• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc”: Những điều chưa biết về những cô gái anh hùng

17/10/2005 10:53

Truyện ký “10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc” là tác phẩm viết tiếp từ “Đài hoa tím” của nhà văn Nghiêm Văn Tân- kể về những cô gái thanh niên xung phong hy sinh trong khi đảm bảo huyết mạch giao thông ở ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tác giả thú nhận đây là một việc lớn và anh đã bỏ khoảng thời gian 10 năm để có được gần 200 trang sách.

Truyện ký “10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc” là tác phẩm viết tiếp từ “Đài hoa tím” của nhà văn Nghiêm Văn Tân- kể về những cô gái thanh niên xung phong hy sinh trong khi đảm bảo huyết mạch giao thông ở ngã ba Đồng Lộc trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tác giả thú nhận đây là một việc lớn và anh đã bỏ khoảng thời gian 10 năm để có được gần 200 trang sách.

Tác giả đã trở lại chiến trường khoảng 2 năm sau ngày các cô gái anh dũng hy sinh. “Dưới nấm mồ là một con người, là một cuộc đời, là những nỗi đau và hạnh phúc, là ước mơ và chờ đợi, là bao nhiêu mối quan hệ với nhiều người còn đang sống trên cõi đời này... Tôi chưa biết hết. Tôi phải tìm hiểu về từng người một, từng gia đình một để có thể phát họa đôi nét chân dung đủ mười liệt sĩ khi còn sống, giúp cho ai đến thăm mộ người đã khuất đều có thể hình dung ra vài nét cơ bản về từng cô đang yên nghỉ dưới mồ” (tr.192). Sau đó là tác phẩm “Đài hoa tím” ra đời và đến bây giờ, được tái bản, bổ sung thêm nhiều tư liệu về cuộc hành trình.

Từ phần I với tên gọi “Đài hoa tím” là câu chuyện kể về cuộc sống và chiến đấu của tiểu đội A 4 anh hùng, của những cô gái tuổi mười tám đôi mươi, đã gác lại tất cả để lên đường làm nhiệm vụ một người con trước cảnh nước nhà bị xâm lược. Tác phẩm tái bản có bổ sung này, có hẳn phần II, gồm có hai chương “Đêm” và “Ngày”- phần gây cho độc giả sự cảm phục. Tác giả đã ghi lại quá trình mấy mươi năm đi tìm lại cuộc đời của các cô gái, lặn lội bao nhiêu lần, trăn trở, suy nghĩ ra sao... Đọc sách, ta không có cảm giác như tác giả đang kể công với những chuyến đi vất vả của mình, mà cùng đồng cảm với một nhà văn nghiệp dư bất lực trước thực tế chiến trường vĩ đại, trước những tấm gương anh hùng còn tiềm ẩn những triết lý sâu xa của những đời thường của một dân tộc đang đứng lên tìm lại mình.

Tác phẩm đã tái hiện lại hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong mà tên tuổi họ đã đi vào lịch sử. Những trang viết của Nghiêm Văn Tân giúp cho người đọc hình dung lại chiến trường ác liệt ở ngã ba Đồng Lộc. Nhưng qua sự ác liệt của chiến tranh, ông đã thể hiện được tính cách, hoàn cảnh của từng cô thanh niên xung phong đã hy sinh. Võ Thị Tần sống hạnh phúc trong tình yêu thương của gia đình, Nguyễn Thị Nhỏ là nạn nhân của người cha vô trách nhiệm, mẹ mất sớm, sống với người chị, còn Hồ Thị Cúc thì chịu cảnh mất người thân trong nạn đói khủng khiếp... Mỗi người mỗi cảnh, họ đã gặp nhau ở lòng yêu nước và ước mơ đến một ngày độc lập. Các cô gái tuổi xuân phơi phới đã mang hành trang ấy vào chiến trường và nơi đâu gian khổ nhất là họ tình nguyện đến, không màng đến gian khổ hiểm nguy.

Tập truyện ký của Nghiêm Văn Tân mang đến cho độc giả có những chi tiết mà có thể nhiều người chưa biết về các cô gái anh hùng này. Mãi mãi, họ sống trong lòng mọi người với hình ảnh trinh trắng, kiên trung. Lần tìm theo từng địa chỉ để đến với các gia đình của các liệt sĩ ấy, những sự thật về cuộc đời của các cô được tái hiện lại: trong cuộc sống, mỗi cô gái có hoàn cảnh riêng, cũng trải qua những bất hạnh khổ đau và cả hạnh phúc. Chính những điều ấy đã làm cho độc giả như thêm quý, thêm yêu và kính phục vì sự vươn lên của họ.

Không cầu kỳ trong câu chữ, không tô điểm thêm cho những nhân vật anh hùng, cũng không để tình cảm lấn lướt trang viết, bằng giọng văn buồn buồn, tác giả đã kể lại những câu chuyện cách đây mấy chục năm như của chính người thân mình. Độc giả có thể nhận thấy một tình cảm nồng hậu dàn trải trong từng câu, từng chữ. Quyển sách đã góp thêm một tiếng nói chân thật về những hình ảnh của những người con đất Việt đã nằm xuống vì hòa bình của dân tộc.

(Theo Báo Cẩn Thơ)

NỔI BẬT TRANG CHỦ