• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2017

Kinh tế 18/12/2017 17:49

(Tổ Quốc) - Báo Điện tử Tổ Quốc tóm lược 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2017 được độc giả quan tâm, theo dõi:

1.Lần đầu tiên hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,7%

(Nguồn: Internet)

Năm 2017, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý; lãi suất giảm từ 0,5-1%; tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định; dự trữ ngoại hối tăng; thị trường chứng khoán khởi sắc, thu ngân sách đạt khá; nợ công trong giới hạn quy định.

Kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đặc biệt, lần đầu tiên trong những năm gần đây, 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra đã hoàn thành và vượt kế hoạch, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng trước đây rất khó đạt được như tổng mức đầu tư xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, bội chi

2. Nông nghiệp phục hồi ấn tượng, đạt mức trên 3% trong điều kiện khó khăn.

Năm 2017, lĩnh vực nông nghiệp gặt hái nhiều thành công. Bộ trưởng. Trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, trong khi cùng kỳ năm ngoái mức tăng chỉ là 0,65%. 

Sự bứt phá vượt bậc này trước hết là dựa vào ngành thuỷ sản tăng trưởng trên 5%. Điều này thể hiện sự chuyển dịch nhanh chóng và kịp thời cơ cấu nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản.

Theo tính toán, 1 ha đất nông nghiệp sau khi chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm sẽ cho giá trị cao hơn gấp 4,5 lần, nhờ đó đóng góp thêm nhiều hơn vào GDP. 

3. Cổ phần hóa DNNN sẽ thêm động lực mới

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong 11/2017, cả nước mới cổ phần hóa (CPH) được 21 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tổng số tiền thu được từ CPH là 2.214,64 tỷ đồng; thoái được 5.209,4 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước hơn 25.000 tỷ đồng. Như vậy, nhiệm vụ thu từ thoái vốn, CPH phải nộp về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội tính đến hết tháng 11/2017 là hơn 22.709 tỷ đồng, chỉ đạt 37,84% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế, năm 2018, hoạt động thoái vốn, CPH DNNN sẽ có thêm những động lực mới bởi hiện tại một loạt DNNN quy mô lớn đã công bố kế hoạch IPO và thoái vốn. Quá trình thoái vốn DNNN cũng đang có những diễn biến tốt khi Nhà nước muốn bán với tỷ lệ sở hữu lớn, đơn cử như Sabeco, Nhà nước sẽ bán hơn 53% vốn điều lệ.

Điều này thể hiện rõ thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thoái vốn, CPH ở những lĩnh vực kinh tế mà Nhà nước không cần kiểm soát thì cho khu vực tư nhân tham gia.

4.. Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể

Hàng loạt thủ tục hành chính tại Bộ Công Thương đã được cắt giảm nhằm tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh (Nguồn: Internet).

Năm 2017, môi trường kinh doanh đã có những thay đổi lớn đáng ghi nhận mà trong đó phải kể đến những quyết sách của Đảng và nhà nước với cách nhìn khác về kinh tế tư nhân. Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 hay Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là những động lực lớn, mạnh mẽ thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển hơn nữa.

Nhiều chính sách đột phá, tạo đường hướng phát triển cho doanh nghiệp. Chưa bao giờ vai trò của doanh nghiệp được đề cao với cơ chế đối thoại mạnh mẽ như hiện nay. Không chỉ Chính phủ mà chuyển động cải cách thủ tục hành chính đã lan xuống các bộ ngành, địa phương. Trong đó, điển hình là Bộ Công thương với lần cắt 675 điều kiện kinh doanh. Nhiều phiên đối thoại giữa địa phương và doanh nghiệp cũng thực chất hơn.

Dù vậy, vẫn còn những vướng mắc lớn như: vấn đề chi phí, lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động, kéo theo phí BHXH cao, phí công đoàn... đè nặng lên doanh nghiệp…

5. Ráo riết giải quyết 12 dự án “đắp chiếu”, thua lỗ

Với sự sát sao của Phó Thủ tướng,Trưởng Ban chỉ đạo 12 dự án thua lỗ Vương Đình Huệ, năm qua, các dự án “đắp chiếu” đã lần lượt được từng bước được xử lý, một số dự án được tháo gỡ… Điều này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và dõi theo của truyền thông, dư luận.

Ban chỉ đạo đã làm việc trực tiếp với 9/12 dự án, nắm tình hình, cùng địa phương và bộ ngành có phương án xử lý. Ngay sau đó, hàng trăm văn bản chỉ đạo sát sườn từng dự án đã được ban hành. Đến nay, một số dự án có chuyển biến ban đầu tốt. Đặc biệt là nhóm 4 nhà máy sản xuất phân bón đã hoạt động trở lại. 2 nhà máy thép có chuyển biến tích cực. Nhà máy bột giấy Phương Nam lên phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản...

6. Ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh

Thị trường chứng khoán phái sinh phái sinh ra đời sẽ có tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của thị trường chứng khoán cơ sở, qua đó sẽ làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hỗ trợ thị trường phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từng khẳng định, phát triển TTCK phái sinh nhằm tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn làm động lực cho phát triển kinh tế xã hội - đây là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời kỳ đổi mới.

7. Đạt được thỏa thuận TPP-11, đổi tên hiệp định CPTPP

Các bộ trưởng trong phiên họp tại Đà Nẵng cũng đã thống nhất tên gọi mới cho TPP là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). (Nguồn: Internet)

Bên lề tuần lễ cấp cao APEC 2017, các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Đà Nẵng từ ngày 8-10/11 để thảo luận về việc sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong tình hình mới.

Các bộ trưởng trong phiên họp tại Đà Nẵng cũng đã thống nhất tên gọi mới cho TPP là: Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Có 20 điều khoản tạm hoãn, bao gồm điều khoản về sở hữu trí tuệ. Đồng thời ra tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng “giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP” nhưng cho phép các nước thành viên “tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ” để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.

8. Khởi động cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới và những người có thu nhập thấp cũng có thể tận dụng và thụ hưởng trực tiếp thành quả.

Nhờ cách mạng 4.0 mà lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm.

Do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã “lỡ nhịp” cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, và khẳng định: “Cơ hội của Việt Nam sẽ ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này là rất lớn” và phải chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm để nắm bắt được cơ hội phát triển đất nước.

9. Bất cập trong các dự án BOT gây bức xúc xã hội

Việc triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có theo hình thức BOT phải đặt trạm thu phí dẫn đến người dân không còn sự lựa chọn, có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh các bức xúc của người dân.

Nhiều trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách trên cùng tuyến đường hoặc vị trí đặt trạm chưa hợp lí. Bằng chứng là trong tổng số 70/88 trạm đang thu phí trên các tuyến quốc lộ thì có 10 trạm khoảng cách 60 - 70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.

Qua phản ánh của người dân, hiện Bộ GTVT mới chỉ xử lý được 6/74 trạm có bất cập. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước chưa có giải pháp quản lý nguồn thu của các trạm thu một cách hiệu quả, minh bạch dẫn đến còn có hiện tượng thất thoát doanh thu.

Hiện nay, các dự án BOT chỉ kêu gọi được nhà đầu tư trong nước với nguồn lực hạn chế mà chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tín dụng nước ngoài. Khung pháp lý điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện.

10. Xét xử hàng loạt đại án kinh tế

Hàng loạt các vụ án lớn về kinh tế đã được đưa ra xét xử trong năm 2017, gồm:  Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV); vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn; vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group)…

Hà Giang

 

 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