(Tổ Quốc) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, với nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Thủ đô.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" là Nghị quyết vô cùng quan trọng, với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện đối với các vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục.
Tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng, góp phần đổi mới trong phổ cập giáo dục, đổi mới sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giáo dục và tự chủ đại học...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, những kết quả này là rất đáng khích lệ, tuy nhiên, so với yêu cầu của nguồn lực chất lượng cao, kết quả vẫn còn khiêm tốn. Việc đổi mới đang đi vào chiều sâu, đồng nghĩa với nhiều thách thức được đặt ra.
Trong 10 năm qua, số lượng học sinh tăng cao đặt ra áp lực rất lớn cho giáo dục Thủ đô về trường lớp, đội ngũ nhân lực. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm của các cấp, các ngành nên Thành phố Hà Nội có tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia rất cao. Hà Nội đã tăng cường đầu tư, phục vụ dạy học trong nhà trường; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đi đầu cả nước; cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài được coi trọng.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Hà Nội quan tâm tới các kiến nghị, đề xuất cho giai đoạn mới, đặc biệt là những kiến nghị, cơ chế, đặc thù cho Thủ đô để đưa nền giáo dục không chỉ đi đầu cả nước mà còn vươn ra các nước trên thế giới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà các đơn vị đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, với nhiều cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực.
Phó Bí thư Thành ủy biểu dương một số quận, huyện đã có cách làm phù hợp với thực tiễn và đem lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục đào tạo như: Thanh Xuân, Ba Vì, Đan Phượng… nhờ đó, chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý một số địa phương còn chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết 29-NQ/TW đối với công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn…
Phó Bí thư Thành ủy cho biết, trong 10 năm qua, Thành phố đã đầu tư khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này và trong 10 năm tới, con số cũng tương đương. Điều đó cho thấy, Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác giáo dục đào tạo, đồng thời, chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường qua thí điểm chính sách đặt hàng trong giáo dục đào tạo, giúp giải quyết việc thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý đội ngũ của mình trong các nhà trường.
Ngoài ra, Thành phố cũng quan tâm đến các cấp học, ngành học, kể cả đào tạo nghề. Nhờ đó, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi, chất lượng giáo dục đào tạo các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như, công tác phân luồng học sinh học nghề còn chưa tốt, vẫn còn tư tưởng trọng bằng cấp, việc xã hội hóa để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư cho giáo dục đào tạo, dạy nghề và giáo dục đại học còn khiêm tốn. Đặc biệt, bệnh thành tích trong giáo dục đào tạo của Thủ đô vẫn còn nặng nề, thể hiện qua việc địa phương chỉ đề cập đến học sinh đoạt giải mà không chú trọng đến chất lượng giáo dục đại trà…
Khắc phục những tồn tại này, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị trên địa bàn Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, qua đó, các huyện "xích gần hơn" với các quận. Trong đó, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về lĩnh vực này; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu ngành giáo dục đào tạo tham mưu Thành phố rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đối với các đơn vị liên quan, cần tiếp tục quan tâm đến văn hóa học đường, quan tâm đến lĩnh vực thể thao học đường để phát triển toàn diện và chú trọng giáo dục sáng tạo trong hệ thống giáo dục của Thủ đô.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cụ thể, xây dựng cơ sở dữ liệu của đội ngũ cán bộ, giáo viên để phục vụ luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng khi cần thiết. Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo của Thủ đô; chú trọng việc thu hút các nguồn lực xã hội hóa công tác giáo dục…