(Toquoc)-Để nói đến thành tựu, nói đến một bộ phim nào có chất lượng, để lại dấu ấn trong lòng khán giả như một thời “Cánh đồng hoang”; “Mùa gió chướng”… đã có thì một thập kỷ qua là con số không tròn trĩnh.
(Toquoc)-Để nói đến thành tựu, nói đến một bộ phim nào có chất lượng, để lại dấu ấn trong lòng khán giả như một thời “Cánh đồng hoang”; “Mùa gió chướng”… đã có thì một thập kỷ qua là con số không tròn trĩnh.
Qua 10 mùa giải Cánh diều- một hoạt động thường niên của Hội Điện ảnh trong thập kỷ qua thì có tới 3 năm “mất mùa” Cánh diều Vàng, đó là vào các năm 2004, 2007 và 2008. Một thập kỷ không phải là dài nhưng nhìn lại những thành tích của điện ảnh Việt những năm qua thì có nhiều mối lo hơn là niềm vui. Ngoài phim tài liệu có sự khởi sắc thì các loại hình khác đều đang suy giảm chất lượng, trong đó đặc biệt là phim truyện nhựa và phim truyền hình.
Dòng chảy đa dạng…
Theo xu thế hội nhập, điện ảnh Việt Nam cũng đã có những sự chuyển biến khác biệt trong mười năm qua. Trong đó, phải kể đến sự nở rộ hãng phim tư nhân và thị trường Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ của các nhà làm phim Việt kiều.
Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh, Trưởng ban Lý luận phê bình của Hội Điện ảnh đánh giá: Một thập kỷ mới của điện ảnh nước ta được bắt đầu từ năm 2000 với sự kiện Việt Nam tham gia Liên hoan phim châu Á- Thái Bình Dương. Thập kỷ này cũng đánh dấu sự trở lại ủng hộ của khán giả đối với màn ảnh nhỏ, phá tình trạng “đóng băng” các rạp chiếu phim từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20.
Nhìn lại những thành tích của điện ảnh Việt những năm qua thì có nhiều mối lo hơn là niềm vui (Ảnh minh họa)
Bà Lan cũng cho biết: Có 4 dòng phim điện ảnh chính đóng góp cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà trong thập kỷ qua. Đó là dòng phim nhà nước đặt hàng, phim tư nhân sản xuất, phim Việt kiều sản xuất và dòng phim độc lập. Phim do nhà nước đặt hàng mỗi năm chỉ có từ 2-5 phim, tập trung vào đề tài truyền thống chiến tranh cách mạng, lịch sử, vấn đề xã hội quan tâm. Phim này có nhược điểm là đầu ra hạn chế, số lượng càng ngày càng ít và không thu hút được khán giả. Trong khi đó phim tư nhân hầu hết chỉ mang tính thương mại, giải trí và “hốt bạc” dịp lễ, Tết, cũng không thiếu những phim được coi là thảm họa phim Việt. Tuy nhiên, đã có những nhà sản xuất tư nhân gần đây quan tâm tới phim về lịch sử, xã hội có giá trị nghệ thuật cao, đó là điều đáng mừng bởi dòng phim này đang tiến đến sự đa dạng về đề tài và cách thể hiện.
Trong thập kỷ qua, các đạo diễn Việt kiều về nước làm phim cũng khá nhiều nhưng lực lượng chính vẫn là thương hiệu của các hãng phim tư nhân. Bên cạnh những thành công, dòng phim có sự tham gia của đạo diễn Việt kiều vẫn có những bất cập, trong đó có việc “đạo” phim, trầm trọng hóa bi kịch nhân vật, lời thoại ngây ngô… Một dòng phim mới xuất hiện trong những năm gần đây là phim độc lập như phim “Rừng Na Uy”, “Bi, đừng sợ”, “Cánh đồng bất tận”... Tuy nhiên, dòng phim này mới chỉ manh nha, chưa hình thành rõ nét, mặc dù được giải thưởng quốc tế song chưa nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả.
…nhưng không có chủ lưu
Khởi sắc là vậy, nhưng để nói đến thành tựu, nói đến một bộ phim nào có chất lượng, để lại dấu ấn trong lòng khán giả như một thời “Cánh đồng hoang”; “Mùa gió chướng”… đã có thì một thập kỷ qua là con số không. Đó là quan điểm của ông Đoàn Minh Tuấn- Nhà biên kịch, Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Thế giới Điện ảnh.
