(Tổ Quốc) - Dù bạn là người nước nào thì khi đi du lịch, có thể bạn đã “bị lừa” ít nhất là một lần. Hãy cùng xem với những chiếc “bẫy” dưới đây, bạn đã từng là nạn nhân chưa, để đề phòng nhé.
Theo thống kê, năm 2016 có xấp xỉ 1,235 tỷ khách du lịch trên toàn thế giới, tăng 4% so với năm 2015. Điều này cho thấy nhu cầu được di chuyển và khám phá những miền đất mới ngày càng cao.
Tuy nhiên, càng nhiều người đi du lịch thì số người bị lừa cũng càng nhiều hơn. Theo lý giải của một số chuyên gia thì điều này là do tâm lý ta thường tin tưởng người bản địa hoặc những người cùng cảnh ngộ khi đi du lịch, do đó ít đề phòng. Và khi nhận ra thì nhiều khi, mọi chuyện đã quá muộn.
Vì thế, 10 chiêu trò đánh lừa khách du lịch dưới đây được tổng kết lại nhằm giúp bạn có một chuyến đi vui vẻ và an toàn nhất. Hãy đọc và cùng rút kinh nghiệm nhé.
1. Bị lừa trả tiền cho một món đồ vô giá trị
Bạn đang đi trên vỉa hè thì nhìn thấy một chiếc nhẫn, chiếc vòng hoặc đồ vật gì đó trông có vẻ đắt. Bạn nhặt lên, rồi có ai đó chạy tới, bảo bạn đừng cố gắng tìm chủ nhân của món đồ, vì là không thể, rồi chia đôi giá trị của món đồ này.
Vì anh ta/cô ta không mang theo tiền mặt nên ngỏ ý bảo bạn đưa cho anh ta/cô ta một số tiền nhất định thì bạn sẽ được giữ đồ vật ấy. Nhưng sau đó, khi đem món đồ đến cửa hàng vàng bạc để bán thì bạn mới vỡ lẽ nó là đồ giả, vô giá trị.
2. Bói toán lừa đảo
Ở nhiều nước, người dân địa phương kiếm tiền bằng cách mở các dịch vụ xem bói toán, tướng số bằng cách “nhìn” vào những đồ vật có giá trị của bạn như một tờ tiền mệnh giá lớn, đồng hồ hay vòng cổ, vòng tay.
Hãy cảnh giác, đừng bị qua mắt bởi những trò kiếm tiền này, dù những kẻ tự xưng là “thầy bói” kia sẽ cố gắng thuyết phục rằng họ sẽ giúp bạn vượt qua các vận hạn về tài chính hay tình duyên nếu bạn đồng ý xem bói và trả họ một khoản phí nào đó.
Ngoài ra cẩn thận vì họ có thể sẽ tráo đổi đồ vật của bạn bằng những đồ giả.
3. Taxi dù tính phí cao
Nếu đến một thành phố hay một đất nước khác, tốt nhất bạn nên chọn một hãng taxi uy tín để di chuyển. Nếu chưa chọn được thì hãy sử dụng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt.
Đừng tin các loại taxi dù vì có thể họ sẽ tính phí cao hơn cho bạn cũng như đi lòng vòng để kiếm thêm tiền của khách. Cũng lưu ý kiểm tra quãng đường từ điểm xuất phát tới điểm bạn muốn đến bằng phần mềm chỉ đường để tài xế khó có thể bịp được bạn.
4. Đổi tiền với giá trị thấp hơn
Bạn nên cẩn thận khi đổi trả tiền, dù là với các tài xế hay người bán hàng, vì có thể họ sẽ ăn gian tỷ giá.
Vì thế, hãy kiểm tra tỷ giá trước để không bị “hớ” nhé.
5. Bị lừa khi mua đồ
Có nhiều người bán hàng không thật thà, họ có thể làm nhiều việc một lúc, ví dụ như nói chuyện điện thoại, bán hàng cho khách, nhận tiền và trả lại tiền để làm bạn mất tập trung. Trong quá trình đó, anh ta hoặc cô ta có thể gian lận số tiền trên thẻ tín dụng của bạn nếu bạn trả bằng thẻ, hoặc trả lại số tiền ít hơn so với thực tế nếu bạn trả bằng tiền mặt.
