuyến công tác dài ngày tại 3 nước Mỹ La Tinh theo chương trình làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ngay lập tức lên đường sang Campuchia để kịp thời động viên Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32.

Ngay ở Thủ đô Phnôm Pênh, nơi Đoàn Thể thao Việt Nam đang "đóng quân", Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có một buổi gặp mặt, và dặn dò rất gần gũi, thể hiện một niềm tin sâu sắc dành cho các VĐV, HLV. Đó được xem là nguồn động viên to lớn trong thời điểm các môn thể thao trọng điểm của chúng ta chuẩn bị bước vào thi đấu.

Với những thành tích đạt được tại SEA Games 32 lần này, Đoàn Thể thao Việt Nam đã lan tỏa, truyền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm, không lùi bước, không từ bỏ trước mọi khó khăn. Và trên tất cả, các VĐV của chúng ta đã tiếp tục hoàn thành sứ mệnh là một "đại sứ" quảng bá cho hình ảnh về văn hóa và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế./.

Bước chuẩn bị nhân lực giữa hai kỳ SEA Games

Trong giữa thời gian diễn ra hai kỳ SEA Games liên tiếp, Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX – Kỳ Đại hội được tổ chức quy mô nhất lịch sử ở Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khác (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hòa Bình, Vĩnh Phúc) với sự tham gia của hơn 17.000 người.

Đại hội là trường thi tài để các VĐV cùng nhau thổi bùng lên ngọn lửa khát khao, niềm tin chiến thắng và xác lập những kỷ lục mới của thể thao nước nhà và thắt chặt tình đoàn kết toàn Dân tộc. Đây cũng chính là bước chuẩn bị mang tầm dài hạn về phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đồng hành với khu vực và quốc tế.

(Bài cuối) Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến": Đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý để về đích

Thế Công
Thu Mai
Nam Nguyễn và CTV

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 3): Biến "nguy" thành "cơ" để vực dậy ngành Du lịch

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 2): Kiến tạo chính sách để Văn hóa thực sự "soi đường"

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 1): Thắp "ngọn lửa" nhiệt huyết để vượt qua "nghịch cảnh"