Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2021-2025 đã ở lại phía sau, có thể đánh giá toàn ngành VHTTDL đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, bước qua "nghịch cảnh" để dành được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả lĩnh vực, từng bước khẳng định về một ngành có vai trò, vị trí quan trọng, là sức mạnh "nội sinh" trong quá trình kiến tạo, phát triển đất nước.

(Tổ Quốc) - Nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2021-2025 đã ở lại phía sau, có thể đánh giá toàn ngành VHTTDL đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, bước qua "nghịch cảnh" để dành được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả lĩnh vực, từng bước khẳng định về một ngành có vai trò, vị trí quan trọng, là sức mạnh nội sinh trong quá trình kiến tạo, phát triển đất nước.

Quan trọng hơn, sau gần 2,5 năm thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, ngành VHTTTDL đã nhìn thấy được những nguyên nhân của kết quả và tồn tại hạn chế, để từ đó đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu làm cơ sở, hành trang quan trọng để tiến tới hoàn thành những mục tiêu cao cả trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

 Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 5): Đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý để về đích - Ảnh 1.

Khởi đầu nhiệm kỳ 2021-2025 của ngành VHTTDL là một bối cảnh hết sức "đặc biệt", chưa từng có trong tiền lệ khi tất cả các hoạt động Văn hóa- Thể thao- Du lịch tập trung đông người đều phải ngừng tổ chức để tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong tình thế khó khăn ấy, nhiệm vụ của ngành VHTTDL lại càng gian nan hơn, sự nỗ lực cố gắng lại càng phải nhân lên nhiều lần, không thể như thường lệ.

Qua gần 2,5 năm nỗ lực không ngừng nghỉ triển khai các nhiệm vụ với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", có thể khẳng định, ngành VHTTDL đã bước qua những ngày gian khó nhất để đạt được nhiều thành tích quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Thời gian gần 30 tháng thực hiện nhiệm vụ chính trị với biết bao thử thách gian nan đã để lại cho ngành VHTTDL nhiều bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó để làm cơ sở quan trọng cho toàn ngành tự tin đi tiếp chặng đường nửa sau của nhiệm kỳ 2021-2025.

Bài học đầu tiên đó là phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, khơi dậy được tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt để phát huy sức mạnh tập thể trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, trong nửa nhiệm kỳ qua, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ VHTTDL đã thường xuyên giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Trong tất cả các cuộc họp để triển khai nhiệm vụ ở ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đều yêu cầu các Thứ trưởng dù không thuộc lĩnh vực phụ trách của mình vẫn phải tham dự để trong quá trình thực hiện có sự thấu hiểu, phối hợp chặt chẽ, tạo thành một "véc tơ" cùng chiều. Bởi, VHTTDL là "cỗ xe tam mã" đều có sự liên quan chặt chẽ và khó tách rời nhau.

Không chỉ trong ngành, lãnh đạo Bộ VHTTDL còn chủ động trong phát huy sức mạnh tập thể khi ngay từ đầu nhiệm kỳ đã ký kết chương trình phối hợp với nhiều cơ quan ngoài ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…để thực hiện có hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Hiểu được những nhiệm vụ cao cả mà Bộ VHTTDL đang triển khai thực hiện, bên cạnh các cơ quan Trung ương, các địa phương trong thời gian cũng đã có sự phối hợp rất tích cực với ngành VHTTDL. Minh chứng cụ thể đó chính là thành công của SEA Games, việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được hưởng ứng mạnh mẽ...

Chính từ sự đoàn kết, đồng lòng, Bộ VHTTDL đã phát huy được sức mạnh tập thể để chủ động tham mưu "đúng" và "trúng" cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề, điểm nghẽn nhằm phát triển toàn diện lĩnh vực VHTTDL và gia đình.

Lịch sử đã chứng minh một điều, trong tất cả các cuộc cách mạng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của dân tộc của Đảng, Nhân dân ta trong lịch sử, mọi chiến thắng đều bắt nguồn từ sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết.

Quá trình đổi mới và kiến thiết xây dựng đất nước, bài học này lại càng được phát huy mạnh mẽ đã giúp đất nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, ngày càng giàu mạnh, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.

 Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 5): Đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý để về đích - Ảnh 2.

Bài học quan trọng thứ hai có thể thấy rõ đó là sự đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải sát tình hình thực tế, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, truyền cảm hứng, tạo động lực cho cấp dưới.

Năm 2021, Bộ VHTTDL lần đầu tiên thực hiện việc ký cam kết trách nhiệm giữa thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Bộ trưởng. Đó là một nét mới, dấu ấn nhằm nâng cao tính trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao cho ngành VHTTDL.

Chủ trương ký cam kết với Bộ trưởng được thủ trưởng các cơ quan đơn vị triển khai trên tinh thần đồng thuận cao, coi đây là động lực thúc đẩy nhiệm vụ công tác trong cơ quan, đơn vị.

Với tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật và có sản phẩm thật", các nội dung cam kết với Bộ trưởng đều là những nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất bao trùm trong hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Chính những kết quả thực hiện nhiệm vụ cam kết là cơ sở để phân loại, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ đối với thủ trưởng, các cơ quan đơn vị.

Việc nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL cũng thể hiện là sự nghiêm túc, gương mẫu trong thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên…

Một trong những bài học quan trọng qua nửa thời gian của nhiệm kỳ đó là về công tác cán bộ. Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Công tác cán bộ phải thực sự là then chốt của then chốt" tại Đại hội Đảng khóa XIII, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác tổ chức cán bộ tại Bộ VHTTDL được triển khai trên tinh thần công khai minh bạch, "mình đi tìm người chứ không phải người đi tìm mình".