Hoặc chúng có thể lừa đảo theo kiểu có 2 người bán hàng, một người sẽ đánh lạc hướng bạn, một người thừa cơ để lấy cắp thông tin hoặc gian lận với thẻ tín dụng của bạn.
6. Vé giảm giá
Khi bạn mua vé đi xem nhạc kịch, hòa nhạc hay vào bảo tàng từ những người bán hàng trên phố quảng cáo đây là “vé giảm giá” hay “vé khuyến mãi”, sẽ có khả năng đó là vé giả.
Cho dù đó là vé thật thì có thể bạn cũng đã mua với mức giá cao hơn so với mức giá thật của nó. Vì thế tốt hơn hãy mua vé từ các quầy vé chính thức hoặc trên trang web của công ty.
7. Giả vờ là cuộc gọi từ lễ tân
Khi bạn ở khách sạn, sẽ có ai đó gọi đến phòng của bạn, giới thiệu là nhân viên khách sạn, muốn xin thông tin thẻ tín dụng của bạn để trả cho các dịch vụ bạn sử dụng.
Nên nhớ rằng đừng bao giờ đưa những thông tin đó cho bất kỳ ai. Nếu bị buộc phải cung cấp thông tin, bạn hãy nói rằng mình sẽ xuống quầy lễ tân và trả trực tiếp. Hầu hết trong các trường hợp, kẻ lừa đảo sẽ rút lui ngay.
Cũng cần nhớ rằng những khách sạn đàng hoàng sẽ chỉ yêu cầu khách thanh toán khi trả phòng.
8. Bị lừa khi đi thuê nhà
Đôi khi các vị khách du lịch không thích ở trong khách sạn mà lại thích thuê một căn phòng của nhà dân hoặc thuê cả căn hộ. Có khả năng bạn sẽ gặp phải những chủ nhà bất lương, bắt bạn phải trả một khoản phí “làm hỏng tài sản” của họ.
Để ngăn chặn khả năng này xảy ra, hãy ký hợp đồng trước khi dọn vào, trong đó có nêu rõ thông tin về khả năng đồ đạc bị làm hỏng hay có khoản phí phát sinh nào không.
9. Những người “bạn mới” đáng ngờ
Chiêu trò này phổ biến ở những điểm du lịch bụi, khi du khách không ở trong khách sạn mà ở trong những kiểu phòng trọ “ký túc xá”, trong đó có nhiều chiếc giường trong một căn phòng.
Những kẻ lừa đảo có thể làm quen, đóng vai trò “bạn tốt” với bạn trong vài ngày và thừa lúc bạn sơ hở, sẽ ăn trộm tiền hoặc những đồ vật có giá trị của bạn.
Để tránh gặp phải tình huống này, nên chọn ở khách sạn. Nếu vẫn muốn ở kiểu phòng trọ “ký túc xá” nói trên thì hãy chọn những nơi có két sắt an toàn cho khách du lịch. Ngoài ra, không nên tiết lộ thông tin về kế hoạch đi nghỉ của bạn cho những người lạ.
10. Gọi nhờ điện thoại
Một người trông rất hoảng hốt hoặc bối rối tiếp cận bạn trên phố, hỏi bạn có thể cho anh ta hoặc cô ta mượn điện thoại không vì vừa đánh mất điện thoại, hoặc vừa bị cướp.
Kết quả là sau khi lấy lại điện thoại, bạn phát hiện ra tài khoản của mình bị âm một khoản tiền lớn. Có thể kẻ lừa đảo kia đã gọi cho một số điện thoại có sẵn mà trong đó, bạn sẽ bị tính phí rất cao. Và dĩ nhiên là khoản tiền này sẽ rơi vào tài khoản của hắn.
Để đối phó lại trong trường hợp này, hãy dùng loại sim trả trước thay vì trả sau và không để nhiều tiền trong tài khoản, hoặc sử dụng loại tài khoản không cho phép có số tiền âm.
Theo Bright Side