Theo ông Tuấn, chúng ta không có phim hay. Đó là vì chúng ta đã quá dễ dãi trong việc cho các đạo diễn làm phim. Nếu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đạo diễn trẻ ra trường vài năm còn chưa được giao phim, sau vài năm mới được làm phim một tập thì ở ta, vừa ra trường đạo diễn có thể đã làm phim, thậm chí là phim dài tập. Ông Tuấn cho rằng: 10 năm qua, chúng ta vẫn làm phim theo lối cũ, vẫn cách kể chuyện cũ, thậm chí là cũ hơn cả những phim làm từ giữa thế kỷ trước. “Mọi thứ đều rõ ràng tốt xấu, phân định rõ địch, ta, đang kể câu chuyện của nhà này thì phải kể hết mới sang câu chuyện nhà khác. 10 năm qua, đã có cảnh quay nào hấp dẫn để chúng ta xem đi xem lại không chán? Lời thoại thì ngô nghê, quá thừa, không có câu nào đắt giá. Diễn viên đích thực không có, toàn ca sỹ, hoa hậu đi đóng phim. Thật thảm hại”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Không nói về chất lượng phim, nhưng đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cũng cho rằng, điện ảnh Việt Nam đang suy thoái. Ông cho rằng, sự tụt lùi này là do chúng ta đang bỏ quên nhu cầu hưởng thụ văn hóa của bộ phận người dân vùng nông thôn, miền núi… Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chia sẻ: “Chúng ta mới có khoảng 100 rạp chiếu phim, trong khi nhiều nước trong khu vực có đến 1000 rạp, các rạp lại chỉ được xây dựng ở tỉnh, thành phố lớn. Một bộ phận rất lớn là những người dân vùng núi, nông thôn không được thưởng thức điện ảnh. Hơn nữa, việc chiếu bóng hiện nay cũng không được chú trọng thực hiện. Trách nhiệm của Nhà nước là phải xây rạp chiếu bóng ở nông thôn, như đã xây sân bay, làm đường vậy”.
Lý giải vì sao không có phim hay, vị đạo diễn của “Người đàn bà nghịch cát” cho rằng: “Do chúng ta còn nửa vời trong quản lý. Điện ảnh là hàng hóa nhưng lại không được tự do như các hàng hóa khác. Chúng ta đừng so sánh phim Việt với phim Mỹ vì phim Mỹ quá tự do. Chúng ta đã cổ phần hóa các hãng phim nhưng vẫn là “một thành viên”- vậy là vẫn nhốt vào, không xã hội hóa được”.
Những bất cập trong phát triển của nền điện ảnh đã được nhắc đến nhiều qua nhiều hội thảo. Như vậy không phải là chúng ta không nhận ra hạn chế của ta và nguyên nhân của hạn chế đó. Song vẫn chưa có một hành động lớn nào khả dĩ có thể khắc phục được những tồn tại này. Ấy là vì chúng ta đang bất lực và vô cảm trước những nguyên nhân làm suy yếu nền điện ảnh Việt- Đạo diễn Vũ Xuân Hưng- Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam. Và một khi, những nguyên nhân còn chưa được giải quyết thì khó có hy vọng, điện ảnh Việt sẽ có những bộ phim hay, trở thành niềm tự hào của người Việt.
Ngày 8/3, Hội thảo “Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam nhìn nhận và đánh giá” đã mở đầu cho Ngày Điện ảnh Việt Nam năm 2012 tại Hà Nội. Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá đây là một cơ hội nhìn nhận lại một thập kỷ sáng tạo của những người làm điện ảnh nước nhà và đưa ra các giải pháp để phát triển điện ảnh Việt Nam trong thập kỷ tới theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, vững chắc. Đóng góp đánh giá điện ảnh Việt Nam trong thập kỷ qua, các nhà biên kịch, đạo diễn đã thẳng thắng chỉ ra những yếu kém, bất cập trong tất cả các khâu như kịch bản, quay phim, dựng phim, âm nhạc, diễn viên chuyên nghiệp cũng như các cơ chế chính sách của Nhà nước với điện ảnh. Theo ý kiến của các đại biểu thì những bất cập của điện ảnh nước nhà không phải là mới nhưng thực sự chưa có giải pháp đồng bộ để giải quyết. Đóng góp của các nhà làm phim tại Hội thảo này sẽ góp phần giúp Cục Điện ảnh xây dựng Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
|
Hà An