Bước vào năm 2022, Bộ VHTTDL xác định chủ đề công tác năm là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ". Trong đó, công tác tổ chức cán bộ hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành đủ phẩm chất, năng lực, đề cao danh dự, lòng tự trọng và khát vọng cống hiến. Tạo bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bài học tiếp theo đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chính Minh khi nói về công tác kiểm tra, giám sát đã căn dặn: "Lãnh đạo không kiểm tra xem như không lãnh đạo".

Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đều đặn hàng tuần lãnh đạo Bộ VHTTDL đều chủ trì các cuộc giao ban tất cả các lãnh đạo quản lý các cơ quan trong Bộ nhằm phổ biến các nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành trong thời gian tới.

Sau mỗi cuộc giao ban, Văn phòng Bộ được lãnh đạo Bộ giao soạn thảo và ban hành kết luận, trong đó nêu rõ các chỉ đạo về tháo gỡ các điểm nghẽn cho từng ngành, từng đơn vị. Bản kết luận này được chuyển tới tất cả các đơn vị và đưa ra rà soát tại buổi giao ban tuần sau đó, nhằm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ đã giao.

Trong khoảng thời gian gần 2,5 năm qua, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã 2 lần chủ trì cuộc đối thoại với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Bộ trên tinh thần nói thẳng, nói thật, nói ngắn gọn vào những vấn đề mà các đơn vị chưa làm được để xem "điểm nghẽn" đang nằm ở đâu.

Có thể thấy rằng hai cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ VHTTDL cùng thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cũng nhằm tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được Bộ giao phó. Qua đó giúp cho các cán bộ cấp quản lý ý thức và trách nhiệm cao hơn với công việc của mình.

 Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 5): Đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý để về đích - Ảnh 3.

Ngành VHTTDL đã bước qua nửa chặng đường đầy gian nan, thử thách với nhiều kết quả đáng tự hào, đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, chặng đường nửa nhiệm kỳ phía sau vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách với nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của trong thời gian tới ngành VHTTDL đó là tiếp tục thể chế hóa các nhiệm vụ về lĩnh vực Văn hóa- Thể thao- Du lịch đã được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII; những mục tiêu cụ thể trong các Chiến lược phát triển của ngành đã được phê duyệt…

Song song với đó, ngành Bộ VHTTDL sẽ tập trung triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ nhằm chấn hưng và xây dựng thành công một nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Về thể chế, chính sách, trong năm 2023, ngành VHTTDL tập trung cho mục tiêu trọng tâm đó là tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

"Đây không chỉ là cho chúng ta hôm nay mà cho thế hệ mai sau. Không dễ gì mà chúng ta được đồng thuận để triển khai chương trình vào thời điểm này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Bộ VHTTDL cũng sẽ tập trung rà soát để tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành các bộ luật đó là: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo; Tham mưu Chính phủ hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tiếp theo; Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu rõ tại Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Đối với lĩnh vực Du lịch, mục tiêu lớn nhất đó là khẩn trương triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm sớm phục hồi, đưa ngành Du lịch trở lại như thời điểm trước COVID-19 bằng hàng loạt giải pháp đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề ra trong cuộc họp gần đây: Định vị lại thị trường tiềm năng; Đổi mới công tác xúc tiến quảng bá; Xây dựng chiến lược truyền thông chính sách toàn diện; Sớm tuyên truyền về chính sách visa, lưu trú thông thoáng của Việt Nam…

 Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 5): Đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý để về đích - Ảnh 4.

Song song với triển khai các giải pháp trên, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang dồn lực để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023 đó là đón 110 triệu lượt khách, trong đó 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa dự kiến đạt khoảng 102 triệu lượt. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế, bằng với thời điểm năm 2019.

Nhiệm vụ của lĩnh vực Thể thao thời gian tới đó là phát huy kinh nghiệm, tinh thần vượt mọi khó khăn từ hai kỳ SEA Games vừa qua, xem đó là bước đệm để tập trung nguồn lực, nhân lực, xây dựng chiến lược cụ thể để các VĐV Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến tới các mục tiêu lớn hơn trong thời gian tới như: ASIAD 2023 tại Hàng Châu, Trung Quốc; Olympic Paris 2024 tại Pháp; Bóng đá nữ tham dự World Cup 2023…

Nhiệm vụ trong thời gian tới đã được chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể, bối cảnh đất nước ở thời điểm này đã thuận lợi hơn rất nhiều so với thời điểm đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, để có cơ sở để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, trước hết toàn ngành VHTTDL cần có sự đánh giá toàn diện, cụ thể các kết quả thực hiện nhiệm vụ vào giữa nhiệm kỳ trên tinh thần "nhìn lại để tiến xa hơn".

Quan trọng hơn, toàn ngành cần quán triệt sâu sắc để phát huy những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút qua nửa nhiệm kỳ, từ đó để có kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ của nửa nhiệm kỳ sau trên phương châm đúng đắn xuyên suốt "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến".

Tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, những bài học kinh nghiệm quý giá, sự đồng thuận cao, đó sẽ là động lực, hành trang để toàn ngành đạt được những mục tiêu quan trọng đề ra trong cả nhiệm kỳ, đưa lĩnh vực VHTTDL từng bước khẳng định sứ mệnh cao cả của mình, phát triển lên một tầm cao mới theo hướng bền vững, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

(Hết)

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 1): Thắp "ngọn lửa" nhiệt huyết để vượt qua "nghịch cảnh"

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 2): Kiến tạo chính sách để Văn hóa thực sự "soi đường"

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 3): Biến "nguy" thành "cơ" để vực dậy ngành Du lịch

Nửa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ của ngành VHTTDL với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" (Bài 4): Kỳ tích SEA Games


Thế Công
Thu Mai
Nam Nguyễn và CTV